Đứng trước bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên ngày càng cấp bách, chuỗi cung ứng xanh nổi lên như một giải pháp tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tại sao cung ứng xanh lại được xem là “chìa khóa” cho tương lai doanh nghiệp? Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện từ khái niệm, lợi ích, các thành phần quan trọng đến những ví dụ ứng dụng chuỗi cung ứng xanh trên thế giới và tại Việt Nam.
Cùng MISA AMIS khám phá xu hướng Logistic này và cách doanh nghiệp có thể “xanh hóa” chuỗi cung ứng của mình ngay!
1. Chuỗi cung ứng xanh là gì?
1.1 Khái niệm
Chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain), hay còn gọi là chuỗi cung ứng bền vững (Sustainable Supply Chain), là phiên bản ‘xanh hóa’ của chuỗi cung ứng truyền thống. Green Supply Chain không chỉ tập trung vào việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả, mà còn chú trọng đến việc giảm thiểu tác động môi trường trong suốt quá trình này.
Đây là hệ thống quản lý dòng chảy của hàng hóa, dịch vụ tích hợp các yếu tố môi trường và xã hội vào tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng, từ khâu thu mua nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, vận chuyển, lưu kho, phân phối, đến tiêu dùng và quản lý chất thải.
Đây là quá trình quản lý dòng chảy của hàng hóa, dịch vụ từ đầu vào thân thiện với môi trường đến đầu ra là các sản phẩm phụ và sản phẩm chính đều có thể cải thiện được tái sử dụng khi kết thúc vòng đời của chúng. Như vậy, doanh nghiệp tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững.
1.2. Ví dụ
Giả sử một công ty sản xuất áo thun có chuỗi cung ứng xanh như sau:
- Chọn nguyên liệu bền vững: Công ty chọn vải hữu cơ được sản xuất mà không sử dụng hóa chất độc hại và không gây ô nhiễm môi trường.
- Quy trình sản xuất sạch: Công ty sử dụng các máy móc tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu lượng khí thải và chất thải trong quá trình sản xuất.
- Dùng bao bì thân thiện với môi trường: Áo thun được đóng gói trong bao bì có thể tái chế, hạn chế sử dụng nhựa và các vật liệu khó phân hủy.
- Vận chuyển thông minh: Công ty chọn phương tiện vận chuyển tiết kiệm nhiên liệu, chọn lộ trình ngắn nhất để giảm thiểu lượng CO2 thải ra trong quá trình phân phối.
- Tái chế, xử lý chất thải: Sau khi sản xuất, công ty thu hồi các vật liệu thừa hoặc sản phẩm lỗi để tái chế hoặc xử lý.
2. Lợi ích của chuỗi cung ứng xanh mang lại cho doanh nghiệp
Ứng dụng chuỗi cung ứng xanh không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như:
Giảm chi phí vận hành:
- Tiết kiệm năng lượng: Sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận hành, giảm tiêu thụ năng lượng, giúp giảm chi phí điện, nhiên liệu.
- Giảm thiểu chất thải: Tái chế, tái sử dụng vật liệu, giảm thiểu bao bì, tối ưu hóa quy trình đóng gói và vận chuyển, giúp giảm chi phí xử lý chất thải và nguyên vật liệu.
- Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên: Sử dụng tài nguyên (nước, nguyên liệu thô) hiệu quả hơn, giảm lãng phí, giúp giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu suất sản xuất.
Nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu:
- Thu hút tệp khách hàng hiện đại: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường nên doanh nghiệp ‘xanh’ sẽ thu hút được nhóm khách hàng này, tăng thị phần và doanh thu.
- Tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm: Thể hiện cam kết bảo vệ môi trường, nâng cao uy tín thương hiệu trong mắt khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và cộng đồng.
- Tăng lợi thế cạnh tranh: Trong bối cảnh xu hướng xanh hóa mạnh mẽ, doanh nghiệp tiên phong áp dụng chuỗi cung ứng xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh khác biệt, tạo dựng vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Tuân thủ quy định pháp luật về môi trường:
- Đáp ứng yêu cầu về luật bảo việc môi trường: Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải, xử lý chất thải, tránh bị phạt và các rủi ro pháp lý liên quan đến môi trường.
- Tiếp cận thị trường quốc tế: Nhiều thị trường quốc tế (EU, Mỹ, Nhật Bản…) có yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu, do đó chuỗi cung ứng xanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Dựa trên những lợi ích vượt trội mà chuỗi cung ứng xanh mang lại, MISA xin giới thiệu nền tảng quản trị hợp nhất MISA AMIS góp phần giúp doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu trên.
MISA AMIS không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa lượng giấy tờ trong quản lý, mà còn tối ưu hóa quy trình phê duyệt, cho phép lãnh đạo và nhân viên dễ dàng đề xuất và phê duyệt mọi lúc mọi nơi ngay trên điện thoại. Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể thời gian và công sức trong vận hành, giải phóng nguồn lực để tập trung vào phát triển kinh doanh bền vững.
Dùng thử miễn phí ERP MISA AMIS
Quan trọng hơn, việc quản lý hiệu quả thông qua phần mềm MISA AMIS giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, có thêm ngân sách để đầu tư vào các sáng kiến xanh, từng bước hiện thực hóa chuỗi cung ứng xanh. Một phần nào đó, việc chuyển từ quản lý thủ công giấy tờ sang quản lý số sẽ đưa doanh nghiệp phát triển thịnh vượng và bền vững với môi trường hơn.
3. Các thành phần chính của Green Supply Chain
Các thành phần chính của Green Supply Chain bao gồm:
- Sản xuất bền vững: Tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng tái tạo và các công nghệ thân thiện với môi trường.
- Quản lý vận tải, phân phối xanh: Áp dụng các phương tiện vận chuyển tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển để giảm phát thải CO2 và tiết kiệm chi phí.
- Quản lý sản phẩm cùng bao bì: Thiết kế sản phẩm cùng bao bì có thể tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, giảm thiểu lượng chất thải, từ đó tối ưu vòng đời sản phẩm.
- Quản lý hoạt động xử lý chất thải: Xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý và tái chế chất thải trong sản xuất vận hành, giảm thiểu tác động đến môi trường.
- Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp: Xây dựng mối quan hệ bền vững với các nhà cung cấp để đảm bảo các bên trong chuỗi cung ứng đều tuân thủ các tiêu chuẩn chung.
4. Ví dụ về các chuỗi cung ứng xanh nổi tiếng nhất
Trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn đã tiên phong áp dụng Logistic xanh và đạt được những thành công đáng kể. Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu nhất:
4.1. Ví dụ trên thế giới
Unilever:
- Thu mua nguyên liệu bền vững: Unilever cam kết 100% nguyên liệu nông sản có nguồn gốc bền vững vào năm 2020 (đạt được mục tiêu này sớm hơn dự kiến). Họ hợp tác chặt chẽ với nông dân, nhà cung cấp để đảm bảo các nguyên liệu như dầu cọ, trà, cacao, cá… được sản xuất theo phương pháp an toàn với môi trường, xã hội.
- Giảm thiểu tác động môi trường trong sản xuất và vận chuyển: Unilever liên tục cải tiến quy trình nên thành công giảm lượng nước và năng lượng tiêu thụ, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chất thải. Họ cũng tối ưu hóa mạng lưới vận chuyển để giảm quãng đường di chuyển, hạ thấp lượng khí thải từ hoạt động Logistics.
- Thiết kế bao bì thân thiện môi trường: Unilever nỗ lực giảm lượng nhựa sử dụng trong bao bì, tăng cường sử dụng nhựa tái chế cũng như phát triển bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học.
- Hợp tác với nông dân và cộng đồng địa phương: Unilever không chỉ thu mua nguyên liệu từ nông dân mà còn hỗ trợ áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, nâng cao năng suất và thu nhập.
IKEA:
- Sử dụng gỗ từ rừng trồng bền vững (chứng chỉ FSC): IKEA là một trong những công ty tiêu thụ gỗ có chứng chỉ FSC lớn nhất thế giới. Chứng chỉ FSC đảm bảo rằng gỗ được khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và quyền lợi của người lao động. IKEA cos mục tiêu 100% gỗ sử dụng phải có nguồn gốc bền vững.
- Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế: IKEA tích cực sử dụng vật liệu tái chế trong sản phẩm của mình như nhựa tái chế, giấy tái chế,… Họ cũng nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới, thân thiện với môi trường thay thế cho vật liệu truyền thống.
- Thiết kế sản phẩm dễ tháo rời và tái chế: IKEA thiết kế sản phẩm theo hướng Modular, dễ tháo rời và lắp ráp. Nhờ vậy họ kéo dài tuổi thọ sản phẩm, dễ dàng tái chế khi hết vòng đời sử dụng. IKEA cũng cung cấp dịch vụ thu hồi đồ nội thất cũ để tái chế hoặc tái sử dụng.
- Khuyến khích khách hàng tái sử dụng và tái chế sản phẩm IKEA: IKEA triển khai nhiều chương trình khuyến khích khách hàng tái sử dụng, tái chế và sửa chữa sản phẩm cũ. Họ cung cấp linh kiện thay thế, hướng dẫn sửa chữa, tạo dịch vụ thu mua đồ cũ để giảm thiểu chất thải tối đa.
[MISA tặng bạn] 70+ mẫu quy trình làm việc đầy đủ cho các phòng ban trong doanh nghiệp |
4.1. Ví dụ tại Việt Nam
Vinamilk: Công ty sữa Vinamilk đang từng bước xanh hóa chuỗi cung ứng từ trang trại đến nhà máy và phân phối, hướng đến phát triển bền vững trong ngành sữa.
- Trang trại bò sữa Organic: Vinamilk đầu tư vào các trang trại bò sữa Organic đạt tiêu chuẩn quốc tế, chăn nuôi bò theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hay hormone tăng trưởng. Trang trại này giúp bảo vệ môi trường đất, nước, không khí, tạo ra sản phẩm sữa an toàn và chất lượng cao.
- Nhà máy sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng: Vinamilk xây dựng các nhà máy sản xuất sữa áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng để giảm thiểu chất thải và khí thải. Nhiều nhà máy của Vinamilk đã đạt các chứng nhận về quản lý môi trường như ISO 14001.
- Bao bì thân thiện môi trường: Vinamilk dần chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện môi trường như vỏ hộp sữa làm từ giấy có chứng chỉ FSC, nắp chai cùng ống hút làm từ nhựa sinh học. Họ cũng tái chế vỏ hộp sữa thông qua chương trình hợp tác với Tetra Pak.
- Hệ thống phân phối hiệu quả và bền vững: Vinamilk xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp và hiệu quả, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển để giảm thiểu chi phí, giảm lượng khí thải. Ngoài ra, họ đầu tư vào xe tải lạnh đạt tiêu chuẩn khí thải cao để đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển.
TH True Milk: Tương tự Vinamilk, TH True Milk cũng chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng xanh tập trung vào quy trình sản xuất khép kín, công nghệ cao thân thiện môi trường:
- Trang trại bò sữa công nghệ cao: TH True Milk xây dựng các trang trại bò sữa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi đảm bảo hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động môi trường. Các trang trại của TH True Milk đặc biệt chú trọng quản lý chất thải chăn nuôi, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp.
- Quy trình sản xuất khép kín, an toàn với môi trường: TH True Milk áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn, kiểm soát chất lượng chặt chẽ ở mọi công đoạn.
- Bao bì thân thiện môi trường: TH True Milk sử dụng vỏ hộp sữa làm từ giấy có chứng chỉ FSC, ống hút giấy cùng nhiều nỗ lực giảm thiểu sử dụng nhựa trong bao bì sản phẩm.
5. Sự khác nhau giữa chuỗi cung ứng truyền thống và chuỗi cung ứng xanh là gì?
Để dễ dàng hình dung sự khác biệt, bảng so sánh dưới đây sẽ làm rõ sự khác nhau giữa chuỗi cung ứng truyền thống và chuỗi cung ứng xanh là gì:
Tiêu chí so sánh | Chuỗi cung ứng truyền thống | Chuỗi cung ứng xanh |
Mục tiêu chính | Tối ưu hóa lợi nhuận và hiệu quả kinh tế | Tối ưu hóa lợi nhuận, hiệu quả kinh tế, và giảm thiểu tác động môi trường, xã hội |
Đặc điểm chính | Chi phí thấp, tốc độ nhanh, đáp ứng nhu cầu thị trường | Bền vững, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội, hiệu quả kinh tế |
Thiết kế sản phẩm | Sản phẩm có chức năng, giá cả tốt, hợp thị hiếu người tiêu dùng | Sản phẩm thân thiện môi trường, dễ tái chế, tái sử dụng, tuổi thọ cao |
Sản xuất | Ưu tiên hiệu quả sản xuất, ít quan tâm đến tác động môi trường | Sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, nước, giảm thiểu chất thải, khí thải |
Logistics | Tối ưu hóa chi phí vận chuyển, ít quan tâm đến yếu tố môi trường | Logistic xanh, vận chuyển tiết kiệm nhiên liệu, tối ưu lộ trình, giảm khí thải |
Bao bì | Bao bì phục vụ chức năng bảo vệ và Marketing sản phẩm | Bao bì thân thiện môi trường, tái chế, tái sử dụng, có thể phân hủy sinh học |
Quản lý chất thải | Chất thải được xử lý theo quy định tối thiểu, ít chú trọng tái chế | Ưu tiên giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn |
Trách nhiệm xã hội | Trách nhiệm xã hội ở mức cơ bản, tuân thủ luật pháp | Trách nhiệm xã hội được coi là giá trị cốt lõi, thể hiện qua nhiều hoạt động cụ thể |
6. Thực tiễn áp dụng Green Supply Chain tại Việt Nam
Tại Việt Nam, xu hướng chuỗi cung ứng xanh đang ngày càng được quan tâm và áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế yêu cầu phát triển bền vững ngày càng cao. Tuy nhiên, việc triển khai Green Supply Chain tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu và đối mặt với nhiều thách thức:
- Nhận thức chưa đầy đủ: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích và tầm quan trọng của chuỗi cung ứng xanh. Họ vẫn ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn việc đầu tư vào các giải pháp ‘xanh’.
- Chi phí đầu tư cao: Việc chuyển đổi sang chuỗi cung ứng xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư ban đầu vào công nghệ, thiết bị, quy trình mới, nên thường gây áp lực tài chính, đặc biệt đối với SMEs.
- Áp lực cạnh tranh về giá: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn ưu tiên giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh, điều này có thể làm giảm động lực đầu tư vào các giải pháp ‘xanh’.
- Thiếu nguồn nhân lực và chuyên gia: Việt Nam còn thiếu đội ngũ nhân lực và chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm về Logistic xanh để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để phát triển chuỗi cung ứng xanh trong tương lai:
- Xu hướng tiêu dùng xanh tăng cao: Người tiêu dùng Việt Nam có sự quan tâm đến các sản phẩm xanh, bền vững, tạo động lực cho doanh nghiệp ‘xanh hóa’ chuỗi cung ứng.
- Cơ hội xuất khẩu vào thị trường xanh: Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm xanh, bền vững. Chuỗi cung ứng xanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội này.
- Sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế: Nhiều tổ chức quốc tế và NGOs (Tổ chức phi chính phủ) đang hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua các dự án, chương trình đào tạo, tư vấn kỹ thuật, và hỗ trợ tài chính.
- Tiềm năng ứng dụng công nghệ: Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, và các giải pháp công nghệ xanh để xây dựng chuỗi cung ứng xanh thông minh và hiệu quả.
7. Tạm kết
Chuỗi cung ứng xanh không chỉ là xu hướng mà đang trở thành yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc chuyển đổi sang chuỗi cung ứng xanh có thể là một thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào mục tiêu chung. Hành động ngay hôm nay để ‘xanh hóa’ chuỗi cung ứng, vì một Việt Nam xanh và một thế giới bền vững!