Báo cáo tài chính của FPT giai đoạn 2022-2023 cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự phát triển và những thách thức trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Bài viết sẽ phân tích sâu ba báo cáo tài chính của FPT bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Từ phân tích 3 báo cáo trên, bài viết sẽ chỉ ra các điểm sáng nổi bật, những thách thức tiềm ẩn và các chỉ số quan trọng. Qua đó, độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn về ưu nhược điểm trong quản trị tài chính và hiệu quả kinh doanh của FPT, làm cơ sở cho các quyết định đầu tư và quản lý hiệu quả.
1. Phân tích bảng cân đối kế toán
1.1 Phân tích theo chiều ngang
Tổng tài sản của FPT đã tăng từ 51,650 tỷ đồng vào năm 2022 lên 60,283 tỷ đồng vào năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng khoảng 16.7%. Điều này cho thấy công ty đang mở rộng quy mô tài sản, thể hiện sự phát triển tích cực. Cụ thể:
- Tài sản ngắn hạn tăng từ 30,938 tỷ đồng lên 36,706 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18.6%. Đặc biệt, “Đầu tư tài chính ngắn hạn” tăng đáng kể từ 13,047 tỷ đồng lên 16,104 tỷ đồng (tăng 23.5%), chứng tỏ FPT đang tích cực tìm kiếm cơ hội sinh lời ngắn hạn.
- Bên cạnh đó, tài sản dài hạn cũng tăng từ 20,713 tỷ đồng lên 23,577 tỷ đồng (tăng 13.8%), phản ánh sự gia tăng đầu tư vào các dự án dài hạn và tài sản cố định.
Nợ phải trả của công ty cũng tăng từ 26,294 tỷ đồng lên 30,350 tỷ đồng (tăng 15.4%), cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính đang cao hơn so với năm trước. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 17% từ 24,521 tỷ đồng lên 29,652 tỷ đồng, điều này có thể ám chỉ công ty đã vay ngắn hạn nhiều hơn để phục vụ cho các hoạt động ngắn hạn hoặc dự án.
Vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 25,356 tỷ đồng lên 29,933 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 15.9%, cho thấy công ty vẫn duy trì được sự phát triển bền vững trong việc huy động vốn từ các cổ đông và tích lũy lợi nhuận.
1.2 Phân tích theo chiều dọc
Xét về cơ cấu tài sản, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn trong tổng tài sản của FPT với tỷ lệ khoảng 59.9% vào năm 2022 và 60.9% vào năm 2023. Điều này phản ánh công ty có chiến lược tập trung vào các khoản mục có tính thanh khoản cao, phù hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, nơi cần duy trì một mức độ thanh khoản nhất định để đáp ứng nhu cầu phát sinh trong ngắn hạn. Tỷ trọng của “Đầu tư tài chính ngắn hạn” trong tổng tài sản cũng tăng, cho thấy công ty có xu hướng đầu tư tích cực vào các kênh đầu tư ngắn hạn.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn vốn, khoảng 50.9% vào năm 2022 và giảm nhẹ xuống 50.3% vào năm 2023. Vốn chủ sở hữu tăng lên đáng kể và chiếm khoảng 48.9% tổng nguồn vốn vào năm 2023, cho thấy công ty đã tích lũy được nhiều hơn từ lợi nhuận giữ lại hoặc phát hành cổ phiếu. Tỷ trọng vốn chủ sở hữu tăng giúp cải thiện cơ cấu vốn, tăng tính ổn định và khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp.
Nhìn chung, tình hình tài chính của FPT đang có sự phát triển tích cực với việc tăng trưởng cả về tài sản và vốn chủ sở hữu. Mặc dù mức độ nợ phải trả vẫn còn cao, sự gia tăng của vốn chủ sở hữu và sự đầu tư tích cực vào các khoản tài sản ngắn hạn cho thấy công ty đang có chiến lược phát triển bền vững và linh hoạt trong quản lý tài chính.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính dễ hiểu – chi tiết từng bước
2. Phân tích Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Có thể đánh giá khái quát rằng tình hình kinh doanh của công ty trong năm 2023 rất tích cực với những tín hiệu tăng trưởng ổn định. Tổng doanh thu thuần đã tăng trưởng đáng kể so với năm 2022, cho thấy FPT đã thành công trong việc mở rộng thị phần, gia tăng quy mô hoạt động và phát triển các dịch vụ mới. Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng tốt, chứng tỏ công ty đã tối ưu hóa chi phí sản xuất và duy trì được hiệu quả hoạt động cao.
Đặc biệt, FPT đã có sự gia tăng rõ rệt trong lợi nhuận từ hoạt động tài chính, cho thấy các khoản đầu tư tài chính đang mang lại lợi ích, đồng thời giúp cải thiện tổng thể lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi vay, cũng tăng lên đáng kể, điều này cần được theo dõi để đảm bảo việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận trong tương lai.
Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, nhưng vẫn được kiểm soát tốt, không làm giảm đáng kể hiệu quả sinh lời từ hoạt động chính. Lợi nhuận thuần và tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đều tăng trưởng vững chắc, khẳng định rằng các chiến lược kinh doanh và quản lý của FPT đang phát huy hiệu quả.
Phân tích chi tiết
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng từ 44,023 tỷ đồng vào năm 2022 lên 52,625 tỷ đồng vào năm 2023, tương ứng mức tăng trưởng 19.6%. Có thể nhận định rằng trong năm 2022, FPT đã mở rộng thị phần hoặc tăng cường quy mô hoạt động, khẳng định năng lực cạnh tranh mạnh mẽ và khả năng tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và các dịch vụ khác. Việc doanh thu tăng mạnh có thể đến từ sự đa dạng hóa dịch vụ, cải tiến sản phẩm hoặc mở rộng mạng lưới khách hàng cả trong và ngoài nước.
Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp cũng tăng từ 26,842 tỷ đồng lên 32,298 tỷ đồng, tăng khoảng 20.3%. Mức tăng này cao hơn mức tăng của lợi nhuận gộp nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của doanh thu, cho thấy rằng mặc dù chi phí sản xuất tăng, FPT vẫn có thể quản lý tốt để duy trì mức lợi nhuận gộp tương đối cao.
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng từ 17,167 tỷ đồng lên 20,320 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18.4%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 1,999 tỷ đồng lên 2,336 tỷ đồng, tăng khoảng 16.8%. Nguyên nhân có thể do FPT đang tận dụng tốt các khoản đầu tư tài chính hoặc khai thác các hoạt động tài chính khác như tiền gửi, lãi suất, cổ tức từ các khoản đầu tư chiến lược.
Chi phí tài chính tăng mạnh từ 1,687 tỷ đồng lên 1,718 tỷ đồng, tăng 31 tỷ đồng so với năm 2022. Nguyên nhân chính có thể là do chi phí lãi vay tăng, từ 646 tỷ đồng lên 833 tỷ đồng, phản ánh việc FPT có thể đã tăng cường vay vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư vào các dự án mới. Mặc dù chi phí tài chính tăng, nếu các khoản vay được sử dụng hiệu quả, việc này vẫn có thể đem lại lợi ích lớn hơn trong tương lai.
Chi phí bán hàng cũng tăng từ 4,526 tỷ đồng lên 5,243 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 15.8%. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ từ 5,846 tỷ đồng lên 6,625 tỷ đồng, tăng 13.3%. Việc tăng chi phí bán hàng cho thấy FPT đã đầu tư nhiều hơn vào quảng cáo, marketing, và phân phối sản phẩm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng từ 7,589 tỷ đồng lên 9,073 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 19.6%. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tăng trưởng mạnh mẽ, tăng từ 7,589 tỷ đồng năm 2022 lên 9,243 tỷ đồng trong năm 2023, tăng khoảng 20.6%. Việc tăng lợi nhuận kế toán trước thuế cho thấy FPT đã duy trì được hiệu suất sinh lời ổn định, đồng thời cải thiện kết quả tài chính tổng thể. Việc duy trì mức lợi nhuận trước thuế cao cho phép công ty tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh hoặc các dự án chiến lược trong tương lai.
Lợi nhuận sau thuế đạt 7,788 tỷ đồng trong năm 2023, tương ứng mức tăng trưởng 20.3%. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả kinh doanh của công ty đã cải thiện đáng kể và các biện pháp quản lý thuế, chi phí tài chính đã phát huy tác dụng. Lợi nhuận sau thuế cao cũng đảm bảo lợi ích cho cổ đông và tạo điều kiện tốt để FPT tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Tóm lại, qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh ta có thể thấy tình hình kinh doanh của FPT trong năm 2023 tăng trưởng khá đồng đều về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời duy trì khả năng sinh lời cao.
3. Phân tích Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Để đánh giá chi tiết hơn về dòng tiền của Công ty CP FPT, chúng ta sẽ phân tích từng mục trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp, bao gồm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FPT tăng mạnh từ 5,054 tỷ đồng năm 2022 lên 9,517 tỷ đồng năm 2023. Sự gia tăng này chủ yếu nhờ vào các yếu tố sau:
- Lợi nhuận trước thuế tăng từ 7,662 tỷ đồng năm 2022 lên 9,203 tỷ đồng trong năm 2023 (tương đương tăng trưởng 20.3%), cho thấy hoạt động kinh doanh chính của FPT trong năm qua đã đạt được hiệu quả cao hơn, phản ánh sự tăng trưởng về doanh thu và kiểm soát chi phí tốt.
- Khấu hao tài sản cố định và bất động sản đầu tư tăng trưởng 24.8% so với năm 2022 ( từ 1,833 tỷ đồng lên 2,287 tỷ đồng). Việc tăng khấu hao tài sản cố định và bất động sản đầu tư có thể nhận thấy rằng công ty đang chính sách tập trung đầu tư vào tài sản dài hạn, giúp gia tăng năng lực sản xuất và kinh doanh trong tương lai.
- Chi phí lãi vay đã trả tăng từ 636 tỷ đồng lên 832 tỷ đồng, thể hiện việc FPT đã sử dụng vốn vay nhưng đồng thời cũng tích cực trả nợ lãi, giảm gánh nặng tài chính.
- Công ty đã giảm đáng kể các khoản phải thu từ âm 1,949 tỷ đồng xuống âm 1,163 tỷ đồng. Việc giảm các khoản phải thu trong năm 2023 cho thấy công ty đã thực hiện khá hiệu quả trong việc thu hồi công nợ và quản lý dòng tiền vào. Tồn kho cũng giảm từ âm 496 tỷ đồng xuống âm 302 tỷ đồng, phản ánh khả năng quản lý tồn kho hiệu quả hơn.
- Chi phí trả trước tăng từ âm 634 tỷ đồng lên 65 tỷ đồng, điều này có thể cho thấy FPT đã giảm bớt các chi phí trả trước hoặc cải thiện việc sử dụng các khoản thanh toán trước.
Tìm hiểu thêm về Cách đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối năm tài chính và cách hạch toán
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư của FPT trong năm 2023 âm 6,548 tỷ đồng, so với mức dương 5,757 tỷ đồng vào năm 2022, thể hiện sự thay đổi đáng kể trong chiến lược đầu tư.
- Chi tiêu mua sắm tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác tăng từ âm 3,215 tỷ đồng lên âm 3,976 tỷ đồng, Việc tăng chi phí trên có thể do công ty đang mở rộng cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư vào các dự án mới, nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Đây cũng có thể coi là một dấu hiệu tích cực cho thấy FPT đang xây dựng nền tảng cho tương lai, mặc dù điều này có thể tạo áp lực về dòng tiền ngắn hạn.
- Một yếu tố đáng chú ý là việc giảm tiền thu hồi cho vay và bán các công cụ nợ từ 40,696 tỷ đồng xuống còn 34,283 tỷ đồng, cho thấy FPT đã ít phụ thuộc hơn vào việc bán các khoản đầu tư ngắn hạn để duy trì dòng tiền.
- Việc mua thêm công cụ nợ cũng giảm mạnh từ âm 32,995 tỷ đồng xuống còn âm 34,393 tỷ đồng, cho thấy công ty đang điều chỉnh chiến lược quản lý tài chính đầu tư của mình.
Dòng tiền từ hoạt động tài chính
Dòng tiền từ hoạt động tài chính tiếp tục âm 1,681 tỷ đồng trong năm 2023, so với âm 980 tỷ đồng vào năm 2022. Điều này có thể nhận định do một vài yếu tố quan trọng như sau:
- Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu vẫn giữ nguyên ở mức 0, cho thấy FPT không huy động thêm vốn từ cổ đông trong năm vừa qua.
- Tiền vay ròng giảm từ 28,120 tỷ đồng năm 2022 xuống 24,271 tỷ đồng năm 2023, thể hiện công ty đã hạn chế vay thêm và có thể đang tập trung vào việc giảm mức nợ tổng thể.
- Tiền chi trả nợ gốc vay giảm từ âm 35,740 tỷ đồng xuống âm 32,552 tỷ đồng, chứng tỏ công ty đã trả nợ nhiều hơn và với mức giảm nợ cũng giúp FPT giảm bớt áp lực lãi vay trong tương lai.
- Chi trả cổ tức và lợi nhuận cho chủ sở hữu cũng tăng từ âm 2,222 tỷ đồng lên âm 2,931 tỷ đồng, cho thấy công ty tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức ổn định, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông.
Tổng quan về dòng tiền cuối kỳ: Cuối năm 2023, tiền và tương đương tiền cuối kỳ của FPT đạt 8,279 tỷ đồng, tăng 28.6% so với năm 2022. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh, bù đắp cho sự sụt giảm trong dòng tiền từ hoạt động đầu tư và tài chính. Có thể nhận xét rằng FPT đang có chiến lược kinh doanh hiệu quả, quản lý tài chính linh hoạt và khả năng tạo ra tiền mặt tốt từ hoạt động chính, dù phải đối mặt với các khoản chi lớn trong hoạt động đầu tư và trả nợ.
4. Đánh giá chung về tình hình tài chính công ty Cổ phần FPT
Ưu điểm
Trong năm qua, FPT đã thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là về mặt doanh thu và tổng tài sản. Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng đáng kể so với năm trước, cho thấy công ty đang mở rộng thị phần và duy trì sức cạnh tranh trên thị trường. Mức tăng trưởng doanh thu đã giúp cải thiện lợi nhuận gộp, phản ánh khả năng quản lý chi phí và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Điều này cho thấy FPT đã khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tổng tài sản của FPT cũng tăng đáng kể, trong đó tài sản ngắn hạn và dài hạn đều tăng trưởng. Giai đoạn 2022-2023, giá trị tổng tài sản của công ty tăng từ 51.650 tỷ đồng lên 60.283 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 16,7%. Tăng trưởng tài sản ngắn hạn, đặc biệt là tiền và các khoản tương đương tiền, cho thấy công ty có khả năng tạo ra dòng tiền mạnh và duy trì tính thanh khoản tốt, đảm bảo có đủ nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn cũng như nắm bắt các cơ hội đầu tư. Việc gia tăng tài sản dài hạn như đầu tư tài chính dài hạn và bất động sản đầu tư cho thấy FPT đang mở rộng quy mô và tìm kiếm các cơ hội sinh lời dài hạn, điều này hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích kinh tế bền vững trong tương lai.
Một trong những điểm sáng của FPT chính là khả năng khai thác hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài. Công ty đã sử dụng nợ vay, đặc biệt là nợ ngắn hạn, như một công cụ đòn bẩy tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh và đầu tư vào các dự án mới. Nhờ việc sử dụng linh hoạt đòn bẩy tài chính này, FPT có thể tiếp tục duy trì dòng tiền ổn định, đồng thời đảm bảo vốn lưu động để tài trợ cho các dự án phát triển dài hạn mà không gặp phải áp lực lớn về thanh khoản. Khả năng huy động vốn này cho thấy năng lực quản lý tài chính linh hoạt của FPT, giúp công ty không chỉ vượt qua những thách thức của thị trường mà còn mở rộng quy mô một cách đáng kể.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty trong năm 2023 đạt 7.788 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh 88,34%, phản ánh khả năng tạo ra dòng tiền ổn định và cải thiện khả năng thanh khoản ngắn hạn. Đặc biệt, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 28,6%, giúp FPT duy trì khả năng thanh toán và chuẩn bị sẵn sàng cho các cơ hội đầu tư tiềm năng.
Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của FPT cũng tăng trưởng mạnh, cho thấy khả năng tạo ra dòng tiền ổn định từ các hoạt động chính. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh năng lực quản lý tốt các hoạt động vận hành và tối ưu hóa dòng tiền để phục vụ cho các kế hoạch phát triển chiến lược của công ty. Tăng trưởng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giúp FPT đảm bảo khả năng chi trả và duy trì hoạt động liên tục mà không cần quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay.
Hạn chế
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng một số vấn đề tài chính của FPT cần được lưu ý. Nợ phải trả của công ty tăng lên, đặc biệt là nợ ngắn hạn,Trong năm 2023, nợ phải trả của công ty tăng 15,4% lên mức 30.350 tỷ đồng, đặc biệt nợ ngắn hạn tăng 20.9%, điều này có thể gây áp lực thanh khoản trong trường hợp dòng tiền không duy trì được ở mức ổn định. Điều này có thể gây áp lực lên khả năng thanh toán nếu không có biện pháp quản lý rủi ro tài chính hiệu quả, nhất là khi chi phí lãi vay cũng tăng lên mức 646 tỷ đồng, phản ánh sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính để mở rộng hoạt động có thể giúp tăng trưởng ngắn hạn, nhưng nếu không được kiểm soát tốt, sẽ tạo ra rủi ro tài chính khi phải đối mặt với biến động lãi suất hoặc các điều kiện thị trường không thuận lợi.
Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng âm 1.168 tỷ đồng, thể hiện các khoản chi trả nợ vay hoặc cổ tức cao, cần quản lý dòng tiền kỹ lưỡng để tránh gặp khó khăn về thanh khoản trong tương lai.
Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận giá trị âm 6.548 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm trước, cho thấy công ty đang đầu tư lớn vào các dự án dài hạn hoặc tài sản cố định. Mặc dù đây có thể là chiến lược mở rộng hợp lý, nhưng cần theo dõi hiệu quả của các khoản đầu tư này để đảm bảo chúng mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Nếu các khoản đầu tư không đạt hiệu quả, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng tài chính chung và làm giảm tính linh hoạt trong việc tái đầu tư.
Cuối cùng, dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng ghi nhận âm, mặc dù mức giảm đã được cải thiện so với năm trước. Điều này cho thấy FPT đang thực hiện các khoản trả nợ vay và chia cổ tức, làm giảm lượng tiền mặt sẵn có. Việc cân nhắc giữa chia sẻ lợi ích ngắn hạn cho cổ đông và tái đầu tư vào hoạt động dài hạn là yếu tố quan trọng để duy trì sự cân bằng tài chính và tăng trưởng bền vững.
Kết luận
Nhìn chung, Công ty Cổ phần FPT đã có một năm tăng trưởng ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận cao hơn, cùng với sự gia tăng về tổng tài sản. Công ty đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường và duy trì khả năng tạo dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sự gia tăng của nợ phải trả, đặc biệt là nợ ngắn hạn, và dòng tiền âm từ hoạt động đầu tư là những điểm cần lưu ý. Để đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, FPT cần tiếp tục cải thiện quản lý tài chính, đảm bảo các khoản đầu tư mới mang lại hiệu quả cao và duy trì cân bằng giữa việc sử dụng đòn bẩy tài chính và kiểm soát rủi ro.
Trên đây là bài phân tích báo cáo tài chính của Công ty FPT mà MISA AMIS đã tổng hợp và phân tích. MISA AMIS hy vọng rằng bài viết sẽ giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về quy trình phân tích, những kiến thức cơ bản về cách phân tích một báo cáo tài chính, từ việc xem xét các chỉ số quan trọng, đánh giá sức khỏe tài chính cho đến việc phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
MISA AMIS MISA không chỉ cung cấp những kiến thức hữu ích về kế toán giúp kế toán doanh nghiệp nắm vững các quy trình, mà còn phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS. Với những tiện ích và tính năng ưu việt, phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp:
- Hệ sinh thái kết nối: MISA AMIS kết nối đồng bộ với các phần mềm khác trong hệ sinh thái MISA, như phần mềm hóa đơn điện tử, bán hàng, nhân sự và quản lý tài sản, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý mọi hoạt động kinh doanh từ một nền tảng duy nhất.
- Tự động nhập liệu: Phần mềm kết nối ngân hàng để tự động nhập liệu hóa đơn, chứng từ và giao dịch ngân hàng, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian cho kế toán viên.
- Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: MISA AMIS hỗ trợ toàn diện các nghiệp vụ kế toán như lập và theo dõi báo cáo tài chính, quản lý công nợ, tính lương, quản lý thuế và các nghiệp vụ khác, đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành.
Đăng ký nhận tư vấn và dùng thử miễn phí 15 ngày tại đây