Ngày 19/11/2024, Cục Thuế tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 2915/CTHNA-TTHT để trả lời Công ty TNHH Eiwo Rubber Mfg., Chi nhánh Hà Nam về các vấn đề liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), với nội dung chính như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Dựa trên Luật Đầu tư số 61/2020/QH14
- Thông tư số 78/2014/TT-BTC và Thông tư số 96/2015/TT-BTC.
- Nghị định số 218/2013/NĐ-CP
Phạm vi áp dụng ưu đãi thuế TNDN:
- Dự án đầu tư mới: Được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện theo quy định.
- Dự án đầu tư mở rộng: Ưu đãi được áp dụng đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng, nếu đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn, lĩnh vực.
Trường hợp cụ thể của Công ty TNHH Eiwo Rubber Mfg., Chi nhánh Hà Nam
- Trường hợp dự án đầu tư “Nhà máy công ty TNHH Eiwo Rubber Mfg., Chi nhánh Hà Nam” đã kết thúc quá trình đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 7/2022; trong quá trình hoạt động, Chi nhánh có mua bổ sung máy móc, thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì phần thu nhập phát sinh từ các máy móc, thiết bị mua bổ sung thêm được xác định ưu đãi thuế TNDN cụ thể như sau:
- Nếu máy móc, thiết bị Chi nhánh mua bổ sung sau thời điểm dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, đồng thời hoạt động mua bổ sung máy móc, thiết bị này không thuộc hoạt động đầu tư thường xuyên cũng như không đáp ứng điều kiện về đầu tư mở rộng thì phần thu nhập phát sinh từ máy móc, thiết bị mua bổ sung nêu trên không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
- Về tổng giá trị và tỷ lệ đầu tư, Chi nhánh cần liên hệ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ.
Nội dung đầy đủ của Công văn như sau:
Trả lời văn bản số 310524/EIWO-CV ngày 31/05/2024 và văn bản số 081024/EIWO-CV ngày 08/10/2024 của Công ty TNHH Eiwo Rubber Mfg., Chi nhánh Hà Nam (gọi tắt là Chi nhánh) về việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Cục Thuế tỉnh Hà Nam có ý kiến như sau: – Căn cứ khoản 5, khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 quy định: “Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: …5. Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường. 6. Dự án đầu tư mới là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đầu tư đang hoạt động.” – Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN: “Điều 18. Điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 1. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai. 2. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng. Trường hợp trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp không tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế thì phần thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế xác định bằng (=) tổng thu nhập tính thuế nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh ưu đãi thuế so với tổng doanh thu hoặc tổng chi phí được trừ của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế. Trường hợp có khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ không thể hạch toán riêng được thì khoản doanh thu hoặc chi phí được trừ đó xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu hoặc chi phí được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh hưởng ưu đãi thuế trên tổng doanh thu hoặc chi phí được trừ của doanh nghiệp.” – Căn cứ khoản 5 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) quy định về dự án đầu tư mới: “5. Về dự án đầu tư mới: a) Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP là: – Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ ngày 01/01/2014 và phát sinh doanh thu của dự án đó sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. – Dự án đầu tư trong nước gắn với việc thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ ngày 01/01/2014. – Dự án đầu tư độc lập với dự án doanh nghiệp đang hoạt động (kể cả trường hợp dự án có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện) có Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 01/01/2014 để thực hiện dự án đầu tư độc lập này. … Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.. …” – Căn cứ điểm a khoản 6 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) quy định về đầu tư mở rộng: “6. Về đầu tư mở rộng a) Doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động như mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất (gọi chung là dự án đầu tư mở rộng) thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (bao gồm cả khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và Khu công nghiệp nằm trên địa bàn các đô thị loại I trực thuộc tỉnh) nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại điểm này thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (bao gồm mức thuế suất, thời gian miễn giảm nếu có) hoặc được áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại (không được hưởng mức thuế suất ưu đãi) bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn hoặc lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp chọn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại thì dự án đầu tư mở rộng đó phải thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP đồng thời cũng thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn với dự án đang hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp chọn hưởng ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng thì phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng được hạch toán riêng. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại thì thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng xác định theo tỷ lệ giữa nguyên giá tài sản cố định đầu tư mới đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trên tổng nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp. … Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư nâng cấp, thay thế, đổi mới công nghệ của dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP mà không đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại điểm này thì ưu đãi thuế thực hiện theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có). …b) Doanh nghiệp đang hoạt động được hưởng ưu đãi thuế có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, bổ sung ngành nghề sản xuất kinh doanh, nâng cao công suất (gọi chung là đầu tư mở rộng) không thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ- CP về thuế thu nhập doanh nghiệp thì không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng mang lại. …” – Căn cứ Điều 22 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về thủ tục thực hiện ưu đãi thuế TNDN: “Doanh nghiệp tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ (-) vào thu nhập tính thuế để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế…. ” Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế tỉnh Hà Nam có ý kiến như sau: – Về ưu đãi thuế TNDN: Đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định pháp luật hiện hành là dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng (đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn, lĩnh vực) nên về nguyên tắc: Thu nhập từ máy móc, thiết bị của dự án đầu tư mới được xét hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện đầu tư mới; Thu nhập tăng thêm từ máy móc, thiết bị của dự án đầu tư mở rộng được xét hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện về đầu tư mở rộng. Trường hợp dự án đầu tư “Nhà máy công ty TNHH Eiwo Rubber Mfg., Chi nhánh Hà Nam” đã kết thúc quá trình đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 7/2022; trong quá trình hoạt động, Chi nhánh có mua bổ sung máy móc, thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì phần thu nhập phát sinh từ các máy móc, thiết bị mua bổ sung thêm được xác định ưu đãi thuế TNDN cụ thể như sau: Nếu máy móc, thiết bị Chi nhánh mua bổ sung sau thời điểm dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, đồng thời hoạt động mua bổ sung máy móc, thiết bị này không thuộc hoạt động đầu tư thường xuyên cũng như không đáp ứng điều kiện về đầu tư mở rộng thì phần thu nhập phát sinh từ máy móc, thiết bị mua bổ sung nêu trên không được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Đề nghị Chi nhánh căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị, đối chiếu các quy định của pháp luật có liên quan để xác định các điều kiện ưu đãi thuế TNDN phù hợp với quy định hiện hành. – Về việc xác đinh tổng giá tri đầu tư và tỷ lệ giá tri đầu tư: Việc xác định tổng giá trị đầu tư và tỷ lệ giá trị đầu tư không thuộc chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của Cơ quan thuế; theo đó đề nghị Chi nhánh liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ giải đáp. Nếu có vướng mắc, Chi nhánh liên hệ Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế (0226.3851.553); Phòng Thanh tra – Kiểm tra số 1 (0226.3847.846) để được hướng dẫn. Cục Thuế tỉnh Hà Nam trả lời để Chi nhánh được biết, thực hiện./. |