Tổng hợp các chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN mới nhất

11/11/2021
6769

Chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt khi các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này liên tục thay đổi và cập nhật, bổ sung. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các khoản chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

1. Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN là gì?

Chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN là những chi phí cần thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí tiền lương, chi trợ cấp…, không thuộc nhóm chi phí không được trừ khi xác định thuế TNDN và có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Kế toán doanh nghiệp cần phân biệt rõ chi phí kế toán và chi phí được trừ khi tính thuế, cụ thể:

  • Chi phí kế toán là các khoản chi phí được hạch toán phản ánh sổ sách bình thường, dù chi phí đó có được trừ hay không khi quyết toán thuế TNDN
  • Chi phí được trừ khi tính thuế là chi phí khi tính thuế TNDN, kế toán phải xác định xem khoản chi phí đó có đáp ứng đủ điều kiện để đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN hay không.

chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN là gì?

> Xem thêm: Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất

2. Điều kiện doanh nghiệp được áp dụng các chi phí được trừ khi tính TNDN

Căn cứ theo điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi bổ sung bởi điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, thông tư 25/2018/TT-BTC quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật
  • Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Xem thêm: Quyết toán thuế là gì? Thời hạn thực hiện quyết toán thuế TNCN và TNDN

3. Các lưu ý về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

  • Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm:

+ Chứng từ thanh toán qua ngân hàng như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”

+ Thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng

+ Bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba

+ Thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba là pháp nhân hoặc thể nhân thanh toán qua ngân hàng 

+ Thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

Chứng từ không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng tại Khoản 10, điều 1 thông tư 26/2015/TT-BTC; điều 1, thông tư 173/2016/TT-BTC.

các trường hợp chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN

>> Tải ngay Ebook tổng hợp: Cẩm nang Thuế – Thuế Giá trị Gia tăng (Tập 1)

  • Trường hợp nếu mua hàng hóa có giá trị 20 triệu đồng trở lên mà doanh nghiệp đó chưa thanh toán thì được tính vào chi phí được trừ khi cơ quan thuế xác định thu nhập chịu thuế. 

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh toán, nếu DN thanh toán khôngchứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (Kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và cơ quan chức năng đã có quyết định thanh, kiểm tra kỳ tính thuế có khoản chi phí này).

Ví dụ: Tháng 10/2021, công ty TNHH NKH có hóa đơn và giá trị ghi trên hóa đơn là 25 triệu nhưng chưa thực hiện thanh toán. Trong kỳ tính thuế năm 2021, công ty đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Sang năm 2022, công ty thực hiện thanh toán bằng tiền mặt => Do vậy công ty phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt.

  • Trường hợp DN có hóa đơn đầu vào in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định, thì nếu hóa đơn có giá trị trên 20 triệu sẽ căn cứ vào chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nếu hóa đơn có giá trị dưới 20 triệu sẽ căn cứ vào chứng từ thanh toán dùng tiền mặt để tính khoản chi phí này vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN
  • Có một số khoản chi phí khi ở dưới một mức nhất định thì sẽ được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi vượt trên mức này, phần chi phí vượt quá sẽ bị coi là chi phí không được trừ.

Chẳng hạn: Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) sẽ được coi là chi phí không được trừ.

Ví dụ: Doanh nghiệp mua 1 ô tô 9 chỗ phục vụ mục đích quản lý, nguyên giá TSCĐ sau khi tổng hợp là 2,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp trích khấu hao thời hạn 10 năm.

Mức khấu hao mỗi năm là: 240 triệu đồng

Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được tính vào chi phí được trừ phần khấu hao ứng với nguyên giá 1,6 tỷ, tương đương với 160 triệu đồng.

Chi phí bị loại là: 240 – 160 = 80 triệu

>> Xem đầy đủ các khoản chi phí tương tự tại bài viết: Cập nhật các khoản chi phí bị khống chế 2021

Tính thuế TNDN là một trong những nghiệp vụ kế toán quan trọng đối với mỗi một doanh nghiệp. Để giúp quá trình tính thuế diễn ra suôn sẻ và đảm bảo tính chính xác, kế toán viên cần đến sự hỗ trợ của phần mềm kế toán. Hiện nay, phần mềm kế toán MISA AMIS đã có thể tự động hợp chứng từ trong kỳ để lập tờ khai quyết toán thuế doanh nghiệp. Kế toán cũng có thể nộp tờ khai và nộp thuế ngay trên phần mềm, giúp nâng cao hiệu quả công tác kế toán. 

Anh/chị kế toán viên quan tâm và muốn trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký dùng thử 15 ngày miễn phí.

CTA dùng thửTác giả: Kiều Lục

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả