Nguyên tắc chung áp dụng ưu đãi thuế TNDN chi tiết

02/02/2023
2351

Kế toán cần lưu ý gì về các loại ưu đãi thuế TNDN để hỗ trợ cho các nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định đầu tư, cũng như cần lưu ý những gì để đảm bảo việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN trong quá trình doanh nghiệp hoạt động là tuân thủ theo quy định hiện hành?  Bài viết này sẽ trình bày tới bạn đọc các nguyên tắc chung để áp dụng ưu đãi thuế TNDN. 

Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo chi tiết hơn các nội dung liên quan đến ưu đãi thuế TNDN như dưới đây:

  • Ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực với dự án đầu tư mới;
  • Ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực với dự án đầu tư mở rộng;
  • Ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn (áp dụng cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng);
  • Ưu đãi thuế TNDN theo quy mô.

Căn cứ pháp lý:

  • Điều 18, Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày ngày 18/06/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Thông tư về thuế.
  • Công văn số: 2586/TCT-CS ngày 23/06/2020 v/v chính sách thuế
  • Công văn số: 16825/CTHN-TTHT ngày 19/04/2022 v/v ưu đãi thuế TNDN
  • Công văn số: 12024/BTC-TCT ngày 27/08/2014 v/v chính sách thuế TNDN

1. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN

Hình 1: 5 nguyên tắc chung để áp dụng ưu đãi thuế TNDN

Nguyên tắc 1

Chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai (Khoản 1, Điều 18, Thông tư 78/2014/TT-BTC).

Nguyên tắc 2

Nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng (Khoản 2, Điều 18, Thông tư 78/2014/TT-BTC).

Việc phân bổ thu nhập trong trường hợp không thể tách riêng được thu nhập từ hoạt động được hưởng ưu đãi và không được hưởng ưu đãi được thực hiện theo 1 trong 2 cách dưới đây:

Cách 1: (trong thực tế các doanh nghiệp hay áp dụng theo cách này)

Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi = Tổng thu nhập tính thuế x Doanh thu của hoạt động SXKD được hưởng ưu đãi thuế
Tổng doanh thu

Cách 2: 

Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi = Tổng thu nhập tính thuế x Chi phí được trừ của hoạt động SXKD ưu đãi thuế
Tổng phí được trừ của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế

Nguyên tắc 3

Trong cùng một kỳ tính thuế, nếu có một khoản thu nhập thuộc diện áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế theo nhiều trường hợp khác nhau thì doanh nghiệp tự lựa chọn một trong những trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi nhất (Khoản 7, Điều 18, Thông tư 78/2014/TT-BTC)

>> Tìm hiểu ngay: Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất

Nguyên tắc 4

Bù trừ lãi lỗ (Khoản 9, Điều 18, Thông tư 78/2014/TT-BTC)

  • Bù trừ lãi lỗ trong kỳ tính thuế:

Trường hợp trong cùng kỳ tính thuế, doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế bị lỗ, hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, thu nhập khác của các hoạt động kinh doanh có thu nhập (hoặc ngược lại) thì doanh nghiệp bù trừ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động có thu nhập do doanh nghiệp lựa chọn. Phần thu nhập còn lại sau khi bù trừ áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất của hoạt động còn thu nhập. 

Lưu ý: Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không được bù trừ với lỗ của hoạt động được hưởng ưu đãi mà được áp dụng thuế suất phổ thông theo theo quy định hiện hành (20% ở thời điểm hiện tại).

Ví dụ 1: Trong kỳ tính thuế năm 2019, doanh nghiệp A có phát sinh

Các hoạt động Tình hình lãi lỗ
Hoạt động sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế Lỗ 1 tỷ
Hoạt động kinh doanh máy tính không thuộc diện ưu đãi thuế Lãi 1 tỷ
Hoạt động chuyển nhượng chứng khoán Lãi 2 tỷ

Doanh nghiệp có thể lựa chọn bù trừ lỗ hoạt động sản xuất phần mềm với lãi của hoạt động kinh doanh máy tính hoặc lãi hoạt động chuyển nhượng chứng khoán. Cụ thể thuế TNDN được tính như sau:

    • Bước 1: Bù trừ lỗ 1 tỷ hoạt động sản xuất phần mềm và lãi 1 tỷ hoạt động kinh doanh máy tính;
    • Bước 2: Phần thu nhập còn lại từ hoạt động kinh doanh chứng khoán nộp thuế theo thuế suất phổ thông năm 2019: 2 tỷ x 20%.
  • Chuyển lỗ từ kỳ trước:

Trường hợp trong các kỳ tính thuế trước, doanh nghiệp đang bị lỗ (nếu còn trong thời hạn chuyển lỗ) thì doanh nghiệp phải chuyển lỗ tương ứng với các hoạt động có thu nhập. Nếu doanh nghiệp không tách riêng được lỗ của từng hoạt động thì doanh nghiệp chuyển lỗ vào thu nhập của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trước, sau đó vẫn còn lỗ thì chuyển vào thu nhập của hoạt động không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Lưu ý: Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không được bù trừ với lỗ của hoạt động được hưởng ưu đãi mà sẽ áp dụng thuế suất phổ thông theo theo quy định hiện hành (20% ở thời điểm hiện tại).

Ví dụ 2: Trong kỳ tính thuế năm 2018, doanh nghiệp có lỗ 2 tỷ đồng tuy nhiên không tách riêng được khoản lỗ này là của hoạt động nào. Trong kỳ tính thuế năm 2019, doanh nghiệp A có phát sinh:

Các hoạt động Tình hình lãi lỗ
Hoạt động sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế Lãi 2 tỷ
Hoạt động kinh doanh máy tính không thuộc diện ưu đãi thuế Lãi 2 tỷ
Hoạt động chuyển nhượng chứng khoán Lỗ 1 tỷ

Bù trừ lãi lỗ phát sinh trong năm (2019) trước. Doanh nghiệp A phải thực hiện bù trừ lỗ năm 2018 vào thu nhập của hoạt động đang được ưu đãi trước (hoạt động sản xuất phần mềm):

    • Bước 1: Bù trừ lãi lỗ năm 2019: Bù trừ lỗ hoạt động kinh doanh chứng khoán với hoạt động kinh doanh máy tính (2 tỷ – 1 tỷ).
    • Bước 2: Chuyển lỗ năm 2018: Bù trừ lỗ năm 2018 với lãi hoạt động phần mềm (2 tỷ – 2 tỷ). 
    • Bước 3: Kê khai, nộp thuế với phần thu nhập còn lại theo thuế suất tương ứng: 1 tỷ x 20%.

Nguyên tắc 5

Xử lý các tình huống phát sinh trong trường hợp Cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra (Khoản 10, Điều 18, Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Khi cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra đơn vị, nếu kết luận thanh tra có điều chỉnh thì cơ hội áp dụng mức thuế suất ưu đãi tốt hơn trong từng trường hợp như sau:

Trường hợp Cơ hội áp dụng mức thuế suất ưu đãi tốt hơn
Tăng số thuế TNDN được hưởng ưu đãi thuế so với đơn vị tự kê khai (kể cả trường hợp doanh nghiệp chưa kê khai để được hưởng ưu đãi thuế)  Đơn vị được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp do kiểm tra, thanh tra phát hiện 

=> Doanh nghiệp vẫn có cơ hội được áp dụng mức thuế suất ưu đãi tốt hơn ngay cả khi đã thanh tra, kiểm tra nếu cơ quan thanh kiểm tra kết luận theo mức thuế suất này

Giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế so với đơn vị tự kê khai  Doanh nghiệp chỉ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo theo quy định đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp do kiểm tra, thanh tra phát hiện 

=> Doanh nghiệp có rủi ro bị truy vấn nếu áp dụng ưu đãi với mức cao hơn quy định

2. Các hoạt động không được áp dụng ưu đãi thuế TNDN 

Khoản 1, Điều 10, Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Khoản 3, Điều 18, Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định các hoạt động không được áp dụng ưu đãi thuế TNDN bao gồm:

  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;
  • Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC);
  • Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư;
  • Chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản;
  • Thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam;
  • Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản;
  • Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. 

>> Có thể bạn quan tâm: [Tổng hợp] Danh sách các mẫu tờ khai trong hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2022 kế toán cần nhớ

3. Các hướng dẫn của Cơ quan thuế liên quan đến nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN

Ví dụ 1:  Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động chế biến thủy sản đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế TNDN theo quy định và có phát sinh cả thu nhập từ các hoạt động khác không được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì làm như thế nào?

Trả lời: Công văn số 2586/TCT-CS của Tổng cục thuế ngày 23/06/2020 hướng dẫn nguyên tắc số 2 trên đây. Cụ thể, doanh nghiệp cần phải tách riêng thu nhập của hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN và hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế TNDN như sau:

Căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động chế biến thủy sản nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP và Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên thì thu nhập từ hoạt động chế biến thủy sản được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định. Trường hợp trong cùng một thời gian doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất.

Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng. Số thuế phải nộp tại các địa phương trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN được xác định trên cơ sở phần thu nhập phát sinh tương ứng tại các địa phương.

Trường hợp Công ty có đơn vị (hoặc dự án) hình thành do chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi sở hữu (bao gồm cả trường hợp thực hiện dự án đầu tư nhưng vẫn kế thừa tài sản, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp cũ để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh), mua lại doanh nghiệp hoặc mua lại dự án đầu tư đang hoạt động thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện đầu tư mở rộng.

Ví dụ 2: Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo nhiều loại ưu đãi thuế TNDN khác nhau như: Địa bàn, Lĩnh vực hay Quy mô thì áp dụng ưu đãi thuế TNDN như thế nào?

Trả lời: Công văn số 16825/CTHN-TTHT ngày 19/04/2022 của Cục thuế TP. Hà Nội hướng dẫn cho nguyên tắc 1 và nguyên tắc 3, cụ thể (i) ưu đãi thuế TNDN chỉ áp dụng với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ nộp thuế TNDN theo kê khai và (ii) nếu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo nhiều mức khác nhau thì có thể lựa chọn mức ưu đãi có lợi nhất. Cụ thể như dưới đây.

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

– Nếu dự án điện năng lượng mặt trời của doanh nghiệp đáp ứng dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì được áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, khoản 16 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

– Nếu thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định tại Phụ lục ban hành theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP thì được áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, khoản 16 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

– Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và dự án điện năng lượng mặt trời của doanh nghiệp đáp ứng dự án đầu tư mới thuộc Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo từ ánh sáng mặt trời tại điểm 8 Mục VI- Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ thì được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP , khoản 12 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo điều kiện thực tế đáp ứng.

– Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN phải đáp ứng quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ.

Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai. Trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất.

>> Xem thêm: Hướng dẫn kết chuyển lỗ khi xác định thuế TNDN trong một số trường hợp

Ví dụ 3: Trong quá trình hoạt động, Công ty đang áp dụng ưu đãi miễn thuế TNDN phải nộp trong 2 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 4 năm. Khi Cơ quan thuế vào thanh tra xác định doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo mức miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 10 năm. Vậy số thuế TNDN đã nộp thừa trong quá khứ sẽ được xử lý như thế nào?

Trả lời: Công văn số 12024/BTC-TCT ngày 27/8/2014 hướng dẫn áp dụng nguyên tắc số 5. Cụ thể nếu doanh nghiệp kê khai mức ưu đãi chưa phù hợp thì được kê khai điều chỉnh, bổ sung. 

  • Trường hợp Cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra và phát hiện chưa phù hợp thì áp dụng theo xử lý của Cơ quan thuế. 
  • Nếu sau khi điều chỉnh lại, doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì được bù trừ với số tiền thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo. 
  • Nếu sau khi điều chỉnh lại dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế thiếu vào NSNN và không phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế (nếu có). 

Như vậy, trong ví dụ này, số thuế đã nộp thừa trong quá khứ có cơ hội được bù trừ với thuế phải nộp tại các kỳ trong tương lai.

Căn cứ quy định nêu trên:

– Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư (địa bàn thành lập doanh nghiệp) nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh và thu nhập ở nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau mà đã kê khai, nộp thuế TNDN chưa phù hợp với hướng dẫn nêu trên thì được kê khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định tại Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý thuế. Nếu việc kê khai điều chỉnh, bổ sung theo hướng dẫn nêu trên dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế thiếu vào NSNN và không phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế (nếu có).

– Trường hợp doanh nghiệp đã được cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra có nội dung liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế TNDN nêu trên nhưng xử lý chưa phù hợp với hướng dẫn nêu trên thì sẽ điều chỉnh lại theo hướng dẫn nêu trên. Nếu sau khi điều chỉnh lại, doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì được bù trừ với số tiền thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo. Nếu sau khi điều chỉnh lại dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế thiếu vào NSNN và không phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế (nếu có).

Đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW căn cứ văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn nêu trên để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp áp dụng thực hiện theo đúng quy định.

Như vậy, nếu nắm được nguyên tắc áp dụng ưu đãi cũng như các điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng để có thể được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong thực tế thì doanh nghiệp có thể dễ dàng xây dựng chiến lược tối ưu hóa về thuế cũng như tận dụng được lợi ích về dòng tiền có thể mang lại. 

Hy vọng nội dung bài viết trên có thể mang tới cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về ưu đãi thuế TNDN. Mời bạn đọc tiếp tục tìm hiểu chi tiết về các loại hình ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực, theo địa bàn đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng trên MISA AMIS. 

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo
  • ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn.

Dùng ngay miễn phí

Tổng hợp: NTM

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả