Các vấn đề về doanh thu, chi phí tài chính và nội dung tỷ giá trên phụ lục 03-1A

19/01/2022
1569

Tiếp theo những lưu ý trong việc ghi nhận các chỉ tiêu trên phụ lục 03-1A và một tình huống sai sót thường gặp, MISA AMIS tổng hợp gửi tới quý bạn đọc phần 2: Các vấn đề về Doanh thu – chi phí hoạt động tài chính và ghi nhận tỷ giá ngoại tệ”.

Hình 1: Các vấn đề về Doanh thu – chi phí hoạt động tài chính và ghi nhận tỷ giá ngoại tệ

>>> Xem thêm chuỗi bài lưu ý khi ghi nhận các chỉ tiêu trên phụ lục 03-1A:

1. Chỉ tiêu doanh thu tài chính – chi phí tài chính

Theo quy định của pháp luật về kế toán thì doanh thu, chi phí tài chính sẽ ghi nhận vào thời điểm phát sinh không ghi nhận tại thời điểm thực thu hay chi tiền.

Căn cứ ghi nhận theo cơ sở dồn tích được quy định tại Chuẩn mực kế toán số 01 (VAS 01): 

“Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền hoặc tương đương tiền. Báo cáo tài chính lập trên cơ sở dồn tích phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.

* Về chỉ tiêu doanh thu tài chính:

– Tiền lãi từ cho vay, bán hàng trả chậm, trả góp: doanh thu chỉ được ghi nhận khi chắc chắn thu được và nợ gốc cho vay, nợ gốc phải thu không bị phân loại là quá hạn cần lập dự phòng;

– Cổ tức trả bằng cổ phiếu chỉ theo dõi số lượng không ghi tăng giá trị cổ phiếu được nhận, không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư, trừ doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% thì ghi theo quy định hiện hành dành cho doanh nghiệp do Nhà Nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

(Căn cứ theo Điều 80, Thông tư số 200/2014/TT-BTC).

Ví dụ sai lầm hay gặp như cho vay tiền lãi suất 0% (tài khoản 138):

+ Doanh nghiệp cho vay mượn tiền:

 Trường hợp cho vay tiền lãi suất 0%, theo công văn số 4815/TCT-CS ngày 18/10/2016 cơ quan thuế sẽ ấn định lãi suất trong trường hợp doanh nghiệp cho vay với lãi suất 0% và tạm ứng tiền không đúng quy định với lãi suất theo thị trường.

+ Doanh nghiệp đi vay mượn tiền của cá nhân là người Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài:

Trường hợp vay tiền của cá nhân là người Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài với lãi suất 0% thì theo Công văn số 40684/CT-TTHT năm 2017 của Cục thuế hà nội thì vay cá nhân lãi suất 0% không phát sinh nghĩa vụ thuế.

*Chú ý: Trường hợp cho mượn tài sản phi tiền tệ ghi vào tài khoản 138, cho mượn tiền ghi vào tài khoản 1283 hoặc tài khoản 1288 – cho vay theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC hoặc Thông tư số 133/2016/TT-BTC.

* Về chỉ tiêu chi phí tài chính:

Trong chỉ tiêu chi phí tài chính thì khoản chi phí lãi vay là khoản chi phí quan trọng cần được chú ý quan tâm xem xét khi lập phụ lục 03-1A.

Chỉ tiêu chi phí lãi vay: dựa theo căn cứ pháp lý tại Chuẩn mực kế toán số 16 (VAS 16) có quy định về chi phí lãi vay như sau:

– Khái niệm chi phí đi vay: là lãi tiền vay và các chi phí khác phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản vay của doanh nghiệp.

– Ghi nhận chi phí lãi vay:

Hình 2: Cách ghi nhận chi phí lãi vay
  • Cụ thể việc ghi nhận chi phí lãi vay như sau:    

 + Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hoá theo quy định.

+ Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá). Các chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy. Lưu ý: Nếu chi phí đi vay được vốn hoá thì không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ và không hạch toán vào tài khoản 635). Có 2 trường hợp vay tiền được vốn hóa là:

      • Vay tiền để đầu tư xây dựng TSCĐ;
      • Vay tiền để thực hiện sản xuất mà có chu kỳ sản xuất trên 12 tháng.

(Còn đối với hoạt động kinh doanh thương mại mà vay tiền để thực hiện hoạt động thương mại dù cho hàng hóa liên quan đến khoản vay đó mua về mà chưa bán thì chi phí lãi vay vẫn hạch toán hết vào tài khoản 635 và tính vào chi phí được trừ trong kỳ nếu như đáp ứng đúng các điều kiện được trừ về thuế. Trường hợp này không phân bổ chi phí lãi vay cho hàng tồn kho).

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – GIẢI PHÁP QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH MISA AMIS
  • Chi tiết quy định về vốn hóa lãi vay:

Thời điểm bắt đầu vốn hoá chi phí lãi vay: Vốn hoá chi phí đi vay vào giá trị tài sản dở dang được bắt đầu khi thoả mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Các chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bắt đầu phát sinh;

b) Các chi phí đi vay phát sinh;

c) Các hoạt động cần thiết trong việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán được tiến hành gồm hoạt động xây dựng, sản xuất, hoạt động kỹ thuật và quản lý chung trước trước khi bắt đầu xây dựng, sản xuất như hoạt động liên quan đến việc xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng hoặc sản xuất.

 Những hoạt động không vốn hóa lãi vay: Những hoạt động không vốn hóa gồm việc giữ một tài sản khi không tiến hành các hoạt động xây dựng hoặc sản xuất để thay đổi trạng thái của tài sản này. 

Ví dụ như chi phí đi vay liên quan đến mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng sẽ được vốn hoá trong kỳ khi các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị mặt bằng đó. Tuy nhiên chi phí đi vay phát sinh khi mua mảnh đất đó để giữ lại mà không có hoạt động triển khai xây dựng liên quan đến mảnh đất đó thì chi phí đi vay không được vốn hoá.

 Vốn hóa lãi vay đối với nhà thầu xây dựng, xây dựng TSCĐ và BĐS đầu tư theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC có sự khác biệt như sau:

+ Nhà thầu không vốn hóa chi phí lãi vay phục vụ thi công, xây dựng công trình, tài sản cho khách hàng;

+ Chi phí lãi vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ và BĐS đầu tư được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng (khác với VAS 16-phải trên 12 tháng. Tài sản dở dang là tài sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng và tài sản đang trong quá trình sản xuất cần có một thời gian đủ dài (trên 12 tháng) để có thể đưa vào sử dụng theo mục đích định trước hoặc để bán);

+ Các chi phí đi vay trực tiếp (ngoài lãi vay phải trả) phát sinh từ các khoản vay riêng cho mục đích đầu tư, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được vốn hóa (khác với VAS16: không quy định là vay riêng và phải trên 12 tháng).

* Một số sai sót về chi phí lãi vay hay gặp như sau:

– Chi phí lãi tiền vay thuộc trường hợp vốn hóa nhưng doanh nghiệp hạch toán vào TK 635;

– Chi phí lãi vay chưa thanh toán do chưa đến hạn thanh toán doanh nghiệp không hạch toán tương ứng với năm phát sinh chi phí lãi vay phải trả mà ghi nhận tại thời điểm thực chi. Điều này vi phạm nguyên tắc ghi nhận chi phí theo cơ sở dồn tích của kế toán và quy định ghi nhận chi phí được trừ của thuế;

– Chi phí phát sinh năm trước bị bỏ sót, ghi nhận vào năm phát hiện sai sót mà không lập hồ sơ khai bổ sung theo pháp luật quản lý thuế.

2. Lưu ý về ghi nhận doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ

Hình 3: Chi nhận doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ

Căn cứ theo Thông tư số 53/2016/TT-BTCThông tư số 200/2014/TT-BTC quy định về ghi nhận doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ như sau:

2.1 Nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:

– Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại;

– Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể tỷ giá thanh toán thì sẽ áp dụng nguyên tắc ghi nhận tỷ giá như sau:

+ Doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế chi tiết theo từng trường hợp như sau: 

  • Khi ghi nhận khoản góp vốn hoặc nhận vốn góp là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài Khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn; 
  • Khi ghi nhận nợ phải thu, doanh thu là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời Điểm giao dịch;
  • Khi ghi nhận nợ phải trả, chi phí là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời Điểm giao dịch; 
  • Riêng trường hợp khi ghi nhận các giao dịch mua sắm tài sản, các khoản chi phí hoặc doanh thu được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả) là tỷ giá mua hoặc tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán. 

+ Ngoài tỷ giá giao dịch thực tế nêu trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá xấp xỉ với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. 

  • Tỷ giá xấp xỉ phải đảm bảo chênh lệch không vượt quá +/-1% so với tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình;
  • Tỷ giá mua bán chuyển khoản trung bình được xác định hàng ngày hoặc hàng tuần hoặc hàng tháng trên cơ sở trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản hàng ngày của ngân hàng thương mại.

>>> Đọc thêm: Ngoại tệ là gì? Kế toán các giao dịch ngoại tệ và một số vấn đề liên quan

2.2 Đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính

– Nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Là các tài sản được thu hồi bằng ngoại tệ hoặc các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ

– Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ:

Đối với các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời Điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với các Khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài Khoản ngoại tệ.

Đối với các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời Điểm lập Báo cáo tài chính;

Riêng trường hợp doanh nghiệp sử dụng tỷ giá xấp xỉ để hạch toán các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ, cuối kỳ kế toán doanh nghiệp sử dụng tỷ giá chuyển Khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch để đánh giá lại các Khoản Mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Tỷ giá chuyển Khoản này có thể là tỷ giá mua hoặc bán hoặc tỷ giá mua bán chuyển Khoản trung bình của ngân hàng thương mại.”

– Các trường hợp không phải đánh giá lại khoản mục có gốc ngoại tệ gồm:

+ Các khoản trả trước cho người bán và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ.  ? Bởi vì sau này Doanh nghiệp sẽ nhận lại bằng hàng hóa mà không phải ngoại tệ nên không đáp ứng nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cho nên không cần đánh giá lại. (Tuy nhiên, nếu trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc người bán không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp sẽ phải nhận lại các khoản trả trước bằng ngoại tệ thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ)

+ Các khoản người mua trả tiền trước và các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ.  ? Bởi vì sau này Doanh nghiệp sẽ bàn giao cho khách hàng bằng hàng hóa mà không phải ngoại tệ nên không đáp ứng nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cho nên không cần đánh giá lại. (Tuy nhiên, nếu trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc doanh nghiệp không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và sẽ phải trả lại các khoản nhận trước bằng ngoại tệ cho người mua thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ). 

>>> Đọc thêm: Đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối năm tài chính và cách hạch toán

3. Kết luận

Trên đây là nội dung những lưu ý trong việc ghi nhận các chỉ tiêu trên phụ lục 03-1A và một tình huống sai sót thường gặp phần 2 các vấn đề về Doanh thu – Chi phí hoạt động tài chính và ghi nhận tỷ giá ngoại tệ MISA AMIS tổng hợp gửi đến quý bạn đọc. 

MISA AMIS mong rằng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp quý bạn đọc có những kiến thức bổ ích và hỗ trợ tốt hơn cho công việc lập tờ khai quyết toán TNDN năm 2021, đặc biệt là phụ lục 03-1A QT TNDN kèm theo.

Phần mềm online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • ….
>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Kính mời Quý doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS 15 ngày full tính năng ngay hôm nay.

Tác giả: Người yêu kế toán

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả