Hoạt động xây dựng có những đặc thù riêng, chính vì vậy việc ghi nhận doanh thu, xuất hóa đơn xây dựng của nhà thầu xây dựng cũng có nhiều điểm khác biệt. Tùy thuộc vào nội dung hợp đồng xây dựng mà có những quy định khác nhau trong từng trường hợp về ghi nhận doanh thu, xuất hóa đơn. Trong bài viết này, MISA cùng bạn đọc tìm hiểu các vấn đề đó.
1. Quy định về doanh thu hợp đồng xây dựng tại chuẩn mực kế toán Việt Nam
1.1 Theo chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và thu nhập khác”:
Doanh thu: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu. Doanh thu chỉ bao gồm tổng giá trị của các lợi ích kinh tế doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được.
1.2 Theo chuẩn mực kế toán số 15 “Hợp đồng xây dựng”:
Doanh thu của hợp đồng xây dựng bao gồm:
- Doanh thu ban đầu được ghi trong hợp đồng; và
- Các khoản tăng, giảm khi thực hiện hợp đồng, các khoản tiền thưởng và các khoản thanh toán khác nếu các khoản này có khả năng làm thay đổi doanh thu, và có thể xác định được một cách đáng tin cậy.
Doanh thu của hợp đồng xây dựng được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu hoặc sẽ thu được.
Doanh thu và chi phí của hợp đồng xây dựng được ghi nhận theo 2 trường hợp sau:
- Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định vào ngày lập báo cáo tài chính mà không phụ thuộc vào hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch đã lập hay chưa và số tiền ghi trên hóa đơn là bao nhiêu.
- Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, thì doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận trong kỳ được phản ánh trên hóa đơn đã lập.
1.3 Tổng hợp
Như vậy, theo nội dung tại chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và thu nhập khác” và chuẩn mực kế toán số 15 “Hợp đồng xây dựng” thì vấn đề doanh thu hoạt động xây dựng được quy định như sau:
- Giá trị doanh thu: Bao gồm tổng giá trị của các lợi ích kinh tế doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được.
- Khi xác định doanh thu đồng thời cũng xác định được chi phí tương ứng với doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ đó.
- Thời điểm ghi nhận doanh thu hợp đồng xây dựng có hai trường hợp:
- Theo tiến độ do hai bên thống nhất: tiến độ quy định tại hợp đồng, các phụ lục hợp đồng ký kết giữa hai bên; hoặc
- Theo khối lượng hoàn thành được khách hàng xác nhận và hóa đơn đã lập.
Đối với từng trường hợp quy định về thời điểm ghi nhận doanh thu thì có những quy định khác nhau về cách tính doanh thu, thời điểm xuất hóa đơn, tài khoản hạch toán. Đây là những vấn đề kế toán doanh nghiệp xây dựng cần lưu ý và thực hiện đúng.
>> Xem thêm: Giá thành sản phẩm xây dựng và những điều cần biết
2. Ghi nhận doanh thu, xuất hóa đơn xây dựng
2.1. Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện
2.1.1 Quy định về doanh thu của hoạt động xây dựng
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, doanh thu của hoạt động xây dựng được quy định như sau:
STT | Tiêu chí | Doanh thu tính thuế GTGT | Doanh thu tính thuế TNDN |
1 | Văn bản quy phạm pháp luật | Thông tư 219/2013/TT-BTC | Thông tư 78/2014/TT-BTC |
2 | Thời điểm xác định doanh thu | Khoản 5, điều 8:
Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. |
Khoản 2, điều 5:
Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau: a) Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua. b) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ. Trường hợp thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế được tính theo thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ. |
3 | Giá trị doanh thu | Khoản 9, điều 7:
Đối với xây dựng, lắp đặt, là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao chưa có thuế GTGT. a) Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu là giá xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu chưa có thuế GTGT. b) Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị chưa có thuế GTGT. |
Điểm m, khoản 3, điều 5:
Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu. – Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị. – Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị. |
Căn cứ vào quy định của chuẩn mực kế toán, quy định liên quan đến xác định thuế GTGT, thuế TNDN về doanh thu hoạt động xây dựng như nêu trên, xác định:
- Thời điểm ghi nhận doanh thu đối với hoạt động xây dựng là thời điểm nghiệm thu, bàn giao dự án/công trình/hạng mục công trình/khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành.
- Doanh thu được ghi nhận không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Giá trị doanh thu là giá trị dự án/công trình/hạng mục công trình/khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành được nghiệm thu, bàn giao (giá trước thuế GTGT).
Ví dụ:
Doanh nghiệp xây dựng A thực hiện thi công công trình B cho chủ đầu tư C. Chủ đầu tư C đã tạm ứng cho Doanh nghiệp A 1.000 triệu đồng.
- Ngày 05/9/2022: Bộ phận kỹ thuật của Doanh nghiệp A, Chủ đầu tư C tiến hành xác định khối lượng thi công đã thực hiện.
- Ngày 07/9/2022 căn cứ vào khối lượng thi công đã thực hiện và hợp đồng giao thầu, kế toán Doanh nghiệp A và Chủ đầu tư C xác định giá trị hoàn thành tương ứng là 2.160 triệu đồng (bao gồm 8% thuế GTGT).
- Ngày 12/9/2022 đại diện Doanh nghiệp A và Chủ đầu tư B ký biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành, Doanh nghiệp A bàn giao phần công việc hoàn thành cho Chủ đầu tư C quản lý.
Với các dữ liệu trên đây, xác định được:
- Thời điểm xác định doanh thu của Doanh nghiệp A là ngày 12/9/2022
- Giá trị nghiệm thu xác định: 2.160 triệu đồng
- Giá trị doanh thu xác định: 2.000 triệu đồng
- Thuế GTGT bán ra của Doanh nghiệp A: 160 triệu đồng
- Chủ đầu tư C còn nợ số tiền chưa thanh toán với Doanh nghiệp A là 1.160 triệu đồng.
2.1.2 Xuất hóa đơn xây dựng
Theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì thời điểm xuất hóa đơn hoạt động xây dựng như sau:
“Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Theo ví dụ đã nêu trên thì ngày 12/9/2022 Doanh nghiệp A sẽ lập hóa đơn công việc xây dựng hoàn thành cho bên mua là Chủ đầu tư C; giá trị hóa đơn phát hành là 2.160 triệu đồng, trong đó:
- Giá trước thuế (Doanh thu của doanh nghiệp A): 2.000 triệu đồng
- Thuế GTGT: 160 triệu đồng
2.1.3 Hạch toán doanh thu
Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, thì kế toán phải lập Hoá đơn GTGT trên cơ sở phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận, căn cứ vào Hoá đơn GTGT, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131, …
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.
Như vậy theo ví dụ đã nêu trên, kế toán doanh nghiệp A sẽ hạch toán theo hóa đơn GTGT đã phát hành như sau:
Nợ TK 131: 2.160.000.000 (chi tiết đối tượng Chủ đầu tư C)
Có TK 5111: 2.000.000.000
Có TK 3331: 160.000.000
Bạn đọc tham khảo dự toán xây dựng tại đây.
2.2. Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch
2.2.1 Ghi nhận doanh thu
Doanh thu được ghi nhận theo quy định tại hợp đồng. Doanh thu được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định vào ngày lập báo cáo tài chính mà không phụ thuộc vào hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch đã lập hay chưa và số tiền ghi trên hóa đơn là bao nhiêu.
2.2.2 Xuất hóa đơn xây dựng:
Hoá đơn GTGT được lập theo tiến độ kế hoạch để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch đã ghi trong hợp đồng.
2.2.3 Hạch toán doanh thu
Đối với hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch kế toán sử dụng TK 337 – Thanh toán theo tiến độ hợp đồng xây dựng.
- Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch và số tiền phải thu theo doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định của hợp đồng xây dựng dở dang.
- Tài khoản này chỉ áp dụng đối với trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, không áp dụng đối với trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện được khách hàng xác nhận.
- Căn cứ để ghi vào bên Nợ TK 337 là chứng từ xác định doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành trong kỳ (không phải hoá đơn) do nhà thầu tự lập, không phải chờ khách hàng xác nhận. Nhà thầu phải lựa chọn phương pháp xác định phần công việc đã hoàn thành và giao trách nhiệm cho các bộ phận liên quan xác định giá trị phần công việc đã hoàn thành và lập chứng từ phản ánh doanh thu hợp đồng xây dựng trong kỳ.
- Căn cứ để ghi vào bên Có TK 337 là hoá đơn được lập trên cơ sở tiến độ thanh toán theo kế hoạch đã được quy định trong hợp đồng. Số tiền ghi trên hoá đơn là căn cứ để ghi nhận số tiền nhà thầu phải thu của khách hàng, không là căn cứ để ghi nhận doanh thu trong kỳ kế toán.
Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì kế toán căn cứ vào chứng từ phản ánh doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành (không phải hoá đơn) do nhà thầu tự xác định tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, ghi:
Nợ TK 337 – Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111).
Căn cứ vào Hoá đơn GTGT được lập theo tiến độ kế hoạch để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch đã ghi trong hợp đồng, ghi:
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng
Có TK 337 – Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.
Khi nhận được tiền do khách hàng trả, hoặc nhận tiền khách hàng ứng trước, ghi:
Nợ các TK 111, 112, …
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.
Ví dụ:
Ngày 02/01/2020, Doanh nghiệp xây dựng D ký hợp đồng thi công công trình E cho Công ty F. Hợp đồng xây dựng ký kết là hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch.
- Thời gian thực hiện hợp đồng: từ ngày 02/01/2020 đến 31/12/2021
- Giá trị hợp đồng 5.500 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT 10%)
- Tiến độ thanh toán: Năm 2020 thanh toán 3.300 triệu đồng; Năm 2021 thanh toán 2.200 triệu đồng
- Ghi nhận doanh thu vào ngày 31/12 mỗi năm, như sau:
- Năm 2020 ghi nhận 60% (= giá trị thanh toán năm 2020 / tổng giá trị của hợp đồng * 100% = 3.000 / 5.000 * 100%)
- Năm 2021 ghi nhận 40%
- Tiến độ kế hoạch phát hành hóa đơn: Ngày 30/11 hàng năm; năm 2020 phát hành hóa đơn 3.300 triệu đồng; năm 2021 phát hành 2.200 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT)
Căn cứ vào dữ liệu trên có các bút toán hạch toán của năm 2020 như sau:
- Ngày 31/12/2020 kế toán căn cứ vào chứng từ phản ánh doanh thu (không phải Hóa đơn), ghi nhận doanh thu:
Nợ TK 337: 3.000.000.000 đ
Có TK 5111: 3.000.000.000 đ
- Ngày 30/11/2020, Căn cứ vào Hoá đơn GTGT được lập theo tiến độ kế hoạch, kế toán hạch toán số tiền bên chủ đầu tư phải thanh toán theo tiến độ kế hoạch:
Nợ TK 131: 3.300.000.000 đ (Chi tiết Chủ đầu tư F)
Có TK 337: 3.000.000.000 đ
Có TK 3331: 300.000.000 đ
- Khi nhận được tiền do Chủ đầu tư trả, kế toán ghi:
Nợ TK 112: 3.300.000.000 đ
Có TK 131: 3.300.000.000 đ (Chi tiết Chủ đầu tư F)
>> Xem thêm: Kế toán chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp xây dựng
3. Một số vấn đề lưu ý khi ghi nhận doanh thu, xuất hoá đơn:
3.1. Về thời điểm ghi nhận doanh thu
Thời điểm ghi nhận doanh thu đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất hợp đồng xây dựng (Hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch hay quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện) để xác định thời điểm ghi nhận doanh thu cho phù hợp.
Đối với hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch | Đối với hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện |
Doanh thu được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định vào ngày lập báo cáo tài chính | Thời điểm ghi nhận doanh thu đối với hoạt động xây dựng là thời điểm nghiệm thu, bàn giao dự án/công trình/hạng mục công trình/khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành
Kế toán cần nắm vững tiến độ thi công, các mốc thời gian nghiệm thu, bàn giao công trình; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ phận liên quan (như ban chỉ huy công trường, bộ phận kỹ thuật công ty …) để thực hiện đúng thời gian quy định; căn cứ vào biên bản nghiệm thu, bàn giao để xác định thời điểm ghi nhận doanh thu |
3.2. Về xuất hoá đơn GTGT
Cũng giống như việc xác định doanh thu, việc xuất hoá đơn GTGT cũng có những quy định mà kế toán cần nắm bắt và thực hiện. Hoá đơn GTGT yêu cầu phải được lập đúng thời điểm (Thời điểm lập hoá đơn GTGT đã được trình bày ở phần trên). Khi thực hiện lập hoá đơn không đúng thời điểm thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá đơn, cụ thể:
Căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính khi lập hoá đơn không đúng thời điểm như sau:
“Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;”
Kết luận
Đối với hoạt động xây dựng, khi ghi nhận doanh thu và xuất hoá đơn, kế toán tại đơn vị thi công (nhà thầu) cần thực hiện đúng quy định về thời điểm, giá trị ghi nhận doanh thu, xuất hoá đơn để bảo đảm cho việc hạch toán và cung cấp thông tin kế toán kịp thời, chính xác; đồng thời tránh các vi phạm hành chính về hoá đơn.
Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán doanh nghiệp xây dựng nói riêng và tất cả loại hình doanh nghiệp nói chung, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu và đặc trưng doanh nghiệp xây dựng:
- Quản lý hồ sơ công trình.
- Quản lý tài sản cố định, khấu hao tài sản.
- Quản lý hoạt động đầu tư xây lắp.
- Quản trị dòng tiền.
Hiện nay, với thế mạnh về công nghệ, sự tiện dụng trong sử dụng, phần mềm kế toán MISA AMIS đã trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và xây dựng công trình trên toàn quốc. Anh chị quan tâm và muốn trải nghiệm thử phần mềm kế toán MISA AMIS có thể đăng ký miễn phí (15 ngày) dưới đây:
>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS |
Tổng hợp: Lê Kim Tiến