3 công việc cần lưu ý của kế toán doanh nghiệp thương mại

18/10/2023
4205

Hoạt động tài chính kế toán trong quản trị doanh nghiệp thương mại đương nhiên có phần khác biệt với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây lắp. Với vai trò là kế toán doanh nghiệp thương mại, chúng ta cần hiểu rõ những việc cần đặc biệt lưu ý, những sai sót thường gặp cũng như trang bị cho mình các kỹ năng để giải quyết những khó khăn này.

1. Các hoạt động kế toán tại doanh nghiệp thương mại

Hoạt động thương mại là một trong những hoạt động kinh tế không thể thiếu ở mỗi quốc gia. Đây là cầu nối quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng, là điểm gặp gỡ giữa nguồn cung và nguồn cầu trên thị trường hàng hóa. Chính vì lẽ đó, có không ít các doanh nghiệp được thành lập và vận hành trong lĩnh vực này. 3 công việc cần chú ý nhất của các kế toán doanh nghiệp thương mại là:

  • Công tác kế toán kho tại doanh nghiệp thương mại
  • Việc ghi nhận các khoản doanh thu bán hàng
  • Kế toán các khoản dự phòng, trích lập dự phòng (nợ khó đòi; hàng tồn kho…)
Công tác kế toán trong doanh nghiệp thương mại

2. Công tác kế toán kho tại doanh nghiệp thương mại

2.1. Tính giá nhập kho hàng hóa và hạch toán hàng nhập kho

Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 (VAS 02), hàng tồn kho được tính theo giá gốc.

Trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc thì phải tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.

Giá gốc hàng tồn kho bao gồm: Chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại.

Giá nhập kho hàng hóa trong các trường hợp

  • Nhập khẩu hàng hóa

Công ty thương mại ngoài việc mua hàng nội địa còn nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, kế toán nên lưu ý việc tính giá nhập kho hàng hóa nhập khẩu.

Giá gốc hàng nhập khẩu bao gồm giá mua, các loại thuế không được hoàn lại, chi phí vận chuyển, bốc xếp, chi phí hải quan (chi phí dịch vụ khai hải quan, phí nâng/hạ cont, giao cont, kiểm định, vệ sinh, xếp dỡ…) và các chi phí khác có liên quan đến việc mua hàng hóa.

Kế toán phải tập hợp đầy đủ hóa đơn, chứng từ cho mỗi lô hàng để ghi nhận giá gốc chính xác. Đồng thời, kế toán cũng nên lưu ý về việc xác định tỷ giá.

Ví dụ: Công ty nhập khẩu sản phẩm A với số lượng 150.000 kg, đơn giá 2 USD/kg

TH1: Nếu thanh toán trước thì ghi nhận giá gốc hàng tồn kho theo tỷ giá bán của ngân hàng thương mại tại ngày thanh toán.

Ngày 01/02/2021 thanh toán trước cho nhà cung cấp số tiền: 300.000 USD, tỷ giá bán 23.050

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC kế toán định khoản:

Nợ TK 331: 300.000 x 23.050 (theo tỷ giá ngày thanh toán)

Có TK 112: 300.000 x 23.050

Ngày 01/03/2021 hàng về nhập kho

Nợ TK 156: 300.000 x 23.050 (theo tỷ giá ngày ứng trước)

Có TK 331: 300.000 x 23.050

TH2: Nếu thanh toán sau khi nhập khẩu thì ghi nhận giá gốc hàng tồn kho theo tỷ giá bán của ngân hàng thương mại tại ngày nhận nợ.

Ngày 01/03/2021 hàng về nhập kho, tỷ giá bán 23.100

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC kế toán định khoản:

Nợ TK 156: 300.000 x 23.100 (theo tỷ giá tại ngày nhận nợ)

Có TK 331: 300.000 x 23.100

TH3: Thanh toán ứng trước một phần thì ghi nhận giá gốc hàng tồn kho theo tỷ giá bán của ngân hàng thương mại tại ngày nhận nợ.

Ngày 01/02/2021 thanh toán trước 1 phần: 100.000 USD, tỷ giá bán 23.050

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC kế toán định khoản:

Nợ TK 331: 100.000 x 23.050 (theo tỷ giá ngày thanh toán)

Có TK 112: 100.000 x 23.050

Ngày 01/03/2021 hàng về nhập kho, tỷ giá bán 23.100

Nợ TK 156: 100.000 x 23.050 + 200.000 x 23.100

Có TK 331: 100.000 x 23.050 + 200.000 x 23.100

Xem thêm: Tổ chức bộ máy kế toán công ty thương mại hoạt động hiệu quả

  • Gia công chế biến

Công ty thương mại mua sản phẩm với mã quy cách lớn và muốn cắt thành các quy cách nhỏ để bán. Lúc này công ty sẽ chọn thuê một đơn vị gia công chế biến hoặc tự thực hiện.

Giá gốc hàng tồn kho bao gồm giá xuất kho đi gia công chế biến, chi phí gia công chế biến (chi phí gia công chế biến từ đơn vị thuê ngoài hoặc chi phí nguyên vật liệu, nhân công, chi phí chung nếu công ty tự gia công chế biến), chi phí vận chuyển và các chi phí khác có liên quan khác.

  • Nhận hàng mẫu từ nhà cung cấp không trả tiền

TH1: Công ty nhận hàng mẫu không kèm theo điều kiện phải mua hàng, kế toán ghi nhận giá trị hàng mẫu này vào thu nhập khác.

Ví dụ: Công ty nhận được 10kg hàng mẫu, giá 15.000đ/kg chưa bao gồm thuế GTGT từ nhà cung cấp B, không kèm theo điều kiện mua hàng

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC kế toán định khoản:

Nợ TK 156: 10 x 15.000

Có TK 711: 10 x 15.000

TH2: Công ty mua hàng hóa và được tặng kèm thêm một số hàng hóa. Số hàng tặng kèm công ty không phải trả tiền.

Kế toán xác định và ghi nhận riêng hàng hóa tặng thêm theo giá trị hợp lý (giá niêm yết của nhà cung cấp công bố hoặc giá trị thị trường của hàng hóa tương tự).

Giá trị hàng hóa nhập kho là giá đã trừ giá trị hàng hóa được tặng thêm.

Ví dụ: Công ty mua 5.000 kg sản phẩm M, giá 20.000đ/kg chưa bao gồm thuế GTGT, được tặng 20kg sản phẩm N. Giá bán niêm yết sản phẩm N của nhà cung cấp là 5.000đ/kg; 

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC kế toán định khoản:

Nợ TK 156 (M): 5.000 x 20.000 – 20 x 5.000

Nợ TK 156 (N): 20 x 5.000

Có TK 331: 5.000 x 20.000

TH3: Công ty nhận hàng mẫu từ nhà cung cấp để tặng cho khách hàng.

Giao dịch này là giao dịch giữ hộ, kế toán theo dõi trên hệ thống quản trị nội bộ và không ghi nhận vào sổ sách kế toán của công ty. Khi lập báo cáo tài chính, số lượng hàng hóa này được phản ánh trên Thuyết minh BCTC.

Khi hết chương trình tặng hàng mẫu, nếu số lượng hàng hóa còn lại không phải trả cho nhà cung cấp, kế toán ghi nhận như TH1.

Phần mềm Kế toán online MISA AMIS là giải pháp đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ kế toán kho trong doanh nghiệp đa lĩnh vực

  • Tính giá xuất kho theo nhiều phương pháp
  • Quản lý hàng hóa theo nhiều đặc tính, đơn vị tính, lô, hạn sử dụng
  • Thiết lập định mức nguyên vật liệu để lắp ráp/tháo dỡ/tính giá thành
  • Quản lý phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định của cơ quan thuế
  • Cung cấp đầy đủ biểu mẫu chứng từ, hệ thống sổ sách kế toán, cho phép kế toán tùy chỉnh mẫu báo cáo theo nhu cầu quản trị


2.2 Giá xuất kho hàng hóa

  • Bán hàng dưới giá vốn

Vì một số lý do khách quan như hàng hóa lưu kho đã quá lâu, nhanh lỗi thời, dễ hao hụt, sản phẩm gần hết thời hạn sử dụng (thực phẩm, dược phẩm…) nên công ty thương mại xuất bán với giá bán thấp hơn giá vốn trên sổ sách kế toán.

Trong tình huống này, công ty phải có hồ sơ, tài liệu để chứng minh cho việc bán hàng dưới giá vốn. Hồ sơ, tài liệu có thể là bảng giá bán thực tế của hàng hóa trên thị trường; hồ sơ về chất lượng hàng hóa đã được kiểm định bởi một bên thứ ba…

Rủi ro bị ấn định thuế và xử phạt vi phạm nếu công ty không cung cấp được hồ sơ tài liệu để giải trình với cơ quan thuế. (Quy định chi tiết tại điều 25 Thông tư 156/2013/TT-BTC và Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC).

  • Xuất hàng khuyến mại, hàng mẫu, hàng biếu, tặng, cho không thu tiền

Quy định về hồ sơ, hóa đơn, thuế:

Công ty thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại (đăng ký chương trình khuyến mại với Sở công thương nếu trị giá hàng cho, tặng trên 100 triệu đồng) thì khi xuất hàng, Công ty phải lập hóa đơn. Trên hóa đơn ghi tên và số lượng hàng hóa, ghi rõ là hàng hóa xuất khuyến mại, làm hàng mẫu…, giá tính thuế được xác định bằng không (0), dòng thuế suất, tiền thuế GTGT không ghi gạch chéo.

Hình 2: Hóa đơn hàng khuyến mại 
Hình 2: Hóa đơn hàng khuyến mại

Quy định của Pháp luật về việc thông báo hoạt động khuyến mại:

“Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại:

Điều 17. Thông báo hoạt động khuyến mại

  1. Thương nhân thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đến tất cả các Sở Công Thương nơi tổ chức khuyến mại (tại địa bàn thực hiện khuyến mại) trước khi thực hiện chương trình khuyến mại.
  2. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo thực hiện khuyến mại khi khuyến mại theo các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại và các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 14 Nghị định này:
  3. a) Thương nhân thực hiện các chương trình khuyến mại quy định tại Khoản 1 Điều này có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng”

Quy định của Pháp luật về việc lập hóa đơn hàng khuyến mại: + Tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC như sau:

“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)….”.

+ Tại Khoản 9 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC quy định:

“9. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.4 Phụ lục 4 như sau:

“2.4. Sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, cho, biếu, tặng đối với tổ chức kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

a) Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật về thuế GTGT.

Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động thì phải lập hoá đơn GTGT (hoặc hoá đơn bán hàng), trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.”

Quy định của Pháp luật về giá tính thuế sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khuyến mại: Theo Khoản 5 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC:

“Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Như vậy trường hợp Công ty có thực hiện chương trình khuyến mại không thu tiền của khách hàng, không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì khi xuất hàng, Công ty phải lập hóa đơn kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định như trên.

  • Về hạch toán kế toán

– TH1: Trường hợp xuất hàng theo chương trình khuyến mại không kèm điều kiện mua hàng, kế toán ghi nhận giá trị hàng mẫu xuất tặng vào chi phí bán hàng.

Ví dụ: Công ty xuất 10kg sản phẩm A dùng làm hàng mẫu, khuyến mại không thu tiền, giá vốn 13.000đ/kg 

Theo khoản a mục 3.1.14 điều 29 thông tư 200/2014/TT-BTC kế toán định khoản:

Nợ TK 641: 10 x 13.000

Có TK 156: 10 x 13.000

– TH2: Trường hợp xuất hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa.

Ví dụ: Ngày 01/07/2021 Công ty ký hợp đồng bán cho khách hàng A với thông tin sau:

– Bán 1000kg sản phẩm M, giá bán chưa thuế 25.000đ/kg, thuế GTGT 10%. Giá vốn 15.000đ/kg.

– Khuyến mại 10kg sản phẩm N, giá bán 5.500đ/kg không thu tiền. Giá vốn 3.000đ/kg.

– Khách hàng A thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng

Theo khoản b mục 3.1.14 điều 29 thông tư 200/2014/TT-BTC kế toán định khoản:

Ghi nhận doanh thu

Nợ TK 112: 1.000 x 25.000 x 1.1

Có TK 511: 1.000 x 25.000

Có TK 3331: 1.000 x 25.000 x 10%

Ghi nhận giá vốn

Sản phẩm M

Nợ TK 632: 1.000 x 15.000

Có TK 156: 1.000 x 15.000

Sản phẩm N (hàng khuyến mại)

Nợ TK 632: 10 x 3.000

Có TK 156: 10 x 3.000

2.3 Kiểm kê kho

Kiểm kê kho là đối chiếu giữa số lượng tồn kho thực tế và số lượng tồn kho trên sổ sách. Công ty cần xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm kê hàng tháng, quý, năm tùy theo đặc điểm loại hình và tính chất của hàng hóa nhằm đảm bảo công tác quản lý tài sản cũng như phục vụ tốt cho công tác kiểm tra, kiểm toán…

Doanh nghiệp cần bố trí nhân lực và thời gian đảm bảo kiểm kê kho hợp lý, tránh làm gián đoạn quá trình kinh doanh bình. Trong quá trình kiểm kê, công ty sẽ có thông tin về:

– Cách sắp xếp hàng hóa đã hợp lý chưa, hàng hóa có dễ dàng lấy ra không, có mặt nào bị khuất tầm nhìn không.

– Công tác phòng cháy, chữa cháy nếu xảy ra sự cố sẽ xử lý như thế nào.

Sau khi hoàn tất kiểm kê, nếu xảy ra vấn đề thừa, thiếu hàng tồn kho, công ty phải xác định nguyên nhân để tiến hành xử lý.

Bên cạnh đó qua quá trình kiểm kê giúp doanh nghiệp đánh giá được quy trình quản lý hàng tồn kho của mình đã hợp lý, hiệu quả hay chưa và có những phương án tối ưu hoạt động.

Xem thêm: Phần mềm quản lý kho hiệu quả dành cho doanh nghiệp

3. Kế toán ghi nhận các khoản doanh thu bán hàng

  • Điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng

Kế toán doanh nghiệp thương mại lưu ý Doanh thu được ghi nhận theo Chuẩn mực kế toán số 14 và các quy định kế toán hiện hành: Thông tư 200/2014/TT-BTC, Thông tư 133/2016/TT-BTC…

Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 (VAS 14): Doanh thu và thu nhập khác

Doanh thu bán hàng được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn tất cả năm (5) điều kiện sau:

Hình 3: Điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng VAS 14
Hình 3: Điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng VAS 14

Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 (VAS 01): Chuẩn mực chung

“Các nguyên tắc kế toán cơ bản

Phù hợp

Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.”

  • Xuất bán hàng cho các bên có quan hệ liên kết

Các công ty có quan hệ liên kết phát sinh giao dịch liên kết bao gồm: mua, bán hàng hóa phải thực hiện kê khai giao dịch liên kết.

Cơ quan thuế sẽ kiểm tra, thanh tra theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của công ty với ngân sách nhà nước.

Giao dịch độc lập được xác định theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập, không có quan hệ liên kết tại các Hiệp định thuế có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Doanh nghiệp phải lập các báo cáo về các bên liên kết theo các phụ lục đính kèm của Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020, áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP.

Xem thêm: Tổ chức bộ máy kế toán công ty thương mại hoạt động hiệu quả

4. Kế toán các khoản dự phòng 

4.1. Dự phòng nợ phải thu khó đòi

  • Quy chế nội bộ 

Công ty thương mại nên thiết lập hạn mức nợ cho mỗi khách hàng dựa trên các tiêu chí:

– Lịch sử thanh toán: khách hàng đã trả đúng hạn hay không, có lần nào thanh toán trễ hạn không, nếu có thì trễ hạn bao lâu và lý do là gì?

– Đánh giá từ nhân viên kinh doanh khi đến công ty của khách hàng: cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi..

– Đánh giá thông qua hồ sơ của công ty: vốn điều lệ, thâm niên kinh doanh, đối tác của khách hàng.

– Bảo lãnh từ bên thứ ba (ngân hàng): có nên yêu cầu khách hàng mở L/C để đảm bảo thanh toán hay không?

Thông qua đó, công ty thương mại sẽ đưa ra quy định nội bộ về quá hạn thanh toán cho mỗi khách hàng, làm cơ sở cho việc lập dự phòng.

Công ty thương mại nên thiết lập hạn mức nợ cho mỗi khách hàng
  • Quy định của Pháp luật thuế về điều kiện để các khoản phải thu được trích lập dự phòng

– Theo điều 6 Thông tư 48/2019/TT-BTC áp dụng từ năm tài chính 2019:

“1. Đối tượng lập dự phòng là các khoản nợ phải thu (bao gồm cả các khoản doanh nghiệp đang cho vay và khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu) đã quá hạn thanh toán và các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng doanh nghiệp không thu hồi được đúng hạn, đồng thời đảm bảo điều kiện sau:

a) Phải có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả, bao gồm:

– Một trong số các chứng từ gốc sau: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ;

– Bản thanh lý hợp đồng (nếu có);

– Đối chiếu công nợ; trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);

– Bảng kê công nợ;

– Các chứng từ khác có liên quan (nếu có).

b) Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

– Nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ 06 tháng trở lên (tính theo thời hạn trả nợ gốc ban đầu theo hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác, không tính đến thời gian gia hạn trả nợ giữa các bên), doanh nghiệp đã gửi đối chiếu xác nhận nợ hoặc đôn đốc thanh toán nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ.

– Nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng xác định đối tượng nợ có khả năng không trả được nợ đúng hạn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

– Riêng đối với các khoản nợ mua của doanh nghiệp mua bán nợ (có đăng ký ngành nghề và hoạt động mua bán nợ theo đúng quy định của pháp luật), thời gian quá hạn được tính kể từ ngày chuyển giao quyền chủ nợ giữa các bên (trên cơ sở biên bản hoặc thông báo bàn giao quyền chủ nợ) hoặc theo cam kết gần nhất (nếu có) giữa doanh nghiệp đối tượng nợ và doanh nghiệp mua bán nợ.

  • Mức trích lập

a) Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:

– 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm.

– 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.

– 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

– 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

Như vậy, công ty thương mại có thể lập dự phòng theo quy chế nội bộ hoặc theo quy định của thuế. Nếu có sự khác nhau giữa quy chế nội bộ và quy định của thuế, doanh nghiệp phải thực hiện việc điều chỉnh số liệu các khoản chi phí lập dự phòng được trừ theo quy định của Pháp luật thuế khi xác định thu nhập chịu thuế.

4.2. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

  • Quy định của Pháp luật thuế về điều kiện để các khoản tồn kho được trích lập dự phòng

– Theo điều 4 Thông tư 48/2019/TT-BTC áp dụng từ năm tài chính 2019:

“Đối tượng lập dự phòng bao gồm nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế, thành phẩm (sau đây gọi tắt là hàng tồn kho) mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện sau:

– Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho.

– Là hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

 

Dự báo giảm giá hàng tồn kho

Mức trích lập dự phòng tính theo công thức sau:

Mức trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho = Lượng hàng tồn kho thực tế tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm x Giá gốc hàng tồn kho theo sổ kế toán Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho
  • Khoản trích lập dự phòng không đúng quy định không được tính vào chi phí được trừ theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính

5. Phần mềm kế toán online trong doanh nghiệp thương mại MISA AMIS

Phần mềm kế toán online MISA AMIS đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ bán hàng và công nợ phải thu, mua hàng và công nợ phải trả, hàng tồn kho…mà hầu hết các doanh nghiệp thương mại đều cần để có thể quản lý tốt công tác tài chính – kế toán của doanh nghiệp như:

  • Theo dõi chi tiết hoạt động mua hàng
  • Theo dõi chi tiết hoạt động bán hàng và doanh số bán hàng của nhân viên
  • Quản lý hàng tồn kho chặt chẽ
  • Hạch toán lãi lỗ theo dự án, hợp đồng
  • Quản lý chi tiết công nợ
  • Quản lý hoạt động các cửa hàng, đại lý
  • Cung cấp hệ thống biểu mẫu chứng từ, báo cáo phong phú đa dạng


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả