Hợp đồng thương mại quốc tế là gì? Mẫu hợp đồng thương mại quốc tế thông dụng nhất

07/03/2024
3568

Do có yếu tố “Quốc tế” nên hợp đồng thương mại quốc tế hay hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có nhiều điểm khác biệt so với những hợp đồng mua bán trong nước. Hơn nữa, các điều khoản trong loại hợp đồng này luôn được xác lập chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia.

Vậy hợp đồng thương mại quốc tế là gì? Mẫu hợp đồng thương mại quốc tế được viết ra sao? Mời doanh nghiệp cùng AMIS MISA tìm hiểu kỹ hơn về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và các quy định liên quan trong bài viết sau đây.

1. Tổng quan về hợp đồng thương mại quốc tế

Hợp đồng thương mại quốc tế là gì?

Hợp đồng thương mại quốc tế (hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế hoặc hợp đồng xuất nhập khẩu) là hợp đồng mua bán hàng hoá có tính chất quốc tế (có yếu tố nước ngoài, có nhân tố nước ngoài). Tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế được hiểu không giống nhau tuỳ theo quan điểm của luật pháp từng nước. Cụ thể:

Các quan điểm về tính chất quốc tế của hợp đồng thương mại quốc tế
Công ước La Haye năm 1964
  • Tính chất quốc tế thể hiện ở các tiêu chí như: các bên giao kết có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau và hàng hoá, đối tượng của hợp đồng, được chuyển qua biên giới một nước, hoặc là việc trao đổi ý chí giao kết hợp đồng giữa các bên được lập ở những nước khác nhau (Điều 1 của Công ước).
  • Nếu các bên giao kết không có trụ sở thương mại thì sẽ dựa vào nơi cư trú thường xuyên của họ. Yếu tố quốc tịch của các bên không có ý nghĩa trong việc xác định yếu tố nước ngoài của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
Công ước Viên năm 1980 (CISG) của Liên Hiệp Quốc
  • Tính chất quốc tế được xác định chỉ bởi một tiêu chuẩn duy nhất, đó là các bên giao kết hợp đồng có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau (điều 1 Công ước Viên năm 1980).
  • Giống như Công ước La Haye năm 1964, Công ước này cũng không quan tâm đến vấn đề quốc tịch của các bên khi xác định tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
  • Khác với Công ước La Haye năm 1964, Công ước Viên năm 1980 không đưa ra tiêu chí hàng hoá phải được chuyển qua biên giới của một nước để xác định tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
Quan điểm của Pháp
  • Theo quan điểm của Pháp: khi xác định yếu tố quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, người ta căn cứ vào hai tiêu chuẩn kinh tế và pháp lý.
  • Theo các tiêu chuẩn kinh tế, một hợp đồng quốc tế là hợp đồng tạo nên sự di chuyển qua lại biên giới các giá trị trao đổi tương ứng giữa hai nước, nói cách khác, hợp đồng đó thể hiện quyền lợi của thương mại quốc tế.
  • Theo tiêu chuẩn pháp lý, một hợp đồng được coi là hợp đồng quốc tế nếu nó bị chi phối bởi các tiêu chuẩn pháp lý của nhiều quốc gia như quốc tịch, nơi cư trú của các bên, nơi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nguồn vốn thanh toán…
Quan điểm của Việt Nam
  • Luật thương mại 2005 không trực tiếp định nghĩa hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Thay vào đó là liệt kê những hoạt động được coi là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế tại Điều 27:
  • Xuất nhập (khoản 1 Điều 28 Luật Thương mại 2005);
  • Nhập khẩu (khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại 2005);
  • Tạm xuất tái nhập (khoản 1 Điều 29 Luật Thương mại 2005);
  • Tạm xuất tái xuất (khoản 2 Điều 29 Luật Thương mại 2005);
  • Chuyển khẩu (khoản 1 Điều 30 Luật Thương mại 2005.

Ví dụ về hợp đồng thương mại quốc tế

Căn cứ vào đối tượng của hoạt động thương mại quốc tế, có thể chia hợp đồng thương mại quốc tế thành các nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất: Các hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây là loại hợp đồng phổ biến nhất trong hoạt động thương mại quốc tế, bao gồm:

– Hợp đồng mua bán hàng hóa;

– Hợp đồng trao đổi hàng hóa;

– Mua bán thông qua đấu thầu, đấu giá;…

Nhóm thứ hai: Các hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến thương mại dịch vụ, bao gồm:

– Hợp đồng vận tải hàng hóa;

– Hợp đồng bảo hiểm;

– Hợp đồng gia công sản phẩm;

– Hợp đồng thuê tài chính;

– Hợp đồng bao thanh toán;

– Bảo lãnh ngân hàng;…

Nhóm thứ ba: Các hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến việc tổ chức kinh doanh ở nước ngoài, bao gồm:

– Hợp đồng đại diện thương mại;

– Hợp đồng chuyển giao công nghệ (Li – xăng);

– Hợp đồng nhượng quyền thương mại;…

Nhóm thứ tư: Các hợp đồng thương mại quốc tế trong lĩnh vực tổ chức kinh doanh ở nước ngoài.

2. Đặc điểm của hợp đồng thương mại quốc tế

So với hợp đồng mua bán trong nước, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có những đặc điểm sau đây:

Đặc điểm của hợp đồng thương mại quốc tế
Về chủ thể
  • Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là các bên, người bán và người mua, có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau.
Về đối tượng
  • Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là động sản, tức là hàng có thể chuyển qua biên giới của một nước.
Về đồng tiền thanh toán
  • Tiền tệ dùng để thanh toán thường là nội tệ hoặc có thể là ngoại tệ đối với các bên.
  • Ví dụ: hợp đồng được giao kết giữa người bán Việt Nam và người mua Hà Lan, hai bên thỏa thuận sử dụng đồng Euro làm đồng tiền thanh toán. Lúc này, đồng Euro là ngoại tệ đối với phía người bán Việt Nam nhưng lại là nội tệ đối với người mua Hà Lan.
  • Tuy nhiên, cũng có trường hợp đồng tiền thanh toán đều là nội tệ của cả hai bên, như trường hợp các doanh nghiệp thuộc các nước trong khối Châu Âu sử dụng đồng Euro làm đồng tiền chung.
Về ngôn ngữ của hợp đồng
  • Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được ký kết bằng tiếng nước ngoài, trong đó phần lớn là được ký bằng tiếng Anh.
Về cơ quan giải quyết tranh chấp
  • Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể là toà án hoặc trọng tài nước ngoài. Và một lần nữa, vấn đề ngoại ngữ lại được đặt ra nếu muốn chủ động tranh tụng tại tòa án hoặc trọng tài nước ngoài.
Về luật áp dụng cho hợp đồng
  • Luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế mang tính chất đa dạng và phức tạp.
  • Điều này có nghĩa là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể phải chịu sự điều chỉnh không chỉ của luật pháp nước đó mà của cả luật nước ngoài (luật nước người bán, luật nước người mua hoặc luật của một nước thứ ba), thậm chí phải chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế hoặc cả án lệ (tiền lệ pháp) để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.

3. Cách soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế

điều khoản hợp đồng thương mại quốc tế

Sau đây là những điều khoản Doanh nghiệp cần lưu ý trong soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nếu không, doanh nghiệp có thể gặp nhiều rủi ro pháp lý.

1. Điều khoản tên hàng

Tên hàng là một trong những điều khoản quan tọng, không thể thiếu nhằm xác định đối tượng cụ thể của hợp đồng, giúp các bên phân biệt rõ với sản phẩm khác, tránh được các yếu tố có thể dẫn đến tranh chấp sau này.

Có nhiều cách thưc để quy định tên hàng: tên thông thường, tên thương mại, tên khoa học. Các bên trong hợp đồng có thể quy định tên hàng kèm theo tên địa phương sản xuất ra hàng hóa đó nếu tên địa phương ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, ví dụ như nước mắm Phú Quốc.

2. Điều khoản về số/trọng lượng

Khi quy định về số lượng, điều đầu tiên là các bên giao kết hợp đồng cần lưu ý là phải có sự thống nhất về đơn vị tính số lượng của hàng hóa. Bởi lẽ trong kinh doanh quốc tế, người ta áp dụng nhiều loại hệ thống đo lường khác nhau như đơn vị đo chiều dài, đơn vị đo diện tích…

Đối với trọng lượng, có thể xác định trọng lượng theo trọng lượng cả bì, trọng lượng tịnh hoặc trọng lượng thương mại…

3. Điều khoản chất lượng

Điều khoản chất lượng là điều khoản quan trọng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều khoản này cần được quy định cụ thể để tránh tranh chấp khi thực hiện hợp đồng. Có nhiều cách quy định phẩm chất, chất lượng trong hợp đồng như quy định chất lượng theo tiêu chuẩn, theo mẫu, theo mô tả…

Về mặt pháp lý, điểm nhấn mấu chốt cần lưu ý trong khi soạn thảo điều khoản chất lượng là: quy định về việc kiểm tra chất lượng ở bến đến và bến đi…

4. Điều khoản về giá cả

Cần quy định đồng tiền tính giá, phương pháp quy định mức giá, phương pháp quy định mức giá…

Đồng tiền tính giá: có thể tính bằng đồng tiền của nước người bán, của nước người mua, hay của nước thứ ba khác do các bên thỏa thuận.

Phương pháp định giá:

– Giá xác định ngay: quy định vào lúc ký kết hợp đồng.

– Giá quy định sau: được xác định trong quá trình thực hiện hợp đồng.

– Giá có thể xem xét lại là giá quy định trong hợp đồng nhưng có thể được xem xét lại nếu vào lúc giao hàng, hàng hóa có sự biến động đến một mức nhất định.

– Giá di động hay giá trượt là giá cả được tính toán khi thực hiện hợp đồng trên cơ sở giá quy định ban đầu có tính đến những biến động về chi phí sản xuất trong kỳ thực hiện hợp đồng.

5. Điều khoản thanh toán

– Đồng tiền thanh toán có thể giống hoặc khác với đồng tiền tính giá. Khi hai đồng tiền này khác nhau cần xác định tỷ giá quy đổi hai đồng tiền này, trong đó đặc biệt lựa chọn tỷ giá của công cụ thanh toán nào, tỷ giá mua vào hay bán ra…

– Thời hạn thanh toán: thanh toán trước giao hàng, ngay khi giao hàng và sau khi giao hàng.

– Phương thức thanh toán: phương thức nhờ thu, phương thức tín dụng chứng từ, phương thức chuyển tiền, phương thức chuyển khoản…

– Điều kiện đảm bảo hối đoái do các bên thỏa thuận để tránh tổn thất có thể xảy ra kho các đồng tiên sụt giá hoặc tăng giá.

– Chứng từ thanh toán: các bên nên quy định rõ việc người bán phải cung cấp cho ngươi mua những chứng từ chứng minh đã giao hàng cho người vận tải như hai bên đã thỏa thuận: hối phiếu, vận đơn, hóa đơn bán hàng, bảng kê chi tiết hàng hóa, giấy chứng nhận xuất xứ…

6. Điều khoản về đóng gói/bao bì

Trong điều khoản này, các bên thường thỏa thuận với nhau về yêu cầu chất lượng bao bì, phương thức cung cấp bao bì….

7. Điều khoản về giao hàng

Nội dung của điều khoản giao hàng là việc xác định thời hạn giao hàng, địa điểm giao hàng và thông báo giao hàng. Điều khoản này quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của người mua và người bán trong hợp đồng.

Ngoài ra các bên cũng nên thỏa thuận thống nhất về phương thức giao hàng.

8. Điều khoản về bảo hành

– Thời hạn bảo hành: cần quy định rõ ràng.

– Nội dung bảo hành: người bán cam kết trong thời hạn bảo hành, hàng hóa sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đặc điểm kỹ thuật, phù hợp với quy định của hợp đồng…

9. Điều khoản về ngôn ngữ sử dụng ưu tiên

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được soạn thảo theo hai thứ tiếng: Tiếng Anh và Tiếng Việt. Vì cách giải thích thuật ngữ trong hai ngôn ngữ khác nhau, nên cần quy định bản hợp đồng nào sẽ có giá trị cao hơn.

10. Điều khoản giải quyết tranh chấp

Cần lựa chọn rõ nếu có tranh chấp thì sẽ lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nào. Nếu lựa chọn trọng tài thì cần xác định tổ chức trọng tài nào, địa điểm, phân định chi phí, cam kết của các bên…

11. Điều khoản luật áp dụng

Đây là điều khoản quan trọng giúp các bên có cơ sở xác định quyền, nghĩa vụ chưa được quy định trong hợp đồng.

4. Mẫu hợp đồng thương mại quốc tế thông dụng nhất

Dưới đây là mẫu hợp đồng mua bán thương mại quốc tế thông dụng nhất hiện nay. Nội dung này có thể là Tiếng Việt và Tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ cụ thể nào đó dựa trên thỏa thuận giữa hai bên.

Tải hợp đồng thương mại quốc tế PDF TẠI ĐÂY

HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Số: …/… / HĐMB

– Căn cứ Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/06/2005 và các văn bản pháp luật có liên quan;

– Căn cứ Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015;

– Căn cứ vào …

– Căn cứ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng của các bên.

Hôm nay, ngày … tháng … năm 2021, tại …………………………………………………………

Chúng tôi gồm có:

BÊN MUA (Sau đây gọi tắt là bên A)

– Các thông tin bao gồm: Tên công ty, Mã số thuế, Địa chỉ, Điện thoại, Tài khoản ngân hàng, Người đại diện theo pháp luật, Chức vụ, giấy ủy quyền, …)

BÊN BÁN (Sau đây gọi tắt là bên B)

– Các thông tin bao gồm: Tên công ty, Mã số thuế, Địa chỉ, Điện thoại, Tài khoản ngân hàng, Người đại diện theo pháp luật, Chức vụ, giấy ủy quyền, …)

Trên cơ sở thỏa thuận, hai bên thống nhất ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với nội dung chi tiết như sau:

Điều 1: Các định nghĩa liên quan

(Nêu rõ các định nghĩa trong nội dung hợp đồng như: Giá trị hợp đồng, tài liệu liên quan, Bảng giá, Hàng hóa,…)

Điều 2: Phạm vi hợp đồng

Bên B sẽ cung cấp cho bên A, bao gồm (số lượng) hàng hóa như đã liệt kê trong phần danh mục chi tiết (Phụ lục) CIF (ở cảng nào) theo Incoterm 2000.

– Các thông tin cần nêu: Tên hàng, Nhà sản xuất, Nhà cung cấp, Số lượng, Chất lượng, Nguồn gốc xuất xử, Quy cách đóng gói, Giá cả, Mã hiệu.

Điều 3: Giá trị hợp đồng ký kết

Các thông tin cần nếu: Tổng giá trị hợp đồng (bằng chữ/số), Giá trị các khoản mục khác có liên quan

Điều 4: Điều kiện giao hàng

Các nội dung cần có bao gồm: Cảng xếp hàng, Cảng đích, Hình thức giao, Các thông báo về việc giao nhận hàng hóa, …

Điều 5: Phương thức thanh toán

Hai bên quy định rõ về phương thức thanh toán cụ thể áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như: chuyển tiền, nhờ thu, tín dụng chứng từ, …

Thời điểm thanh toán, các chứng từ xuất có liên quan khi thanh toán.

Điều 6: Booking

Chi phí giá cước vận chuyển hàng hóa cùng các cam kết về chất lượng dịch vụ

Điều 7: Bảo hiểm và bảo hành

Điều 8: Bảo lãnh thực hiện hợp đồng

(Thời gian hiệu lực của hợp đồng thương mại quốc tế)

Điều 9: Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan

– Quyền và nghĩa vụ của bên A

– Quyền và nghĩa vụ của bên B

Điều 10: Điều khoản chấm dứt hợp đồng

Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng khi gặp các trường hợp sau (nêu rõ các trường hợp)

Điều 11: Điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Hai bên thỏa thuận nội dung chi tiết về việc bồi thường vi phạm hoặc giao hàng hóa không đúng cam kết về chất lượng, số lượng, thời gian, …

Điều 12: Thông tin về các trường hợp bất khả kháng

(Nội dung miễn trừ trách nhiệm khi gặp các trường hợp cụ thể)

Điều 13: Thông tin sửa đổi hợp đồng

Điều 14: Giải quyết tranh chấp

Cách xử lý các trường hợp phát sinh khi có sự tranh chấp giữa hai bên

Điều 15: Luật điều chỉnh hợp đồng

Điều 16: Quy định không chuyển nhượng

Điều 17: Quy định chung

Cuối cùng là chữ ký, con dấu xác nhận của đại diện hai bên mua và bán.

5. Lưu ý khi ký hợp đồng thương mại quốc tế

Khi tham gia giao kết hợp đồng thương mại quốc tế cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cẩn thận từ khâu soạn thảo hợp đồng tránh sai xót xảy ra
  • Các điều khoản chế tài trong hợp đồng cần rõ ràng, chi tiết, bám sát theo quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm các bên
  • Các chế tài xử phạt cần tuân thủ theo quy định của pháp luật và có tính khả thi nhằm đảm bảo quyền lợi các bên
  • Các hợp đồng thương mại quốc tế nên có sự hộ trợ pháp lý của luật sư

Trên đây là các thông tin quan trọng mà Doanh nghiệp cần biết về hợp đồng thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế số như hiện nay, phần mềm hỗ trợ ký hợp đồng thương mại quốc tế đang dần trở thành phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thay thế cho hợp đồng giấy truyền thống bởi một số lợi ích đáng kể như:

  • Tiết kiệm được tới 90% thời gian ký kết
  • Tiết kiệm 85% chi phí
  • Đảm bảo giá trị pháp lý theo pháp luật quy định
  • Đảm bảo tiến độ ký kết ngay trong đại dịch Covid 19

AMIS WeSign 1

MISA tự hào là đơn vị cung cấp nền tảng hợp đồng điện tử AMIS WeSign tiên phong và uy tín nhất, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về giải pháp hỗ trợ ký kết hợp đồng điện tử ưu việt này, doanh nghiệp hãy click ngay vào nút dưới đây để đến với bài viết.

Tìm hiểu thêm về AMIS WeSign

Ngoài ra, bạn cũng có thể để lại thông tin trong biểu mẫu bên dưới để được tư vấn trực tiếp. Bộ phận tư vấn của MISA sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả