Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì? Tổng quan về hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp

21/04/2024
14447

Quản trị tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công và phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bài viết này sẽ cung cấp kiến thức cơ bản về quản trị tài chính doanh nghiệp, từ khái niệm, mục tiêu, chức năng đến các thực trạng và giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

1. Khái niệm, mục tiêu của quản trị tài chính doanh nghiệp

1.1. Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?

Quản trị tài chính doanh nghiệp là quá trình lập kế hoạch chiến lược, tổ chức và kiểm soát tất cả các giao dịch tài chính trong một doanh nghiệp, nhằm điều chỉnh tình hình tài chính tốt hơn với các mục tiêu mà doanh nghiệp, tổ chức đề ra. Quản trị tài chính doanh nghiệp còn là hoạt động tìm cách tối ưu hóa giá trị của cổ đông, tạo ra lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe tài chính của tổ chức, doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn.

Hình 1: Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?

1.2. Mục tiêu của quản trị tài chính doanh nghiệp

Mục tiêu của quản trị tài chính doanh nghiệp là giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định có ảnh hưởng tích cực đến sự ổn định tài chính ở cả hiện tại và tương lai. Doanh nghiệp sẽ có sự ổn định tài chính và khả năng sinh lời cao hơn khi có một kế hoạch, chiến lược rõ ràng về lý do, cách thức và những hạng mục mà tài chính được phân bổ và sử dụng. Nhìn chung, quản trị tài chính doanh nghiệp có 2 mục tiêu chính:

– Tối đa hóa chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế

– Tối đa hóa lợi nhuận trên vốn cổ phần

2. Chức năng và tầm quan trọng của quản trị tài chính doanh nghiệp

2.1. Chức năng của quản trị tài chính doanh nghiệp

Hình 2: 7 Chức năng của quản trị tài chính doanh nghiệp

Quản trị tài chính doanh nghiệp có 07 chức năng chính sau:

(1). Ước tính yêu cầu về vốn

Nhà quản trị tài chính cần lập dự toán các yêu cầu về vốn của doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc vào chi phí, lợi nhuận dự kiến của các hoạt động với chính sách trong tương lai. Dự toán này phải được thực hiện một cách đầy đủ nhằm tăng thêm thu nhập cho doanh nghiệp.

(2). Xác định thành phần nguồn vốn

Khi đã thực hiện các ước tính yêu cầu về vốn, thành phần nguồn vốn phải được xác định. Điều này có liên quan đến phân tích nợ ngắn và dài hạn, phụ thuộc vào tỷ lệ vốn của chủ sở hữu và các quỹ bổ sung phải được huy động từ bên ngoài.

(3). Lựa chọn nguồn vốn

Nhà quản trị tài chính có thể lựa chọn nguồn vốn để huy động cho doanh nghiệp. Họ cần chọn lọc nguồn vốn có khả năng kiếm tiền lớn nhưng với mức chi phí thấp. Đồng thời cải tạo đòn bẩy để tối đa hóa giá trị cho cổ đông.

(4). Đầu tư vào các quỹ

Nhà quản trị cần quyết định về việc phân bổ ngân sách vào các dự án có lợi nhuận, mang lại doanh thu lớn để đảm bảo an toàn và hiệu quả đầu tư.

(5). Xử lý thặng dư

Nhà quản trị tài chính cần đưa ra những quyết định về lợi nhuận ròng cho doanh nghiệp, có thể thực hiện theo 2 cách sau:

– Tuyên bố cổ tức: Xác định tỷ lệ cổ tức và các lợi ích khác.

– Lợi nhuận giữ lại: Điều này phụ thuộc vào kế hoạch thay đổi, mở rộng, đa dạng hóa của doanh nghiệp.

(6). Quản trị tiền mặt

Nhà quản trị tài chính cần đưa ra những chính sách liên quan đến việc quản lý tiền mặt. Tiền mặt trong doanh nghiệp được phân bổ cho nhiều mục đích khác nhau như tiền điện nước, thanh toán cho chủ nợ, đáp ứng khoản nợ tới hạn, duy trì cổ phiếu, mua nguyên vật liệu,…

(7). Kiểm soát tài chính

Nhà quản trị tài chính doanh nghiệp cần kiểm soát quỹ tài chính kinh tế, thông qua các kỹ thuật như phân tích tỷ lệ dự báo tài chính, chi phí, kiểm soát lợi nhuận,…

2.2. Tầm quan trọng của quản trị tài chính doanh nghiệp

Bằng cách xem xét các hoạt động cốt lõi, có thể thấy quản trị tài chính doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

(1). Kiểm soát tài chính mọi hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

(2). Kích thích và điều tiết hoạt động kinh doanh

(3). Đưa ra quyết định hợp lý về các khoản đầu tư và tài trợ

(4). Theo dõi, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức

Có thể bạn quan tâm: Ứng dụng công nghệ tối ưu công tác quản trị tài chính và khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

3. Quy trình quản trị tài chính doanh nghiệp

Hình 3: Quy trình quản trị tài chính doanh nghiệp

(1). Lập kế hoạch và ngân sách

Doanh nghiệp nên sử dụng các dữ liệu tài chính ở quá khứ và hiện tại để đặt mục tiêu, sửa đổi và thay đổi ngân sách. Lập kế hoạch chi tiết, rõ ràng giống như việc phác họa bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

(2). Phân bổ nguồn lực

Các nhà quản trị tài chính cần ấn định giá trị cho các nguồn vốn và đưa ra những quyết định về việc phân bổ nguồn lực, dựa trên các tiêu chí như mức tăng trưởng dự kiến của doanh nghiệp và các mục tiêu tài chính. Đưa ra một khuôn khổ để sử dụng nguồn vốn và xác định danh mục đầu tư tạo ra nhiều doanh thu nhất, dựa trên tình hình tài chính của doanh nghiệp.

(3). Vận hành và giám sát

Giai đoạn này rất quan trọng để ngăn chặn các hoạt động gian lận, sai sót trong việc phân bổ vốn. Giám đốc tài chính (CFO) cần tiến hành đánh giá, giám sát thường xuyên về hoạt động kinh doanh và dòng tiền. Những đánh giá định kỳ này giúp giảm thiểu gian lận và kịp thời phát hiện các vấn đề khác.

(4). Đánh giá và báo cáo

Nhà quản trị tài chính nên đánh giá hệ thống quản trị tài chính của doanh nghiệp thường xuyên, nhằm có những thay đổi khi cần thiết. Các báo cáo tài chính và dữ liệu tài chính có thể hữu ích khi đánh giá hiệu quả và sự thành công của doanh nghiệp. Từ đó có thể đưa ra các đề xuất dựa trên nghiên cứu nhằm giúp công ty lưu trữ và quản lý dữ liệu tài chính một cách an toàn, tuân thủ các luật định liên quan và khai thác dữ liệu khi cần.

Đọc thêm: 8 nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp

4. Thực trạng và thách thức trong quản trị tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, công tác quản trị tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đang gặp nhiều thách thức và yếu kém. 

Tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, khâu quản trị tài chính hiện nay thường rất lỏng lẻo, nhất là doanh nghiệp ở khu vực tư nhân khi chủ doanh nghiệp vừa là người điều hành, vừa đưa ra các quyết định tài chính, tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp thường lẫn lộn. Thậm chí, tại một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhiều chủ doanh nghiệp còn dùng tài khoản công ty để chi tiêu cho các hoạt động cá nhân và ngược lại, thiếu tách bạch các yếu tố về tài chính nên rất khó đảm bảo sự ổn định và an toàn về tài chính. Đặc biệt, khi các chủ doanh nghiệp lạm dụng tài chính doanh nghiệp để chi tiêu cho các mục đích cá nhân, thì doanh nghiệp đó sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng mất khả năng thanh khoản, mất kiểm soát về tài chính.

Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém trong quản trị tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

– Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của quản trị tài chính. Họ lập kế hoạch cho các lĩnh vực hoạt động khác mà không lập kế hoạch cho hoạt động tài chính, do vậy khả năng kiểm soát tài chính của doanh nghiệp rất kém và thường xuyên thụ động trước thị trường. 

– Thứ hai, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được đào tạo bài bản về quản trị tài chính. Đa phần giám đốc và lực lượng quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuất phát từ các xưởng sản xuất nhỏ, các tổ nhóm sản xuất, các hộ gia đình nên các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa thường quản trị doanh nghiệp, trong đó có quản trị tài chính theo cảm tính, sự thuận tiện, dựa trên cơ sở về quan hệ cá nhân và sự tin tưởng. 

– Thứ ba, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu dựa vào vốn tự có thường chiếm khoảng 50 – 70%, sau đó là huy động từ bạn bè người thân và các tổ chức tín dụng, chỉ khoảng 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn chính thức. Tiềm lực tài chính hạn hẹp, kinh nghiệm và trình độ quản lý tài chính hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có được niềm tin của nhà đầu tư nên ít tham gia các thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, cho thuê tài chính. Vấn đề vay vốn ngân hàng cũng gặp khó khăn do cơ chế, chính sách chưa thuận lợi và thủ tục phức tạp.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả