Kiến thức Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 do Quốc hội ban hành

Ngày 12/07/2006, Quốc hội ban hành Luật số 67/2006/QH11 quy định về Luật Công nghệ thông tin. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007. Sau đây, mời doanh nghiệp cùng MISA AMIS tìm hiểu những quy định quan trọng trong Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11.

I. Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 của Quốc hội

Số, ký hiệu 67/2006/QH11
Ngày ban hành 12-07-2006
Ngày có hiệu lực 01-01-2007
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký duyệt Nguyễn Phú Trọng
Trích yếu Luật Công nghệ thông tin đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.
Tải văn bản luật TẢI VỀ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về công nghệ thông tin.

– Phạm vi áp dụng của Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 bao gồm: (1) Hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; (2) các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; (3) quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

– Đối tượng áp dụng của Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 bao gồm: Các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.

II. Những quy định đáng chú ý trong Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 của Quốc hội

luật công nghệ thông tin 67/2006/QH11

Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 là một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một cách toàn diện và đầy đủ về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Sau đây là các quy định quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý:

1. Quy định về áp dụng luật công nghệ thông tin

Nếu có sự khác nhau giữa quy định của Luật công nghệ thông tin với quy định của luật khác về cùng một vấn đề liên quan đến hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin thì áp dụng quy định của Luật công nghệ thông tin.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Quy định về quyền của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có các quyền sau đây:

– Tìm kiếm, trao đổi, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, trừ thông tin có nội dung quy định tại khoản2 Điều 12 của Luật này;

– Yêu cầu khôi phục thông tin của mình hoặc khôi phục khả năng truy nhập đến nguồn thông tin của mình trong trường hợp nội dung thông tin đó không vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này;

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật trong trường hợp bị từ chối việc khôi phục thông tin hoặc khôi phục khả năng truy nhập đến nguồn thông tin đó;

– Phân phát các địa chỉ liên lạc có trên môi trường mạng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu địa chỉ liên lạc đó;

– Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp hoặc nhận trên môi trường mạng sản phẩm, dịch vụ trái với quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Các quyền của tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ thông tin bao gồm:

– Nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin;

– Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin; số hóa, duy trì và làm tăng giá trị các nguồn tài nguyên thông tin.

Cơ quan nhà nước có quyền từ chối nhận thông tin trên môi trường mạng nếu độ tin cậy và bí mật của thông tin đó được truyền đưa qua môi trường mạng không được bảo đảm.

3. Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin số của mình trên môi trường mạng.

Tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng phải thông báo công khai trên môi trường mạng những thông tin có liên quan, bao gồm:

– Tên, địa chỉ địa lý, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử;

– hông tin về quyết định thành lập, giấy phép hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có);

– Tên cơ quan quản lý nhà cung cấp (nếu có);

– Thông tin về giá, thuế, chi phí vận chuyển (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ.

Tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ thông tin có trách nhiệm sau đây:

– Bảo đảm tính trung thực của kết quả nghiên cứu – phát triển;

– Đồng thời, phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu cơ sở dữ liệu và không gây cản trở cho việc sử dụng cơ sở dữ liệu đó khi thực hiện hành vi tái sản xuất, phân phối, quảng bá, truyền đưa, cung cấp nội dung hợp thành cơ sở dữ liệu đó.

Cơ quan Nhà nước khi hoạt động trên môi trường mạng phải có các trách nhiệm sau đây:

– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động thực hiện trên môi trường mạng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

– Thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan địa chỉ liên hệ của cơ quan đó trên môi trường mạng;

– Trả lời theo thẩm quyền văn bản của tổ chức, cá nhân gửi đến cơ quan nhà nước thông qua môi trường mạng;

– Cung cấp trên môi trường mạng thông tin phục vụ lợi ích công cộng, thủ tục hành chính;

– Sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

– Bảo đảm độ tin cậy và bí mật của nội dung thông tin trong việc gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng;

– Bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin, văn bản được trao đổi, cung cấp và lấy ý kiến trên môi trường mạng;

– Bảo đảm hệ thống thiết bị cung cấp thông tin, lấy ý kiến trên môi trường mạng hoạt động cả trong giờ và ngoài giờ làm việc, trừ trường hợp bất khả kháng;

– Ngoài ra, phải thực hiện việc cung cấp thông tin và lấy ý kiến qua trang thông tin điện tử phải tuân thủ quy định tại Điều 28 của Luật này.

4. Quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia hoạt động công nghệ thông tin

Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi sau đây khi tham gia hoạt động công nghệ thông tin:

Thứ nhất, hành vi cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cản trở bất hợp pháp hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, phá hoại thông tin trên môi trường mạng.

Thứ hai, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích sau đây:

– Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

– Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;

– Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;

– Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;

– Quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định.

Thứ ba, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó.

5. Quy định về cung cấp thông tin cho việc giao kết hợp đồng trên môi trường mạng

luật công nghệ thông tin 67/2006/QH11

Để phục vụ cho việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên liên quan có thỏa thuận khác, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải cung cấp các thông tin sau đây:

– Trình tự thực hiện để tiến tới giao kết hợp đồng trên môi trường mạng;

– Biện pháp kỹ thuật xác định và sửa đổi thông tin nhập sai;

– Việc lưu trữ hồ sơ hợp đồng và cho phép truy nhập hồ sơ đó.

Khi đưa ra các thông tin về điều kiện hợp đồng cho người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm cho người tiêu dùng khả năng lưu trữ và tái tạo được các thông tin đó.

6. Quy định về hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”

Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:

Thứ nhất, giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải;

Thứ hai, giải quyết thông qua trọng tài;

Thứ ba, giải quyết bằng cách khởi kiện tại Tòa án.

7. Quy định về xử lý vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin

Đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đối với tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những quy định đáng chú ý về Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 mà doanh nghiệp cần biết. Luật Công nghệ thông tin là công cụ để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển xã hội thông tin, rút ngắn quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Luật sư Nguyễn Xuân Nhất

Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất.

Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế.

 

Xem thêm các nội dung liên quan

>>> Luật giao dịch điện tử 2005 số 51/2005/QH ban hành bởi Quốc hội

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]