Kinh nghiệm lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí sản xuất chung trong DN thực phẩm phù hợp

18/06/2022
1054

Với doanh nghiệp sản (DN) xuất thực phẩm, việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí sản xuất chung phù hợp với đặc điểm tình hình của ngành nghề nhiều đặc thù này là rất quan trọng. Cách phân bổ chi phí sản xuất chung dựa trên tiêu thức nào ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu giá thành, giá vốn, lãi lỗ… của DN, từ đó ảnh hưởng đến các quyết định của Ban giám đốc về việc sản xuất sản phẩm nào, số lượng bao nhiêu, ưu tiên sản phẩm nào… 

Bài viết sau đây sẽ cung cấp tới bạn đọc một số kiến thức khái quát về DN sản xuất thực phẩm, chi phí sản xuất chung trong DN sản xuất thực phẩm cũng như việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí này như thế nào sao cho phù hợp nhất.

Hình 1: Chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp sản xuất thực phẩm

1. Khái quát về Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm 

DN sản xuất thực phẩm là DN có lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất thực phẩm. Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm (theo điều 2, Luật An toàn thực phẩm). Các thực phẩm này thường được đóng hộp, đóng gói đảm bảo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khi cung cấp ra thị trường trong nước hoặc quốc tế. 

Quy trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm như sau: 

Quy trình sản xuất của DN sản xuất thực phẩm được bắt đầu từ khâu đưa nguyên liệu vào quy trình và kết thúc khi có sản phẩm đầu ra. Ví dụ về quy trình sản xuất sản phẩm chả cá tại một DN sản xuất thực phẩm như sau:

Hình 2: Quy trình sản xuất chả cá

Điểm chung của nhiều DN sản xuất thực phẩm của Việt Nam hiện tại là quy mô sản xuất chưa lớn, còn manh mún, chưa áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Do vậy, kế toán giá thành trong DN sản xuất thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí chung sao cho phù hợp, đặc biệt với các đơn vị sản xuất nhiều loại sản phẩm, mỗi loại sản phẩm lại có quy trình sản xuất khác nhau. 

2. Chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp sản xuất thực phẩm

+ Chi phí sản xuất chung: là các khoản chi phí liên quan đến việc phục vụ và quản lý sản xuất trong phạm vi các phân xưởng đội sản xuất (theo Điều 87 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán). 

Đối với DN sản xuất, có thể sử dụng nhiều tiêu thức phân bổ khác nhau để phân bổ chi phí sản xuất chung. Việc lựa chọn tiêu thức nào tùy thuộc vào tình hình, quy mô và cách thức quản lý cũng như đặc điểm sản phẩm cụ thể của DN. 

DN có thể sử dụng các tiêu thức phân bổ như: chi phí NVLTT, chi phí nhân công trực tiếp, hoặc có thể kết hợp cả hai tiêu thức NVLTT và NCTT, hoặc có thể phân bổ theo định mức đã có của DN…

3. Các chi phí cấu thành chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp sản xuất thực phẩm

Chi phí sản xuất chung trong DN sản xuất thực phẩm thông thường bao gồm những khoản mục sau: 

+ Chi phí nguyên vật liệu phụ: là tập hợp khoản chi phí về các loại nguyên, vật liệu được sử dụng trong phân xưởng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, như bao bì, các nguyên vật liệu phụ khác…

Trong đơn vị chế biến thực phẩm, ngoài các nguyên vật liệu chính và các loại nguyên vật liệu dùng trực tiếp để sản xuất từng loại sản phẩm thì còn có nhiều nguyên liệu phụ tham gia vào nhiều sản phẩm mà DN khó xác định được định mức đối với từng loại thành phẩm. 

Ví dụ: Với DN sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cá thì các loại nguyên liệu phụ như mì chính, hạt tiêu, hạt nêm, bột tỏi… ngoài được sử dụng để tạo ra sản phẩm chả cá thì còn được sử dụng để tạo ra rất nhiều sản phẩm khác của DN như cá đóng hộp, giò cá…

+ Chi phí nhân công: là khoản chi phí phải trả cho các nhân viên quản lý phân xưởng, bao gồm: tiền lương, tiền công, các khoản trích theo lương cho các nhân viên phân xưởng không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất từng thành phẩm. 

Ví dụ: như chi phí lương, khoản trích theo lương của quản đốc phân xưởng, bộ phận thủ kho phân xưởng, lao công tạp vụ trong phân xưởng…

>>> Đọc thêm: Hạch toán tiền lương và các khoản trích theo lương tại doanh nghiệp

+ Chi phí khấu hao TSCĐlà tập hợp các khoản khấu hao của tất cả các tài sản cố định được sử dụng trong phân xưởng sản xuất.

+ Chi phí dịch vụ mua ngoài: là tập hợp các khoản chi phí mua ngoài để phục vụ cho các hoạt động của phân xưởng như chi phí điện nước, điện thoại, chi phí sửa chữa TSCĐ…

+ Chi phí khác bằng tiền: là các khoản chi bằng tiền khác nhằm phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, như chi phí ăn ca, các cuộc họp, tiếp khách liên quan đến hoạt động của phân xưởng…

4. Kinh nghiệm lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí sản xuất chung cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm

Từ hướng dẫn chung của Bộ tài chính, các DN cần tìm hiểu và lựa chọn các tiêu thức phân bổ phù hợp để vận dụng cho đơn vị mình. Các văn bản thường đưa ra các lựa chọn cho các DN như phân bổ theo giá trị NVLTT, NCTT, định mức NVLTT đã được duyệt, hoặc một số đơn vị lại lựa chọn phân bổ theo doanh thu bán hàng trong kỳ của các sản phẩm… Tất cả các tiêu thức đó đều có ưu nhược điểm riêng. Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ như thế nào phụ thuộc đặc điểm quy trình sản xuất, yêu cầu quản lý cũng như đặc điểm cụ thể của thành phẩm.

Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí chung khác nhau sẽ cho các giá trị giá thành phẩm có sự chênh lệch với nhau. DN có thể vận dụng linh hoạt để tính toán đưa ra mức giá thành mong muốn phù hợp với từng sản phẩm của đơn vị mình. Khi thay đổi về tiêu thức và cách hạch toán chi phí sản xuất chung, DN cần giải trình rõ trong khoản mục IV của phần Thuyết minh báo cáo tài chính (mẫu B09-DN ban hành theo thông tư 200/2014/TT-BTC). Đồng thời, DN cũng nên thông báo cách áp dụng phương thức tính giá thành, định mức của sản phẩm và cách thức phân bổ chi phí sản xuất chung để các Cơ quan ban ngành kiểm tra khi cần. 

Sau đây, MISA AMIS trình bày một ví dụ để bạn đọc có thấy được sự ảnh hưởng của việc lựa chọn tiêu thức phân bổ đến giá thành đơn vị của sản phẩm. 

Ví dụ: DN sản xuất thực phẩm A, trong kỳ có các số liệu về nhập kho thành phẩm, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và tổng hợp chi phí sản xuất chung như sau:

Mã thành phẩm

Tên thành phẩm Mã đối tượng THCP Tên đối tượng THCP Chỉ tiêu
NVL trực tiếp (vnđ) NVL gián tiếp (vnđ) Nhân công trực tiếp (vnđ)

Tổng thành phẩm NK (gói)

CCM0,5 Chả cá miếng CCM0,5 Chả cá miếng 0,5 35.000.000   2.000.000   8.500.000   1.268  
CCV Chả cá viên CCV Chả cá viên 49.000.000   2.500.000   10.500.000   1.545  
CL 0.5 Chả lụa 0.5 kg CL 0.5 Chả lụa 0.5 16.000.000   500.000   2.000.000   294  
GIOGA Giò gà GIOGA Giò gà 113.000.000   3.500.000   15.500.000   2.365  
GL 0.5 Giò lụa 0.5 kg GL 0.5 Giò lụa 0.5 kg 77.000.000   1.500.000   5.500.000   837  
XX  Xúc xích XX  Xúc xích good  84.000.000   3.000.000   12.500.000   1.901  

Tổng

374.000.000   13.000.000   54.500.000  

8.209  

Giả định DN không có sản phẩm dở dang, và chỉ có một phân xưởng cùng sản xuất tất cả các sản phẩm nêu trên. Từ giả định này chúng ta sẽ cùng nhau phân tích ưu nhược điểm cũng như điều kiện áp dụng của từng tiêu thức phân bổ chi phí sản xuất chung. Các DN có thể căn cứ vào phân tích này để lựa chọn tiêu thức phân bổ phù hợp nhất:

Chi phí sản xuất chung trong tháng tập hợp như sau:

STT

Nội dung

Giá trị (VNĐ)

1 Chi phí nhân công quản lý gián tiếp           12.800.000   
2 Chi phí vật liệu, bao bì, dụng cụ sản xuất             9.900.000   
3 Chi phí điện nước             9.500.000   
4 Chi phí khấu hao           13.700.000   
5 Chi phí sửa chữa, mua ngoài dịch vụ khác             9.600.000   
Tổng           55.500.000   

Đối tượng tập hợp chi phí (THCP) là các đối tượng sau: Chả cá miếng, chả cá viên, chả lụa, giò gà, giò lụa và xúc xích và đối tượng tính giá thành (ĐTTGT) tương ứng với các thành phẩm như trên. 

4.1 Phân bổ chi phí sản xuất chung theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (NVLTT):

Cách tính:

Tỷ lệ phân bổ cho từng đối tượng THCP = Chi phí NVLTT cho từng đối tượng THCP x 100%
Tổng chi phí NVLTT của các đối tượng THCP

Số tiền phân bổ cho từng đối tượng THCP

= Tỷ lệ phân bổ của từng đối tượng THCP x

Tổng chi phí chung cần phân bổ

Theo cách tính như trên thì tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất chung cho từng loại thành phẩm như sau:

Mã thành phẩm

NVLTT (VNĐ)

Tỷ lệ phân bổ CPSXC

CCM 35.000.000 9.36
CCV 49.000.000 13.1
CL 0.5 16.000.000 4.28
GIOGA 113.000.000 30.21
GL 0.5 77.000.000 20.59
XX  84.000.000 22.46
Tổng 374.000.000  

Với tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất chung đã tính được ở bảng trên, giá thành từng loại thành phẩm sản xuất trong kỳ được tính theo bảng dưới đây:

Mã thành phẩm

Giá thành
NVL trực tiếp (VNĐ) NVL phụ (VNĐ) Nhân công trực tiếp (VNĐ) Chi phí bao bì (VNĐ) Nhân công gián tiếp (VNĐ) Khấu hao (VNĐ) Chi phí mua ngoài (VNĐ) Chi phí khác (VNĐ) Thành phẩm NK (gói)

Giá thành

/SP

CCM 35.000.000   2.000.000   8.500.000   926.471   1.197.861   1.282.086   889.037   898.396   1.268   39.979  
CCV 49.000.000   2.500.000   10.500.000   1.297.059   1.677.005   1.794.920   1.244.652   1.257.754   1.545   44.850  
CL 0.5 16.000.000   500.000   2.000.000   423.529   547.594   586.096   406.417   410.695   294   71.001  
GIOGA 113.000.000   3.500.000   15.500.000   2.991.176   3.867.380   4.139.305   2.870.321   2.900.535   2.365   62.918  
GL 0.5 77.000.000   1.500.000   5.500.000   2.038.235   2.635.294   2.820.588   1.955.882   1.976.471   837   114.010  
XX  84.000.000   3.000.000   12.500.000   2.223.529   2.874.866   3.077.005   2.133.690   2.156.150   1.901   58.914  
Tổng 374.000.000   13.000.000   54.500.000   9.900.000   12.800.000   13.700.000   9.500.000   9.600.000   8.209    

Nhận xét: 

DN A sản xuất 6 mặt hàng chính, giá trị sản xuất các mặt hàng này không đồng đều. 

Giả định quy trình sản xuất các mặt hàng này tương tự nhau, trong đó, sản phẩm giò lụa đã phải chịu tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất chung cao nhất. Vì thế, khi đánh giá hiệu quả sản xuất, dễ dẫn đến kết quả là mặt hàng giò lụa sẽ bị đánh giá kém hiệu quả hơn các mặt hàng khác. 

Do đó, DN nên áp dụng tiêu thức phân bổ chi phí chung theo NVLTT với trường hợp DN sản xuất các sản phẩm tương đồng về giá trị NVL đầu vào. Ví dụ trường hợp này nếu DN chỉ sản xuất các loại chả cá thì nên áp dụng tiêu thức này. 

Ưu điểm: 

  • Nhanh, dễ hiểu với những người mới bắt đầu làm việc về tính giá thành
  • Phù hợp với DN sản xuất với số lượng ít sản phẩm, mặt hàng

Nhược điểm:

  • Đối với một số trường hợp sẽ đưa ra kết quả phản ánh không thực đúng về báo cáo giá thành, như các trường hợp sản phẩm của DN bị phụ thuộc vào mùa vụ, điều kiện bán hàng.  

Kinh nghiệm áp dụng: Đối với DN sản xuất ít loại sản phẩm, mỗi loại sản phẩm tương đồng nhau về giá trị NVL chính đầu vào thì nên dùng theo tiêu chí này để phân bổ.

4.2 Phân bổ chi phí sản xuất chung theo chi phí nhân công trực tiếp (NCTT)

Cách tính: Tương tự 4.1

Bảng tính giá thành theo ví dụ trên:

Mã thành phẩm

Giá thành
NVL trực tiếp (VNĐ) NVL phụ (VNĐ) Nhân công trực tiếp (VNĐ) Chi phí bao bì (VNĐ) Nhân công gián tiếp (VNĐ) Khấu hao (VNĐ) Chi phí mua ngoài (VNĐ) Chi phí khác (VNĐ) Tổng thành phẩm NK (gói)

Giá thành

/SP

CCM

0,5

35.000.000   2.000.000   8.500.000   1.544.037   1.996.330   2.136.697   1.481.651   1.497.248   1.268   42.710  
CCV 49.000.000   2.500.000   10.500.000   1.907.339   2.466.055   2.639.450   1.830.275   1.849.541   1.545   47.065  
CL 0.5 16.000.000   500.000   2.000.000   363.303   469.725   502.752   348.624   352.294   294   69.853  
GIOGA 113.000.000   3.500.000   15.500.000   2.815.596   3.640.367   3.896.330   2.701.835   2.730.275   2.365   62.501  
GL 0.5 77.000.000   1.500.000   5.500.000   999.083   1.291.743   1.382.569   958.716   968.807   837   107.050  
XX  84.000.000   3.000.000   12.500.000   2.270.642   2.935.780   3.142.202   2.178.899   2.201.835   1.901   59.053  
Tổng 374.000.000   13.000.000   54.500.000   9.900.000   12.800.000   13.700.000   9.500.000   9.600.000   8.209    

Nhận xét: 

Nhìn vào ví dụ trên ta có thể thấy, nếu đánh giá trên tiêu thức NVLTT thì sản phẩm giò gà đang gấp 3.2 lần (tỷ lệ giá trị NVLTT giò gà/giá trị NVLTT CCM) giá trị sản phẩm chả cá miếng, còn nếu đánh giá trên tiêu thức NCTT thì sản phẩm giò gà chỉ gấp 1.8 lần (tỷ lệ giá trị NCTT giò gà/giá trị NCTT CCM) giá trị sản phẩm chả cá miếng. Điều này chứng tỏ công việc sản xuất chả miếng mất nhiều nhân công và thời gian sản xuất hơn sản phẩm giò gà. Nếu DN lựa chọn tiêu thức NCTT sẽ phù hợp hơn so với việc lựa chọn tiêu thức NVLTT để phân bổ.

Do đó, với các DN hạch toán được rõ ràng chi phí NCTT vào từng đối tượng tập hợp chi phí và các thành phẩm có sự khách biệt rõ rệt về việc sử dụng chi phí nhân công thì nên lựa chọn tiêu thức này để phân bổ. 

Ưu điểm: 

Áp dụng rất tốt đối với các đơn vị mà quy trình sản xuất chia làm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn sản xuất theo dõi được chi phí nhân công trực tiếp riêng cho từng loại sản phẩm. 

Nhược điểm:

+ Không áp dụng được với DN sản xuất quá nhiều thành phẩm. Mỗi thành phẩm lại có nhiều công đoạn khác nhau. 

+ Khá phức tạp, kế toán chi tiết không dễ theo dõi bảng chi tiết nhân công. 

Kinh nghiệm áp dụng: Đối với DN sản xuất các sản phẩm sản xuất có nhiều công đoạn khác nhau. Ví dụ cùng sản xuất sản phẩm chả cá, có chả cá viên, chả cá miếng vắt tay. Trong đó chả cá viên sử dụng ít nhân công hơn, chả cá miếng vắt sử dụng nhiều nhân công hơn. 

4.3 Phân bổ chi phí sản xuất chung theo khối lượng nhập kho thành phẩm thực tế

Bảng tính giá thành theo ví dụ trên:

Mã thành phẩm

Giá thành
NVL trực tiếp (VNĐ) NVL phụ (VNĐ) Nhân công trực tiếp (VNĐ) Chi phí bao bì (VNĐ) Nhân công gián tiếp (VNĐ) Khấu hao (VNĐ) Chi phí mua ngoài (VNĐ) Chi phí khác (VNĐ) Tổng thành phẩm NK (gói)

Giá thành/SP

CCM0,5 35.000.000   2.000.000   8.500.000   1.529.293   1.977.267   2.116.294   1.467.503   1.482.951   1.268   42.645  
CCV 49.000.000   2.500.000   10.500.000   1.862.770   2.408.430   2.577.773   1.787.507   1.806.323   1.545   46.904  
CL 0.5 16.000.000   500.000   2.000.000   354.584   458.452   490.686   340.257   343.839   294   69.686  
GIOGA 113.000.000   3.500.000   15.500.000   2.851.745   3.687.105   3.946.354   2.736.523   2.765.329   2.365   62.587  
GL 0.5 77.000.000   1.500.000   5.500.000   1.009.478   1.305.184   1.396.954   968.691   978.888   837   107.120  
XX  84.000.000   3.000.000   12.500.000   2.292.130   2.963.562   3.171.938   2.199.519   2.222.672   1.901   59.116  
Tổng 374.000.000   13.000.000   54.500.000   9.900.000   12.800.000   13.700.000   9.500.000   9.600.000   8.209    

Nhận xét: 

Nhìn vào ví dụ này chúng ta sẽ thấy, nếu DN có nhiều sản phẩm có giá trị chênh lệch nhau, mỗi sản phẩm có nhiều công đoạn sản xuất khác nhau và khó để hạch toán chi phí từng công đoạn sản xuất thì nên lựa chọn tiêu thức thành phẩm nhập kho để phân bổ chi phí sản xuất chung. Lựa chọn tiêu thức này có thể cân bằng được ưu nhược điểm của phần chênh lệch giá trị NVLTT và chi phí NCTT.

Ưu điểm:

  • Việc tính toán khá nhanh, dễ hiểu
  • Áp dụng được cho DN sản xuất nhiều thành phẩm một lúc trong kỳ.

Nhược điểm:

  • Giá thành thực tế có thể không chính xác được nếu DN có nhiều thành phẩm nhưng lại khác nhau về công đoạn và mỗi công đoạn có tỷ lệ hao hụt khá lớn. Ví dụ cùng là sản phẩm chả cá viên nhưng nếu viên hấp thì sẽ ít hơn một công đoạn so với viên chiên đồng thời tỷ lệ hao hụt lại thấp hơn ? Nếu lựa chọn theo tiêu thức khối lượng thành phẩm nhập kho thì tỷ lệ phân bổ chi phí sản xuất chung của viên hấp sẽ cao hơn viên chiên. 

Kinh nghiệm áp dụng: Đối với DN sản xuất thực phẩm có nhiều thành phẩm khá tương đồng nhau về giá trị, giá bán, tương đồng nhau về quy trình sản xuất và đặc biệt ít có sản phẩm dở dang cuối kỳ thì có thể áp dụng chỉ tiêu này để phân bổ chi phí sản xuất chung trong kỳ. 

Kết luận chung: 

Nếu DN sản xuất ít sản phẩm hoặc các dòng sản phẩm phẩm từ nguyên liệu chính tương tự nhau thì DN nên chọn tiêu thức NVLTT để phân bổ chi phí sản xuất chung.

Nếu DN sản xuất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, việc theo dõi và hạch toán  chi phí NCTT cho từng đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành không gặp khó khăn thì nên chọn tiêu thức NCTT.

Nếu DN sản xuất nhiều dòng sản phẩm, quy trình sản xuất đang đơn giản, chưa theo dõi và hạch toán chi tiết được chi phí nhân công cho từng đối tượng tập hợp chi phí thì nên sử dụng tiêu thức sản lượng hoàn thành nhập kho để phân bổ.

Nếu DN là đơn vị sản xuất khá chuyên nghiệp, quản lý tốt được định mức sản xuất thì nên sử dụng tiêu thức định mức nguyên vật liệu để làm tiêu thức phân bổ.

Việc lựa chọn tiêu thức nào là tùy thuộc vào sự đánh giá của DN. Kế toán giá thành của DN sản xuất cần phải linh động, căn cứ vào tình hình cụ thể của DN để đưa ra những đề xuất phù hợp với Ban giám đốc nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản trị DN. 

Chi phí sản xuất chung nói riêng và chi phí nói chung là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần thiết phải thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục. Thêm vào đó, chủ doanh nghiệp cũng nên tiến hành theo dõi tình hình chi phí phát sinh trong kỳ theo thời gian, theo VP/ Chi nhánh, theo từng khoản mục chi phí và so sánh các khoản chi phí phát sinh… Bởi lẽ, điều này sẽ giúp chủ doanh nghiệp có được cái nhìn chính xác và kịp thời để từ đó đưa ra các quyết định phù hợp, kịp thời.

Để làm được điều này, chủ doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của các công cụ phần mềm công nghệ ví dụ như phần mềm kế toán online MISA AMIS. AMIS Kế toán – giải pháp quản trị tài chính thông minh thế hệ mới có nhiều tính năng nổi bật, nhất là các tính năng về doanh thu như:

  • Chi phí: Theo dõi tình hình chi phí phát sinh trong kỳ theo thời gian, theo VP/ Chi nhánh, theo từng khoản mục chi phí và so sánh các khoản chi phí phát sinh
  • Chỉ tiêu tài chính: Xem tổng quan tình hình sức khỏe của doanh nghiệp như khả năng hoạt động, khả năng sinh lời…
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm 15 ngày miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tác giả: Nguyễn Thị Tâm

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả