Tài chính là gì? Vai trò và chức năng của tài chính

11/10/2022
2570

Ngành tài chính là ngành huyết mạch của nền kinh tế, một trong những ngành nghề chiếm phần lớn nhân sự làm việc trong nền kinh tế. Vậy tài chính là gì, vai trò và chức năng của tài chính với nền kinh tế cũng như với các chủ thể trong nền kinh tế như thế nào? Các nội dung này sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây. 

1. Khái niệm tài chính là gì?

Hình 1: Tài chính – Nguồn: Internet

Trên thế giới, về mặt học thuật, thuật ngữ tài chính bắt nguồn từ tiếng latinh “financia”, theo nghĩa hẹp là thanh toán, thu nhập; theo nghĩa rộng là vốn tiền tệ, chu chuyển tiền tệ. Cùng với quá trình phát triển của kinh tế- xã hội, có nhiều cách tiếp cận và nhiều quan điểm khác nhau về tài chính. 

Một số định nghĩa về tài chính của các nhà nghiên cứu và các nước như sau: 

Từ điển Devil’s Dictionary của Ambrose Bierce (Mỹ), năm 1911, cho rằng tài chính được định nghĩa là “nghệ thuật hoặc khoa học quản lý các nguồn thu (revenues) và nguồn lực (resources) theo các có lợi nhất cho nhà quản lý/nhằm đạt hiệu quả cao nhất”

Từ điển Investorworld của Anh, năm 1940, đưa ra 2 định nghĩa về tài chính:

  • Tài chính là một môn kinh tế học liên quan đến phân bổ nguồn lực (resources allocation) cũng như quản lý (management), thu hut/chiếm hữu (acquisition) và đầu tư (investment) nguồn lực. Nói một cách đơn giản, tài chính giải quyết vấn đề liên quan tới tiền và các thị trường. 
  • Tài chính là việc huy động tiền thông qua việc phát hành và mua bán các khoản nợ (debt) hay vốn (equity). 

Theo từ điển Bách khoa toàn thư “Encyclopaedia Britanica”, Volume 9, NXB. William Benton, The University of Chicago, năm 1970, tài chính được xác định như là “nghệ thuật cung cấp phương tiện, cách thức chi trả”.  Sự diễn đạt trên là một sự mô tả về bản chất của tài chính ở thời điểm chuyển tiếp sang thế kỷ XX khi các tác nhân trong nền kinh tế tập trung vào quá trình tìm kiếm các khoản tiền để đảm bảo việc thanh toán các nghĩa vụ nợ của họ. 

Cả trên thực tế lý thuyết và thực tiễn hoạt động vào nửa sau của thế kỷ XX, tài chính thay đổi rất nhanh chóng, thuật ngữ tài chính lúc này được hiểu rộng ra, bao hàm cả việc bố trí và kiểm soát các quỹ (tiền). Thời kỳ này, tài chính trước hết được nhấn mạnh vào bố trí, phân bổ các nguồn lực cho các yêu cầu của nền kinh tế thông qua việc sử dụng các quỹ tiền tệ. 

Từ điển Kinh doanh thế giới – The Oxford Dictionary for Business World, năm 1989, thuật ngữ tài chính được hiểu như là một “sự tài trợ về tiền bạc, một khoản vay đặc biệt, nguồn kinh phí, kinh tài của cá nhân hay công ty”. 

Theo từ điển “Tài chính quốc tế Penguin”, của Graham Bannok và William Manser, NXB. Penguin Books, London 1990, thuật ngữ tài chính là một “sự cung cấp tiền bạc cho một nơi nào đó khi cần thiết. Tài chính có thể được cung cấp dưới hình thức giá trị hoặc tài sản như là một sự đảm bảo. Tài chính có thể được tiêu dùng hay đầu tư. Khi tài chính được sử dụng cho đầu tư, thì tài chính trở thành vốn”. 

Từ điển Larousse, NXB. Larouss, Pari năm 1993, cho tằng tài chính (tiếng Pháp là Finer) có nghĩa là:

  • Là toàn bộ nghề nghiệp có mục đích tiền tệ, hoặc được thể hiện bằng tiền tệ, nhất là các loại chứng khoán. 
  • Là một môn khoa học quản lý các loại tài sản cá nhân, tài sản doanh nghiệp và tài sản công cộng. 
  • Nhờ có thông qua tài chính mà một lượng tiền mặt được trao đổi. 

Thuật ngữ tài chính nếu đứng ở số nhiều (finaces) thì:

  • Là tài sản công: là toàn bộ nguồn thu, khoản chi của Nhà nước, hoặc của một lãnh thổ: toàn bộ các hoạt động mang tính chất quản lý và sử dụng các nguồn thu và khoản chi của nhà nước và của chính quyền địa phương. Ví dụ như Tài chính công (Finances publiques)
  • Với nghĩa thông thường: Tài chính là khoản tiền mặt của cá nhân

Theo từ điển “Các thuật ngữ kinh tế hiện đại”, thuật ngữ tài chính được mô tả theo nghĩa hẹp: “Tài chính là vốn dưới hình thức tiền tệ, mà có thể là cho các mục tiêu về vốn, thông qua các thị trường tài chính, hay định chế, tổ chức tài chính”. Nhưng ở nghĩa thông thường, “tài chính được áp dụng để chỉ việc cấp phát, chi tiêu từ bất kỳ nguồn nào”. 

Đại từ điển Tài chính và Kinh doanh của Mỹ – nhà xuất bản Macmillan Reference, USA, năm 2001, khi định nghĩa tài chính lai đề cập cụ thể đến Tài chính công ty, Tài chính hộ gia đình trong nền kinh tế:

  • Tài chính công ty: là phương thức tạo dựng, phân bổ nguồn lực tài chính nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp. Có ba vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, đó là việc lập ngân sách. Thứ hai là vấn đề tìm nguồn tài chính. Thứ ba là chính sách phân chia lợi nhuận. 
  • Tài chính dân cư (hộ gia đình): là phương thức phân bổ nguồn lực nhằm tối đa hóa mức độ thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng với chi phí thấp nhất của các cá nhân, hộ gia đình, trong mối qua hệ với khả năng tạo thu nhập từ việc sử dụng các nguồn lực này cho đầu tư. 

Như vậy, có thể thấy rằng tài chính ở các nền kinh tế thị trường phát triển thường được xem xét gắn liền với hoạt động thực tiễn. Tùy theo chủ thể, từng vấn đề, từng thời kỳ đặt ra trong mỗi giai đoạn mà tài chính được hiểu, diễn đạt theo các nội dung khác nhau. Không có một định nghĩa bất biến về tài chính cho mọi giai đoạn, mọi chủ thể. 

Từ các quan niệm về tài chính trên đây cho thấy: mặc dù tài chính được diễn đạt theo các cách khác nhau, song về cơ bản, quan niệm đều có chung một vấn đề – đó là mục đích của của mà nó cần đạt được – thỏa mãn ở mức độ cao nhất có thể nhu cầu của mỗi chủ thể. 

Thực tế cho thấy rằng, trong xã hội, các chủ thể (hộ gia đình, doanh nghiệp, chính phủ) thường phải cân nhắc, tính toán để đưa ra các lựa chọn nhằm phân bổ nguồn lực khan hiếm của mình một cách có lợi nhất. 

Sự phân bổ các nguồn lực tài chính có thể diễn ra trong nội tại các chủ thể hay diễn ra giữa các chủ thể trong nền kinh tế, được thể hiện qua sự vận động của các dòng tiền trong nội bộ các chủ thể, hoặc từ các chủ thể này sang chủ thể khác. Từ đó, thấy rõ hình thức cụ thể của các hoạt động tài chính, như hoạt động thu thuế, phí, lệ phí của nhà nước, hoạt động chi tiêu ngân sách nhà nước; chi tiêu của hộ gia đình; đi vay vốn và phân phối kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hoạt động huy động vốn và cho vay của ngân hàng; thu phí bảo hiểm và trả tiền bồi thường của các tổ chức bảo hiểm; … 

>> Xem thêm: Thông tư 219 năm 2013 Bộ Tài chính – hướng dẫn luật Thuế GTGT

Trong hoạt động thực tiễn, hình thức của hoạt động tài chính trong các lĩnh vực, các phạm vi khác nhau có thể rất khác nhau và rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đằng sau bề ngoài đó, vấn đề cốt lõi của tài chính là sự phân bổ các nguồn lực khan hiếm (nguồn lực tài chính) theo thời gian và không gian nhất định. Chẳng hạn, các thành viên trong gia đình nhận lương từ việc phân bổ quỹ tiền lương của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Các hộ gia đình từ đó lập kế hoạch phân bổ ngân sách gia đình cho chi tiêu và đầu tư.

Nhà nước huy động vốn từ phân phối và phân phối lại thu nhập của các chủ thể, ngân sách nhà nước phân bổ vốn cho các nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Các doanh nghiệp tham gia vào việc phân bổ các nguồn lực tài chính để huy động vốn và đầu tư sử dụng vốn, … Thực chất đó chính là các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể trong quá trình tham gia phân phối các nguồn tài chính để kiếm những lợi ích và đáp ứng những nhu cầu của các chủ thể nhất định. 

Hình 2: Tài chính là gì – Nguồn: Internet

Từ những phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa tài chính như sau: “Tài chính là phương thức huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực khan hiếm (nguồn lực tài chính) nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của các chủ thể trong phát triển kinh tế- xã hội”. 

>> Xem thêm: Năm tài chính là gì và cách xác định ngày bắt đầu

2. Vai trò của tài chính

Tài chính có các vai trò cơ bản như sau:

Thứ nhất – Là công cụ phân phối sản phẩm quốc dân: 

Tài chính góp phần vào việc phân phối các nguồn tài chính trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. 

Đối với các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước, chính phủ là chủ thể thực hiện phân phối với tư cách là chủ thể có quyền lực chính trị, còn đối tượng phân phối là các nguồn tài chính thuộc sở hữu nhà nước hoặc đang là thu nhập của các pháp nhân và thể nhân trong xã hội mà nhà nước tham gia điều tiết. 

Các công cụ được sử dụng trong phân phối sản phẩm quốc dân bao gồm:

  • Các chính sách thuế và các sắc thuế kèm theo (thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, …)
  • Chính sách tài chính – tiền tệ, thu nhập – việc làm, đất đai… 

Từ các chính sách trên, Nhà nước sử dụng nguồn thu ngân sách để đầu tư cho hệ thống giáo dục, y tế, …; hỗ trợ các đối tượng khó khăn, thu nhập thấp, các đối tượng chính sách, … Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tại các khu vực khó khăn, kích thích đầu tư và tái đầu tư mở rộng, từ đó tạo ra việc, giảm tình trạng thất nghiệp, gián tiếp hỗ trợ người lao động, tăng thu nhập cho người lao động, góp cải thiện đời sống của người dân, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội.

Xét trên góc độ doanh nghiệp, cơ chế tài chính do các doanh nghiệp thiết lập và thực hiện là công cụ quan trọng để kích thích tiết kiệm, kích thích đầu tư và tái đầu tư nhằm mở rộng hoặc nghiên cứu cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Tương tự như vậy đối với tài chính các tổ chức xã hội và tài chính hộ gia đình.

Thứ hai –  Là công cụ quản lý điều tiết vĩ mô nền kinh tế bằng cách:

  • Nhà nước sử dụng các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tác động đến các quan hệ kinh tế vận động theo các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Ví dụ, trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái, ngân hàng trung ương sử dụng chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất tín dụng, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn, từ đó, tăng luồng tiền đầu tư cho nền kinh tế, kết quả là kích thích tăng trưởng kinh tế. 
  • Hướng dẫn, khuyến khích hay hạn chế một số hoạt động sản xuất – kinh doanh hay một số ngành nhất định tùy theo điều kiện của nền kinh tế để phù hợp với chiến lược phát triển  kinh tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra thông qua hệ thống văn bản pháp luật, các thông tư, hướng dẫn, các gói thích thích kinh tế hay các biện pháp về thuế, tín dụng, xuất khẩu,… Ví dụ, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng giá trị gói hỗ trợ lên đến 40.000 tỷ đồng.
    Một số ngành nghề thuộc diện được hỗ trợ lãi suất như hàng không, vận tải, kho bãi, du lịch… là các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID–19. Ngoài ra, các nhóm ngành xuất bản phần mềm, lập trình máy tính và các hoạt động liên quan là nhóm ngành nằm trong định hướng phát triển nền kinh tế số của nước ta hiện nay cũng đang được hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách Nhà nước ban hành. Chính sách này hy vọng mang lại sự phục hồi cho những ngành bị ảnh hưởng nặng bởi COVID–19.  

>> Xem thêm: [Cập nhật] 3 chính sách thuế, phí, kế toán có hiệu lực từ tháng 9/2022 

Thứ ba, vai trò với các chủ thể trong nền kinh tế 

Các cá nhân, doanh nghiệp, hay tổ chức chính phủ đều cần có kinh phí hay chính là nguồn lực tài chính để hoạt động, không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, mà còn cả hoạt động đầu tư cho hiện tại cũng như trong tương lai. Do đó, tài chính rất quan trọng đối với mọi quyết định của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Đối với Nhà nước, tài chính đảm bảo cho hoạt động vận hành của bộ máy cơ quan Nhà nước, là nền tảng cho các quyết định đầu tư, hỗ trợ, trợ cấp, …

Với doanh nghiệp, tài chính cần thiết cho các quyết định kinh doanh, từ việc lập kế hoạch, lập ngân sách và quản lý dòng tiền đến cấu trúc vốn và cách doanh nghiệp kiểm soát rủi ro và chi phí. Mặt khác, với cá nhân, hộ gia đình, tài chính là cơ sở cho các nhu cầu của cá nhân hiện tại cũng như tương lai. Do đó, các chủ thể cần kiểm soát tài chính hiệu quả để đảm bảo cho các hoạt động trong hiện tại cũng như trong tương lai. 

3. Chức năng của tài chính bao gồm những gì?

Hình 3: Chức năng của tài chính

3.1. Chức năng phân bổ nguồn lực tài chính

Tài chính là phương thức phân bổ nguồn lực tài chính theo thời gian và không gian. Do đó, chức năng phân bổ nguồn lực trở thành chức năng cơ bản nhất của tài chính, đây là thuộc tính khách quan vốn có của tài chính. Con người nhận thức vận dụng khả năng khách quan đó để tổ chức việc phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị, khi đó tài chính được sử dụng với tư cách một công cụ phân phối. 

Đối tượng của phân phối tài chính là tổng thể các nguồn lực tài chính có trong xã hội. Nguồn lực tài chính được đề cập ở đây là chỉ: vốn (hay tiền) để các chủ thể như Chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình, các tổ chức xã hội chi tiêu cho hoạt động của các chủ thể. 

3.2. Chức năng kiểm tra, giám đốc 

Chức năng kiểm tra giám đốc của tài chính là khả năng khách quan của tài chính, con người nhận thức và vận dụng khả năng khách quan này của tài chính để tổ chức công tác kiểm tra tài chính trong hoạt động thực tiễn, nhằm sử dụng nó với tư cách là một công cụ kiểm tra, kiểm soát quá trình phân bổ nguồn lực tài chính của xã hội. 

Kiểm tra, giám đốc tài chính là kiểm tra quá trình phân bổ các nguồn lực tài chính, đánh giá việc khai thác, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo quá trình phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính diễn ra đúng với các quy định pháp luật và đem lại hiệu quả cho các chủ thể. 

Hoạt động kiểm tra, giám đốc tài chính có thể được tiến hành trên phạm vi rộng, như kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng trong động viên tập trung vốn, phân phối sử dụng tổng thể các nguồn lực vốn của nhà nước, của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm đảm bảo tính tiết kiệm, hiệu quả và đúng pháp luật. 

Hoạt động kiểm tra, giám đốc tài chính cũng có thể được tiến hành trong nội bộ các cơ quan, đơn vị như kiểm tra quá trình huy động vốn, đầu tư sử dụng vốn, phân phối kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo cho các dòng tiền của doanh nghiệp vận động tiết kiệm, và hiệu quả nhất. 

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về tài chính, liên quan đến khái niệm, vai trò và chức năng của tài chính. MISA AMIS hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về tài chính, từ đó, có cơ hội thuận lợi tìm hiểu sâu hơn các vấn đề tài chính đang được quan tâm. 

Hiện nay, các doanh nghiệp thường trang bị thêm cho bộ phận kế toán hệ thống phần mềm hỗ trợ để giúp việc thực hiện các chuẩn mực kế toán được nhanh chóng và chính xác hơn. Một trong các phần mềm nổi bật trên thị trường đó là phần mềm kế toán online MISA AMIS. Đây là giải pháp quản trị tài chính thông minh thế hệ mới, có nhiều tính năng đặc biệt hỗ trợ hoạt động định khoản và các nghiệp vụ kế toán khác:

  • Đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp mọi lĩnh vực
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu chứng từ từ: Hóa đơn, Bill bán hàng, Bảng kê ngân hàng… giúp rút ngắn thời gian nhập liệu, tránh sai sót.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác. 
  • Cảnh báo thông minh: Nhắc nhở hạn kê khai, nộp thuế; Tồn kho vật tư, hàng hóa; Thu hồi nợ, thanh toán hóa đơn; Tình trạng hoạt động của KH/NCC…
  • Kết nối với Cơ quan Thuế: Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự; hơn 100 đối tác giúp đồng bộ dữ liệu, giảm thiểu thời gian nhập liệu chồng chéo

Tham khảo ngay phần mềm kế toán online MISA AMIS để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn

Tổng hợp: Thảo Đinh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả