Lĩnh vực Xây lắp Tổng hợp các điểm mới về định mức xây dựng theo Thông...

Trong hoạt động xây dựng thì định mức xây dựng là một khái niệm vô cùng quen thuộc và cũng là chỉ tiêu rất quan trọng khi triển khai các hoạt động xây dựng. Đối với các doanh nghiệp xây dựng thì việc nắm bắt, thực hiện định mức xây dựng cũng là một trong những đầu mục công việc thường xuyên để đảm bảo hiệu quả hoạt động xây dựng là cao nhất.  Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng MISA AMIS tìm hiểu về định mức xây dựng, cơ sở ban hành định mức xây dựng, những nội dung mới về định mức xây dựng ban hành theo Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng.

1. Định mức xây dựng là gì?

1.1. Định mức xây dựng là gì?

Định mức xây dựng là quy định về mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng. 

Định mức xây dựng cũng quy định về mức hao phí của từng loại vật liệu để cấu thành nên một đơn vị khối lượng công tác xây dựng hoặc một loại cấu kiện hay kết cấu xây dựng; định mức chi phí quản lý dự án và và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.

Một đơn vị khối lượng công việc xây dựng ở đây có thể được sử dụng trong các trường hợp sau:

(i) Một đơn vị khối lượng công tác khảo sát xây dựng từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc công tác khảo sát theo đúng yêu cầu kỹ thuật, quy trình, quy phạm quy định.

(ii) Một đơn vị khối lượng công tác xây dựng từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc công tác xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật (kể cả những hao phí cần thiết do yêu cầu kỹ thuật và tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo thi công xây dựng liên tục, đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật).

(iii) Một đơn vị khối lượng công tác lắp đặt từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc công tác lắp đặt theo đúng yêu cầu kỹ thuật (kể cả những hao phí cần thiết do yêu cầu kỹ thuật và tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo thi công xây dựng liên tục, đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật).

(iv) Một đơn vị khối lượng công tác lắp đặt từ khi chuẩn bị, kiểm tra các chi tiết, phụ tùng lắp đặt của máy và thiết bị đến khi lắp đặt hoàn thành, kết thúc việc chạy thử kiểm tra chất lượng công tác lắp đặt máy và thiết bị công nghệ (nếu có) theo yêu cầu kỹ thuật.

(v) Một đơn vị công tác thí nghiệm chuyên ngành xây dựng từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc công tác thí nghiệm theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm kỹ thuật.

(vi) Một đơn vị khối lượng công tác sửa chữa và bảo dưỡng từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc công tác sửa chữa và bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Ví dụ: Định mức xây dựng cho một khối lượng xây dựng xây gạch (1m3 xây móng)

AE.21000- XÂY MÓNG:

Đơn vị tính: 1m3 

Mã hiệu Công tác xây dựng Thành phần hao phí Đơn vị Chiều dày (cm)
33 >33
AE.21 Xây móng Vật liệu
Gạch viên 550 539
Vữa m3 0,290 0,300
Nhân công 3,5/7 công 1,42 1,26
Máy thi công
Máy trộn vữa 150l ca 0,035 0,036
110 210

1.2. Hệ thống định mức xây dựng

Hệ thống định mức xây dựng bao gồm định mức kinh tế – kỹ thuật và định mức chi phí. Chi tiết như sau:

Hình 1: Hệ thống định mức xây dựng
  • Định mức kinh tế kỹ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán:
    • Định mức cơ sở: Khoản 2 điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“Định mức cơ sở gồm định mức sử dụng vật liệu, định mức năng suất lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và được sử dụng để xác định hoặc điều chỉnh định mức dự toán.”

Định mức cơ sở là dữ liệu quan trọng để xây dựng và ban hành định mức dự toán, việc thay đổi định mức cơ sở sẽ làm thay đổi định mức dự toán dẫn đến thay đổi chi phí xây dựng. Một trong những định mức cơ sở điển hình có thể kể đến là định mức sử dụng vật liệu.

    • Định mức dự toán: Khoản 3 điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“a, Định mức dự toán là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình;

b, Định mức dự toán được áp dụng, tham khảo để lập dự toán xây dựng, là căn cứ để xác định giá xây dựng công trình, làm cơ sở để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.”

Một số định mức dự toán có thể kể đến là: định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình, định mức dự toán xây dựng công trình, định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật công trình, định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ, định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng.

  • Định mức chi phí: Khoản 4 điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“Định mức chi phí gồm: định mức tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) và định mức tính bằng giá trị. Định mức chi phí là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình, dự toán chi phí của một số loại công việc, chi phí trong đầu tư xây dựng như chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và một số nội dung chi phí khác.”

Định mức chi phí thường được tính toán, áp dụng cho chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.

>> Xem thêm: Kế toán chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp xây dựng

2. Cơ sở ban hành định mức xây dựng

2.1. Cơ sở ban hành định mức xây dựng

Định mức xây dựng là chỉ tiêu tổng hợp, tính toán các mức hao phí về vật liệu, nhân công, máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng nhất định nào đó. Định mức xây dựng khi ban hành thường được xây dựng trên các cơ sở dữ liệu sau:

  • Các thông tin, dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố;
  • Cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng thu thập được thông qua các cuộc điều tra, khảo sát hoặc do các tổ chức, cá nhân cung cấp theo cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và chế độ báo cáo thống kê định kỳ theo quy định của pháp luật;
  • Cơ sở dữ liệu về giá các dịch vụ xây dựng, sản phẩm xây dựng, vật liệu và thiết bị xây dựng và các thông tin khác có liên quan do các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng cung cấp hoặc thông qua điều tra, khảo sát.

2.2. Trách nhiệm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về xây dựng:

  • Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu trên phạm vi cả nước, là đầu mối kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương; cung cấp thông tin, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
  • Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng trong lĩnh vực ngành, địa phương.

Ví dụ: Bộ Công Thương quản lý chuyên ngành các công trình điện, Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý chuyên ngành các công trình thuỷ lợi …

2.3. Nguyên tắc xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu.

  • Hệ thống cơ sở dữ liệu phải bảo đảm kết nối đồng bộ và phù hợp với các quy định của pháp luật; phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội;
  • Các thông tin, dữ liệu trước khi cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu phải được kiểm tra, rà soát, đánh giá và phân loại phù hợp;
  • Việc thu thập, bổ sung các thông tin, dữ liệu phải bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ; có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập thông tin, dữ liệu; tận dụng tối đa nguồn thông tin, dữ liệu sẵn có;
  • Thông tin, dữ liệu đã được kiểm tra, xử lý và cập nhật theo quy định trong hệ thống cơ sở dữ liệu có giá trị pháp lý như hồ sơ, văn bản dạng giấy;
  • Các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm pháp lý đối với các thông tin, dữ liệu do mình cung cấp, cập nhật cho hệ thống cơ sở dữ liệu.

3. Điểm mới về định mức xây dựng theo Thông tư 12/2021/TT-BXD

Ngày 31/8/2021 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BXD quy định định mức xây dựng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2021. 

Định mức xây dựng ban hành theo Thông tư 12/2021/TT-BXD gồm 8 loại định mức: 

“Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các định mức xây dựng sau: 

  1. Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình tại Phụ lục I;
  2. Định mức dự toán xây dựng công trình tại Phụ lục II;
  3. Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình tại Phụ lục III;
  4. Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ tại Phụ lục IV;
  5. Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng tại Phụ lục V;
  6. Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng tại Phụ lục VI;
  7. Định mức sử dụng vật liệu xây dựng tại Phụ lục VII;
  8. Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng tại Phụ lục VIII.”

Trước đây, 8 loại định mức này được quy định tại hai thông tư:

  • Thông tư số 10/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng;
  • Thông tư số 16/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.

Thông tư 12/2021/TT-BXD được ban hành để các định mức xây dựng phù hợp với sự thay đổi của một số quy định pháp luật về xây dựng như:

  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020
  • Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. 

>> Xem thêm: Kế toán vật liệu ngành xây dựng và những điều cần biết

Định mức xây dựng mới được ban hành theo Thông tư 12/2021/TT-BXD có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, bổ sung mới so với 2 thông tư cũ nêu trên, tổng hợp một số điểm mới tại Thông tư 12/2021/TT-BXD như sau:

STT Định mức Điểm mới
1 Định mức dự toán xây dựng công trình tại Phụ lục II – Sửa đổi một số nội dung các mã hiệu công việc như: sửa đổi trị số định mức; sửa đổi , bổ sung thành phần công việc; sửa đổi thuyết minh áp dụng định mức, sửa đổi tên, mã hiệu, đơn vị tính (34 mã hiệu công việc)

– Bổ sung định mức mới 12 mã hiệu công việc mới

2 Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình tại Phụ lục III Sửa đổi thành phần công việc; sửa đổi hao phí vật liệu, sửa đổi thuyết minh hướng dẫn áp dụng (5 mã hiệu công việc)
3 Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ tại Phụ lục IV Sửa đổi hao phí đất đèn sang khí gas (8 mã hiệu công việc)
4 Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng tại Phụ lục V Sửa đổi loại thiết bị, sửa đổi trị số mức hao phí (3 mã hiệu công việc)
5 Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng tại Phụ lục VI Sửa đổi thuyết minh áp dụng, sửa tên mã hiệu, bổ sung hao phí vật liệu (4 mã hiệu công việc)
6 Định mức sử dụng vật liệu xây dựng tại Phụ lục VII Sửa đổi nội dung định mức, sửa đổi mức hao hụt thi công (5 mã hiệu công việc)
7 Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng tại Phụ lục VIII Bổ sung nội dung định mức, điều chỉnh trị số định mức

Định mức xây dựng là một trong những dữ liệu quan trọng của ngành xây dựng. Vì thế, việc hiểu rõ thành phần công việc, nội dung định mức, công việc áp dụng của từng loại định mức xây dựng là yêu cầu cần thiết, quan trọng đối với người làm trong lĩnh vực xây dựng. 

Định mức xây dựng được ban hành và có sự điều chỉnh theo thời gian để phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng, phù hợp với các loại vật liệu mới, phù hợp với các điều kiện thi công thay đổi… Việc thay đổi định mức xây dựng ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp xây dựng. Với thông tin về những sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng của Thông tư 12/2021/TT-BXD đã nêu trong bài viết này, hy vọng đem đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích trong khi tìm hiểu và thực hiện định mức xây dựng hiện nay. Nội dung sửa đổi chi tiết sẽ được gửi tới bạn đọc trong bài Nội dung chi tiết về định mức xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 12/2021/TT-BXDN.

>> Có thể bạn quan tâm: 5 cách tính giá thành sản phẩm chi tiết, đầy đủ – có bài tập ví dụ

Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán doanh nghiệp xây dựng nói riêng và tất cả loại hình doanh nghiệp nói chung, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu và đặc trưng doanh nghiệp xây dựng:

  • Quản lý hồ sơ công trình.
  • Quản lý tài sản cố định, khấu hao tài sản.
  • Quản lý hoạt động đầu tư xây lắp.
  • Quản trị dòng tiền.

Hiện nay, với thế mạnh về công nghệ, sự tiện dụng trong sử dụng, phần mềm kế toán MISA AMIS đã trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và xây dựng công trình trên toàn quốc. Anh chị quan tâm và muốn trải nghiệm thử phần mềm kế toán MISA AMIS có thể đăng ký miễn phí (15 ngày) dưới đây:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Người viết: Lê Kim Tiến

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]