Những điều cần biết về khoán trong hoạt động xây dựng

01/02/2023
3952

Hiện nay, hình thức khoán trong các hoạt động kinh tế đã trở lên phổ biến và có mặt ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Có thể kể đến như khoán sản lượng trong nông nghiệp, khoán sản phẩm trong công nghiệp, khoán doanh thu trong dịch vụ … Hoạt động xây dựng không nằm ngoài xu thế đó. Đa số các doanh nghiệp xây dựng cũng thực hiện những hình thức khoán để tối ưu hiệu quả kinh tế. Nội dung về khoán trong xây dựng ra sao, căn cứ thực hiện khoán gồm những nội dung gì, chúng ta cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết này.

1. Nội dung khoán trong xây dựng cần nắm

1.1 Khoán trong xây dựng là gì

Khoán trong xây dựng là một biện pháp kinh tế thực hiện trong hoạt động xây dựng, khoán là sự thỏa thuận giữa bên giao khoán và bên nhận khoán để hoàn thành một khối lượng công việc xây dựng nhất định. Thỏa thuận khoán quy định quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện của mỗi bên trong quá trình thực hiện khoán. Thỏa thuận khoán thông thường được lập theo hình thức hợp đồng gọi là hợp đồng giao nhận khoán.

1.2 Bên giao khoán và Bên nhận khoán:

Tham khảo quy định tại khoản 3, điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng:

“Điều 3. Các loại hợp đồng xây dựng

Theo mối quan hệ của các bên tham gia trong hợp đồng, hợp đồng xây dựng có các loại sau:

a) Hợp đồng thầu chính là hợp đồngxây dựngđược ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu chính hoặc tổng thầu.

b) Hợp đồng thầu phụ là hợp đồng xây dựng được ký kết giữa nhà thầu chính hoặc tổng thầu với nhà thầu phụ.

c) Hợp đồnggiao khoánnội bộ  hợp đồng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu thuộc một cơ quan, tổ chức.

d) Hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài là hợp đồngxây dựng được ký kết giữa một bên là nhà thầu nước ngoài với nhà thầu trong nước hoặc chủ đầu tư trong nước.”

Như vậy, xét theo quy định về hợp đồng xây dựng thì hợp đồng khoán chỉ áp dụng đối với Bên giao khoán và Bên nhận khoán thuộc cùng một cơ quan, tổ chức.

  • Bên giao khoán là Chủ đầu tư dự án: giao khoán cho tổ, đội, bộ phận trực thuộc để thực hiện công trình/hạng mục công trình xây dựng (trong phương thức đầu tư công trình xây dựng cơ bản do Chủ đầu tư tự thực hiện);
  • Bên giao khoán là Nhà thầu thi công (đã ký kết hợp đồng giao nhận thầu với Chủ đầu tư): giao khoán cho tổ, đội, bộ phận trực thuộc để thực hiện công trình/hạng mục công trình xây dựng đã ký kết với Chủ đầu tư.

Lưu ý, một số trường hợp hợp tác khác khi ký kết hợp đồng xây dựng như sau:

  • Chủ đầu tư ký hợp đồng xây dựng với doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân khác không thuộc chủ đầu tư: được gọi là Hợp đồng giao nhận thầu xây dựng;
  • Nhà thầu thi công (đã ký kết hợp đồng giao nhận thầu với chủ đầu tư) ký hợp đồng xây dựng với doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân không thuộc nhà thầu thi công: được gọi là Hợp đồng thầu phụ.

1.3 Các yếu tố trong khoán xây dựng:

Khoán trong xây dựng thường bao gồm 3 yếu tố:

Hình 1: 3 yếu tố quan trọng trong hợp đồng khoán
  • Bên giao khoán:
    • Bên giao khoán là bên có dự án/công trình/hạng mục công trình cần thực hiện. Như đã phân tích ở trên, Bên giao khoán có thể là chủ đầu tư hoặc bên nhận thầu xây dựng với chủ đầu tư. 
    • Trong thực tế, Bên giao khoán xây dựng thường là các doanh nghiệp xây dựng được nhận thầu các dự án/công trình/hạng mục công trình và phải hoàn thành các công việc đó cho chủ đầu tư. Bên nhận thầu (doanh nghiệp xây dựng) khi được giao thực hiện những dự án/công trình/hạng mục công trình từ bên giao thầu (chủ đầu tư) sẽ tiến hành nhiều biện pháp để tổ chức thi công xây dựng, trong đó có biện pháp khoán. 
    • Trong hợp đồng thực hiện khoán, bên giao khoán cần quản lý, giám sát chất lượng, tiến độ bên nhận khoán thực hiện, và là bên thanh toán giá trị hợp đồng cho bên nhận khoán.
  • Bên nhận khoán: 
    • Bên nhận khoán là các tổ, đội, cá nhân có năng lực (cùng thuộc một tổ chức), được bên giao khoán giao cho hoàn thành toàn bộ hoặc một phần của dự án/công trình/hạng mục công trình mà bên giao khoán đảm nhận thực hiện. 
    • Bên nhận khoán thông thường là các tổ đội thi công trực thuộc bên giao khoán.
    • Trong thực hiện khoán, bên nhận khoán thường đóng vai trò bên thực hiện công việc, là bên nhận được thanh toán.
  • Nội dung giao nhận khoán: 
    • Nội dung giao nhận khoán bao gồm các nội dung: 
      • Nội dung về công việc giao nhận khoán; 
      • Nội dung về định mức khoán; 
      • Nội dung về quyền lợi, trách nhiệm của bên giao khoán, bên nhận khoán.

Giao nhận khoán xây dựng là việc thỏa thuận và ký kết văn bản về giao khoán (phổ biến nhất là hợp đồng giao nhận khoán ký giữa bên giao khoán và bên nhận khoán) để thực hiện khối lượng xây dựng theo các điều khoản ghi trong hợp đồng giao, nhận khoán.

>> Xem thêm: Kế toán chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp xây dựng

1.4 Ý nghĩa của khoán trong xây dựng:

  • Khoán là một phương thức quản lý hữu hiệu, bởi: 
    • Bên giao khoán quản lý bằng cách thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu khối lượng, chất lượng công việc thực hiện bởi bên nhận khoán theo các nội dung đã thống nhất khi giao nhận khoán (thông thường là thỏa thuận tại hợp đồng giao nhận khoán).
    • Bên giao khoán giao quyền quản lý các yếu tố của quá trình thi công xây dựng (như tổ chức công trường, quyết định biện pháp thi công, tiến độ thi công, bố trí nhân lực) cho bên nhận khoán.
    • Bên nhận khoán có nghĩa vụ thực hiện một số chỉ tiêu, bảo đảm các điều kiện như thỏa thuận tại hợp đồng giao nhận khoán và được hưởng các quyền lợi như đã quy định trong hợp đồng giao nhận khoán.
  • Khoán đem lại lợi ích cho các bên tham gia khoán:
    • Bên giao khoán: 
      • Khối lượng công việc được thực hiện bảo đảm chất lượng theo yêu cầu với chi phí thấp hơn, tiến độ phù hợp hơn. Do đặc thù của hoạt động xây dựng, các công trình/ hạng mục công trình có thể đồng thời được thi công trên nhiều địa bàn, do vậy, thực hiện giao khoán giúp giảm chi phí thi thi công, chi phí quản lý, đồng thời đảm bảo tiến độ cho bên giao khoán.  
    • Bên nhận khoán: 
      • Hình thức khoán gắn liền lợi ích vật chất của bên nhận khoán với khối lượng, chất lượng, tiến độ thi công công trình. Lợi ích vật chất của bên nhận khoán thể hiện rõ trong quá trình thực hiện hợp đồng giao nhận khoán. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, tiến độ hợp đồng làm cơ sở đảm bảo lợi ích thì bên nhận khoán sẽ có nhiều biện pháp thi công hiệu quả, tiết kiệm chi phí (vật tư, nhân công, máy thi công), đồng thời xác định rõ trách nhiệm vật chất trong công tác xây dựng đến từng tổ đội, từng cán bộ thi công, từng công nhân trực tiếp thực hiện công việc.
  • Phát huy năng lực của các bên tham gia khoán:
    • Thông qua giao nhận khoán, bên giao khoán có thể phát huy năng lực tính toán định mức khoán, các yếu tố khoán hợp lý, năng lực quản lý, giám sát thi công…
    • Hình thức khoán cũng giúp phát huy khả năng sẵn có trên nhiều mặt của bên nhận khoán. Thông thường bên nhận khoán sẽ đảm nhận các công việc được giao khoán theo khả năng thi công có ưu thế của mình. Ví dụ, tổ thi công có nhiều máy móc thi công nền móng sẽ nhận khoán phần thi công nền móng; tổ thi công có máy móc thi công và nhiều thợ kinh nghiệm thi công công trình hầm sẽ nhận khoán phần công trình hầm; tổ thi công có sẵn giàn giáo thi công nhà cao tầng sẽ nhận khoán phần thi công xây nhà…

>> Có thể bạn quan tâm: Giá thành sản phẩm xây dựng và những điều cần biết

2. Căn cứ thực hiện khoán trong xây dựng

2.1 Các văn bản pháp lý có liên quan

Quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng giao nhận khoán trong xây dựng phải được dựa trên các căn cứ sau:

  • Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về xây dựng;
  • Hồ sơ thiết kế, dự toán công trình;
  • Quy định, văn bản nội bộ doanh nghiệp về quy chế giao khoán, định mức giao khoán, quy chế thưởng …;
  • Hồ sơ liên quan đến tính toán các điều kiện khoán cụ thể cho từng công trình/hạng mục công trình.

2.2 Giá trị giao khoán

Giá trị giao khoán thể hiện tổng số chi phí tối đa để thực hiện công trình/hạng mục công trình giao khoán. 

Đây cũng là giá trị mà bên giao khoán thanh toán cho bên nhận khoán sau khi hoàn thành công việc (trường hợp thực hiện công việc đúng Hợp đồng giao khoán, không có phát sinh).

Bên giao khoán căn cứ vào các hồ sơ như thiết kế thi công, dự toán công trình (hoặc giá trị dự toán giao nhận thầu ký với chủ đầu tư) để tính toán giá trị giao khoán. Giá trị giao khoán cộng với các khoản thưởng khoán (nếu có) thông thường sẽ thấp hơn giá trị công trình/hạng mục công trình theo dự toán mà bên giao khoán phải thực hiện.

Giá trị giao khoán do bên giao khoán lập, bên nhận khoán sẽ căn cứ giá trị giao khoán để cân đối khả năng thực hiện của mình và thống nhất với bên giao khoán. 

Về cơ bản giá trị giao khoán sẽ đáp ứng được yêu cầu của cả hai bên:

  • Bên nhận khoán sau khi giao khoán sẽ tiết kiệm được chi phí hoặc đẩy nhanh được tiến độ thi công.
  • Bên nhận khoán sẽ được bảo đảm về công việc, có thêm các khoản thu nhập từ khoán hoặc được thưởng khi hoàn thành mức khoán.

2.3 Hợp đồng giao khoán

Hợp đồng giao nhận khoán là bản ký kết giữa người giao khoán và người nhận khoán về công việc giao nhận khoán; nội dung về định mức khoán; nội dung về quyền lợi, trách nhiệm của bên giao khoán, bên nhận khoán.

Hợp đồng giao nhận khoán được lập trên cơ sở thống nhất giữa bên giao khoán và bên nhận khoán. Hợp đồng giao nhận khoán trong xây dựng là một loại hợp đồng xây dựng, vì vậy nó phải có những nội dung như quy định trong Luật xây dựng như sau: 

  • Căn cứ pháp lý áp dụng;
  • Ngôn ngữ áp dụng;
  • Nội dung và khối lượng công việc;
  • Chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu và bàn giao;
  • Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng;
  • Giá hợp đồng, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán và thanh toán hợp đồng xây dựng;
  • Bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng;
  • Điều chỉnh hợp đồng xây dựng;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thưởng và phạt vi phạm hợp đồng;
  • Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng;
  • Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng;
  • Rủi ro và bất khả kháng;
  • Quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng;
  • Các nội dung khác.

Khoán trong xây dựng là biện pháp kinh tế thường được sử dụng trong hoạt động xây dựng. Thực hiện khoán trong xây dựng bảo đảm sự hài hòa lợi ích của cả hai bên: bên giao khoán nhận tác động tích cực đến việc giảm giá thành sản phẩm xây dựng; bên nhận khoán thu được lợi ích gắn liền với công việc đang thực hiện (làm tốt được thưởng). Khi thực hiện khoán cần tuân thủ những căn cứ pháp lý, giá trị giao khoán, hợp đồng giao nhận khoán để việc thực hiện khoán xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật, thuận lợi cho việc thực hiện của các bên trong giao nhận khoán. Nội dung về các hình thức khoán và các vấn đề lưu ý khi thực hiện khoán sẽ được gửi tới bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

>> Đọc thêm các bài viết cùng chủ đề doanh nghiệp xây dựng:

Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán doanh nghiệp xây dựng nói riêng và tất cả loại hình doanh nghiệp nói chung, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu và đặc trưng doanh nghiệp xây dựng:

  • Quản lý hồ sơ công trình.
  • Quản lý tài sản cố định, khấu hao tài sản.
  • Quản lý hoạt động đầu tư xây lắp.
  • Quản trị dòng tiền.

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán xây dựng MISA AMIS tại bài viết: Phần mềm kế toán xây dựng đầy đủ tính năng, dễ sử dụng

Hiện nay, với thế mạnh về công nghệ, sự tiện dụng trong sử dụng, phần mềm kế toán MISA AMIS đã trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và xây dựng công trình trên toàn quốc. Anh chị quan tâm và muốn trải nghiệm thử phần mềm kế toán MISA AMIS có thể đăng ký miễn phí (15 ngày) dưới đây:

Dùng ngay miễn phí

Người viết: Lê Kim Tiến

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả