Hướng dẫn hạch toán các khoản tiền phạt

06/01/2022
15035

Các khoản tiền phạt chính là khoản chi phí (có thể là chi phí được trừ hoặc chi phí không được trừ) mà doanh nghiệp phải gánh chịu làm giảm không những về lợi nhuận mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Vậy hạch toán như thế nào với các khoản tiền phạt? Trong một số trường hợp cụ thể, kế toán cần phải lưu ý những điều gì?

Bài viết hướng dẫn hạch toán các khoản tiền phạt cụ thể, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân làm phát sinh các khoản tiền phạt của doanh nghiệp và giải pháp ngăn chặn, hạn chế.

Hình 1: Hướng dẫn hạch toán các khoản tiền phạt

Dựa vào mối quan hệ giữa các đối tượng và mức độ phổ biến, có thể phân chia các khoản tiền phạt thành 3 loại như hình dưới đây:

Hình 2: Các khoản tiền phạt

– Phạt hợp đồng thương mại (phát sinh giữa doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân khác trong giao dịch kinh doanh)

– Phạt hành chính (phát sinh giữa doanh nghiệp – cơ quan quản lý nhà nước)

– Phạt hợp đồng lao động (phát sinh giữa doanh nghiệp và người lao động)

Hướng dẫn hạch toán đối với các khoản tiền phạt trên như sau:

1. Hạch toán đối với các khoản phạt hợp đồng thương mại

Trong một hợp đồng thương mại, khi một trong hai bên không đáp ứng được hoặc vi phạm các điều khoản trong hợp đồng đã giao kết thì bên vi phạm sẽ phải chịu một mức phạt tương ứng được quy định cụ thể trong điều khoản của hợp đồng.

Ví dụ như khi chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cung cấp không đảm bảo tiêu chuẩn như cam kết trong hợp đồng; tiến độ cung cấp hàng hóa dịch vụ quá thời hạn quy định; tiến độ thanh toán, giải ngân chậm; tự ý hủy hợp đồng …

Hình 3: Phạt hợp đồng thương mại

Khi có một trong những tình huống trên xảy ra, căn cứ vào biên bản làm việc giữa 2 bên, kế toán của bên vi phạm sẽ phải hạch toán khoản tiền phạt này là chi phí trong kỳ theo bút toán sau:

Nợ TK 811 – Chi phí khác

Có các TK 111, 112 – Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng (Trường hợp thanh toán ngay)

hoặc Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (Trường hợp chưa thanh toán ngay)

(Theo quy định tại Điều 94 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014).

Ví dụ 1:

Ngày 15/07/2021, Doanh nghiệp A ký hợp đồng cung cấp văn phòng phẩm cho Doanh nghiệp B với tổng giá trị hợp đồng là 500 triệu đồng. Điều khoản trong hợp đồng ghi rõ đến ngày 31/07/2021, Doanh nghiệp A phải giao hàng cho Doanh nghiệp B tại kho của Doanh nghiệp B đủ số lượng, đảm bảo chất lượng như cam kết.

Tuy nhiên, do quá tải công suất nên Doanh nghiệp A giao hàng cho Doanh nghiệp B chậm 10 ngày. Theo quy định của hợp đồng, nếu bên A giao hàng chậm cho bên B thì phải chịu mức phạt là 10% hợp đồng (50 triệu).

Theo biên bản làm việc, Doanh nghiệp A đồng ý bồi thường cho Doanh nghiệp B theo quy định của hợp đồng. Như vậy, tại thời điểm biên bản được lập, bên A sẽ ghi nhận một khoản phải trả, bên B ghi nhận một khoản phải thu tương ứng với số tiền phạt trên biên bản.

Trong trường hợp này, kế toán Doanh nghiệp A phải hạch toán như sau:

Nợ TK 811: 50.000.000 đồng

Có TK 3388: 50.000.000 đồng (Thanh toán ngay thì hạch toán Có TK 111,112)

Xem thêm: Các bút toán hạch toán nghiệp vụ mua hàng, bán hàng trong doanh nghiệp thương mại

Ví dụ 2:

Doanh nghiệp A cần vốn để nhập lô hàng trị giá 10 tỷ đồng. Theo điều khoản thanh toán trên hợp đồng mua bán, Doanh nghiệp A phải thanh toán cho đối tác 50% ngay sau ký hợp đồng và 50% sau khi nhận hàng và hồ sơ hàng hóa, chứng từ hóa đơn kèm theo.

Doanh nghiệp A đã làm hợp đồng vay với ngân hàng thương mại với giá trị 10 tỷ và giải ngân theo điều khoản thanh toán của hợp đồng. Hợp đồng vay là 12 tháng kể từ lần giải ngân đầu tiên và Doanh nghiệp A phải thanh toán tiền gốc và lãi vay cho ngân hàng vào ngày 31/07/2021 tổng cộng là 10.950.000.000 đồng.

Tuy nhiên, khi đến hạn, Doanh nghiệp A không có đủ tiền để thanh toán cho ngân hàng. Theo điều khoản của hợp đồng vay, Doanh nghiệp A không thanh toán đúng hạn sẽ phải chịu một khoản tiền phạt tương ứng số dư nợ và thời gian chậm trả. Đến ngày 31/08/2021, Doanh nghiệp A thanh toán cho ngân hàng tổng số tiền là 11.050.000.000 đồng. Trong đó tiền phạt là 100 triệu đồng. Vậy kế toán Doanh nghiệp A phải hạch toán khoản tiền phạt chậm trả này như sau:

Nợ TK 811: 100.000.000 đồng

Có TK 112: 100.000.000 đồng

Hai ví dụ trên đều là phát sinh giữa doanh nghiệp với một tổ chức (hoặc cá nhân) bên ngoài, tức là không có quan hệ doanh nghiệp mẹ – con; cùng là doanh nghiệp con một tập đoàn (cùng doanh nghiệp mẹ) hoặc giữa doanh nghiệp với chi nhánh phụ thuộc hạch toán độc lập. Vậy thì, khi gặp các trường hợp có quan hệ này thì kế toán sẽ hạch toán như nào?

Xét theo mối quan hệ kiểm soát (quan hệ vốn) thì những doanh nghiệp có mối quan hệ như liệt kê ở trên được coi có liên quan, nhưng xét trên phương diện pháp lý thì đây là những pháp nhân độc lập (trừ chi nhánh phụ thuộc hạch toán độc lập không phải là pháp nhân nhưng vẫn tự thực hiện công việc kê khai, nộp thuế nên được coi như một doanh nghiệp độc lập).

Vì vậy, hợp đồng giao dịch giữa các doanh nghiệp này giống như giao dịch giữa các doanh nghiệp bình thường. Khi phát sinh các khoản phạt hợp đồng thì chúng ta vẫn hạch toán như đối với các doanh nghiệp bên ngoài.

 Xem thêm: Kế toán khoản đầu tư vào đơn vị khác: công ty mẹ đầu tư vào công ty con

Một số lưu ý:

– Căn cứ vào công văn số 3529/TCT-CS ngày 22/08/2014 của Tổng cục Thuế thì:

+ Tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

+ Hồ sơ để được trừ bao gồm: hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh toán.

– Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng quy định về các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng thì:

+ Nếu bồi thường vi phạm hợp đồng thương mại bằng tiền mặt, doanh nghiệp phải lập chứng từ chi tiền (phiếu chi).

+ Nếu bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ thì phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế giá trị gia tăng như đối với hàng hóa dịch vụ.

– Căn cứ vào công văn 75439/CT-TTHT ngày 13/11/2018 của Cục Thuế thành phố Hà Nội thì:

+ Không được ghi nhận khoản tiền phạt hợp đồng vào giảm doanh thu;

+ Nếu doanh nghiệp đã lập và giao hóa đơn cung cấp hàng hóa dịch vụ cho bên đối tác trong đó ghi nhận tiền phạt vi phạm hợp đồng vào hóa đơn làm giảm giá trị hàng hóa, dịch vụ cung cấp và 2 bên đã kê khai thuế giá trị gia tăng thì 2 bên phải làm thủ tục điều chỉnh lại các hóa đơn đã giảm trừ doanh thu theo đúng quy định.

2. Hạch toán đối với các khoản phạt hành chính

Các khoản phạt vi phạm hành chính là các khoản mà kế toán có thể gặp phải nhiều hơn so với các khoản phạt vi phạm hợp đồng thương mại, tuy nhiên không ít kế toán vẫn hạch toán sai đối với những khoản tiền phạt này.

Trong quá trình hoạt động mà doanh nghiệp có những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành thì sẽ bị xử phạt tương ứng theo chế tài xử phạt đi kèm với vi phạm đó. Một số khoản phạt như:

– Phạt vi phạm luật giao thông;

– Phạt chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng;

– Phạt về không thay đổi đăng ký kinh doanh do không góp đủ vốn trong 90 ngày;

– Phạt lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp …

Các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: cơ quan thuế, hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Kế hoạch đầu tư, cơ quan bảo hiểm… và các cơ quan quản lý chuyên môn theo loại hình kinh doanh như: Sở Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Giao thông vận tải…

Hiện nay, các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng phần mềm công nghệ hỗ trợ như phần mềm kế toán online MISA AMIS để tránh các trường hợp phạt hành chính vì chậm nộp thuế, bảo hiểm,… Bởi lẽ AMIS Kế toán có tính năng giúp nghiệp vụ quản lý thuế đơn giản, chính xác và hiệu quả hơn:

  • Tự động lập Tờ khai thuế GTGT theo tháng/ quý, Tờ khai thuế TNDN tạm tính, Tờ khai quyết toán thuế TNDN,… các phụ lục kèm theo tờ khai và báo cáo thuế có mã vạch.
  • Tự động khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đầu ra để xác định số thuế phải nộp hay được hoàn lại.
  • Tích hợp dịch vụ kê khai thuế MTAX.VN, giúp Kế toán nộp trực tiếp tờ khai đã lập trên phần mềm. Đồng thời, doanh nghiệp có thể xuất khẩu tờ khai ra định dạng xml để nộp qua cổng nhận tờ khai của cơ quan thuế.

Ngoài ra, AMIS kế toán nằm trong hệ sinh thái kết nối trực tiếp với phần mềm AMIS Bảo hiểm, cho phép:

  • Điện tử hóa hoàn toàn 19 thủ tục kê khai, điều chỉnh BHXH
  • Kết nối trực tiếp với cơ quan BHXH
  • Tự động tính số tiền nộp, chi trả chế độ BHXH

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn!

Khi nhận được biên bản, quyết định xử phạt, kế toán căn cứ vào đó để hạch toán kế toán:

Nợ TK 811 – Chi phí khác

Có các TK 111, 112 – Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng

hoặc Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339)

hoặc Có TK 3388 – Phải trả khác

(Theo quy định tại Điều 94 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014).

Xem thêm: Hướng dẫn hạch toán TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính theo TT200

Ví dụ 3:

Tại ngày 21/08/2021 Doanh nghiệp Vận tải hành khách X có phát sinh tiền phạt vi phạm luật giao thông do chở quá số người theo quy định. Theo biên bản xử phạt thì số tiền phạt doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước là 5.000.000 đồng.

Kế toán của Doanh nghiệp X sẽ hạch toán như sau:

Nợ TK 811: 5.000.000 đồng

Có TK 3339: 5.000.000 đồng

Ví dụ 4:

Năm 2021, Doanh nghiệp Y có cơ quan thanh tra kiểm tra quyết toán thuế niên độ từ năm 2017 đến năm 2020. Sau quá trình kiểm tra, cơ quan thanh tra ra quyết định xử phạt phải nộp thêm số thuế thu nhập doanh nghiệp là 100 triệu đồng, phạt chậm nộp là 10 triệu đồng. Vì lý do giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019 có giảm chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vậy khi nhận được quyết định xử phạt này, kế toán của Doanh nghiệp Y hạch toán tiền phạt chậm nộp như sau:

Nợ TK 811: 10.000.000 đồng

Có TK 3339: 10.000.000 đồng

Lưu ý: Kế toán cần phân biệt giữa tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thêm và tiền phạt chậm nộp trong quyết định xử phạt của cơ quan thuế, tính chất cũng như cách hạch toán 2 khoản này hoàn toàn khác nhau. Kế toán có thể tham khảo các công văn hướng dẫn hạch toán truy thuế và tiền phạt chậm nộp sau:

– Công văn số 1287/CT-TTHT ngày 29/05/2015 của Cục Thuế tỉnh Thái Bình

– Công văn số 927/CT-TTHT ngày 26/03/2015 của Cục Thuế tỉnh Hải Dương

– Công văn số 3111/CT-TTHT ngày 13/08/2014 của Cục Thuế tỉnh Nam Định

– Công văn số 13521/CT-TTHT ngày 28/12/2007 của Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh

Ví dụ 5:

Doanh nghiệp Z đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo phương thức hàng tháng. Tính đến hết tháng 6/2021, Doanh nghiệp Z nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là 50.000.000 đồng, nợ tiền đóng bảo hiểm y tế là 10.000.000 đồng. Trong đó tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của tháng 6 là 20.000.000 đồng, tiền bảo hiểm y tế tháng 6 là: 3.000.000 đồng. Tổng tiền lãi chậm nộp theo thông báo kết quả đóng bảo hiểm tháng 6 là 866.000 đồng.

Căn cứ vào thông báo kết quả đóng bảo hiểm, kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK 811: 866.000 đồng

Có TK 3388: 866.000 đồng

Lưu ý: Còn một trường hợp khác tương tự như ví dụ 4 về thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên, khi cơ quan bảo hiểm vào kiểm tra và có quyết định xử phạt truy thu thêm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm nộp thì kế toán hạch toán tiền lãi chậm nộp giống như ví dụ 5; khoản tiền bị truy thu thêm kế toán hạch toán bình thường như nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng.

Ví dụ 6:

Trong năm 2020, Doanh nghiệp Cổ phần T tự ý phát hành hàng loạt trái phiếu với tổng giá trị 500 tỷ đồng ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) theo quy định. Ngày 15/07/2021, Doanh nghiệp T nhận được quyết định số 123 của UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 400 triệu đồng do Doanh nghiệp T có hành vi vi phạm hành chính trong việc chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

Căn cứ theo quyết định nhận được, kế toán Doanh nghiệp T hạch toán khoản tiền phạt này vào chi phí trong năm 2021 như sau:

Nợ TK 811: 400.000.000 đồng

Có TK 3388: 400.000.000 đồng

Lưu ý: Căn cứ vào Điểm 2.36 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì “Tất cả các khoản phạt vi phạm hành chính, lãi chậm nộp trên không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Xem chi tiết về các khoản chi phí không được trừ tại bài viết: 37 khoản chi phí không được trừ khi quyết toán thuế TNDN

Doanh nghiệp của bạn cần chuyển đổi số cho bộ phận Tài chính - Kế toán?Tham khảo ngay giải pháp MISA AMIS Kế Toán!

3. Hạch toán đối với các khoản phạt hợp đồng lao động

Khoản tiền phạt, bồi thường cho người lao động này phát sinh khi doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (trái pháp luật) hoặc vi phạm các điều khoản dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng lao động… Doanh nghiệp phải bồi thường cho người lao động theo điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng cũng như những quy định của pháp luật liên quan bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Ví dụ 6: Chị Nguyễn Thị X là nhân viên kế toán của Doanh nghiệp H. Do gia đình có việc đột xuất nên chị đã xin phép trưởng phòng và giám đốc cho xin nghỉ 3 tuần và được đồng ý. Tuy nhiên, sau khi giải quyết xong việc cá nhân và quay lại làm thì chị nhận được thông báo của Doanh nghiệp H là chị bị chấm dứt hợp đồng với lý do là nghỉ quá lâu, doanh nghiệp nhiều việc cần phải giải quyết gấp đã tìm được người thay thế trong khi chị X nghỉ.

Trong trường hợp này, Doanh nghiệp H đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với chị X trái với quy định của pháp luật (theo khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14). Doanh nghiệp H đã thỏa thuận với chị X về tiền trợ cấp thôi việc và bồi thường dựa trên quy định của pháp luật (theo khoản 3 Điều 41 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14) tổng số tiền là 20.000.000 đồng.

Như vậy, bộ phận kế toán sẽ hạch toán như sau:

Nợ TK 811: 20.000.000

Có TK 3388: 20.000.000 (nếu đã chi trả hạch toán Có TK 111, 112)

Việc xác định chi phí có được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hay không tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, kế toán của doanh nghiệp cần căn cứ vào điều kiện được trừ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC hoặc Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC để xác định.

Đọc thêm: Tổng hợp các chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN mới nhất

4. Các nguyên nhân làm phát sinh các khoản tiền phạt của doanh nghiệp và giải pháp ngăn chặn, hạn chế

Trên đây, bài viết đã trình bày và hướng dẫn cách hạch toán các khoản tiền phạt mà doanh nghiệp phải chịu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thiết tìm hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề và có biện pháp kiểm soát và hạn chế .

Các khoản tiền phạt chính là những khoản chi phí được phản ánh trực tiếp trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong năm phát sinh. Các khoản tiền phạt không những làm hao hụt lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm đó mà còn có thể hạ thấp uy tín, danh tiếng và giá trị trong tương lai của doanh nghiệp.

MISA AMIS sẽ bàn sâu hơn giúp doanh nghiệp nhận diện cũng như đưa ra giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn các nguyên nhân làm phát sinh các khoản tiền phạt của doanh nghiệp.

4.1. Đối với các khoản phạt phát sinh từ các giao dịch hợp đồng

Các khoản phạt hợp đồng phát sinh do doanh nghiệp vi phạm các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng như trong hình dưới đây:

Hình 4: Các khoản phạt hợp đồng phát sinh do doanh nghiệp vi phạm các điều khoản hợp đồng

– Trường hợp doanh nghiệp là bên mua hàng, vay tiền: không thanh toán tiền đúng thời hạn hạn, đúng số lượng, đơn phương hủy hợp đồng (mua hàng), thanh toán tiền trước hạn (một số khoản vay)…

– Trường hợp doanh nghiệp là bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ: giao hàng hóa, dịch vụ không đúng thời hạn; không đúng số lượng, chủng loại; chất lượng hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo yêu cầu; đơn phương hủy hợp đồng…

Nguyên nhân của các vi phạm nêu trên đều xuất phát phía doanh nghiệp, cụ thể chúng ta sẽ xem xét ở một số khía cạnh sau: năng lực tài chính, năng lực sản xuất cung ứng hàng hóa dịch vụ và năng lực quản lý của doanh nghiệp.

Hình 5: Nguyên nhân của các vi phạm điều khoản hợp đồng

Để đảm cho hợp đồng ký kết được thực hiện thuận lợi thì điều quan trọng đầu tiên là doanh nghiệp phải xem tính khả thi của hợp đồng, hay nói cách khác là xem xét năng lực của doanh nghiệp có thể thực hiện được hợp đồng này hay không qua các góc độ:

– Năng lực tài chính: Kế hoạch tài chính luôn được xây dựng đồng hành cùng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Hiểu đơn giản, kế hoạch tài chính chính là kế hoạch về dòng tiền (dòng tiền vào và dòng tiền ra) tại từng thời điểm cụ thể tùy thuộc vào nhu cầu sản xuất.

Đọc thêm: Kế hoạch quản lý nợ – Chìa khóa quản trị dòng tiền doanh nghiệp

Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp phải đình chỉ, tạm dừng sản xuất, kinh doanh hay tồi tệ hơn là phá sản vì không còn đủ tiền. Dễ thấy điều này ở các doanh nghiệp xây dựng, các sàn thương mại điện tử trong những năm đầu hoạt động hay các chuỗi cửa hàng tiện lợi… Do vậy, dòng tiền rất quan trọng đảm bảo cho việc sản xuất kinh doanh được diễn ra bình thường.

– Năng lực sản xuất: trong hợp đồng cung cấp hàng hóa dịch vụ luôn có những điều khoản về chất lượng, cũng như công nghệ. Vậy doanh nghiệp cần xem xét khả năng sản xuất của mình (bao gồm tính đến cả việc hợp tác với các đơn vị khác có năng lực) để quyết định có kí kết hợp đồng hay không.

Trong trường hợp này, trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần phải họp các phòng ban liên quan (phòng kế toán, ngân quỹ, bộ phận sản xuất, bộ phận nhân sự, bộ phận kho, phòng hậu cần – mua hàng…) để lập kế hoạch sản xuất cho đơn hàng, lập kế hoạch dòng tiền dựa trên kế hoạch sản xuất và xác định một số điều khoản liên quan đến thanh toán, thời hạn giao hàng phù hợp để hợp đồng được khả thi.

– Năng lực quản lý sản xuất: Công việc được tổ chức, quản lý một cách khoa học, linh hoạt, hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy, đảm bảo hợp đồng được hoàn thành đúng tiến độ, tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp.

Sau khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần phải tổ chức quản lý, sử dụng vốn, máy móc, nguyên liệu hiệu quả. Luôn luôn có bộ phận giám sát trong cả quy trình từ khâu mua nguyên vật liệu, tuyển dụng nhân sự, cho đến khâu sản xuất, đóng gói sản phẩm cuối cùng. Nếu phát sinh vấn đề trong chu trình sản xuất, cần có sự can thiệp kịp thời của các bộ phận liên quan. Cần lưu ý rằng, luôn phải có nguồn lực dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như nhà cung cấp nguyên vật liệu, nguồn tiền huy động, nguồn nhân sự…

Khi bao quát được các khía cạnh chủ yếu nêu trên thì tỷ lệ hoàn thành hợp đồng là rất cao, doanh nghiệp sẽ tránh được những khoản phạt vi phạm hợp đồng không mong muốn.

Ngoài ra doanh nghiệp có thể linh hoạt trao đổi, thỏa thuận nhằm đạt được sự nhượng bộ của khách hàng trong việc thực hiện hợp đồng (điều này tùy thuộc vào từng khách hàng).

Xem thêm: Hạch toán tài khoản 141 – Tạm ứng theo thông tư 200

4.2. Đối với các khoản phạt hành chính

Khi tham gia vào bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, doanh nghiệp đều phải tuân thủ những quy định trong trong ngành nghề, lĩnh vực đó. Việc không chấp hành sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải chịu các khoản tiền phạt.

Để giảm thiểu, hạn chế, ngăn ngừa các khoản phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp như sau:

– Nắm được các quy định về pháp luật có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp;

– Thường xuyên cập nhật kiến thức, quy định mới;

– Tổ chức đào tạo tập chung, phổ cập kiến thức cho toàn thể nhân viên;

– Tổ chức hệ thống kiểm soát và chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với cách hành vi vi phạm…

Như vậy, qua bài viết MISA AMIS đã trình bày cách hạch toán khoản tiền phạt, bao gồm các khoản phạt hợp đồng thương mại, phạt hành chính, phạt hợp đồng lao động cùng với việc phân tích các nguyên nhân làm phát sinh các khoản tiền phạt của doanh nghiệp và giải pháp ngăn chặn, hạn chế.

MISA AMIS hy vọng thông qua bài viết, các bạn thể tránh cho doanh nghiệp mình khỏi các nguyên nhân làm phát sinh các khoản tiền phạt và biết cách xử lý kế toán khi các khoản tiền phạt này phát sinh. Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn!

Dùng ngay miễn phí

Tác giả: Lê Thị Phương

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 4]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả