Nghiệp vụ Chi phí Thông tin mới nhất về các khoản chi phí bị khống chế...

Đối với kế toán doanh nghiệp, việc xác định đâu là khoản chi phí được trừ, đâu là khoản chi phí không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là điều cực kỳ quan trọng. Vậy những khoản chi phí bị khống chế, không được trừ khi tính thuế TNDN là gì và các thông tin mới nhất về chi phí bị khống chế năm 2023 ra sao?

chi phí bị khống chế

Căn cứ pháp lý về những khoản chi phí bị khống chế, không được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định tại các văn bản pháp luật sau:

  • Thông tư số 78/2014/TT-BTC
  • Thông tư số 96/2015/TT-BTC
  • Thông tư 25/2018/TT-BTC
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC
  • Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH
  • Thông tư 45/2013/TT-BTC
  • Nghị định số 132/2020/NĐ-CP
  • Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC

1. Các khoản chi phí bị khống chế liên quan đến người lao động

1.1 Các khoản chi trực tiếp có tính chất phúc lợi cho người lao động

Doanh nghiệp có khá nhiều khoản chi có tính chất phúc lợi dành cho người lao động (NLĐ). Các khoản chi có tính chất phúc lợi bị khống chế bao gồm:

  • Chi hiếu / hỷ cho NLĐ hoặc gia đình của NLĐ;
  • Chi hỗ trợ điều trị cho NLĐ;
  • Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo;
  • Chi nghỉ mát cho NLĐ;
  • Chi khen thưởng thành tích tốt trong học tập cho con của NLĐ;
  • Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho NLĐ;
  • Chi các loại bảo hiểm tai nạn, sức khỏe, tự nguyện khác cho NLĐ (không bao gồm khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ, hưu trí tự nguyện cho NLĐ);
  • Các khoản chi có tính chất phúc lợi khác.

Ví dụ 1:  Năm 2023, Công ty TNHH Đức Hoa có ban hành quy chế tài chính về các khoản chi phúc lợi cho nhân viên như: 

Điều 3: Chi phúc lợi cho người lao động

Nhằm mục đích hỗ trợ, thăm nom cá nhân và người thân cán bộ công nhân viên, tạo sự đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái trong toàn công ty. Công ty hỗ trợ bằng tiền trong các trường hợp hiếu, hỷ cho toàn bộ cán bộ nhân viên theo các định mức như sau:

– Hiếu: Bản thân người lao động, bố, mẹ (cả bố mẹ vợ/chồng), con của người lao động: 300.000 vnđ/người, chi tiền mặt, và một vòng hoa.

– Hỷ: Cán bộ công nhân viên toàn công ty): 500.000 vnđ, chi tiền mặt, và một tặng phẩm.

– Ốm đau: Cán bộ công nhân viên toàn công ty ốm đau: 300.000 vnđ, chi tiền mặt, và một phần quà.” 

Như vậy, đây là các khoản chi có tính chất phúc lợi trong Công ty TNHH Đức Hoa bị khống chế.

Căn cứ vào Khoản 4 điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC (Sửa đổi điểm 2.30, Khoản 2, Điều 6 của Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC), các khoản chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

⇒ Như vậy, các khoản chi có tính phúc lợi cho NLĐ của doanh nghiệp bị khống chế ở mức “không quá 01 tháng lương bình quân thực tế”.

Vậy làm thế nào để tính được 01 tháng lương bình quân thực tế trong năm?

Căn cứ vào Khoản 4 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC và Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC thì:

01 tháng lương bình quân thực tế

= Quỹ tiền lương thực hiện trong năm

số tháng thực tế hoạt động trong năm

Trong đó:

Quỹ tiền lương thực hiện: là tổng số tiền lương thực tế mà doanh nghiệp đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán thuế theo quy định. (tức là không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Ví dụ 2: Tại Công ty TNHH Tín Phát có số liệu tổng hợp năm 2022 như sau: Tổng các khoản chi có tính phúc lợi cho NLĐ của doanh nghiệp là 150.000.000đồng và tổng tiền lương thực tế chi trả trong năm 2022 là 1.200.000.000 đồng.

thì 01 tháng lương bình quân thực tế năm 2022 được tính như sau:

01 tháng lương bình quân thực tế năm 2022 của Công ty TNHH Tín Phát = 1.200.000.000 = 100.000.000đ
12

⇒ Như vậy, số tiền chi phí phúc lợi được trừ tối đa là 100.000.000đ, còn khoản chi phí phúc lợi vượt mức quy định là: 150.000.000đ – 100.000.000đ = 50.000.000đ là khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN.

1.2 Tiền ăn ca

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ người lao động ăn trưa hoặc ăn ca tối tại công ty để đảm bảo tiến độ công việc và cũng như hỗ trợ tinh thần người lao động nên khoản chi phí tiền ăn cho người lao động cũng là một khoản chi phí thường phát sinh. Vậy khoản chi phí này có bị khống chế khi xác định chi phí tính thuế TNDN hay không?

⇒ Trả lời: Căn cứ theo Điểm g5 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (bổ sung bởi khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC) thì quy định về khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn cho NLĐ như sau:

  • Đối với trường hợp phụ cấp ăn ca cho NLĐ dưới hình thức tổ chức nấu ăn: Các khoản chi phí cho việc nấu ăn này sẽ không bị khống chế và không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ.

Tuy nhiên, DN phải đảm bảo cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý hợp lệ cho việc mua nguyên vật liệu và danh sách cán bộ công nhân viên đăng ký ăn ca tại công ty.

  • Đối với trường hợp phụ cấp ăn ca cho NLĐ dưới hình thức chi tiền hỗ trợ:

Căn cứ vào Khoản 4 Điều 22 Mục 6 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH thì:

Mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho NLĐ do DN chi tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.

Nếu doanh nghiệp chi tiền ăn ca cho NLĐ vượt quá mức bị khống chế thì khoản chênh lệch tăng thêm đó sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Chú ý: Đối với doanh nghiệp: khoản chênh lệch tăng thêm được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Điều kiện: phần tiền ăn được thể hiện rõ trong các văn bản sau: Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính, Quy chế lương thưởng

1.3 Tiền chi trang phục, bảo hộ lao động, các khoản bảo hiểm

Tiền chi trang phục, chi bảo hộ lao động

Việc sử dụng đồng phục là điều bắt buộc tại một số doanh nghiệp hoặc nhiều doanh nghiệp sẽ cung cấp đồ bảo hộ lao động cho người lao động. Tuy nhiên, khoản tiền chi trang phục, bảo hộ lao động cho NLĐ là khoản tiền mà doanh nghiệp phải chịu và bị khống chế.  Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các hình thức chi trang phục cho NLĐ bằng tiền; bằng hiện vật; hoặc bằng cả tiền và hiện vật.

Căn cứ vào Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) thì:

  • Nếu chi bằng hiện vật: không bị khống chế mức chi nhưng phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp
  • Nếu chi bằng tiền; hoặc bằng cả tiền và hiện vật thì mức chi bằng tiền không vượt quá 05 triệu/người/năm

Các khoản trích BHXH, BHYT, BHTN- BNN, kinh phí công đoàn

Theo quy định mới nhất năm 2023 của Bộ LĐ-TB&XH và cơ quan BHXH Việt Nam về các khoản trích BHXH, BHYT, BHTN-BNN thì tỷ lệ trích các khoản này vào chi phí doanh nghiệp như sau:

  • BHXH :17,5%;
  • BHYT: 3%
  • BHTN: 1%.
  • KPCĐ: 2%

Như vậy, các khoản trích BHXH, BHYT, BHTN- BNN, kinh phí công đoàn bị khống chế ở mức tỷ lệ % đóng của Nhà nước ban hành.

Ví dụ 3: Tại Công ty TNHH Nhật Nam có chi tiền trang phục cho nhân viên mức 3 triệu đồng (trđ)/người/năm bằng tiền mặt và may trang phục cho tất cả nhân viên 1 bộ quần áo theo hóa đơn của công ty TNHH May mặc AVG với số tiền là 33.000.000đ. Công ty Nhật Nam đã chuyển khoản hết số tiền may trang phục cho công ty AVG qua ngân hàng. 

⇒ Như vậy, toàn bộ số tiền chi trang phục của Công ty TNHH Nhật Nam đều được tính vào chi phí được trừ do khoản chi bằng tiền dưới 5trđ/người/năm và bằng hiện vật có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định.

>>> Có thể bạn quan tâm: Hạch toán lương và các khoản trích theo lương tại doanh nghiệp

Các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC thì các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ không quá 03 triệu đồng/tháng/người.

1.4 Tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động không đúng theo quy định của pháp luật

Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì:

“Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.” sẽ không được tính vào chi phí được trừ.

Trừ trường hợp năm trước doanh nghiệp đã trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề thì sẽ được tính vào chi phí được trừ. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

Một lưu ý đối với việc trích lập dự phòng tiền lương là: “Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

chi phí bị khống chế 2
Hình 2: Khoản chi phí tiền lương, tiền công bị khống chế năm 2023

2. Các khoản chi phí bị khống chế khác

2.1 Một số chi phí về TSCĐ, CCDC

Căn cứ thông tư 45/2013/TT-BTC, các chi phí sau đây không được phân bổ quá 3 năm:

Chi phí sửa chữa tài sản cố định nhưng không đủ điều kiện ghi tăng nguyên giá. (Điều 7 Thông tư 45/2013/TT-BTC)

>>> Xem thêm điều kiện ghi nhận chi phí sửa chữa vào nguyên giá hay chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ tại bài viết: Chi phí sửa chữa TSCĐ hạch toán vào tài khoản nào?

Chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình. (Khoản 3 điều 3 thông tư 45/2013/TT-BTC)

Chi phí hình thành các tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, … không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định (Điểm d Khoản 2.2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC)

2.2 Chi phí khấu hao TSCĐ

Căn cứ vào Khoản 2.2 Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC) thì phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Nếu doanh nghiệp trích khấu hao nhanh hơn khung trích khấu hao theo quy định: Chi phí vượt khung đó sẽ bị loại ra khỏi chi phí được trừ của kỳ đó khi tính thuế TNDN.

Nếu doanh nghiệp áp dụng khấu hao theo đường thẳng được khấu hao nhanh mà mức khấu hao nhanh vượt quá 2 lần mức khấu hao theo đường thẳng: Phần khấu hao vượt quá 2 lần sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.

Lưu ý:

Đối với phương tiện vận tải doanh nghiệp sẽ không được tính vào chi phí được trừ phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống. (Ngoại trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn. Ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô).

Ngoài ra, với loại xe này, phần thuế GTGT đầu vào tương ứng với nguyên giá ô tô vượt trên 1,6 tỷ cũng sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

>>> Xem thêm: Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT

2.3 Chi phí lãi vay

– Căn cứ vào Khoản 2.17, 2.18 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) thì khoản chi phí lãi vay bị khống chế được quy định như sau:

+ Phần lãi vay của các đối tượng khác không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay thì không được tính vào chi phí được trừ.

+ Trường hợp doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ thì chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ (với DN tư nhân là vốn đầu tư) còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp sẽ không được tính vào chi phí được trừ.

– Đồng thời theo quy định tại khoản 3, Điều 16, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

+ Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

+ Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.”

2.4 Trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ

Theo điểm b khoản 2 điều 4 thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC, doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.

2.5 Chi phí vượt định mức tiêu hao nguyên vật liệu

Căn cứ vào Khoản 2.3 Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC) thì phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức.

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn!

Dùng ngay miễn phí

Tác giả: Nguyễn Văn Huân

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]