Ngày 25/09/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về hoạt động thương mại điện tử. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Trong bài viết sau đây, hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu một số quy định mới đáng chú ý mà cá nhân, tổ chức có liên quan cần cập nhật.
I. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về hoạt động thương mại điện tử
Số, ký hiệu | 85/2021/NĐ-CP |
Ngày ban hành | 15-09-2021 |
Ngày có hiệu lực | 01-01-2022 |
Loại văn bản | Nghị định |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký duyệt | Lê Văn Thành |
Trích yếu | Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử |
Tải nghị định | TẢI VỀ |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP).
II. Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về hoạt động thương mại điện tử
Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử của tổ chức, doanh nghiệp nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khu mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
1. Sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
Căn cứ theo quy định mới, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung thành:
– Việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.
– Hoạt động thương mại điện tử trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, xổ số; mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng; dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
2. Sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại tử
Theo Khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, quy định về đối tượng áp dụng sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm:
Thứ nhất: Nghị định này áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
– Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
– Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
– Thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử quy định tại Mục 5 Chương IV Nghị định này tại Việt Nam. Điều này có nghĩa: thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau:
- Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam;
- Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt;
- Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Thứ hai: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý của từng thời kỳ để hướng dẫn các biện pháp quản lý đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại điện tử với chủ thể Việt Nam.
3. Quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ của người bán
Theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP người bán phải có trách nhiệm cung cấp chi tiết, cụ thể thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng:
– Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
– Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
– Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Nhờ vào quy định mới này, người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website thương mại điện tử sẽ hạn chế được tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.
4. Quy định mạng xã hội trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm:
– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
– Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
– Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
– Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản này và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, thương nhân, tổ chức không chỉ được phép thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua website như trước đây mà còn có thể thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo,… Theo đó, người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động mua bán phải trả phí và thực hiện đăng ký theo quy định.
5. Quy định về hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài
Đây là quy định hoàn toàn mới so với Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013. Theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Trên đây là các quy định mới mà doanh nghiệp cần chú ý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế. |
Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.