Ngày 22/11/2024, Cục Thuế TP. Cần Thơ đã ban hành Công văn 5341/CTCTH-TTHT hướng dẫn chi tiết liên quan đến việc tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho các khoản chi trả của doanh nghiệp. Công văn này dựa trên các căn cứ pháp lý hiện hành nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Hướng dẫn được triển khai trên cơ sở các quy định sau:
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế và các khoản chi phí hợp lệ của doanh nghiệp.
- Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
- Các quy định tại Luật Thuế TNCN và Luật Thuế TNDN, cũng như các văn bản liên quan hướng dẫn thi hành.
Những văn bản này đã làm rõ các trường hợp áp dụng và nguyên tắc tính thuế nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cả người lao động và doanh nghiệp.
Các nội dung chính
Theo hướng dẫn, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau trong việc tính thuế:
- Đối với thuế TNCN của người lao động nước ngoài Các khoản chi phí như tiền học phí cho con người lao động, nếu được quy định trong hợp đồng lao động và không vượt mức chi hợp lý, sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế. Trong khi đó, chi phí vé máy bay khứ hồi sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN và không được đưa vào chi phí được trừ của doanh nghiệp khi xác định thuế TNDN.
- Đối với thuế TNDN liên quan đến chi phí của doanh nghiệp Khoản chi phí hợp lệ phải đáp ứng các điều kiện cơ bản: liên quan đến hoạt động kinh doanh, có hóa đơn chứng từ hợp pháp và được quy định rõ trong hợp đồng lao động hoặc văn bản nội bộ của doanh nghiệp. Những khoản không đáp ứng các điều kiện này sẽ bị loại trừ khi tính chi phí được trừ.
- Các trường hợp đặc biệt Khi doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ với người lao động không có hợp đồng lao động, thuế TNCN sẽ được khấu trừ theo mức 10% trên thu nhập trước khi chi trả. Nếu người lao động không cư trú, tỷ lệ khấu trừ là 20%.
- Trách nhiệm quyết toán thuế Doanh nghiệp cần thực hiện quyết toán thay cho người lao động có ủy quyền, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Nội dung đầy đủ của Công văn như sau:
Cục Thuế thành phố Cần Thơ nhận được công văn số CV.TFR.111124 ngày 11/11/2024 của Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Công ty) về việc cách tính thuế TNCN, Cục Thuế có ý kiến như sau: – Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/03/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN (Thông tư số 111/2013/TT-BTC): + Tại Điều 1 (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT- BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính) quy định: “Điều 1. Người nộp thuế Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ- CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP. Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau: Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập; Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia. Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập. 1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú. Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam. b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau: b.1) Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú: b.1.1) Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú. b.1.2) Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp. b.2) Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau: b.2.1) Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên theo hướng dẫn tại điểm b.1, khoản 1, Điều này nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi. b.2.2) Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động. Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam. Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú. 2. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1, Điều này. …” + Tại Khoản 2 Điều 2 (sửa đổi, bổ sung tại Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015) quy định: “Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế 2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền. b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau: … g. Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau: g.6) Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần. Căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại; khoản tiền thanh toán vé máy bay từ quốc gia nơi người Việt Nam đang làm việc về Việt Nam và ngược lại. g.7) Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ. + Tại Điều 18 quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú: “Điều 18. Đổi với thu nhập từ tiền lương, tiền công 1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (*) với thuế suất 20%. 2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này. …” + Tại Điều 25 quy định khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế “Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế 1. Khấu trừ thuế Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập, cụ thể như sau: a) Thu nhập của cá nhân không cư trú Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập. Số thuế phải khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Chương III (từ Điều 17 đến Điều 23) Thông tư này. b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi. b.2) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần. b.3) Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế). … i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế. Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.” – Căn cứ điểm khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-cP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế (Nghị định số 126/2020/NĐ-cP). “Điều 8. Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế 6. Các loại thuế, khoản thu khai quyết toán năm và quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp. Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm. Cụ thể như sau: … d.1) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có). d.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới. …” – Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) hướng dẫn về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính): “Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau: “Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: 1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng. … 2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: 2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau: b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty. – Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người nước ngoài trong đó có ghi khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. … 2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau: …” – Căn cứ Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam: “Điều 1. Đối tượng áp dụng Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I): 1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu. 2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam. … 3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp uỷ quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối, dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam. … 4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài. 5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại. ” Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung trình bày của Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ tại công văn số CV.TFR.111124 nêu trên thì: 1. Trường hợp Công ty chi trả khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông thì khoản tiền học phí này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động nước ngoài. Nếu khoản chi tiền học phí này được Công ty ghi trong hợp đồng lao động với người nước ngoài và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Trường hợp Công ty chi trả chi phí vé máy bay khứ hồi 01 lần/năm cho con của người lao động nước ngoài thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động nước ngoài và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của Công ty. Trường hợp Công ty chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động là người nước ngoài là cá nhân không cư trú thì Công ty thực hiện khấu trừ 20% trước khi trả thu nhập cho cá nhân theo quy định tại Điều 18 Thông tư số số 111/2013/TT-BTC. Nếu người lao động là người nước ngoài là cá nhân cư trú thì Công ty thực hiện khấu trừ thuế theo theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Điều kiện về cá nhân cư trú, cá nhân không cư trú được quy định tại Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính). Công ty thực hiện quyết toán thuế TNCN cho người lao động theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ. 2. Đối với trường hợp Công ty ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với người lao động là người Việt Nam (có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch) thì: Khi chi trả phí dịch vụ cho người lao động, Công ty được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, không bắt buộc cá nhân người lao động phải xuất hóa đơn cho Công ty. Khoản chi phí dịch vụ tư vấn Công ty trả cho người lao động này không thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính nên Công ty không phải nộp thuế nhà thầu. Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Công ty thực hiện quyết toán thuế TNCN cho người lao động theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-cP của Chính phủ. Cục Thuế TP. Cần Thơ đề nghị Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ tham khảo các nội dung nêu trên và thục hiện theo đúng các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành./.
|
Tải xuống Công văn tại đây
MISA không chỉ mang lại kiến thức kế toán giá trị cho các chuyên viên kế toán doanh nghiệp mà còn phát triển MISA AMIS, một phần mềm kế toán online toàn diện. MISA AMIS là một giải pháp kế toán đa năng, vừa dễ sử dụng, vừa thông minh và an toàn, thỏa mãn mọi nhu cầu của doanh nghiệp.
-
- Trải nghiệm MISA AMIS, một phần mềm kế toán trực tuyến với nhiều tính năng nổi bật: Kết nối hệ sinh thái gồm ngân hàng điện tử, cơ quan thuế, và các hệ thống quản lý, giúp doanh nghiệp xử lý các nghiệp vụ thuế và quản lý kinh doanh nhanh chóng và chính xác.
- Phần mềm hỗ trợ đầy đủ các nghiệp vụ kế toán, từ quản lý quỹ, ngân hàng, mua hàng, bán hàng, quản lý kho, hóa đơn, thuế, đến giá thành sản phẩm và nhiều hoạt động khác theo quy định TT133 và TT200.