Phân biệt đầu tư vào công ty con và đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

22/11/2022
863

Bài viết Phân biệt chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đã trình bày tới bạn đọc bản chất, quy định hạch toán, ghi nhận, trình bày trên Báo cáo tài chính đối với các khoản chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Bài viết này tiếp tục trình bày chi tiết về khoản đầu tư vào công ty con và đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Đặc biệt, bài viết cung cấp các nội dung về so sánh, phân biệt các khoản đầu tư tài chính dưới góc nhìn kế toán. 

Tài liệu tham khảo:

– Chuẩn mực kế toán Việt Nam 

+ VAS 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

+ VAS 08 – Thông tin về các khoản vốn góp liên doanh

+ VAS 25 – BCTC hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư vào công ty con 

– Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp

– Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất

1. Phạm vi, khái niệm, đặc điểm

  •  Công ty mẹ và công ty con

Căn cứ Khoản 1, Điều 195, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“a. Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó”

Theo quy định trên, công ty con thì được hiểu là một pháp nhân bị sở hữu toàn bộ hoặc một phần (trên 50%) bởi một công ty khác. 

Dưới góc độ tài chính kế toán thì công ty con là đơn vị có tư cách pháp nhân, có hạch toán độc lập và chịu sự kiểm soát của một công ty khác gọi là công ty mẹ, trừ những trường hợp đặc biệt khi xác định rõ quyền sở hữu không gắn liền với quyền kiểm soát.

Như vậy, đầu tư vào công ty con là hoạt động đầu tư vốn mà nhà đầu tư (công ty mẹ) nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con; tức là công ty mẹ có quyền kiểm soát công ty con. 

Công ty mẹ có thể sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp công ty con qua một công ty con khác. 

Lưu ý, trong một số trường hợp, quyền kiểm soát còn được thực hiện ngay cả khi công ty mẹ nắm giữ ít hơn 50% quyền biểu quyết tại công ty con, ví dụ: các nhà đầu tư khác thỏa thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết, công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thỏa thuận, hoặc đáp ứng khoản 1b, 1c Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhưng sở hữu dưới 50% quyền biểu quyết. 

  •  Công ty liên kết

Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp không đưa khái niệm nào về “công ty liên kết” mà chỉ có khái niệm, quy định về tổng công ty, tập đoàn kinh tế. 

Tuy nhiên, theo các văn bản dưới luật quy định về việc ban hành điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước làm chủ sở hữu thì có quy định về công ty liên kết. Theo đó, công ty liên kết là doanh nghiệp mà các công ty nắm giữ cổ phần, phần vốn góp không chi phối theo quy định pháp luật. Cụ thể, cổ phần, phần vốn góp không chi phối trong công ty liên kết là việc mà một công ty nắm giữ cổ phần hoặc phần vốn góp từ 50% trở xuống tổng số vốn điều lệ, tổng số cổ phần của công ty.

Theo VAS 07 – Kế toán khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, công ty liên kết được hiểu là công ty trong đó nhà đầu tư có ảnh hưởng đáng kể nhưng không phải là công ty con hoặc công ty liên doanh của nhà đầu tư. Trong đó, “ảnh hưởng đáng kể” được hiểu là nhà đầu tư có quyền tham gia vào việc đưa ra các quyết định về chính sách tài chính và hoạt động của bên nhận đầu tư nhưng không có quyền kiểm soát các chính sách đó.

Đoạn 05 – VAS 07: Nhà đầu tư có ảnh hưởng đáng kể thường được thể hiện ở một hoặc các biểu hiện sau:

(a) Có đại diện trong Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương của công ty liên kết;

(b) Có quyền tham gia vào quá trình hoạch định chính sách;

(c) Có các giao dịch quan trọng giữa nhà đầu tư và bên nhận đầu tư;

(d) Có sự trao đổi về cán bộ quản lý;

(e) Có sự cung cấp thông tin kỹ thuật quan trọng.

Theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là khoản đầu tư mà bên đầu tư có quyền nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 20% đến dưới 50% quyền biểu quyết của bên nhận đầu tư mà không có thoả thuận khác.

2. Kết cấu và tài khoản sử dụng

Đầu tư vào công ty con – Tài khoản 221

Bên Nợ: Giá trị thực tế các khoản đầu tư vào công ty con tăng Bên Có: Giá trị thực tế các khoản đầu tư vào công ty con giảm
Số dư bên Nợ: Giá trị thực tế các khoản đầu tư vào công ty con hiện có của công ty mẹ
Tài khoản 221 không có TK cấp 2

Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết– Tài khoản 222

Bên Nợ: Số vốn đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng Bên Có: Số vốn đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm do đã thanh lý, nhượng bán, thu hồi
Số dư bên Nợ: Số vốn đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hiện còn cuối kỳ
Tài khoản 222 không có tài khoản cấp 2

3. Ghi nhận trên Báo cáo tài chính

  •  Đối với Đầu tư vào công ty con
    • Yêu cầu lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25 (VAS 25 – BCTC hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con) yêu cầu: một công ty mẹ phải trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất. Trong đó, tài khoản của công ty mẹ và các công ty con phải được tổng hợp lại và trình bày như một doanh nghiệp/đơn vị kế toán riêng biệt.

>> Xem thêm: Báo cáo tài chính hợp nhất là gì? Hướng dẫn cách lập báo cáo tài chính hợp nhất

    • Yêu cầu trình bày khoản đầu tư vào công cty con trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ

Trình bày khoản đầu tư vào công ty con trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ:

      • Trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, các khoản đầu tư của công ty mẹ vào các công ty con đã trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất được trình bày theo phương pháp giá gốc.
      • Các khoản đầu tư vào các công ty con mà bị loại khỏi quá trình hợp nhất phải trình bày trong báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ theo phương pháp giá gốc.

(Điểm 26, 27 VAS 25)

Trên Bảng cân đối kế toán riêng của công ty mẹ, khoản đầu tư vào công ty con được trình bày tại chỉ tiêu sau:

      • Đầu tư vào công ty con (Mã số 251), thuộc chỉ tiêu tổng hợp Đầu tư tài chính dài hạn (Mã số 250) phần Tài sản dài hạn
        • Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản đầu tư vào công ty con và các đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập về bản chất là công ty con (không phụ thuộc vào tên gọi hoặc hình thức của đơn vị) tại thời điểm báo cáo. 
        • Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của tài khoản 221 “Đầu tư vào công ty con”.
  •  Đối với Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
    • Yêu cầu lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của nhà đầu tư

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 07 trình bày hai phương pháp kế toán ghi nhận cho các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là phương pháp vốn chủ sở hữu và phương pháp giá gốc: 

VAS 07 quy định khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu, trừ khi:

(a) Khoản đầu tư này dự kiến sẽ được thanh lý trong tương lai gần (dưới 12 tháng); hoặc

(b) Công ty liên kết hoạt động theo các quy định hạn chế khắt khe dài hạn làm cản trở đáng kể việc chuyển giao vốn cho nhà đầu tư.

Trường hợp này, các khoản đầu tư được phản ánh theo giá gốc trong báo cáo tài chính hợp nhất của nhà đầu tư.

Các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu phải phân loại như các tài sản dài hạn và phản ánh thành một khoản mục riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. 

Phần sở hữu của nhà đầu tư về lãi hoặc lỗ của những khoản đầu tư đó phải trình bày thành một khoản mục riêng biệt trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Thông tư 202/2014/TT-BTC, chương VII về Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu cũng quy định: “Nhà đầu tư phải áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu để trình bày khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất.”

  • Trường hợp báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con đã trình bày khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu thì khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty mẹ không phải điều chỉnh đối với phần đã được xử lý trên báo cáo tài chính riêng. 
  • Trường hợp báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con chưa trình bày khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu thì khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất, công ty mẹ phải điều chỉnh lại theo quy định của Thông tư 202.

>> Xem thêm: Lưu ý khi làm Báo cáo tài chính hợp nhất kế toán cần phải biết

    • Yêu cầu trình bày khoản đầu tư vào công công ty liên kết trên báo cáo tài chính riêng của nhà đầu tư

Trong Báo cáo tài chính của riêng nhà đầu tư, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được kế toán theo phương pháp giá gốc.

Trên Bảng cân đối kế toán riêng của nhà đầu tư, khoản Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được trình bày tại chỉ tiêu Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (Mã số 252). 

      • Chỉ tiêu này phản ánh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tại thời điểm báo cáo. 
      • Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của tài khoản 222 “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết”. 

4. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

Do đặc điểm khác nhau giữa hai loại hình đầu tư vào công ty con và đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, cũng như quy định về việc lập và trình bày trên báo cáo tài chính dẫn đến việc hạch toán các giao dịch kinh tế liên quan đến hai loại hình đầu tư này cũng khác nhau. Thông tư 200/2014 đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết phương pháp kế toán các giao dịch chủ yếu, bao gồm:

  • Đầu tư vào công ty con/công ty liên kết dưới hình thức góp vốn bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ;
  • Đầu tư vào công ty con/công ty liên kết dưới hình thức mua lại phần vốn góp;
  • Kế toán cổ tức, lợi nhuận được chia;
  • Đầu tư thêm để các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, công cụ tài chính trở thành khoản đầu tư vào công ty con;
  • Kế toán thanh lý, nhượng bán khoản đầu tư vào công ty con/công ty liên kết.

Bên cạnh các nghiệp vụ kinh tế chủ yếu với cách hạch toán cơ bản giống nhau trên, chúng ta đi vào một số nghiệp vụ đặc thù với từng loại đầu tư:

  •  Đối với Đầu tư vào công ty con

Khi giải thể công ty con để sáp nhập toàn bộ tài sản và nợ phải trả vào công ty mẹ, kế toán ghi giảm giá trị khoản đầu tư vào công ty con và ghi nhận tài sản, nợ phải trả của công ty con theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập, ghi:

Nợ các TK phản ánh tài sản (theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản đầu tư lớn hơn giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả nhận sáp nhập)

Có các TK phản ánh nợ phải trả (giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập)

Có TK 221 – Đầu tư vào công ty con (giá trị ghi sổ)

TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản đầu tư nhỏ hơn giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả nhận sáp nhập).

  •  Đối với Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

Các khoản chi phí liên quan đến hoạt động góp vốn, thanh lý, nhượng bán khoản đầu tư liên doanh, liên kết phát sinh trong kỳ như lãi tiền vay để góp vốn, các chi phí khác, ghi:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 111, 112, 152, …

5. Ví dụ minh họa

5.1 Xác định quyền kiểm soát, tỷ lệ lợi ích của công ty mẹ và cổ đông không kiểm soát nắm giữ trong công ty con

Ví dụ 1:

Công ty A sở hữu 2.600 cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết trong tổng số 5.000 cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty cổ phần B. Như vậy công ty A nắm giữ trực tiếp 52% (2.600/5.000) quyền biểu quyết tại công ty B. Theo đó, công ty A là công ty mẹ của công ty cổ phần B, công ty cổ phần B là công ty con của công ty A. Tỷ lệ lợi ích của công ty mẹ và cổ đông không kiểm soát sẽ tương ứng với số vốn góp của các bên, trừ khi có thoả thuận khác.

Ví dụ 2: 

Công ty mẹ A đầu tư trực tiếp vào ba công ty con B1, B2, B3 với tỷ lệ sở hữu tài sản thuần của các công ty này lần lượt là 75%, 100% và 60%. Lợi ích trực tiếp của công ty mẹ A và lợi ích trực tiếp của các cổ đông không kiểm soát trong các công ty B1, B2, B3 được tính toán như sau:

Lợi ích trực tiếp B1 B2 B3
Công ty mẹ 75% 100% 60%
Cổ đông không kiểm soát 25% 0% 40%
Tổng cộng 100% 100% 100%

Theo ví dụ nêu trên, công ty mẹ A có tỷ lệ lợi ích trực tiếp trong các công ty con B1, B2 và B3 lần lượt là 75%; 100% và 60%. Cổ đông không kiểm soát có tỷ lệ lợi ích trực tiếp trong các công ty B1, B2 và B3 lần lượt là 25%; 0% và 40%. 

5.2 Kế toán đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

Công ty AZ đã mua 30% cổ phần của công ty Năm Sao ngày 01/01/2020 với giá 10 tỷ đồng. Trong năm 2020, công ty liên kết Năm Sao có lãi sau thuế 10,5 tỷ đồng và công bố chia cổ tức của năm 2020 là 5 tỷ đồng. Kết quả của công ty liên kết Năm Sao sẽ được ghi chép và báo cáo như thế nào trong các tài khoản riêng biệt và hợp nhất của công ty AZ cho năm 2020? (Đvt: triệu đồng)

Bước 1: Ghi nhận khoản đầu tư ban đầu và nhận cổ tức.

  • Ngày 01/01/2020, mua cổ phần của công ty Năm Sao:

Nợ TK 222: 10.000

Có TK 112: 10.000

  • Ngày 31/12/2020, ghi nhận 1,5 tỷ đồng (= 5 tỷ x 30%) cổ tức từ công ty Năm Sao:

Nợ TK 131: 1.500

Có TK 515: 1.500

Sau khi nhận được tiền sẽ ghi Nợ Tiền và Có Khoản phải thu.

Bước 2: Điều chỉnh tài khoản đầu tư cho lãi thuần của công ty liên kết.

Theo phương pháp vốn chủ sở hữu, Công ty AZ sẽ ghi chép phần lãi sau thuế của công ty liên kết tương ứng với tỷ lệ sở hữu. Lãi sau thuế sẽ bao gồm cả phần của công ty AZ trong lãi sau thuế của công ty liên kết Năm Sao (30% x 10,5 tỷ = 3,15 tỷ). Trong số 3,15 tỷ đồng lãi sau thuế của công ty Năm Sao, AZ đã nhận cổ tức 1,5 tỷ đồng mà nó đã tự động chuyển vào kết quả hợp nhất. Phần lãi còn lại (3,15 tỷ – 1,5 tỷ = 1,65 tỷ) mà công ty AZ được hưởng nhưng chưa được phân phối dưới hình thức cổ tức sẽ được chuyển vào báo cáo hợp nhất qua bút toán sau:

  • Ngày 31/12/2020, lãi từ công ty liên kết:

Nợ TK 222: 1.650

Có TK 515: 1.650

Như vậy tài sản “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết” là 11,65 tỷ đồng, bằng giá phí mua khoản đầu tư (10 tỷ) cộng với phần lãi chưa phân phối sau khi mua (1,65 tỷ). Đây là thông tin được trình bày trên chỉ tiêu “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết” trên Bảng cân đối kế toán của công ty AZ.

Phân biệt Đầu tư vào công ty con và Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

Tiêu chí Đầu tư vào 

công ty con

Đầu tư vào công ty 

liên doanh, liên kết

Mục đích 

đầu tư

Đầu tư góp vốn trực tiếp hoặc gián tiếp vào công ty khác với trên 50% quyền biểu quyết và có quyền chi phối các chính sách và hoạt động nhằm thu lợi ích kinh tế.  Đầu tư góp vốn trực tiếp hoặc gián tiếp từ 20% đến dưới 50% quyền biểu quyết của bên nhận đầu tư và ảnh hưởng đáng kể mà không có thỏa thuận khác nhằm thu lợi ích kinh tế.
Phương thức đầu tư – Cổ phần, công cụ vốn, vốn góp với tỷ lệ sở hữu và biểu quyết trên 50% hoặc tỷ lệ sở hữu dưới 50% nhưng có thỏa thuận khác về quyền biểu quyết, chi phối. – Cổ phiếu, công cụ vốn, vốn góp với tỷ lệ sở hữu và biểu quyết từ 20% đến dưới 50% quyền biểu quyết.
Quyền biểu quyết, quyền kiểm soát Có quyền biểu quyết, kiểm soát Có quyền biểu quyết, có ảnh hưởng đáng kể
Phương thức nhận lợi nhuận Phân phối lợi nhuận, cổ tức Phân phối lợi nhuận, cổ tức
Công bố thông tin khi mua cổ phiếu phổ thông trên sàn chứng khoán Có công bố thông tin Có công bố thông tin
Xem thêm quy định về công bố thông tin về nguyên tắc kế toán các khoản đầu tư tài chính trên Thuyết minh BCTC của doanh nghiệp
Ví dụ Công ty cổ phần ABC mua 60.000.000 cổ phiếu phổ thông của Công ty cổ phần XYZ với tỷ lệ sở hữu 60% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết của XYZ. Khoản đầu tư này được phân loại là đầu tư vào công ty con. Công ty cổ phần ABC mua 25.000.000 cổ phiếu phổ thông của Công ty cổ phần XYZ với tỷ lệ sở hữu 25% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết của XYZ. Khoản đầu tư này được phân loại là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết

Tùy thuộc vào tình hình tài chính cũng như mục đích của doanh nghiệp mà các quyết định đầu tư vào các khoản đầu tư tài chính có thể khác nhau (mục đích đầu tư mang tính thương mại hoặc không mang tính thương mại). Doanh nghiệp cần xem xét cụ thể thực trạng tình hình tài chính như:

  • Lượng tiền nhàn rỗi và kế hoạch sản xuất kinh doanh ngắn và dài hạn;
  • Mục đích thu lợi ích kinh tế từ đầu tư tài chính ngắn hạn hay đồng hành cùng doanh nghiệp khác để nhận lợi nhuận phân phối cũng như cổ tức;
  • Kế hoạch, mục tiêu phát triển doanh nghiệp.

Từ đó, doanh nghiệp sẽ chọn được phương thức đầu tư phù hợp vào chứng khoán kinh doanh, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, đầu tư vào công ty con hay đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.

Kế toán trong doanh nghiệp cần nắm rõ bản chất, định nghĩa và cách thức ghi nhận, hạch toán các nghiệp vụ liên quan đối với từng khoản đầu tư để xử lý kế toán đúng với quy định của chế độ kế toán hiện hành.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS – giải pháp tài chính thông minh hỗ trợ nhiều cho kế toán doanh nghiệp nói riêng và chủ doanh nghiệp nói chung. Phần mềm AMIS Kế Toán hỗ trợ tự động hóa việc lập báo cáo: 

  • Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác. 
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Giám đốc có thể xem báo cáo trên mọi thiết bị, bao gồm điện thoại, máy tính, máy tính bảng.
  • Cảnh báo thông minh: Tự động cảnh báo khi phát hiện có sai sót.
  • …..

Nhanh tay đăng ký dùng thử miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trải nghiệm công cụ tài chính tối ưu nhất.

Tổng hợp: Cao Thị Trang

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả