Nghiệp vụ Doanh thu Kế toán doanh thu bán hàng nội bộ: quy định, lưu ý...

Kế toán các khoản doanh thu bán hàng nội bộ thế nào đúng quy định là câu hỏi của nhiều bạn kế toán. Nhằm giúp các bạn kế toán hiểu rõ về giao dịch bán hàng nội bộ MISA AMIS tổng hợp và chia sẻ với các bạn những quy định xung quanh chủ đề doanh thu bán hàng nội bộ, phương pháp kế toán, các quy định về thuế đối với doanh thu bán hàng nội bộ… với ví dụ minh họa chi tiết, dễ hiểu. 

Hình 1: Tổng hợp những quy định, những lưu ý về kế toán doanh thu bán hàng nội bộ

1. Nhận diện giao dịch bán hàng nội bộ và doanh thu bán hàng nội bộ

Giao dịch bán hàng nội bộ là việc bán các sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ giữa các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc trong cùng một công ty, tổng công ty. 

Giá bán trong các giao dịch này có thể được tính theo giá bán nội bộ hoặc giá bán tương tự với một giao dịch độc lập. Như vậy, doanh thu bán hàng nội bộ là lợi ích kinh tế thu được từ việc bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ giữa các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc trong cùng một công ty, tổng công ty.

Kế toán cần xác định thế nào là đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc. Vấn đề này căn cứ vào việc tổ chức bộ máy kế toán và phân cấp hạch toán, phân cấp quản lý kinh tế tại các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. 

Các đơn vị hạch toán phụ thuộc có tổ chức bộ máy kế toán riêng, tuy nhiên, việc tổ chức hạch toán phụ thuộc vào việc công ty, tổng công ty có thể giao đơn vị trực thuộc phản ánh đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chỉ phản ánh đến doanh thu, chi phí. 

Doanh thu bán hàng nội bộ không bao gồm doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho các đơn vị không trực thuộc công ty, tổng công ty, cho công ty con, cho công ty mẹ trong cùng tập đoàn.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình để thanh toán lương, thưởng cho người lao động, vẫn ghi nhận doanh thu nhưng không được nhận diện là doanh thu bán hàng nội bộ.

2. Một số quy định về kế toán doanh thu bán hàng nội bộ

  • Kế toán doanh thu bán hàng nội bộ được thực hiện chung theo quy định đối với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
  • Đối với các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ: Doanh thu, giá vốn chỉ được ghi nhận riêng tại từng đơn vị hạch toán phụ thuộc nếu sự luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các khâu trong nội bộ về bản chất tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Việc ghi nhận doanh thu từ các giao dịch nội bộ để trình bày trên Báo cáo tài chính của các đơn vị không phụ thuộc vào hình thức của chứng từ kế toán (hóa đơn hay chứng từ luân chuyển nội bộ) (Theo Khoản 2, Điều 8, TT 200/2014/TT-BTC).
  • Doanh thu bán hàng nội bộ là cơ sở để xác định kết quả kinh doanh của công ty, Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc. Kết quả kinh doanh của Công ty, Tổng công ty bao gồm: Kết quả kinh doanh phần bán hàng nội bộ và kết quả kinh doanh của phần bán hàng ra bên ngoài.
  • Tổng công ty, công ty và các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo các luật thuế quy định trên phần khối lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ tiêu thụ nội bộ và tiêu thụ ra bên ngoài.
  • Khi lập BCTC tổng hợp, tất cả các khoản doanh thu giữa các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp đều phải được loại trừ.

3. Phương pháp kế toán doanh thu bán hàng nội bộ

3.1. Chứng từ sử dụng và các quy định về hóa đơn, chứng từ

  • Kế toán sử dụng hóa đơn hoặc các chứng từ luân chuyển nội bộ trong các nghiệp vụ về bán hàng hóa, sản phẩm và cung cấp dịch vụ nội bộ. 
  • Quy định về hóa đơn, chứng từ:

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 Quy định về Hóa đơn, chứng từ trình bày một số nội dung liên quan tới Hóa đơn và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ phát sinh trong các giao dịch bán hàng nội bộ như sau:

    • Căn cứ Điểm (g), Khoản 14, Điều 10 – “ Nội dung của Hóa đơn”: “Đối với Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thì trên Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thể hiện các thông tin liên quan lệnh điều động nội bộ, người nhận hàng, người xuất hàng, địa điểm kho xuất, địa điểm nhận hàng, phương tiện vận chuyển. Cụ thể: tên người mua thể hiện người nhận hàng, địa chỉ người mua thể hiện địa điểm kho nhận hàng; tên người bán thể hiện người xuất hàng, địa chỉ người bán thể hiện địa điểm kho xuất hàng và phương tiện vận chuyển; không thể hiện tiền thuế, thuế suất, tổng số tiền thanh toán.”
    • Căn cứ Điểm (d), Khoản 3, Điều 13 – “Áp dụng Hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”:

Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất hàng hóa cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

  • Sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế giá trị gia tăng ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;
  • Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý.

Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển hoặc cơ sở có hàng hóa gửi bán (gọi chung là cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng.

Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hóa bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hóa bán ra có thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hóa bán ra theo từng nhóm thuế suất.

Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng thực hiện kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo hóa đơn giá trị gia tăng của cơ sở giao hàng xuất cho.

Trường hợp các đơn vị phụ thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị phụ thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng.

Như vậy: khi xuất bán hàng cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì công ty, tổng công ty có thể lập hóa đơn GTGT hoặc lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ (nhưng khi chi nhánh, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán được hàng hóa ra bên ngoài thì đơn vị, chi nhánh hạch toán hạch toán phụ thuộc phải lập bảng kê bán hàng để công ty, tổng công ty lập hóa đơn GTGT).

Lưu ý: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ sử dụng và quản lý như hóa đơn GTGT (đơn vị cần phải đăng ký phát hành, quản lý, báo cáo về tình hình sử dụng tới cơ quan thuế giống với hình thức hóa đơn). Mẫu hiển thị một số loại hóa đơn các đơn vị có thể tham khảo tại Phụ lục II của Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. (Thông tư 78/2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022, thay thế cho Thông tư số 39/2014/TT-BTC và Thông tư số 68/2019/TT-BTC,…). 

Hình 2: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ được lập trên phần mềm AMIS Kế toán

Về việc xuất hóa đơn tại chi nhánh: Chi nhánh trực thuộc hạch toán phụ thuộc có thể sử dụng chung mẫu hóa đơn của trụ sở công ty hoặc sử dụng hóa đơn riêng của chi nhánh. Tuy nhiên, cần đáp ứng được yêu cầu hình thức của hóa đơn như: tên tổ chức kinh doanh phải được in sẵn phía trên bên trái của tờ hóa đơn; chi nhánh đóng dấu hoặc ghi tên, mã số thuế, địa chỉ vào tiêu thức “tên, mã số thuế, địa chỉ người bán hàng” để sử dụng.

3.2. Tài khoản kế toán

  • Tài khoản kế toán: TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

+ Nội dung: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của DN trong một kỳ kế toán, bao gồm cả doanh thu bán hàng hóa, sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho công ty mẹ, công ty con trong cùng tập đoàn; doanh thu bán hàng nội bộ giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong một công ty, tổng công ty.

+ Lưu ý: theo quy định của Chế độ kế toán cũ (theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC), doanh thu nội bộ được theo dõi riêng trên tài khoản 512. Theo Chế độ kế toán hiện hành, toàn bộ doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ được theo dõi trên TK 511. Do vậy, kế toán cần mở các tài khoản chi tiết để theo dõi doanh thu cho từng đối tượng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phục vụ quản trị thông tin về doanh thu.

? TK 511 được mở chi tiết để theo dõi doanh thu nội bộ cho từng đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc trong cùng công ty hoặc Tổng công ty để lấy số liệu lập Báo cáo tài chính tổng hợp.

– Kết cấu tài khoản 511:

TK 511 – Doanh thu bán hàng và CCDC

Bên Nợ:

+ Các khoản thuế gián thu phải nộp (GTGT, TTĐB, XK, BVMT);

+ Doanh thu hàng bán bị trả lại kết chuyển cuối kỳ;

+ Khoản giảm giá hàng bán kết chuyển cuối kỳ;

+ Khoản chiết khấu thương mại kết chuyển cuối kỳ;

+ Kết chuyển doanh thu thuần vào tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.

Bên Có:

+ Doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp thực hiện trong kỳ kế toán.

(Bao gồm doanh thu bán hàng nội bộ và doanh thu bán hàng hóa ra bên ngoài).

TK 511 không có số dư cuối kỳ
Hình 3: Trình tự kế toán nghiệp vụ bán hàng nội bộ

3.3. Hướng dẫn hạch toán doanh thu bán hàng nội bộ

Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và phân cấp của từng đơn vị, doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc hoặc tại thời điểm khi đơn vị hạch toán phụ thuộc bán được hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra bên ngoài.

3.3.1. Trường hợp không ghi nhận doanh thu giữa các khâu trong nội bộ doanh nghiệp, chỉ ghi nhận doanh thu khi thực bán hàng ra bên ngoài:

a) Kế toán tại đơn vị bán

  • Khi xuất sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ  đến các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp, kế toán lập Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn GTGT, ghi:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (giá vốn) 

Có các TK 155, 156

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

  • Khi nhận được thông báo từ đơn vị mua là sản phẩm, hàng hóa đã được tiêu thụ ra bên ngoài, đơn vị bán ghi nhận doanh thu, giá vốn:

+ Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có 136 – Phải thu nội bộ.

+ Phản ánh doanh thu, ghi:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

b) Kế toán tại đơn vị mua

  • Khi nhận được sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp chuyển đến, kế toán căn cứ vào các chứng từ có liên quan, ghi:

Nợ các TK 155, 156 (giá vốn) 

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 336 – Phải trả nội bộ.

  • Khi bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ra bên ngoài, kế toán ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường.
  • Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp hạch toán đến kết quả kinh doanh sau thuế, kế toán phải kết chuyển doanh thu, giá vốn cho đơn vị cấp trên:

+ Kết chuyển giá vốn, ghi:

Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

+ Kết chuyển doanh thu, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 

Có TK 336 – Phải trả nội bộ.

3.3.2. Trường hợp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp:

a) Kế toán tại đơn vị bán:

Nợ các TK 136 – Phải thu nội bộ

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán

hàng nội bộ)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

  • Ghi nhận giá vốn hàng bán như giao dịch bán hàng thông thường.

b) Kế toán tại đơn vị mua:

  • Khi nhận được hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ từ đơn vị nội bộ, kế toán căn cứ vào hóa đơn GTGT và các chứng từ liên quan, ghi:

Nợ TK155,156 

Nợ TK 133 – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ 

Có TK 336 – Phải trả nội bộ 

  • Khi bán hàng hóa, sản phẩm dịch vụ ra bên ngoài, kế toán chi nhánh xuất hóa đơn GTGT của chi nhánh và ghi nhận như trường hợp bán hàng thông thường.

+ Bút toán ghi nhận doanh thu 

Nợ TK 111,112,131 

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ (Doanh thu bán hàng hóa, DV ra bên ngoài)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước

+ Bút toán ghi nhận giá vốn

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 155,156

Lưu ý: Cuối kỳ kế toán, phải kiểm tra, đối chiếu và xác nhận số dư tài khoản 136 – “Phải thu nội bộ”; 336 –“ Phải trả nội bộ” với đơn vị trong nội bộ công ty, tổng công ty theo từng nội dung thanh toán:

  • Tiến hành thanh toán bù trừ theo từng khoản của từng đơn vị.
  • Bù trừ tài khoản 136 và 336 chi tiết theo đối tượng.
  • Bút toán hạch toán bù trừ công nợ (nếu có) giữa các khoản phải thu nội bộ và các khoản phải trả nội bộ của cùng một đối tượng:

Nợ TK 336(đối tượng A) – Phải trả nội bộ 

Có TK 136 (đối tượng A) – Phải thu nội bộ 

4. Các quy định về kê khai thuế GTGT và thuế TNDN liên quan đến giao dịch bán hàng nội bộ

4.1. Quy định về thuế GTGT

Trích Khoản 1, Điều 11, Thông tư 156/2013/TT-BTC về Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. 

Như vậy: Nếu đơn vị, chi nhánh trực thuộc hạch toán phụ thuộc ở khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế GTGT tại Cơ quan thuế của đơn vị, chi nhánh.

Đơn vị, chi nhánh trực thuộc hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế GTGT tại trụ sở chính. 

Trường hợp chi nhánh có con dấu, có tài khoản ngân hàng riêng, trực tiếp bán hàng hóa dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế GTGT đầu vào và đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng thì phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng. 

Từ ngày 01/01/2022, căn cứ theo khoản 9, Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định địa điểm hồ sơ khai thuế:

Đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, Văn phòng Đại diện, địa điểm kinh doanh) cùng địa bàn cấp tỉnh với trụ sở chính khai thuế tại Cơ quan quản lý thuế của chi nhánh (nếu tỉnh, thành phố đó có quyết định phân cấp nguồn thu).

  • Quy định về thuế TNDN

Trích Điều 16, Thông tư số 151/2014/TT-BTC sửa đổi Điều 12, Thông tư 156/2013/TT-BTC như sau: 

Như vậy, về cơ bản, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc thì kê khai và nộp thuế TNDN tại trụ sở chính.

  • Ví dụ minh họa

5.1. Trường hợp 1: Công ty TNHH X có trụ sở chính tại Hà Nội và chi nhánh trực thuộc hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn cấp tỉnh ở Hà Nội. Công ty Không ghi nhận doanh thu giữa các khâu trong nội bộ doanh nghiệp, chỉ ghi nhận doanh thu khi thực bán hàng ra bên ngoài.

Ngày 01/12/2021: Công ty xuất  1000 sản phẩm A cho chi nhánh Hà Nội, Giá vốn của sản phẩm A là  8.000đ

Giá xuất bán sản phẩm A cho chi nhánh là 10.000đ

Giá xuất bán sản phẩm A ra thị trường là 15.000đ

(Giá trên chưa bao gồm thuế GTGT, Thuế GTGT của sản phẩm A là 10%, Công ty và chi nhánh là đơn vị hạch toán thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ)

Khi xuất hàng, kế toán tại trụ sở sử dụng phiếu xuất kho kiêm điều chuyển nội bộ, đồng thời hạch toán: 

Nợ TK 136 (CNHN): 1.000x 8.000 = 8.000.000 đ 

Có TK 156 (A): 8.000.000 đ

Cùng ngày, chi nhánh nhận được hàng, cùng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu bàn giao hàng hóa. 

Kế toán chi nhánh nhập kho hàng hóa và căn cứ vào các chứng từ trên để hạch toán hạch toán:

Nợ TK 156 (A): 1.000×10.000 = 10.000.000đ

Có TK 336(Cty): 10.000.000đ

Khi nhận được hóa đơn của công ty, kế toán chi nhánh hạch toán

Nợ TK 13311: 1.000.000đ

Có TK 336 (Cty): 1.000.000đ

Ngày 04/12/2021: Chi nhánh xuất bán toàn bộ số hàng trên với giá 15.000đ/1sản phẩm. 

Kế toán tại chi nhánh lập hóa đơn GTGT của chi nhánh, phiếu xuất kho của chi nhánh, hạch toán: 

– Ghi nhận doanh thu của chi nhánh

Nợ TK 131,111,112: 16.500.000 đ

Có TK 511: 1.000×15.000 =15.000.000 đ

Có TK 33311: 1.500.000đ

– Ghi nhận giá vốn bán hàng hóa sản phẩm tại chi nhánh

Nợ TK 632: 10.000.0000 đ

Có TK 156: 10.000.0000 đ

Khi nhận được thông báo từ chi nhánh Hà Nội là sản phẩm đã được tiêu thụ ra bên ngoài, Kế toán tại trụ sở chính xuất hóa đơn GTGT cho chi nhánh, và hạch toán ghi nhận doanh thu bán hàng nội bộ và giá vốn tại Trụ sở công ty 

– Ghi nhận doanh thu nội bộ 

Nợ TK 136(CN HN): 11.000.000đ

Có TK 511: 1.000×10.000 =10.000.000đ (Doanh thu nội bộ – CN HN):

Có TK 33311: 1.000.000đ

– Đồng thời hạch toán giá vốn:

Nợ TK 632: 8.000.000đ

Có TK 136: 8000.000 đ

5.2. Trường hợp 2: Công ty X xuất số lượng hàng hóa như trên cho chi nhánh Hồ Chí Minh, kế toán tại trụ sở công ty ghi nhận doanh thu nội bộ và xuất hóa đơn GTGT ngay khi xuất hàng cho chi nhánh.

Tại ngày 01/12/2021: Công ty xuất hàng cho chi nhánh,  Kế toán tại Trụ sở công ty ở Hà Nội lập hóa đơn GTGT, và ghi nhận doanh thu bán hàng nội bộ ngay.

– Ghi nhận doanh thu 

Nợ TK 136 ( CN HCM):11.000.000 đ

Có TK 511:10.000.000đ  

Có TK 33311: 1.000.000đ

– Ghi nhận giá vốn

Nợ TK 632: 8.000.000đ

Có TK 156(A): 8.000.000đ

Ngày 02/12/2021: Tại chi nhánh HCM nhận được hàng và hóa đơn GTGT của trụ sở công ty. Kế toán tại chi nhánh nhập kho sản phẩm A và hạch toán:

Nợ TK 156(A): 10.000.000đ

Nợ TK13311: 1.000.000đ

Có TK 336(Cty): 11.000.000đ

Ngày 04/12/2021: Chi nhánh bán hàng hóa ra bên ngoài, Kế toán chi nhánh lập hóa đơn GTGT của chi nhánh và hạch toán ghi nhận doanh thu giá vốn tại chi nhánh: 

– Ghi nhận doanh thu: 

Nợ TK 131,111,112: 16.500.000đ

Có TK 511: 1.000×15.000=15.000.000đ

Có Tk 33311: 1.500.000đ

– Ghi nhận giá vốn:

Nợ TK 632: 1000×10.000 =10.000.000đ

Có TK 156: 10.000.000đ

Với chỉ tiêu quan trọng như doanh thu, chủ doanh nghiệp cần thiết phải thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cũng nên tiến hành phân tách được doanh thu của doanh nghiệp theo từng mặt hàng, thị trường, nhân viên kinh doanh… Bởi lẽ, khi theo dõi thường xuyên, liên tục và theo dõi một cách chi tiết doanh thu theo từng khía cạnh sẽ giúp chủ doanh nghiệp xác định được đâu là mặt hàng đang có kết quả tốt, thị trường nào đang kinh doanh tốt, nhân viên kinh doanh nào có doanh số tốt…. để từ đó đưa ra các quyết định phù hợp, kịp thời.

Để làm được điều này, chủ doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của các công cụ phần mềm công nghệ ví dụ như phần mềm kế toán online MISA AMIS. AMIS Kế toán – giải pháp quản trị tài chính thông minh thế hệ mới có nhiều tính năng nổi bật, nhất là các tính năng về doanh thu như:

  • Doanh thu: Cho phép theo dõi doanh số bán hàng theo chi nhánh/ văn phòng, theo thời gian, theo mặt hàng/ nhóm hàng, theo thị trường
  • Chỉ tiêu tài chính: Xem tổng quan tình hình sức khỏe của doanh nghiệp như khả năng hoạt động, khả năng sinh lời…
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.
>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tác giả: MIBI

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]