Mẫu biểu, quy định Quy định Những quy định chung về việc kê khai bổ sung, điều chỉnh...

Kê khai thuế GTGT là một công việc mà kế toán thường xuyên thực hiện hàng tháng hàng/quý, đặc biệt là các doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai và khấu trừ thuế GTGT. Tuy nhiên trong quá trình làm việc kế toán cũng không thể tránh được các lỗi sai như bỏ sót không kê khai hóa đơn mua vào/bán ra; ghi sai thông tin hóa đơn hoặc kê khai sai các chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT… Vì vậy,  kế toán có thể phải thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh cho tờ khai thuế GTGT đã sai, sót về đúng theo quy định và tình hình thực tế phát sinh.

Từ ngày 01/01/2022, quy định về các biểu mẫu theo Thông tư 80/2021/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có tờ khai GTGT mẫu số 01/GTGT với nhiều chỉ tiêu thay đổi.  MISA AMIS tổng hợp các thông tin nhằm giúp các bạn thực hiện việc kê khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế GTGT theo TT80/2021/TT-BTC được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Hình 1: Kê khai điều chỉnh bổ sung tờ khai thuế GTGT theo TT80/2021/TT-BTC

Các quy định chung về việc kê khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế GTGT năm 2022 được trình bày bao gồm:

Hình 2: Nội dung các quy định chung về việc kê khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế GTGT

1. Xác định tờ khai chính thức và tờ khai GTGT bổ sung, điều chỉnh

a) Xác định tờ khai chính thức 

– Kể từ khi Tổng cục thuế nâng cấp trang kê khai thuế điện tử trên địa chỉ: https://thuedientu.gdt.gov.vn/ để đáp ứng các quy định về kê khai bổ sung, điều chỉnh theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư 80/2021/TT-BTC thì khi lần đầu các bạn nộp tờ khai thuế GTGT để gửi đến cơ quan thuế chính là tờ khai chính thức kể từ khi tờ khai lần đầu được chấp nhận kể cả chưa hết hạn nộp tờ khai. Do đó ?Tờ khai chính thức là tờ khai lần đầu tiên gửi đến cơ quan thuế và được chấp nhận. Do vậy các bạn lưu ý khi kê khai thuế lần đầu cần thật chú ý, cẩn trọng để đảm bảo chính xác, tránh phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

b) Xác định tờ khai GTGT bổ sung, điều chỉnh

– Doanh nghiệp chỉ được nộp tờ khai bổ sung nếu tờ khai lần đầu có sai, sót đã được chấp nhận mà không được nộp lại tờ khai lần đầu nữa. Do đó, tờ khai bổ sung sẽ là tờ khai lập sau tờ khai chính thức và bổ sung điều chỉnh sai, sót cho tờ khai chính thức.

>>> Xem cách lập tờ khai thuế GTGT lần đầu tại bài viết: Hướng dẫn lập tờ khai thuế GTGT

2. Xác định thời điểm kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT

– Doanh nghiệp được nộp lại hồ sơ khai thuế GTGT bổ sung cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra. (Căn cứ theo Khoản 1,2,3 Điều 47, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14).

? Thời điểm kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT: là bất cứ ngày nào sau khi nộp tờ khai chính thức và tối đa là 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót  nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra..

– Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

– Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

+ Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;

+ Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.

Ví dụ: Tại công ty TNHH Mai Ngọc nhận được thông báo là ngày 26/05/2022 cơ quan thuế sẽ đến kiểm tra tại trụ sở của doanh nghiệp kỳ kiểm tra từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2021. Các bạn hãy cùng xem xét một số trường hợp có thể xảy ra khi kế toán phát hiện phát hiện tờ khai thuế GTGT quý 4/2021 của công ty đã kê khai có sai, sót phải bổ sung như sau:

  • Trường hợp 1: Trước ngày cơ quan thuế xuống trụ sở kiểm tra 2 ngày kế toán công ty phát hiện sai, sót đã kịp thời nộp lại tờ khai bổ sung thì sẽ không bị xử phạt về hành vi kê khai sai này.
  • Trường hợp 2: Trong ngày 26/05/2022 cơ quan thuế xuống trụ sở kiểm tra kế toán công ty mới phát hiện sai, sót và đã nộp lại tờ khai bổ sung vào ngày cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra tại trụ sở thì sẽ bị xử phạt về hành vi kê khai sai này.
  • Trường hợp 3: Sau ngày cơ quan thuế hoàn tất quy trình kiểm tra và đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra tại trụ sở của công ty TNHH Mai Ngọc thì 

+ Kế toán công ty mới phát hiện sai, sót trên và kế toán doanh nghiệp thực hiện khai bổ sung tờ khai thuế GTGT quý 4/2021 ? Việc kê khai bổ sung này đã làm tăng số tiền thuế phải nộp nên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

+ Trường hợp kế toán doanh nghiệp kê khai bổ sung làm tăng số tiền thuế được khấu trừ thì doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.

>>> Có thể bạn quan tâm: Cách lập tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT theo Thông tư 80

3. Một số điểm lưu ý về kê khai bổ sung khi phát hiện các hóa đơn GTGT đầu ra hoặc đầu vào có sai, sót

3.1 Kê khai đối với các hóa đơn đầu ra có sai, sót:

 Đối với sai, sót trên hóa đơn đầu ra:

  • Nếu phát hiện có hóa đơn đầu ra (bán ra) sai, sót do kê khai sai, nhầm lẫn phát sinh tại kỳ nào thì phải thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh vào kỳ tính thuế phát sinh của hóa đơn đầu ra đó. 

Ví dụ 1: Tại doanh nghiệp Hải Hà kinh doanh nhiều mặt hàng thương mại, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có kỳ kê khai thuế theo tháng, vào ngày 10 tháng 01 năm 2022, kế toán doanh nghiệp có xuất 1 hóa đơn GTGT bán ra số 0018678 cho Công ty TNHH Bình Minh có tổng giá trị hàng bán chưa có thuế là 110.000.000 đồng, thuế suất thuế GTGT 10% là 11.000.000 đồng. Đến ngày 20/02/2022, kế toán Hải Hà có kê khai thuế hóa đơn này nhưng do nhầm lẫn nên đã kê khai giá trị tiền hàng là 100.000.000 đồng, tiền thuế là 10.000.000 đồng. Ngay sau đó ngày 22/02/2022 nhân viên kế toán này đã phát hiện ra nhầm lẫn này, khi đó việc kê khai bổ sung sẽ phải thực hiện kê khai bổ sung vào tờ khai thuế GTGT có sai, sót là tháng 1/2022. 

  • Nếu hóa đơn bán ra sai, sót về giá tiền hàng, tiền thuế GTGT mà phải lập hóa đơn điều chỉnh tăng hoặc giảm doanh thu và thuế GTGT thì các bạn không phải kê khai điều chỉnh tờ khai của hóa đơn sai, sót mà kê khai hóa đơn điều chỉnh vào kỳ lập hóa đơn điều chỉnh tức là không phải kê khai bổ sung điều chỉnh trong trường hợp này (Căn cứ tham khảo theo Công văn số 3127/TCT-KK ngày 14/7/2017 của Tổng cục Thuế và Công văn 13696/CT-TTHT ngày 29/03/2019 của Cục Thuế TP Hà Nội).

Ví dụ 2: Tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Châu Á – Thái Bình Dương đã xuất hóa đơn và giao hàng hóa cho bên mua. Bên bán và bên mua đã thực hiện kê khai thuế GTGT theo quy định. Sau đó phát hiện sai, sót thì bên bán và bên mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai, sót và lập hóa đơn điều chỉnh sai, sót. 

? Căn cứ hóa đơn xuất điều chỉnh bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh vào kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn điều chỉnh. 

3.2 Kê khai đối với các hóa đơn đầu vào có sai, sót:

– Đối với hóa đơn GTGT đầu vào của doanh nghiệp khi phát hiện sai, sót do nhầm lẫn, sai số học trên tờ khai so với hóa đơn thì tại thời điểm phát hiện hóa đơn bỏ sót kỳ nào thì kê khai, khấu trừ bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện hóa đơn bỏ sót nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế (Căn cứ quy định tại khoản 8, Điều 14, Thông tư số 219/2013/TT-BTC và tham khảo Công văn số: 414/TCT-KK, hướng dẫn về việc khai thuế GTGT của Cục thuế TP Hà Nội ngày 30/01/2018). Nếu các bạn thực hiện kê khai sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định, kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt về việc kê khai sai hoặc thực hiện theo quy định khiếu nại về thuế.

– Trường hợp trên tờ hóa đơn GTGT đầu vào có sai, sót nhưng tờ khai đã kê khai đúng giá trị tiền hàng, tiền thuế theo tờ hóa đơn sai, sót đó và hai bên mua và bên bán đã lập biên bản ghi nhận sai, sót và lập hóa đơn điều chỉnh sai, sót vào thời điểm phát hiện sai, sót thì sẽ không phải kê khai điều chỉnh bổ sung mà các bạn chỉ cần kê khai tờ hóa đơn GTGT mua vào điều chỉnh sai, sót vào kỳ lập hóa đơn điều chỉnh đó.

4. Bộ hồ sơ kê khai bổ sung thuế GTGT theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC

Căn cứ theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC có quy định về hồ sơ kê khai bổ sung thuế GTGT như sau:

1). Tờ khai bổ sung mẫu số 01/KHBS 

2). Bản giải trình khai bổ sung mẫu số 01-1/KHBS kể từ 1/1/2022 trở đi, không phân biệt kỳ tính thuế thực hiện theo mẫu biểu ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC. 

3). Hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót tương ứng mẫu đã khai với cơ quan thuế

5. Một số điểm mới về kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC

Theo quy định mới trong Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì việc kê khai bổ sung sẽ có một số điểm mới như sau:

– Sửa đổi quy định hồ sơ khai bổ sung tính từ hồ sơ tiếp theo của hồ sơ khai thuế lần đầu đã được chấp nhận.

– Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì người nộp thuế chỉ phải nộp “Bản giải trình khai bổ sung mẫu số 01-1/KHBS” và “Hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót đã được bổ sung”, không phải nộp “Tờ khai bổ sung mẫu số 01/KHBS” (Căn cứ theo Điều 7, Nghị định số: 126/2020/NĐ-CP).

– Trường hợp người nộp thuế do cơ quan thuế tính thuế thì thông báo nộp thuế khai bổ sung chỉ phải nộp Hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót; không phải nộp Tờ khai bổ sung mẫu số 01/KHBS và Bản giải trình khai bổ sung mẫu số 01-1/KHBS do người nộp thuế không phải tự xác định số thuế phải nộp.

6. Một số nguyên tắc cơ bản cần nhớ khi kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT

Sau khi các bạn đã đọc kỹ và hiểu rõ các nội dung bên trên để xác định đúng trường hợp của doanh nghiệp thuộc trường hợp phải kê khai điều chỉnh bổ sung thì tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau đi xác định cách thức kê khai điều chỉnh bổ sung dựa vào nguyên tắc sau:

Hình 3: Nguyên tắc cơ bản cần nhớ khi kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT

Chi tiết:

  Tại kỳ kê khai thuế GTGT có sai, sót:

  • Không được trực tiếp điều chỉnh bổ sung vào tờ khai chính thức đã nộp lần đầu. Tờ khai chính thức lần đầu đã nộp phải giữ nguyên số liệu.
  • Tờ khai bổ sung lần 1 sẽ bổ sung cho tờ khai chính thức lần đầu: Sai chỉ tiêu nào thì sửa trực tiếp chỉ tiêu đó trên tờ khai bổ sung lần 1.
  • Tờ khai bổ sung lần 2 sẽ bổ sung cho tờ khai lần 1 được chấp nhận: Sai chỉ tiêu nào thì sửa trực tiếp chỉ tiêu đó trên tờ khai bổ sung lần 2.
  • Cứ tiếp tục như vậy, tờ khai bổ sung (n +1) sẽ bổ sung cho tờ khai n và nếu sai chỉ tiêu nào sửa trực tiếp chỉ tiêu đó trên tờ khai bổ sung lần (n+1).

Tại kỳ kê khai thuế hiện tại:

Trong kỳ hiện tại có phát sinh nộp các tờ khai bổ sung của các kỳ trước kế toán phải tổng hợp cộng tất cả các điều chỉnh bổ sung ảnh hưởng đến số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau trên mã chỉ tiêu số [43] của bản tổng hợp điều chỉnh, bổ sung trên các Tờ khai bổ sung lại và ghi vào chỉ tiêu số [37] – điều chỉnh giảm số thuế GTGT hoặc chỉ tiêu số [38] – điều chỉnh tăng số thuế GTGT của Tờ khai GTGT ở kỳ hiện tại.

Điều chỉnh bổ sung này được lấy ở Mục A trên Bản giải trình khai bổ sung (01-1/KHBS), lúc này sẽ có 2 trường hợp xảy ra là phát sinh chênh lệch ở chỉ tiêu [40] hoặc [43]: 

  • Nếu ảnh hưởng đến chỉ tiêu [40] là ảnh hưởng đến số thuế GTGT phải nộp trong kỳ (DN sẽ phải nộp thêm thuế nếu dương hoặc được bù trừ với kỳ sau nếu âm mà không được ghi nhận vào chỉ tiêu [37]; [38] của kỳ hiện tại).
  • Nếu ảnh hưởng chỉ tiêu [43] là ảnh hưởng tới số thuế GTGT khấu trừ chuyển kỳ sau (sẽ được ghi nhận tổng hợp vào kỳ hiện tại (chỉ tiêu [37], [38])

7. Quy trình kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT

Hình 4: Quy trình kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT

Tại kỳ kê khai hiện tại, khi phát hiện ra các sai, sót của tờ khai GTGT của các kỳ trước đã nộp Cơ quan thuế được chấp nhận. Kế toán xác định xem các sai, sót trên tờ khai của kỳ trước là thuộc trường hợp sai, sót nào, có ảnh hưởng như thế nào đến tờ khai thuế GTGT đã nộp. 

Căn cứ theo quy định của Luật thuế để kiểm tra đối chiếu xem những sai, sót đó có bắt buộc phải nộp Tờ khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT đã nộp hay không hay sai, sót có thể sửa chữa ở kỳ tờ khai của kỳ hiện tại. 

Trường hợp khi đã xác định được chắc chắn cần phải lập tờ khai bổ sung thì các bạn tiến hành:

  1. Lập tờ khai bổ sung điều chỉnh của kỳ sai, sót trên ứng dụng HTKK 
  2. Ký điện tử
  3. Nộp Tờ khai trên trang http://thuedientu.gdt.gov.vn

Cuối cùng, các bạn tổng hợp các thông tin bổ sung tăng/giảm số thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau ở chỉ tiêu số [43] trên các Tờ khai bổ sung và ghi vào chỉ tiêu số [37], [38] của kỳ hiện tại hoặc nộp thêm tiền thuế thiếu phát sinh sau khi bổ sung, điều chỉnh chưa nộp.

Trên đây là nội dung những quy định chung về việc kê khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế GTGT năm 2022 nhằm tổng hợp các quy định mới, hỗ trợ giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn cách kê khai bổ sung, điều chỉnh thuế GTGT theo quy định mới tại Thông tư 80/2021/TT-BTC năm 2022 bằng việc đưa ra quy trình kê khai bổ sung điều chỉnh tờ khai thuế GTGT giúp các bạn kế toán hiểu được cơ sở và nội dung việc kê khai bổ sung, điều chỉnh tờ khai thuế GTGT. 

Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký tại đây.

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tác giả: Người yêu kế toán

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]