Storytelling là gì? Tại sao Storytelling Marketing đang là “vua”?

26/11/2024
30

Trong thế giới tiếp thị hiện đại, nơi khách hàng bị “ngập lụt” bởi vô số thông điệp quảng cáo mỗi ngày, Storytelling Marketing đã trở thành “vũ khí” chiến lược giúp doanh nghiệp nổi bật. Không chỉ đơn thuần là cách kể chuyện, storytelling trong marketing là nghệ thuật kết nối cảm xúc, tạo dựng niềm tin và thúc đẩy hành động từ khách hàng.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ Storytelling Marketing là gì, phân biệt với Brand Storytelling, tìm hiểu tại sao nó quan trọng và làm thế nào để áp dụng hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.

Tìm hiểu về Storytelling

storytelling marketing

Storytelling là gì?

Storytelling là nghệ thuật kể chuyện thông qua lời nói, hình ảnh, hoặc trải nghiệm để truyền tải thông điệp và tạo kết nối cảm xúc với khán giả. Trong marketing, storytelling không chỉ đơn thuần là kể câu chuyện, mà còn là cách thương hiệu sử dụng câu chuyện để xây dựng hình ảnh, tạo dấu ấn và thúc đẩy hành vi tiêu dùng. Đây là công cụ mạnh mẽ giúp các thương hiệu truyền đạt giá trị, sứ mệnh và tầm nhìn của mình một cách dễ nhớ và ý nghĩa hơn.

Storytelling marketing bắt đầu xuất hiện từ khi nào?

Storytelling trong marketing không phải là khái niệm mới. Thực tế, việc sử dụng câu chuyện để bán hàng đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, khi các thương hiệu bắt đầu nhận ra sức mạnh của cảm xúc trong việc thu hút khách hàng.

Coca-Cola là một trong những thương hiệu tiên phong áp dụng storytelling từ những năm 1920, thông qua chiến dịch quảng cáo nổi tiếng “The Pause That Refreshes”. Thời điểm đó, nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái Đại khủng hoảng (The Great Depression) đầy ảm đạm.

storytelling marketing
Chiến dịch “The Pause That Refreshes” là một ví dụ về Storytelling Marketing đầy ấn tượng.

Coca-Cola đã biến khó khăn thành cơ hội khi sử dụng storytelling để kể về cách sản phẩm của mình mang lại sự tươi mát và thoải mái cho mọi người trong những giây phút căng thẳng của cuộc sống hàng ngày. Điều này đã biến Coca-Cola từ một hãng đồ uống thông thường trở thành một biểu tượng cho việc giải tỏa tinh thần trong lúc khó khăn.

Kể từ đó, storytelling tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhất là khi các nền tảng truyền thông như TV và sau này là Internet, mạng xã hội trở thành môi trường lý tưởng để kể những câu chuyện sáng tạo, tiếp cận hàng triệu khán giả.

Vai trò quan trọng của Storytelling Marketing

Storytelling đã thay đổi cách các thương hiệu tương tác với khách hàng. Những ảnh hưởng tiêu biểu có thể kể đến như:

  • Tăng khả năng ghi nhớ: Một câu chuyện hay giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu lâu hơn. Theo nghiên cứu của Stanford, các thông điệp được truyền tải qua câu chuyện có khả năng được ghi nhớ cao hơn 22 lần so với việc chỉ đưa ra dữ liệu hoặc thông tin khô khan.
  • Kích thích cảm xúc: Những câu chuyện cảm động, hài hước hoặc truyền cảm hứng có thể khiến khách hàng cảm thấy gắn bó hơn với thương hiệu. Ví dụ, chiến dịch “Real Beauty” của Dove đã thành công khi kể những câu chuyện về sự tự tin và vẻ đẹp thực sự của phụ nữ.
  • Xây dựng niềm tin và lòng trung thành: Storytelling giúp thương hiệu trở nên chân thực và gần gũi hơn. Các khách hàng có xu hướng trung thành hơn với các thương hiệu mà họ cảm thấy “kết nối” qua các câu chuyện ý nghĩa.
  • Thúc đẩy hành vi mua hàng: Một câu chuyện được kể đúng cách không chỉ tạo cảm xúc mà còn dẫn dắt khách hàng đến hành động cụ thể, chẳng hạn như mua sản phẩm hoặc chia sẻ câu chuyện của thương hiệu.

storytelling marketing

Mặc dù người ta đã nhận ra lợi ích của Storytelling trong marketing từ khoảng 100 năm trước, nhưng có lẽ chưa bao giờ phương pháp này lại có quyền lực mạnh mẽ trong nền kinh tế như hiện tại. Thậm chí, nhiều người nhận định Storytelling đang là “vua” của mọi xu hướng marketing, lý do bởi:

  • Khách hàng ngày càng khó tính: Trong bối cảnh quảng cáo bùng nổ, khách hàng không còn dễ bị thuyết phục bởi các thông điệp mang tính ép buộc. Một câu chuyện chân thực có sức mạnh hơn hàng trăm quảng cáo thông thường.

  • Kỷ nguyên kỹ thuật số: Các nền tảng như TikTok, Instagram, YouTube đã làm cho storytelling dễ tiếp cận và lan tỏa nhanh chóng hơn bao giờ hết. Thương hiệu có thể kể câu chuyện của mình qua video, bài viết, hoặc thậm chí là các podcast.
  • Kết nối cảm xúc sâu sắc: Khi thế giới ngày càng trở nên “ảo” và công nghệ hóa, storytelling là cách để thương hiệu kết nối với khách hàng ở mức độ con người.
  • Sự ưu tiên của giá trị thương hiệu: Khách hàng hiện nay không chỉ quan tâm đến sản phẩm, mà còn quan tâm đến sứ mệnh và giá trị mà thương hiệu đại diện. Một câu chuyện mạnh mẽ có thể giúp thương hiệu nổi bật hơn giữa hàng loạt đối thủ.
  • Tăng khả năng lan truyền: Một câu chuyện cảm động, thú vị hoặc độc đáo dễ dàng trở thành “viral,” giúp thương hiệu tiếp cận thêm hàng triệu khách hàng tiềm năng mà không tốn quá nhiều chi phí quảng cáo.

Khác biệt giữa Storytelling Marketing và Brand Storytelling 

Với sự lên ngôi của Storytelling, có nhiều marketer thấy bối rối khi xây dựng kế hoạch xoay quay các cách kể chuyện. Dù có sự tương đồng trong việc sử dụng câu chuyện để kết nối với khách hàng, Brand StorytellingStorytelling Marketing có những điểm khác biệt quan trọng về trọng tâm và cách áp dụng:

Tiêu chí Storytelling Marketing Brand Storytelling
Mục tiêu Truyền tải thông điệp chiến dịch hoặc sản phẩm cụ thể. Xây dựng bản sắc và giá trị thương hiệu.
Phạm vi Có thể là câu chuyện ngắn hạn, xoay quanh một chiến dịch hoặc sản phẩm. Tập trung vào câu chuyện dài hạn của thương hiệu.
Nội dung chính Kể câu chuyện liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hoặc trải nghiệm khách hàng. Kể về lịch sử, sứ mệnh, giá trị và tầm nhìn của thương hiệu.
Ứng dụng Ngắn hạn, thường tập trung vào các chiến dịch marketing cụ thể. Dài hạn, tích hợp trong toàn bộ chiến lược thương hiệu.
Tính cá nhân hóa Thường điều chỉnh theo đối tượng mục tiêu hoặc xu hướng chiến dịch. Đề cao bản sắc và “tiếng nói” riêng của thương hiệu.
Ví dụ cụ thể Một video quảng cáo của Nike xoay quanh câu chuyện về một vận động viên cụ thể. Nike kể về hành trình “Just Do It” và tinh thần thể thao không khuất phục.

Storytelling Marketing là một phần của Brand Storytelling. Những câu chuyện trong chiến dịch quảng cáo thường lấy cảm hứng hoặc gắn kết với câu chuyện lớn của thương hiệu.

Ngược lại, Brand Storytelling định hướng cho Storytelling Marketing. Khi thương hiệu có một câu chuyện rõ ràng và mạnh mẽ, mọi hoạt động storytelling trong marketing sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển.

Ví dụ về Storytelling được triển khai ấn tượng chính là thương hiệu Patagonia với câu chuyện thương hiệu xoay quanh tình yêu với thiên nhiên, sự bền vững và bảo vệ môi trường. Điều này tạo nên nền tảng cho các chiến dịch marketing, chẳng hạn như việc kể câu chuyện về hành trình sản xuất các sản phẩm tái chế, hay câu chuyện kể từ các vị khách hàng mặc đồ Patagonia phiêu lưu ở khắp nơi.

storytelling marketing
Patagonia là một thương hiệu sinh động với nền tảng Brand Storytelling & Storytelling Marketing vô cùng chặt chẽ và truyền cảm hứng.

Triển khai Storytelling Marketing như thế nào?

Quy trình xây dựng kịch bản Storytelling Marketing

Dưới đây là các bước để xây dựng một câu chuyện thú vị lồng ghép được với thương hiệu hoặc sản phẩm và phục vụ những mục đích cụ thể:

1. Xác định mục tiêu

Bạn cần biết mục tiêu của câu chuyện là gì:

  • Tăng nhận diện thương hiệu: Xây dựng câu chuyện giúp thương hiệu nổi bật và dễ nhớ hơn.
  • Tăng sự yêu thích và lòng trung thành: Kết nối cảm xúc sâu sắc với khách hàng.
  • Thúc đẩy doanh số: Lôi kéo khách hàng hành động bằng cảm hứng từ câu chuyện.

Việc không xác định mục tiêu rõ ràng hoặc theo đuổi quá nhiều mục tiêu có thể khiến câu chuyện rời rạc, thiếu tính thuyết phục.

2. Hiểu đối tượng mục tiêu

Phân tích khách hàng để biết họ quan tâm đến điều gì, nhu cầu và thách thức của họ là gì? Khẩu vị của họ thích những câu chuyện như thế nào? Cảm xúc nào của khách hàng có thể chạm đến hiệu quả nhất, dẫn đến việc thôi thúc hành vi của họ?

3. Xác định thông điệp chính

Câu chuyện phải truyền tải một thông điệp rõ ràng và gắn liền với giá trị của thương hiệu. Hãy đảm bảo câu chuyện của bạn trả lời được 2 câu hỏi này:

  • Tại sao khách hàng nên lắng nghe câu chuyện này?
  • Thương hiệu của bạn mang lại giá trị gì cho họ?

Những câu chuyện dù cho có thú vị nhưng nếu thiếu đi một thông điệp xuyên suốt thì sẽ trở thành mẩu chuyện “vô thưởng vô phạt” trên truyền thông, không đem lại nhiều giá trị cho thương hiệu.

5. Xác định nhân vật trong câu chuyện

  • Nhân vật chính: Ai là người sẽ dẫn dắt câu chuyện?
  • Người kể chuyện: Có thể là khách hàng, nhân viên, hay thương hiệu.
  • Người gặp thử thách: Nhân vật chính phải đối mặt với một vấn đề (có thể là khách hàng).
  • Nhân vật phụ: Có thể là những người hỗ trợ nhân vật chính hoặc làm câu chuyện thêm sâu sắc.
  • Vai trò của thương hiệu: Thương hiệu nên xuất hiện như một người dẫn đường, công cụ giải quyết vấn đề, không phải người hùng chiếm hết ánh sáng.

6. Tạo kịch bản câu chuyện

Câu chuyện nên có cấu trúc: mở đầu thu hút ngay lập tức, tiếp đến là từng bước xây dựng cao trào tạo cảm xúc, và sau đó là kết thúc truyền cảm hứng hoặc thôi thúc hành động.

Mở đầu (Setup):

  • Giới thiệu bối cảnh, nhân vật chính và vấn đề họ đang đối mặt.
  • Làm rõ “nỗi đau” để tạo đồng cảm với khán giả.

Cao trào (Conflict):

  • Những thử thách hoặc mâu thuẫn mà nhân vật phải vượt qua.
  • Đây là phần gây kịch tính và giữ chân người xem.

Giải pháp (Resolution):

  • Thương hiệu xuất hiện để giúp nhân vật giải quyết vấn đề.
  • Thêm yếu tố cảm xúc và nhân văn.
  • Kết thúc câu chuyện với một kết quả tích cực hoặc truyền cảm hứng.

7. Sử dụng hình thức phù hợp

Nền tảng:

  • Nếu khách hàng trẻ, hãy kể câu chuyện qua video TikTok hoặc Instagram.
  • Nếu là đối tượng chuyên nghiệp, các bài blog hoặc case study sẽ phù hợp.

Hình thức:

Video, bài viết, hình ảnh, infographics, hoặc podcast, tùy thuộc vào thói quen tiếp cận thông tin của khách hàng.

8. Lồng ghép thương hiệu một cách tự nhiên

Thương hiệu nên xuất hiện trong câu chuyện như một người bạn đồng hành, không quá gượng ép.

9. Kêu gọi hành động (CTA)

Kết thúc câu chuyện bằng một lời kêu gọi hành động, khuyến khích khán giả chia sẻ, bình luận, hoặc tham gia một hoạt động liên quan.

10. Đánh giá và tối ưu hóa

  • Theo dõi hiệu quả của câu chuyện qua các chỉ số như lượt xem, lượt tương tác, hoặc tỷ lệ chuyển đổi.
  • Dựa trên phản hồi, cải tiến các câu chuyện tiếp theo.

Mẫu Content Storytelling để tham khảo

storytelling marketing

Content Storytelling là gì?

Content Storytelling là việc sử dụng các câu chuyện trong nội dung truyền thông, nhằm thu hút, giữ chân và tạo kết nối cảm xúc với khán giả. Không giống các nội dung quảng cáo truyền thống thường tập trung vào tính năng, content storytelling chú trọng vào việc truyền tải cảm xúc và giá trị thông qua các câu chuyện gắn liền với thương hiệu.

Ví dụ:

  • Một bài viết kể về hành trình của một khách hàng vượt qua khó khăn nhờ sản phẩm của bạn.
  • Một video ngắn mô tả cách một nhân viên công ty đã tìm thấy ý nghĩa công việc nhờ giá trị cốt lõi của thương hiệu.

Mẫu Content Storytelling tham khảo

Mẫu 1: Kể về hành trình khách hàng

  • Tiêu đề: “Câu chuyện của Mai: Làm thế nào cô ấy tìm thấy sự tự tin nhờ [sản phẩm]?”
  • Mở đầu: Giới thiệu về nhân vật Mai và vấn đề cô ấy gặp phải.
  • Câu chuyện chính: Mai thử nhiều cách nhưng đều thất bại cho đến khi cô ấy sử dụng sản phẩm của bạn.
  • Kết thúc: Mai đã thay đổi như thế nào và tại sao cô ấy luôn trung thành với thương hiệu.
  • CTA: “Bạn cũng muốn thay đổi cuộc sống của mình? Tìm hiểu thêm tại đây.”

Mẫu 2: Kể về giá trị thương hiệu

  • Tiêu đề: “Hành trình 5 năm cùng khách hàng: Chúng tôi đã mang lại những gì?”
  • Mở đầu: Một câu hỏi thu hút sự chú ý, chẳng hạn: “Điều gì khiến khách hàng luôn quay lại với chúng tôi?”
  • Câu chuyện chính: Nêu các giá trị mà thương hiệu mang lại thông qua các câu chuyện nhỏ từ nhân viên hoặc khách hàng.
  • Kết thúc: Lời cam kết về tương lai.
  • CTA: “Cùng trở thành một phần của câu chuyện này – tham gia ngay hôm nay!”

Mẫu 3: Kể về văn hóa thương hiệu

  • Tiêu đề: “Một ngày làm việc tại [Tên thương hiệu]: Hành trình của chúng tôi đến với sự hoàn hảo.”
  • Mở đầu: Miêu tả không khí làm việc sôi động tại công ty.
  • Câu chuyện chính: Các nhân viên chia sẻ về động lực, thử thách, và niềm tự hào khi làm việc tại đây.
  • Kết thúc: Lời kêu gọi dành cho khách hàng hoặc nhân sự tiềm năng.
  • CTA: “Bạn muốn trải nghiệm văn hóa này? Hãy đồng hành cùng chúng tôi!”

Ví dụ về mẫu Content Storytelling

  • Câu chuyện: “Hành trình của vợ chồng Linh – Làm bố mẹ thời 4.0 không dễ, nhưng không gì là không thể”
  • Mục tiêu: Thúc đẩy nhận diện thương hiệu và lòng tin của những cặp bố mẹ trẻ vào sản phẩm tã trẻ em.
  • Đối tượng mục tiêu: Các bà mẹ trẻ đang loay hoay tìm sản phẩm tốt cho con giữa cuộc sống hối hả, bận rộn.
  • Thông điệp chính: “Làm bố mẹ thời hiện đại không dễ, nhưng bạn luôn có đồng hành với chúng tôi.”
  • Nhân vật: Linh – một bà mẹ trẻ vừa chăm con nhỏ vừa điều hành công việc kinh doanh online tại nhà cùng với sự hỗ trợ của chồng.
  • Cấu trúc câu chuyện:

Mở đầu: Vợ chồng Linh bối rối vì con quấy khóc hàng đêm do không hợp các loại tã trước đây.

Cao trào: Cả 2 thử nhiều loại tã nhưng đều thất bại và cảm thấy áp lực vì công việc dang dở chưa xong, đều thiếu ngủ và cáu gắt với nhau do phải luân phiên trông con, em bé cũng khó chịu và không ngủ ngon giấc.

Giải pháp: Thử dùng tã từ thương hiệu, con ngủ ngon hơn, Linh và chồng cũng nhẹ nhàng hơn. Hai người có thêm thời gian xử lý công việc và dành cho nhau, vẹn toàn cả việc kinh doanh lẫn hôn nhân, con nhỏ.

Kết thúc với CTA: “Hãy để chúng tôi giúp bạn – trải nghiệm sản phẩm ngay hôm nay!”

  • Bằng cách chi tiết hóa từng bước, doanh nghiệp không chỉ kể câu chuyện hiệu quả mà còn gắn kết cảm xúc lâu dài với khách hàng.

Để giúp anh/chị kiểm soát lịch trình, phân loại và theo dõi chi tiết nội dung trên từng kênh social, mời anh/chị bấm vào ảnh dưới để tải miễn phí bộ mẫu plan content cho fanpage và các kênh nội dung (Social, Email, Blog, Event).

storytelling marketing

Bạn đang tìm kiếm giải pháp quản lý & tối ưu hiệu suất phòng ban Marketing?Tìm hiểu MISA AMIS aiMARKETING - nền tảng Marketing Automation #1 Việt Nam

Tổng kết về Storytelling Marketing

Trong thời đại mà khách hàng tìm kiếm những kết nối chân thật và ý nghĩa, Storytelling Marketing không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị bền vững.

Một câu chuyện hay không chỉ giúp thương hiệu nổi bật mà còn xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Hãy bắt đầu với những câu chuyện chân thật, chạm đến trái tim khách hàng và biến thương hiệu của bạn thành một phần không thể thiếu trong hành trình của họ.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả