Đầu tư vào công ty con là hình thức đầu tư phổ biến trong nền kinh tế hiện đại với rất nhiều phương thức giao dịch khác nhau. Nhiệm vụ của kế toán trước tiên cần xác định đúng khoản đầu tư đó có thiết lập nên mối quan hệ mẹ-con giữa bên mua và bên bị mua hay không, nếu đúng thì từ đó ghi nhận hạch toán khoản đầu tư vào công ty con theo hướng dẫn tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11 (VAS 11) – Hợp nhất kinh doanh và Điều 40, 41 TT 200/2014/TT-BTC.
1. Điều kiện ghi nhận đầu tư vào công ty con
Kế toán chỉ hạch toán ghi nhận là khoản “đầu tư vào công ty con” khi nhà đầu tư nắm giữ và thực thi trên 50% quyền biểu quyết, đồng thời có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của đơn vị khác nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của đơn vị đó.
Ngoại trừ, khi nhà đầu tư nắm giữ dưới 50% quyền biểu quyết tại công ty con nhưng có các thỏa thuận khác, như:
– Các nhà đầu tư khác thỏa thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;
– Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thỏa thuận;
– Công ty mẹ có quyền bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;
– Công ty mẹ có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương.
Ví dụ 1: Công ty A có vốn góp chiếm 49% số vốn của công ty B, tương đương với 49% quyền biểu quyết tại công ty B. Cổ đông Nguyễn Văn X của công ty B nắm giữ 15% số vốn của công ty B. Tại Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Văn X ủy quyền quyền “15% vốn góp của mình” ổn định và lâu dài cho công ty A trừ quyền chuyển nhượng và quyền nhận cổ tức.
Như vậy, công ty A nắm giữ và thực thi 64% quyền biểu quyết tại công ty B. Do đó, công ty B là công ty con của công ty A.
Ví dụ 2: Công ty A mua lại phần vốn góp của công ty B và nắm giữ 45% quyền biểu quyết; đồng thời trong hợp đồng có thêm điều khoản công ty A có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của công ty B. Trường hợp này, công ty A cũng là công ty mẹ của công ty B.
2. Nguyên tắc kế toán đầu tư vào công ty con
Nguyên tắc kế toán đầu tư vào công ty con tuân thủ theo các nguyên tắc kế toán đầu tư vào đơn vị khác. Cụ thế là:
- Có 2 cơ chế hình thành các khoản đầu tư: góp vốn vào công ty con hoặc mua lại khoản vốn góp của các cổ đông, chủ sở hữu hiện hữu của công ty con.
- Các khoản đầu tư được ghi nhận trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ theo nguyên tắc giá gốc, bao gồm giá mua và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư (nếu có)
- Trong trường hợp thực hiện góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ thì các bên phải đánh giá lại tài sản đem đi góp vốn. Phần chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại và giá trị ghi sổ ghi nhận là chi phí khác hoặc doanh thu khác.
- Nếu nhà đầu tư mua lại phần vốn góp và thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ như hàng tồn kho, tài sản cố định, hay các công cụ tài chính khác thì xác định giá trị giao dịch này như giao dịch bán hàng tồn kho, nhượng bán tài sản cố định và các khoản đầu tư.
Căn cứ vào các nguyên tắc trên, kế toán bên đầu tư xác định nội dung bản chất của giao dịch và thực hiện hạch toán đúng quy định tại TT 200/2014/TT-BTC và Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11 – Hợp nhất kinh doanh.
>>> Xem thêm: 3 nội dung quan trọng kế toán tài sản cố định cần quan tâm
3. Các hình thức đầu tư vào công ty con và cách hạch toán
3.1. Đầu tư dưới hình thức góp vốn
Hình thức góp vốn bằng tiền: căn cứ vào số tiền đầu tư và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư, kế toán hạch toán:
Nợ TK 221 – Đầu tư vào công ty con
Có TK 111, 112
Hình thức góp vốn bằng hàng tồn kho, tài sản cố định: các bên tiến hành đánh giá lại tài sản mang đi góp vốn và ghi nhận như sau:
Nợ TK 221 (Đầu tư vào công ty con)
Nợ TK 214 (Hao mòn tài sản cố định)
Nợ TK 811 (nếu giá trị đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ)
Có TK 152, 153, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho)
Có TK 211, 213, 217 (nếu góp vốn bằng tài sản cố định, bất động sản đầu tư)
Có TK 711 (nếu giá trị đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ)
Ví dụ 3:
Ngày 20/01/2020, Công ty CP tập đoàn XYZ góp vốn vào công ty TNHH Kim Khí XYZ với hình thức như sau:
- Góp vốn bằng chuyển khoản, số tiền là 6 tỷ đồng.
- Góp vốn bằng TSCĐ, nguyên giá: 2.5 tỷ đồng, giá trị hao mòn lũy kế 300tr. Trị giá vốn góp được xác định là 2 tỷ đồng.
Số vốn góp của công ty CP tập đoàn XYZ chiếm 52%, tương đương với 52% quyền biểu quyết tại công ty Kim Khí XYZ.
Tại ngày 20/01/2020, kế toán tại công ty CP tập đoàn XYZ lập bút toán hạch toán đầu tư vào công ty con như sau:
Nợ TK 221 – Đầu tư vào công ty con: 8 tỷ đồng
Nợ TK 214 – Hao mòn tài sản cố định: 0,3 tỷ đồng
Nợ TK 811 – Chi phí khác: 0,2 tỷ đồng
Có TK 112 – Tiền gửi ngân hàng: 6 tỷ đồng
Có TK 211 – Nguyên giá tài sản cố định: 2,5 tỷ đồng
>> Xem thêm: Chi tiết cách hạch toán sửa chữa tài sản cố định
3.2 Đầu tư dưới hình thức mua lại phần vốn góp
Hình thức thanh toán nghiệp vụ mua lại phần vốn góp rất đa dạng, kế toán bên mua cần xác định đúng bản chất nghiệp vụ phát sinh để hạch toán.
Các chi phí liên quan đến hợp nhất kinh doanh như chi phí tư vấn pháp lý, chi phí thẩm định giá,…bên mua hạch toán tăng giá trị khoản đầu tư vào tài khoản đầu tư vào công ty con:
Nợ TK 221
Có TK 111, 112, 331
Với những nghiệp vụ thực hiện như nhượng bán tài sản cố định, bán hàng hóa dịch vụ, kế toán cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thuế về hóa đơn và thuế GTGT.
Cách hạch toán từng nghiệp vụ phát sinh được minh họa theo sơ đồ sau:
Ví dụ 4: Ngày 03/08/2019, Công ty CP tập đoàn XYZ mua lại vốn góp của công ty CP Kim Khí XYZ, cụ thể như sau:
(1) Mua lại từ cổ đông là ông Nguyễn Xuân B, 10% cổ phiếu đang lưu hành với số tiền là 5.000 triệu đồng. Công ty thanh toán cho ông B bằng cách phát hành 400.000 cổ phiếu có mệnh giá: 10.000 đồng, giá phát hành 12.500 đồng.
(2) Mua lại từ cổ đông là công ty ABC, 20% cổ phiếu đang lưu hành với số tiền là 10.000 triệu đồng. Công ty thanh toán cho công ty ABC bằng cách phát hành trái phiếu, tổng mệnh giá là 11.000 triệu đồng. Lãi trái phiếu trả định kỳ.
(3) Mua lại từ cổ đông là công ty CP COP, 15% cổ phiếu đang lưu hành với số tiền là 7.500 triệu đồng, thanh toán toàn bộ bằng chuyển khoản.
(4) Mua lại từ cổ đông là công ty S, 15% cổ phiếu đang lưu hành với số tiền là 7.500 triệu đồng. Công ty thanh toán bằng hàng tồn kho và tài sản cố định. Giá vốn hàng tồn kho là 1.000 triệu đồng, trị giá trao đổi là tổng giá trị bán ra trên thị trường hiện tại là 2.500 triệu đồng. Nguyên giá tài sản cố định là 6.000 triệu đồng, tổng giá trị hao mòn là 500 triệu đồng. Trị giá trao đổi là 5.000 triệu đồng.
Như vậy, tại ngày trao đổi là ngày 03/08/2019, công ty XYZ đã mua lại tổng 60% cổ phiếu đang lưu hành và nắm quyền quyền soát công ty Kim Khí XYZ. Do đó, các giao dịch mua bán trên được ghi nhận là khoản đầu tư vào công ty con trên sổ sách và báo cáo tài chính riêng của công ty CP tập đoàn XYZ.
Tại ngày 03/08/2017, kế toán công ty XYZ lập những bút toán sau ghi nhận trên báo cáo tài chính riêng của công ty XYZ:
Bút toán 1: Mua lại vốn góp thanh toán bằng phát hành cổ phiếu
Nợ TK 221 – đầu tư vào công ty con: 5.000 triệu đồng
Có TK 4111 – vốn góp của chủ sở hữu: 4.000 triệu đồng
Có TK 4112 – thặng dư vốn cổ phần 1.000 triệu đồng (=(12.500-10.000)*400.000))
Bút toán 2: Mua lại vốn góp thanh toán bằng phát hành trái phiếu có chiết khấu.
Nợ TK 221 – đầu tư vào công ty con: 10.000 triệu đồng
Nơ TK 34312 – chiết khấu trái phiếu: 1.000 triệu đồng
Có TK 34311 – mệnh giá trái phiếu: 11.000 triệu đồng
Bút toán 3: Mua lại vốn góp thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng
Nợ TK 221-đầu tư vào công ty con: 7.500 triệu đồng
Có TK 112- Tiền gửi ngân hàng: 7.500 triệu đồng
Bút toán 4: Ghi giảm hàng tồn kho và tài sản cố định đem đi trao đổi
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng tồn kho: 1.000 triệu đồng
Nợ TK 214 – Hao mòn tài sản cố định: 500 triệu đồng
Nợ TK 811 – Chi phí khác: 5.500 triệu đồng
Có TK 156 – Hàng tồn kho: 1.000 triệu đồng
Có TK 211 – Tài sản cố định: 6.000 triệu đồng
Bút toán 5: Mua lại vốn góp trao đổi bằng hàng tồn kho. Kế toán ghi nhận khoản đầu tư:
Nợ TK 221-đầu tư vào công ty con: 2.500 triệu đồng
Có TK 511-giá bán hàng hóa: 2.272,73 triệu đồng
Có TK 3331-thuế GTGT đầu ra: 227,27 triệu đồng
Bút toán 6: Mua lại vốn góp trao đổi bằng tài sản cố định. Kế toán ghi nhận khoản đầu tư:
Nợ TK 221-đầu tư vào công ty con: 5.000 triệu đồng
Có TK 711-thu nhập khác: 4.545,45 triệu đồng
Có TK 3331-thuế GTGT đầu ra: 454,55 triệu đồng
>> Xem thêm: Các bút toán kết chuyển lên báo cáo tài chính kế toán cần ghi nhớ
4. Các vấn đề khác cần quan tâm về khoản đầu tư vào công ty con
4.1 Giá phí của các khoản đầu tư vào công ty con:
Giá phí hợp nhất kinh doanh hiểu đơn giản là cái giá mà bên đầu tư phải bỏ ra để mua hàng (là công ty con). Bên đầu tư phải xác định giá phí hợp nhất kinh doanh bao gồm giá trị hợp lý tại ngày diễn ra trao đổi, của:
- Các tài sản đem đi trao đổi
- Các khoản nợ phải trả đã phát sinh hoặc đã thừa nhận
- Các công cụ vốn mà bên đầu tư phát hành để đổi lấy quyền kiểm soát công ty con
- Các chi phí liên quan trực tiếp đến hợp nhất kinh doanh, như: chi phí trả cho kiểm toán viên, chi phí tư vấn pháp lý, chi phí thẩm định giá và các chi phí về hợp nhất kinh doanh
Các khoản sau KHÔNG được ghi tăng vào giá phí hợp hợp nhất kinh doanh:
- Các khoản lỗ hoặc các chi phí khác sẽ phát sinh trong tương lai từ hợp nhất kinh doanh. Do không được coi là khoản nợ đã phát sinh hay đã được thừa nhận bởi bên đầu tư để đạt quyền kiểm soát bên công ty con.
- Các chi phí quản lý chung, không liên quan trực tiếp đến giao dịch hợp nhất kinh doanh
- Chi phí thỏa thuận và phát hành các công cụ tài chính: khoản nợ tài chính như trái phiếu, công cụ vốn như cổ phiếu.
4.2 Cổ tức, lợi nhuận được chia:
Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia, kế toán ghi nhận
Nợ TK 1388: Phải thu khác
Có TK 515:
Khi nhận cổ tức, lợi nhuận được chia, kế toán hạch toán:
Nợ TK 111,112,…
Có TK 1388: Phải thu khác
Ví dụ 5: Ngày 25/06/2021: Công ty CP tập đoàn XYZ nhận được thông báo chi trả cổ tức của công ty CP Kim Khí XYZ, số tiền là 500 triệu đồng. Ngày 02/08/2021: Công ty Kim Khí XYZ đã thực hiện chi trả cổ tức bằng chuyển khoản cho các cổ đông.
Kế toán công ty tập đoàn XYZ ghi nhận như sau:
Ngày 25/06/2021:
Nợ TK 1388: 500 triệu đồng (Công ty CP Kim Khí XYZ)
Có TK 515: 500 triệu đồng
Ngày 02/08/2021:
Nợ TK 112: 500 triệu đồng
Có TK 1388: 500 triệu đồng (Công ty CP Kim Khí XYZ)
4.3 Thanh lý 1 phần/toàn bộ khoản đầu tư vào công ty con
Khi thực hiện thanh lý 1 phần/toàn bộ khoản đầu tư, quyền kiểm soát của bên đầu tư với bên được đầu tư sẽ thay đổi, có thể dẫn đến làm chuyển từ hình thức đầu tư vào công ty con thành công ty liên doanh, liên kết, hoặc trở thành đầu tư thường. Kế toán căn cứ vào mối quan hệ được thiết lập mới và điều kiện ghi nhận các khoản đầu tư để hạch toán.
Nợ TK 111,112,…
Nợ TK 222: trở thành công ty liên doanh, liên kết
Nợ TK 228: đầu tư khác (trở thành đầu tư thường)
Nợ TK 635: chi phí tài chính, nếu lỗ
Có TK 221: giá trị ghi sổ của khoản đầu tư
Có TK 515: doanh thu tài chính, nếu lãi
4.4 Giải thế công ty con, sáp nhập vào công ty mẹ
Khi giải thể công ty con, sáp nhật toàn bộ vào công ty mẹ, kế toán ghi giảm toàn bộ giá trị của khoản đầu tư vào công ty con và ghi nhận toàn bộ tài sản, nợ phải trả của công ty con theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập
Nợ TK phản ánh tài sản: theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập
Nợ TK 635: chênh lệch nhỏ hơn giữa giá trị ghi sổ của khoản đầu tư với giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả nhận sáp nhập
Có TK phản ánh nợ phải trả: theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập
Có TK 221: giá trị ghi sổ
Có TK 515: chênh lệch lớn hơn giữa giá trị ghi sổ của khoản đầu tư với giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả nhận sáp nhập
Trên đây là một số điểm cần lưu ý trong đánh giá, ghi nhận các khoản đầu tư vào công ty con trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ. Hy vọng bài viết giúp ích hỗ trợ các bạn hình dung và hiểu được nguyên tắc kế toán và phương thức hạch toán các khoản đầu tư vào công ty con.
Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi hoạt động đầu tư vào công ty con với phần mềm MISA AMIS. Ngoài ra, phần mềm cho phép kế toán viên:
- Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
- Kết nối ngân hàng điện tử: các quy định hiện nay khiến việc doanh nghiệp phải giao dịch qua ngân hàng ngày càng phổ biến hơn, đồng thời, ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp vì vậy phần mềm online MISA AMIS cho phép kết nối ngân hàng điện tử mang đến lợi ích về thời gian, công sức và tiền của cho doanh nghiệp và cho kế toán.
- Kết nối với Cơ quan Thuế: Việc kê khai và nộp thuế điện tử hiện nay đang là xu thế và phần mềm online MISA AMIS với tiện ích mTax cho phép kế toán có thể kê khai và nộp thuế ngay trên phần mềm.
- Kết nối với hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: Phần mềm online MISA AMIS nằm trong một hệ sinh thái gồm nhiều phần mềm quản lý mang đến giải pháp tổng thể cho quản trị doanh nghiệp.….
Tác giả: Lý Thị Loan