Một số lưu ý cơ bản khi lập Báo cáo tài chính năm

29/09/2021
2470

Cuối mỗi kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp đều phải lập Báo cáo tài chính (BCTC) và nộp cho các cơ quan nhà nước cũng như phục vụ nhu cầu quản trị của doanh nghiệp. Lập BCTC đã trở thành một công việc rất quen thuộc với mỗi kế toán, nhưng không phải ai cũng nắm được cách lập BCTC một cách chính xác, hiệu quả. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn lập báo cáo tài chính để nắm rõ các bước hoàn thiện một BCTC năm.

1. Hạch toán thuế môn bài của năm

Các bạn lưu ý kiểm tra xem đã ghi nhận đủ chi phí môn bài của năm chưa, mức đóng môn bài có chính xác không, nhất là với các doanh nghiệp có chi nhánh, địa điểm kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp có chi nhánh, địa điểm kinh doanh đã hoàn thành thủ tục đóng cửa, cần lưu ý nộp lại tờ khai thuế môn bài cho năm tiếp theo sau năm đó. Nếu doanh nghiệp không nộp lại tờ khai môn bài với việc loại bỏ tên chi nhánh, địa điểm kinh doanh trên tờ khai, hệ thống thuế vẫn sẽ ghi nhận số thuế môn bài tương ứng với chi nhánh, địa điểm kinh doanh đó.

>>> Đọc thêm: Thuế môn bài – các thông tin mới nhất cần cập nhật ngay

2. Tính và nộp tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm. Hàng quý, doanh nghiệp tạm tính thuế phát sinh để nộp mà không cần nộp tờ khai tạm tính.

Đến thời điểm cuối năm, khi quyết toán ra con số chính xác thuế TNDN cả năm, phần tạm nộp tính đến quý 3 trong năm thấp hơn 75% tổng thuế cả năm, sẽ phát sinh chậm nộp tính từ ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu.

3. Quỹ tiền mặt, tiền gửi

  • Kiểm tra xem có khoản chi phí nào bất thường không, nhất là với những khoản chi cho cá nhân không có hóa đơn chứng từ ví dụ như những khoản tạm ứng của cán bộ nhân viên trong công ty thì phải xem xét thời gian để thu hồi tạm ứng, những khoản chi cho cá nhân tổ chức vay phải xem xét thời hạn cho vay để tính lãi cho vay…
  • Đối với tiền gửi thấu chi (tiền được rút ra khỏi tài khoản ngân hàng trong khi số dư sẵn có của tài khoản bằng 0), cần thực hiện bút toán chuyển sang tài khoản cho vay và trình bày ở khoản mục Vay trên Báo cáo tài chính

4. Các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng

Các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng đang thể hiện trên tài khoản 128: Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, khi lên Bảng cân đối kế toán cần được tái phân loại lại từ khoản mục Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (Mã số 123) sang khoản mục Các khoản tương đương tiền (Mã số 112).

>>> Xem thêm: Cách hạch toán tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn chính xác

5. Các khoản phải thu

5.1 Các khoản phải thu

Đối với các khoản thu tiền ứng trước của khách hàng, khi nhận tiền ứng trước ghi nhận Nợ TK 111, 112/ Có TK 131. Tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, các bạn cần kiểm tra các khoản dư Có Tài khoản 131 lại xem thực tế khoản đó đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu chưa (bút toán ghi nhận doanh thu Nợ TK 131/Có TK 511, 3331 nếu có) hay xử lý các vấn đề liên quan…; tránh trường hợp khai thiếu doanh thu.

5.2 Các khoản phải thu khác

Cần phân loại rõ ràng các khoản phải thu khác: thu tiền mặt, tài sản thiếu khi kiểm kê, hàng hóa thiếu, thu tiền lãi cho vay…

Khoản cho vay mượn bằng tiền cần phân loại lại trên tài khoản cho vay.

Hàng hóa kiểm kê phát hiện thiếu, lập biên bản thiếu hàng và xác định nguyên nhân:

+ Nếu nhà cung cấp giao tiếp phần thiếu thì phải có phiếu nhập kho, biên bản bàn giao phần hàng thiếu.

+ Nếu nhà cung cấp làm mất hàng và bồi thường tiền, các bạn cần hạch toán điều chỉnh giảm phần thuế Giá trị gia tăng đã khấu trừ tương ứng phần hàng thiếu đó, phần chi phí này cũng không đc tính vào chi phí đc trừ, phần bồi thường hơn ghi nhận thu nhập khác.

Khoản lãi cho vay tạm tính trong năm ghi nhận trên khoản phải thu khác là doanh thu tài chính.

6. Các khoản tạm ứng

Rà soát các khoản tạm ứng đối với từng cá nhân, có đối tượng nào hoàn ứng vượt tạm ứng không.

Những khoản tạm ứng đã lâu chưa được hoàn ứng do không có hóa đơn chứng từ, có thể thành khoản thu nhập, liên quan đến tính thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân đó.

Ngoài ra, cần rà soát lại xem có khoản ứng trước tiền hàng nào bị hạch toán nhầm vào tài khoản tạm ứng 141 không.

>>> Xem thêm một số sai lầm khác thường gặp khi hạch toán tạm ứng tại đây

7. Hàng hóa

Kiểm tra chênh lệch giữa phần hàng hóa xuất và phần đã ghi nhận vào giá vốn:

+ Phần chênh lệch hàng hóa xuất lớn hơn giá vốn có thể do hàng hóa là hàng khuyến mại, xuất tiêu dùng nội bộ, bộ như tặng quà khách hàng, tặng cán bộ nhân viên, điều chuyển nội….đã xuất hóa đơn nhưng thực chất không ghi nhận vào giá vốn của doanh nghiệp.

>>> Xem thêm: Hạch toán hàng khuyến mại không thu tiền

+ Phần chênh lệch hàng hóa xuất nhỏ hơn giá vốn, kiểm tra xem có khoản chi phí nào không phải giá vốn đã hạch toán vào tài khoản giá vốn, nếu có trích lập dự phòng thì việc trích lập có đúng quy định không?

8. Các khoản tiền lương

Cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan đến lương, các quyết định thưởng,… phù hợp với quy định của công ty. Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính không được tính vào chi phí.

Tại thời điểm cuối năm, doanh nghiệp chưa chi các khoản tháng lương thứ 13, thưởng Tết âm lịch, doanh nghiệp cần trích trước các khoản chi phí này trong năm.

Chi phí lương tính đến thời điểm quyết toán thuế chưa chi trong năm đó sẽ không được tính vào chi phí, trừ khi công ty có thực hiện trích lập quỹ lương dự phòng.

Trường hợp năm trước có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết thì phải ghi giảm chi phí năm sau.

Nếu công ty thực hiện trích lập quỹ tiền lương, con số trích lập không vượt quá 17% quỹ lương thực hiện của năm.

>>> Xem thêm: Thông tin mới nhất về các khoản chi phí bị khống chế năm 2021

9. Các khoản vay

  • Cần lập bảng kê danh sách các khoản đi vay/cho vay, phân loại lại ngắn hạn, dài hạn.
  • Các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn hoặc khoản vay ngắn hạn được gia hạn trên 1 năm thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng nhà nước.
  • Kiểm tra các khoản vay đủ điều kiện vốn hóa, mức vốn hóa đã chính xác chưa.
  • Trích trước chi phí lãi vay tại thời điểm cuối năm.
  • Rà soát để ghi nhận phải thu khác đối ứng với doanh thu hoạt động tài chính với các khoản lãi cho vay/cổ tức, lợi nhuận được chia nhưng chưa nhận được tiền.
  • Phần chi phí lãi vay tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu so với tiến độ góp vốn, chi phí lãi vay các bên có liên quan vượt mức 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng lãi tiền vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay đối với các doanh nghiệp liên kết theo Nghị định 132/NĐ-CP là các khoản chi phí không được trừ.

10. Tài sản cố định (TSCĐ)

Kiểm tra lại ghi nhận Tài sản cố định: Cách tính Nguyên giá TSCĐ, khung khấu hao TSCĐ…

Lưu ý với nghiệp vụ thanh lý TSCĐ, cần bù trừ Thu nhập khác – Chi phí khác trước khi Kết chuyển lợi nhuận sản xuất kinh doanh. Xem thêm: Hướng dẫn hạch toán thanh lý TSCĐ

11. Thuế giá trị gia tăng

Đối với các doanh nghiệp vừa có doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh chịu thuế, vừa có hoạt động không chịu thuế, doanh nghiệp cần hạch toán riêng phần thuế GTGT đầu vào dùng riêng cho hoạt động chịu thuế và không chịu thuế. Phần thuế GTGT dùng chung cho hoạt động chịu thuế và không chịu thuế được phân bổ tính theo tỷ lệ (%) giữa: Doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra. (bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được).

>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách phân bổ thuế GTGT và bài tập ví dụ

Hàng quý/tháng, kế toán lập bảng phân bổ tạm tính số thuế đầu vào dùng chung, cuối năm phải thực hiện quyết toán lại tổng số thuế đầu vào dùng chung được khấu trừ trên tổng doanh thu cả năm, điều chỉnh chênh lệch tại kỳ khai thuế GTGT tháng/quý cuối cùng của năm.

12. Xuất hóa đơn GTGT

Rà soát xem các khoản hàng hóa biếu tặng, hàng tiêu dùng nội bộ đã xuất hóa đơn chưa, nhất là các khoản lễ tết, trung thu, …Chương trình khuyến mãi có đúng quy định pháp luật không?

Nếu có khoản thu tiền lãi cho vay cũng phải xuất hóa đơn, lưu ý lãi vay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Tham khảo thêm trong công văn số 4044/CT-TTHT của Tổng cục thuế TP.HCM năm 2014.

13. Quyết toán Thuế TNCN

Rà soát các khoản phúc lợi chi cho nhân viên chưa được tính thuế trong năm để đưa lên bảng Quyết toán thuế TNCN cuối năm. Đồng thời doanh nghiệp cần làm bổ sung các tờ khai thuế tại thời điểm phát sinh thu nhập tương ứng.

Điều này được quy định rõ ràng hơn tại khoản 4 điều 7 Nghị định 126/NĐ-CP.

14. Doanh thu chưa thực hiện

Xem xét lại các khoản doanh thu chưa thực hiện có phù hợp với pháp luật kế toán và pháp luật thuế không?

Đánh giá xem đã ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đầy đủ chưa.

Trong trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN, phải phân bổ doanh thu ghi nhận trước trong suốt thời gian hợp đồng, không ghi nhận 1 lần vào doanh thu tính thuế TNDN.

Trên đây Misa chia sẻ một số lưu ý trong quá trình lập Báo cáo tài chính hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn trong các kỳ báo cáo tài chính sắp tới.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Với nghiệp vụ lập báo cáo tài chính, phần mềm hiện nay tự động hóa việc lập báo cáo – tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác. Hơn nữa, phần mềm có đầy đủ báo cáo quản trị – hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề. Ngoài ra, phần mềm với nhiều tính năng hữu ích cho phép kế toán viên:

  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • Kết nối ngân hàng điện tử: các quy định hiện nay khiến việc doanh nghiệp phải giao dịch qua ngân hàng ngày càng phổ biến hơn, đồng thời, ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp vì vậy phần mềm online MISA AMIS cho phép kết nối ngân hàng điện tử mang đến lợi ích về thời gian, công sức và tiền của cho doanh nghiệp và cho kế toán.
  • Kết nối với Cơ quan Thuế: Việc kê khai và nộp thuế điện tử hiện nay đang là xu thế và phần mềm online MISA AMIS với tiện ích mTax cho phép kế toán có thể kê khai và nộp thuế ngay trên phần mềm.
  • Kết nối với hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: Phần mềm online MISA AMIS nằm trong một hệ sinh thái gồm nhiều phần mềm quản lý mang đến giải pháp tổng thể cho quản trị doanh nghiệp.….

Đăng ký trải nghiệm 15 ngày dùng thử miễn phí phần mềm kế toán online MISA AMIS tại đây.

CTA nhận tư vấn

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả