Chi phí chìm là gì? Phân biệt và tác động đến kinh doanh

24/11/2022
5677

Chi phí chìm là một yếu tố mà các nhà đầu tư hay doanh nghiệp cần quan tâm khi lựa chọn và đưa ra các quyết định kinh doanh, quyết định đầu tư. Vậy chi phí chìm là gì? chi phí chìm ảnh hưởng đến các quyết định của doanh nghiệp ra sao? Tại sao các doanh nghiệp cần tránh bẫy chi phí chìm? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về các vấn đề này trong bài viết dưới đây. 

1. Chi phí chìm là gì?

Chi phí chìm (sunk cost) là chi phí mà cá nhân hoặc tổ chức đã bỏ ra trong quá khứ và không thể thu hồi bằng bất cứ cách nào. Chi phí chìm độc lập với các yếu tố trong tương lai, vì vậy, tuy vẫn phải quan tâm để cân nhắc hiệu quả và lợi ích, nhưng lại không nên tính đến chi phí này khi đưa ra các quyết định đầu tư hay quyết định kinh doanh.

Hình 1: Chi phí chìm (sunk cost) là gì? – Nguồn: Internet

Chúng ta có thể hình dung rõ hơn về chi phí chìm qua một số ví dụ sau:

  • Giả sử rằng bạn đặt mua một đôi giày giá 2 triệu qua một sàn thương mại điện tử và đã thanh toán tiền. Tuy nhiên, đôi giày không khiến bạn ưng ý và bạn muốn hoàn trả. Tuy nhiên, bạn không thể đổi trả hoặc được hoàn tiền. Do đó, dù bạn quyết định đi đôi giày này hay không, thì vẫn không thu hồi được số tiền đã trả. Số tiền 2 triệu này chính là chi phí chìm. 
  • Giả sử một công ty đang có một ý tưởng đầu tư vào một dự án sản xuất sản phẩm mới. Công ty phải bỏ ra $10,000 cho việc nghiên cứu thị trường. Nếu kết quả điều tra thị trường cho thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm của công ty khá thấp, dự án không có hiệu quả. Trong trường hợp này, công ty sẽ không bỏ vốn để thực hiện dự án và chi phí nghiên cứu thị trường $10,000 được coi là chi phí chìm. Ngược lại, ngay cả khi kết quả nghiên cứu thị trường là khả quan, công ty tiến hành thực hiện dự án thì chi phí $10,000 vẫn được coi là chi phí chìm và thường không được tính vào dòng tiền của dự án.

>> Xem thêm: Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch ngân sách

Trên thực tế, chi phí chìm được coi là chi phí cố định bởi chi phí này không thay đổi dù doanh nghiệp ra quyết định như thế nào. Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải tất cả chi phí cố định đều là chi phí chìm. Chẳng hạn, chi phí đầu tư thiết bị là chi phí cố định nhưng nếu tài sản cố định có thể được bán lại hoặc trả lại với một mức giá nhất định thì không phải là chi phí chìm, hơn nữa, chi phí này chỉ phát sinh khi đã quyết định đầu tư vào dự án. 

Như vậy, chi phí chìm có những đặc điểm sau:

Hình 2: Đặc điểm của chi phí chìm
Hình 2: Đặc điểm của chi phí chìm

2. Phân biệt chi phí chìm với chi phí cơ hội

Chi phí chìm thường được so sánh với chi phí cơ hội khi đưa ra quyết định kinh doanh hoặc quyết định đầu tư. Đây là hai nhóm chi phí thường phát sinh gắn liền với các quyết định của nhà đầu tư hay doanh nghiệp nhưng việc xem xét các chi phí này trong việc lựa chọn các quyết định có sự khác biệt rõ rệt.

Chi phí cơ hội có những đặc điểm nổi bật sau:

  • Chi phí cơ hội là những lợi ích mà cá nhân hay tổ chức bị mất đi khi khi lựa chọn một phương án thay thế khác. Ví dụ, nhà đầu tư sử dụng 100 triệu để mua cổ phiếu, khi đó nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội nhận được tỷ suất sinh lời là 10% khi đầu từ vào một tài sản khác có mức độ rủi ro tương đương. Khi đó chi phí cơ hội của việc đầu tư 100 triệu vào cổ phiếu sẽ là tỷ suất sinh lời 10% mà nhà đầu tư đã bỏ qua. 
Hình 3: Chi phí cơ hội là gì?
Hình 3: Chi phí cơ hội là gì?
  • Chi phí cơ hội không chỉ là các lợi ích hữu hình xác định được bằng tiền, mà còn có thể là các lợi ích vô hình. 
    • Ví dụ, nếu bạn có một buổi hẹn đi ăn cùng với bạn bè của mình, nhưng bạn quyết định từ chối để tham gia một lớp học thêm. Giá trị bạn nhận được ở đây là kiến thức tốt cho bản thân, còn giá trị bạn mất đi là bạn đã bỏ lỡ một bộ phim hay, bỏ lỡ thời gian vui chơi với bạn bè. Vậy chi phí cơ hội bạn đánh đổi ở đây là thời gian vui chơi, xem phim với bạn bè để nhận lại được những kiến thức. 
    • Trong một ví dụ khác: Doanh nghiệp A đang phân vân giữa việc trích 1 tỷ để làm từ thiện hoặc trích 1 tỷ để gửi tiết kiệm. Nếu gửi tiết kiệm thì doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích là lãi tiền gửi, giả sử 10% sẽ là 100 triệu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lựa chọn làm từ thiện, lợi ích doanh nghiệp đạt được sẽ là danh tiếng tốt với xã hội, với khách hàng, với đối tác … Chi phí cơ hội của việc gửi tiết kiệm sẽ là danh tiếng tốt đối với các đối tượng liên quan, lợi ích này không thể đo lường được bằng tiền. 

Như vậy, chi phí cơ hội thể hiện những lợi ích bị bỏ qua khi lựa chọn một phương án khác. Do đó, đây là yếu tố được xem xét trong quá trình ra quyết định. 

Chi phí chìm và chi phí cơ hội có những khác biệt cơ bản như sau:

Tiêu chí

Chi phí chìm

Chi phí cơ hội

Bản chất Chi phí đã phát sinh trong quá khứ hoặc là nghĩa vụ thanh toán đã phát sinh và phải cam kết thực hiện Chi phí phát sinh trong tương lai
Đo lường Đo lường được bằng tiền một cách chắc chắn Là giá trị ước tính, mang tính tương đối, có thể bao gồm cả các giá trị không bằng tiền
Trình bày Được thể hiện bằng các con số ghi nhận theo nguyên tắc kế toán trên các báo cáo tài chính của công ty  Không được thể hiện trên Báo cáo tài chính, tuy nhiên có thể thể hiện trên một vài báo cáo quản trị
Vai trò trong ra quyết định Không nên được xem xét khi lựa chọn giữa các phương án để ra quyết định Cần được xem xét đầy đủ trong việc cân nhắc các phương án phục vụ cho việc ra quyết định

chi phí chìm

3. Ảnh hưởng của chi phí chìm đến kinh doanh

Khi nhắc đến chi phí chìm, các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp thường nghĩ đến thuật ngữ quen thuộc là “bẫy chi phí chìm”. Hiện tượng này được hiểu là: mặc dù chúng ta biết chi phí chìm không phải là yếu tố then chốt khi xem xét trong việc ra quyết định nhưng vẫn để chi phí này ảnh hưởng đến quá trình cũng như kết quả của việc ra quyết định. Vì thế, nhà đầu tư hay doanh nghiệp sẽ chần chừ trong việc theo đuổi các phương án mới, ngay cả khi biết việc từ bỏ phương án cũ sẽ có lợi hơn. 

chi phí chìm
Hình 4: Bẫy chi phí chìm – Nguồn: Internet

Ví dụ, doanh nghiệp có một khoản vốn nhàn rỗi trong vòng 3 tháng và đã đầu tư 100 triệu vào cổ phiếu với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sau khi mua, giá cổ phiếu liên tục giảm, tại thời điểm giá trị của khoản đầu tư chỉ còn 80 triệu, do hy vọng không giảm sâu hơn nên lại quyết định không bán ra, đến khi giá cổ phiếu ở mức giá 65 triệu mới đành bán ra để thu hồi khoản vốn, cũng là đã đến lúc doanh nghiệp cần tiền cho hoạt động khác. Theo đó, thay vì lỗ 20 triệu, khoản mục đầu tư chứng khoán ngắn hạn đã phải chịu mức lỗ 35 triệu.

>> Có thể bạn quan tâm: Lập kế hoạch ngân sách trên phần mềm kế toán online MISA AMIS

Nguyên nhân khiến các nhà đầu hay doanh nghiệp tư rơi vào bẫy chi phí chìm này chủ yếu đến từ các yếu tố sau: 

chi phí chìm
Hình 5: Nguyên nhân khiến các nhà đầu hay doanh nghiệp tư rơi vào bẫy chi phí chìm này chủ yếu đến từ các yếu tố
  • Thứ nhất, tâm lý tiếc nuối chi phí đã bỏ ra. Nhà đầu tư mang tâm lý tiếc nuối chi phí cả về mặt hiện vật cũng như thời gian đã đầu tư vào phương án cũ, do đó họ thường có tâm lý, xu hướng kiên trì với phương án cũ. 
  • Thứ hai, kỳ vọng về lợi ích đem lại. Mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy việc đầu tư không hiệu quả, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn muốn duy trì việc đầu tư do tin tưởng vào lợi ích trong tương của dự án cũng như để chứng minh quyết định đầu tư ban đầu của mình là đúng đắn
  • Cuối cùng, tâm lý không bao giờ bỏ cuộc. Tâm lý không bao giờ bỏ cuộc khiến cho đầu tư, doanh nghiệp tin tưởng với sự kiên trì của bản thân, họ nhất định sẽ gặt hái được “quả ngọt”.

Vì những lý do trên mà nhà đầu tư hay các chủ doanh nghiệp dễ sa vào bẫy chi phí chìm. Để tránh để lại hậu quả nghiêm trọng, chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần có nhận thức rõ ràng về các loại chi phí cũng như tỉnh táo khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, các nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng thừa nhận sai lầm, không phải tất cả các quyết định kinh doanh trong quá khứ đều sáng suốt và sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Cùng với việc xác định chi phí cơ hội của các phương án thay thế, nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn trong việc thuyết phục bản thân từ bỏ các nguồn lực nhân lực, vật lực cũng như thời gian đã bỏ ra, và thoát khỏi bẫy chi phí chìm. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về chi phí chìm và tác động của chi phí chìm đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp. MISA AMIS hy vọng có thể giúp các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp đưa ra được các quyết định đúng đắn trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn.

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tổng hợp: Đinh Thị Thảo

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả