Ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu gây khó khăn đối với công tác kế toán không chỉ bởi sự phức tạp khi xác định thời điểm ghi nhận,mà còn cần phân biệt sự khác nhau giữa thời điểm ghi nhận doanh thu cho mục đích kế toán với thời điểm xuất hóa đơn, thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế GTGT, TNDN mà còn cần một sự nghiên cứu. Cũng cần lưu ý kỹ khi xác định tỷ giá quy đổi ngoại tệ sang Việt Nam đồng ở từng thời điểm phát sinh giao dịch.
MISA AMIS hy vọng qua bài viết giải đáp cho các bạn toàn bộ các vấn đề khó khăn nêu trên với việc trình bày các nội dung quy định cùng ví dụ minh hoạ chi tiết, dễ hiểu.
Bên cạnh đó, bài viết giới thiệu qua các lưu ý về thuế xuất khẩu, loại hóa đơn doanh nghiệp bán hàng xuất khẩu phát hành và bộ hồ sơ xuất khẩu theo quy định hiện hành.
Căn cứ pháp lý:
– Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 về Doanh thu và thu nhập khác (VAS 14)
– Thông tư 39/2014/TT-BTC (31/3/2014) quy định về hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ (TT39)
– Công văn 11352/BTC-TCHQ (14/8/2014) hướng dẫn về hóa đơn hàng xuất khẩu (CV11352)
– Thông tư 119/2014/TT-BTC (25/08/2014) về cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế (TT119)
– Thông tư 200/2014/TT-BTC (22/12/2014)
– Thông tư 53/2016/TT-BTC (21/03/2016) sửa đổi, bổ sung TT200 (TT53)
– Nghị định 119/2018/NĐ-CP (12/9/2018) quy định về hóa đơn điện tử (NĐ119)
– Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 (13/6/2019) (Luật quản lý thuế số 38)
– Thông tư 68/2019/TT-BTC (30/9/2019) hướng dẫn NĐ119 thực hiện về hóa đơn điện tử (TT68)
– Thông tư 38/2015/TT-BTC (25/3/2015) quy định về thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (TT38)
– Thông tư 39/2018/TT-BTC (20/04/2018) sửa đổi bổ sung TT38 (TT39)
– Bộ điều khoản thương mại quốc tế Incoterms 2020 (Incoterms 2020)
1. Doanh thu xuất khẩu là gì?
Doanh thu hàng xuất khẩu phát sinh khi doanh nghiệp trong nước bán hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc bán hàng hóa vào khu vực đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng, ví dụ: bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất, bán hàng vào khu chế xuất, khu bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác.
Doanh thu xuất khẩu có thể bao gồm:
- Doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa: Bán sản phẩm ra nước ngoài theo hợp đồng thương mại.
- Doanh thu từ cung cấp dịch vụ quốc tế: Ví dụ như dịch vụ logistics, phần mềm, tư vấn, hoặc các dịch vụ kỹ thuật được cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài.
2. Thời điểm và điều kiện ghi nhận doanh thu xuất khẩu là khi nào?
Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 (VAS 14), doanh thu xuất khẩu thường được ghi nhận khi đáp ứng các điều kiện sau:
Về phương diện thuế, theo Khoản 4 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC), điều kiện khấu trừ và hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu yêu cầu phải có hóa đơn thương mại. Thời điểm xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.
Căn cứ theo Công văn 4890/TCT-KK năm 2023, thời điểm xuất hóa đơn hàng xuất khẩu và ghi nhận doanh thu xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC, sửa đổi Khoản 4 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cùng với Khoản 33 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Theo đó, thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu để tính thuế là thời điểm hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.
Tùy thuộc vào điều khoản giao hàng Incoterms của từng đơn hàng, thời điểm ghi nhận doanh thu bán hàng xuất khẩu cho mục đích kế toán có thể trùng hoặc không trùng với thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế GTGT, TNDN, chi tiết so sánh như bảng dưới đây:
Sự khác biệt về thời điểm ghi nhận doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế như dòng 2, 3 bảng so sánh trên có thể tiếp tục tạo ra khoản chênh lệch do khác biệt về tỷ giá ghi nhận doanh thu giữa ngày phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao cho người mua và ngày hoàn tất thủ tục hải quan.
>>> Xem chi tiết về thời điểm ghi nhận doanh thu tại các bài viết:
4. Thời điểm lập hóa đơn hàng xuất khẩu
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) điện tử cho hàng hóa xuất khẩu được xác định như sau:
- Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hoặc nơi làm thủ tục xuất khẩu: Doanh nghiệp sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường.
- Sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu: Doanh nghiệp lập hóa đơn GTGT điện tử cho hàng hóa xuất khẩu.
Như vậy, thời điểm lập hóa đơn GTGT điện tử cho hàng hóa xuất khẩu là ngay sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục xuất khẩu hàng hóa.
5. Hướng dẫn ghi nhận doanh thu xuất khẩu và cách hạch toán
Theo Điều 69 của TT200, tỷ giá áp dụng trong giao dịch doanh thu bán hàng xuất khẩu được xác định theo từng thời điểm ghi nhận nghiệp vụ kinh tế. Có hai trường hợp chính:
Trường hợp 1: Doanh thu phát sinh trước, thu hồi khoản nợ phải thu sau
Khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ, nhưng chưa thu tiền ngay mà ghi nhận khoản phải thu, kế toán cần áp dụng tỷ giá phù hợp tại từng thời điểm. Nếu hợp đồng mua bán không quy định tỷ giá thanh toán, thì tỷ giá áp dụng cho từng nghiệp vụ được xác định như sau:
- Khi ghi nhận doanh thu xuất khẩu, kế toán phải quy đổi số ngoại tệ sang VND theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế (tỷ giá mua của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán).
- Nếu thu hồi nợ sau, thì tại từng thời điểm thu hồi, kế toán sẽ ghi nhận khoản thu theo tỷ giá thực tế tại thời điểm thu.
- Khi lập báo cáo tài chính (BCTC), nếu còn dư nợ phải thu bằng ngoại tệ, kế toán phải đánh giá lại theo tỷ giá tại thời điểm lập BCTC gần nhất trước đó.
Ví dụ 1:
Doanh nghiệp A ở Việt Nam xuất khẩu lô hàng bán cho doanh nghiệp B ở Lào. Các thời điểm phát sinh nghiệp vụ, giá trị ghi nhận, tỷ giá thực tế tại từng thời điểm như dưới đây:
Các thời điểm | Ngày | Giá trị | Tỷ giá thực tế $/VND |
Thời điểm phát sinh doanh thu | 01/11/2021 | $1.000 | 22.000 |
Thời điểm nhận thanh toán lần 1 | 01/12/2021 | $400 | 22.200 |
Thời điểm lập BCTC | 31/12/2021 | $600 | 21.800 |
Thời điểm nhận thanh toán lần 2 | 05/01/2022 | $600 | 21.900 |
Hạch toán kế toán đối với Doanh nghiệp A như sau:
1. Ghi nhận doanh thu bán hàng xuất khẩu
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng: 22.000.000
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng: 22.000.000
(22.000.000 = $1.000 x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày phát sinh doanh thu 22.000)
2. Thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ (lần 1)
Nợ TK 112 – Tiền ngân hàng: 8.880.000
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: 8.800.000
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính: 80.000
(8.880.000 = $400 x tỷ giá thực tế tại ngày nhận được tiền nợ phải thu 22.200)
(8.800.000 = $400 x tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hay chính là tỷ giá tại thời điểm phát sinh khoản phải thu 22.000)
3. Khi lập BCTC, đánh giá lại khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là khoản phải thu khách hàng còn lại
Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái: 120.000
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: 120.000
(1.200 = Khoản phải thu khách hàng còn lại $600 x chênh lệch tỉ giá tại thời điểm đánh giá lại và thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu (21.800 – 22.000)) (lỗ chênh lệch tỉ giá)
4. Thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ (lần 2)
Nợ TK 112 – Tiền ngân hàng: 13.140.000
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: 13.080.000
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính: 60.000
(13.140.000 = $600 x tỷ giá thực tế tại ngày nhận được tiền nợ phải thu 21.900)
(13.080.000 = $600 x tỷ giá đánh giá lại tại ngày lập BCTC gần nhất trước đó 21.800)
>>> Xem thêm: Ngoại tệ là gì? Kế toán các giao dịch ngoại tệ và một số vấn đề liên quan
Trường hợp 2: Người mua trả tiền trước hoặc trả một phần tiền trước, sau đó mới phát sinh doanh thu và thu hồi nợ
Khi khách hàng thanh toán trước một phần hoặc toàn bộ tiền hàng bằng ngoại tệ, nhưng doanh thu chưa phát sinh ngay, kế toán cần áp dụng tỷ giá phù hợp tại từng thời điểm. Nếu hợp đồng mua bán không quy định tỷ giá thanh toán, thì tỷ giá áp dụng cho từng nghiệp vụ được xác định như sau:
- Khi nhận tiền ứng trước, doanh nghiệp quy đổi số ngoại tệ sang VND theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận tiền (tỷ giá mua của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán).
- Khi ghi nhận doanh thu xuất khẩu, phần doanh thu tương ứng với số tiền đã nhận trước được quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm nhận trước tiền. Phần doanh thu chưa thu được tiền quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm phát sinh khoản phải thu.
- Khi lập báo cáo tài chính (BCTC), khoản tiền nhận trước không phải là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ nên không cần đánh giá lại. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp phải hoàn trả tiền ứng trước, khoản này trở thành nợ phải trả bằng ngoại tệ và cần đánh giá lại theo tỷ giá tại thời điểm lập BCTC.
- Khi thu hồi khoản nợ còn lại, doanh nghiệp sử dụng tỷ giá thực tế tại thời điểm thu tiền. Nếu có chênh lệch tỷ giá, khoản này được hạch toán vào thu nhập tài chính hoặc chi phí tài chính.
Lưu ý :
- Khoản tiền nhận trước của khách hàng không phải là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, nên không cần đánh giá lại khi lập BCTC, trừ khi doanh nghiệp phải hoàn trả số tiền đó.
- Nếu tại thời điểm lập BCTC, doanh nghiệp có bằng chứng chắc chắn rằng không thể giao hàng và phải hoàn trả tiền ứng trước cho khách hàng, thì khoản tiền nhận trước này được chuyển thành khoản nợ phải trả. Vì khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, nên phải đánh giá lại theo tỷ giá tại thời điểm lập BCTC.
- Phần doanh thu tương ứng với số tiền nhận trước được quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm nhận trước, không thay đổi theo tỷ giá mới khi ghi nhận doanh thu.
Ví dụ 2:
Doanh nghiệp A ở Việt Nam xuất khẩu lô hàng bán cho doanh nghiệp B ở Lào. Các thời điểm phát sinh nghiệp vụ, giá trị ghi nhận, tỷ giá thực tế tại từng thời điểm như dưới đây:
Các thời điểm | Ngày | Giá trị | Tỷ giá thực tế $/VND |
Thời điểm nhận trước tiền từ người mua | 28/06/2021 | $300 | 21.950 |
Thời điểm lập BCTC | 30/06/2021 | $300 | 22.100 |
Thời điểm phát sinh doanh thu | 01/08/2021 | $1.000 | 22.000 |
Thời điểm nhận thanh toán lần 1 | 01/11/2021 | $500 | 22.200 |
Thời điểm lập BCTC | 31/12/2021 | $200 | 21.800 |
Thời điểm nhận thanh toán lần 1 | 05/01/2022 | $200 | 21.700 |
Hạch toán kế toán đối với Doanh nghiệp A như sau:
1. Ghi nhận số tiền nhận trước từ người mua:
Nợ TK 112 – Tiền ngân hàng: 6.585.000
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: 6.585.000
(6.585.000 = $300 x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận trước tiền 21.950)
2. Thời điểm lập BCTC 30/06/2021, không bằng chứng cho thấy doanh nghiệp A không thể cung cấp hàng hoá và sẽ phải trả lại các khoản nhận trước bằng ngoại tệ cho người mua. Vì thế, khoản tiền nhận trước từ người mua không phải là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, nên không cần đánh giá lại.
3. Ghi nhận doanh thu bán hàng xuất khẩu
- Đối với phần doanh thu nhận trước
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng: 6.585.000
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng: 6.585.000
(6.585.000 = số tiền nhận trước $300 x tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hay chính là tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày nhận tiền trước 21.950)
- Đối với phần doanh thu chưa thu được tiền
Nợ TK 131 – Phải thu của khách hàng: 15.400.000
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng: 15.400.000
(15.400.000 = số tiền chưa thu được $700 x tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày phát sinh doanh thu 22.000)
4.1 Thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ (lần 1)
Nợ TK 112 – Tiền ngân hàng: 11.100.000
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: 11.000.000
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính: 100.000
(11.100.000 = $500 x tỷ giá thực tế tại ngày nhận được tiền nợ phải thu 22.200)
(11.000.000 = $500 x tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hay chính là tỷ giá tại thời điểm phát sinh khoản phải thu 22.000)
5. Khi lập BCTC, đánh giá lại khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là khoản phải thu khách hàng còn lại
Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái: 40.000
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: 40.000
(40.000 = Khoản phải thu khách hàng còn lại $200 x chênh lệch tỷ giá tại thời điểm đánh giá lại và thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu (21.800 – 22.000)) (lỗ chênh lệch tỷ giá)
4.2 Thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ (lần 2)
Nợ TK 112 – Tiền ngân hàng: 4.340.000
Nợ TK 635 – Chi phí hoạt động tài chính: 20.000
Có TK 131 – Phải thu của khách hàng: 4.360.000
(4.340.000 = $200 x tỷ giá thực tế tại ngày nhận được tiền nợ phải thu 21.700)
(4.360.000 = $200 x tỷ giá đánh giá lại tại ngày lập BCTC gần nhất trước đó 21.800)
Lưu ý:
- Đối với các giao dịch ghi nhận doanh thu và nợ phải thu bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ, doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để thay thế cho tỷ giá giao dịch thực tế nêu trên như quy định ở TT200.
- Tỷ giá xấp xỉ không được cao hơn hoặc thấp hơn quá 1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình. Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo việc sử dụng tỷ giá xấp xỉ không làm ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ kế toán.
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng tỷ giá xấp xỉ như trên để hạch toán các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ, cuối kỳ doanh nghiệp sử dụng tỷ giá chuyển khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Tỷ giá chuyển khoản này có thể là tỷ giá mua hoặc bán hoặc tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại.
(Theo hướng dẫn tại điểm 3 điều 1 TT53)
6. Một số câu hỏi về việc ghi nhận doanh thu xuất khẩu
Ghi nhận doanh thu xuất khẩu theo tỷ giá nào?
Doanh thu xuất khẩu bằng ngoại tệ phải được quy đổi sang VND theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế. Cụ thể:
- Nếu khách hàng chưa thanh toán ngay, kế toán ghi nhận doanh thu theo tỷ giá mua của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm phát sinh khoản phải thu.
- Nếu khách hàng thanh toán trước một phần hoặc toàn bộ tiền hàng, phần doanh thu tương ứng với số tiền đã nhận trước được ghi nhận theo tỷ giá tại thời điểm nhận trước tiền.
Doanh thu hàng xuất khẩu tính theo giá CIF hay FOB?
Doanh thu xuất khẩu được ghi nhận theo giá bán ghi trên hóa đơn thương mại (Commercial Invoice), phù hợp với điều kiện giao hàng trong hợp đồng xuất khẩu:
- Nếu hợp đồng xuất khẩu theo điều kiện CIF (Cost, Insurance, and Freight – giá đã bao gồm cả bảo hiểm và cước vận chuyển): Doanh thu bao gồm cả giá trị hàng hóa, phí bảo hiểm và cước phí vận chuyển quốc tế.
- Nếu hợp đồng xuất khẩu theo điều kiện FOB (Free on Board – giao hàng tại cảng đi): Doanh thu chỉ bao gồm giá trị hàng hóa, không bao gồm phí bảo hiểm và cước phí vận chuyển quốc tế.
Doanh thu của hàng xuất khẩu theo điều kiện FOB được ghi nhận khi nào?
Theo nguyên tắc kế toán, doanh thu chỉ được ghi nhận khi doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng và rủi ro đã được chuyển giao cho người mua. Với điều kiện FOB, doanh thu được ghi nhận khi hàng hóa đã lên tàu tại cảng đi, tức là khi doanh nghiệp đã giao hàng cho đơn vị vận chuyển do khách hàng chỉ định. Tại thời điểm này, doanh nghiệp sẽ lập hóa đơn và ghi nhận doanh thu vào tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể là cẩm nang nho nhỏ giúp bạn đọc tra cứu, tham khảo khi gặp bất cứ khó khăn gì trong ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu.
Các vấn đề về thuế nhất là thuế nhập khẩu là vấn đề cực kỳ phức tạp đối với công việc kế toán. Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán, MISA phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS, phần mềm tích hợp đầy đủ các tính năng liên quan đến thuế, cụ thể:
- Tự độc lập tờ khai: Phần mềm kế toán online MISA AMIS tự động lập Tờ khai thuế GTGT theo kỳ; Tờ khai thuế TNDN tạm tính, Tờ khai quyết toán thuế TNDN… và các phụ lục kèm theo cũng như báo cáo thuế có mã vạch.
- Tự động khấu trừ thuế GTGT: Phần mềm tự động khấu trừ thuế GTGT đầu vào đầu ra để giúp kế toán viên xác định được số thuế phải nộp hay số thuế được hoàn lại.
- Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế: Phần mềm tích hợp dịch vụ kê khai thuế Mtax.vn, hỗ trợ kế toán viên nộp trực tiếp tờ khai đã lập trên phần mềm. doanh nghiệp cũng có thể xuất khẩu tờ khai ra định dạng xml để nộp qua cổng nhận tờ khai của cơ quan thuế.
- …
Kính mời Quý doanh nghiệp, Anh/Chị kế toán doanh nghiệp quan tâm và có mong muốn dùng thử phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể tìm hiểu thêm chi tiết tại đây.