Hiện nay, tranh chấp về hợp đồng điện tử thường xuyên xảy ra khi không nắm rõ luật hoặc các bên cố tình vi phạm. Vậy, làm thế nào để giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử một cách nhanh chóng và hợp pháp để đảm bảo được tối đa quyền lợi của doanh nghiệp? Tham khảo ngay bài viết sau để biết chi tiết.
1. Tranh chấp về hợp đồng điện tử là gì?
Căn cứ tại Điều 51 luật Giao dịch điện tử 2005 có quy định:
“Tranh chấp trong giao dịch điện tử là tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch bằng phương pháp điện tử”
Từ điều luật trên có thể hiểu tranh chấp hợp đồng điện tử là sự tranh chấp phát sinh trong thời gian tạo lập, ký kết và thực hiện hợp đồng khiến lợi ích, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia bị xâm phạm.
Tranh chấp hợp đồng điện tử có thể chia thành các loại như:
- Tranh chấp hợp đồng điện tử với phạm vi trong nước và quốc tế;
- Tranh chấp hợp đồng điện tử hai bên và tranh chấp nhiều bên;
- Tranh chấp hợp đồng điện tử về sở hữu trí tuệ, tài chính, đầu tư;…
- Tranh chấp hợp đồng điện tử trong quá trình đàm phán, giao kết và thực hiện hợp đồng;
- Tranh chấp hợp đồng điện tử ở thời điểm hiện tại và ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các bên trong tương lai;…
Xem thêm:
- 5 Quy đinh về hợp đồng điện tử doanh nghiệp NHẤT ĐỊNH phải biết
- 7 quy định về hợp đồng điện tử nước ngoài doanh nghiệp cần NẰM LÒNG
2. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp hợp đồng điện tử
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp hợp đồng điện tử, cụ thể được chia làm 3 nhóm chính:
- Do chủ thể hợp đồng điện tử: Chủ thể hợp đồng không thực hiện đúng nghĩa vụ vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân hay doanh nghiệp của mình.
- Do vi phạm các quy định trong hợp đồng điện tử: Việc này phát sinh sau khi giao kết hợp đồng bởi các lý do như:
- Vi phạm đối tượng hợp đồng: kinh doanh, giao dịch các sản phẩm trái quy trịnh của pháp luật: ma túy, vũ khí, động vật quý hiếm,…
- Người ký hợp đồng không có tư cách pháp nhân theo quy định;
- Một trong các bên bị ép giao kết hợp đồng;…
- Do vi phạm các quy định khi giao kết hợp đồng: Nguyên nhân này ở hợp đồng điện tử có sự khác biệt với trạm chấp hợp đồng truyền thống bởi ngoài việc đảm bảo giao dịch đúng quy định của pháp luật nói chung, hợp đồng điện tử phải đảm bảo các quy tắc trong giao dịch điện tử:
- Quy định về hình thức của hợp đồng điện tử;
- Quy định về chữ ký số;
- Quy tắc chỉnh sửa hợp đồng điện tử;
- Quy tắc chia sẻ, bảo mật dữ liệu thông tin;…
3. 4 Cách giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử
Các bên có quyền tự do lựa chọn phương án để giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật tùy theo trường hợp và mong muốn. Dưới đây là 4 cách giải quyết tranh chấp hợp đồng như sau:
Cách 1: Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua thương lượng
Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua thương lượng là hình thức các bên tham gia hợp đồng tự đàm phán, thỏa thuận đi đến giải pháp giải quyết tranh chấp dựa trên tinh thần tự nguyện mà không cần sự can thiệp, tác động của bên thứ ba. Khi thống nhất quyết định giải pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng, các bên có trách nhiệm tự nguyện thực hiện các phương án như đã thỏa thuận trước đó.
Đặc điểm:
- Cơ thế tự giải quyết;
- Không chịu ràng buộc trình tự và giá trị pháp lý;
- Kết quả dựa vào sự tự nguyện và thiện chí của các bên;
Ưu điểm:
- Nhanh chóng, đơn giản, thủ tục linh hoạt, tiết kiệm chi phí;
- Giữ bí mật kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp;
- Duy trì mối quan hệ và khả năng hợp tác sau này;
Nhược điểm:
- Kết quả thương lượng giữa các bên sẽ thất bại và phải thực hiện giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử bằng cách khác nếu một hoặc các bên không thiện chí hợp tác và thiếu trung thực trong việc giải quyết tranh chấp;
- Kết quả thương lượng không được đảm bảo bằng cơ chế pháp lý mang tính chất bắt buộc bởi các bên không chuyên nghiệp, hiểu biết chuyên sâu về pháp lý và nghiệp vụ giải quyết tranh chấp;
Cách 2: Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua hòa giải viên
Hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử là phương thức giải quyết tranh chấp được Nhà nước khuyến khích. Bằng cách này, việc giải quyết tranh chấp của các bên sẽ có sự can thiệp của bên thứ ba độc lập – hòa giải viên. Hòa giải viên phải được các bên thỏa thuận, chỉ định làm người trung gian hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên có trách nhiệm thuyết phục, giúp các bên phát sinh tranh chấp tìm phương án giải quyết theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại.
Đặc điểm:
- Có sự can thiệp của bên thứ ba;
- Chịu sự ràng buộc trình tự nếu hòa giải theo pháp luật hoặc do tổ chức hòa giải thực hiện;
- Nếu được Tòa án công nhận thì kết quả hòa giải có giá trị ràng buộc pháp lý;
Ưu điểm:
- Nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm chi phí;
- Giữ bí mật kinh doanh và uy tín doanh nghiệp;
- Đảm bảo được sự tự nguyện, nghiêm túc phối hợp hòa giải của các bên;
Nhược điểm:
- Việc hòa giải không được thực hiện nếu không có sự đồng ý của các bên;
- Việc thỏa thuận hòa giải không mang tính bắt buộc thi hành;
- Nguy cơ Bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện nếu đối tác lợi dụng thủ tục hòa giải để chậm trễ việc thực hiện nghĩa vụ, cố tình kéo dài thời gian để hợp đồng điện tử quá hạn thời hiệu khởi kiện;
Cách 3: Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua Trọng tài
Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua Trọng tài là sự tham gia của bên thứ ba độc lập, bên này được gọi là Trọng tài. Việc lựa chọn Hội đồng Trọng tài phải có sự thỏa thuận và thống nhất của các bên. Để giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử có thể là:
- Trọng tài vụ việc: Tổ chức được thành lập, chỉ giải quyết một vụ việc tranh chấp theo yêu cầu của các bên và tự giải tán khi giải quyết xong tranh chấp;
- Trọng tài thường trực: Trung tâm trọng tài có trụ sở cố định, có danh sách trọng tài viên, hoạt động theo điều lệ riêng được thành lập để giải quyết các tranh chấp về kinh doanh và thương mại;
Đặc điểm:
- Có sự can thiệp của bên thứ ba;
- Chịu sự ràng buộc về trình tự theo quy chế của tổ chức Trọng tài;
- Thỏa thuận Trọng tài độc lập với hợp đồng điện tử;
- Kết quả giải quyết tranh chấp có giá trị pháp lý được thực hiện theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010;
Ưu điểm:
- Nhanh chóng, đơn giản;
- Chỉ có một cấp xét xử, quyết định của Trọng tài là chung thẩm và có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên;
- Tự do thỏa thuận xét xử thông qua Trọng tài và lựa chọn Trọng tài dựa trên năng lực, trình độ;
- Trọng tài có thể theo dõi quá trình tranh chấp của các bên để hiểu rõ và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất;
- Xét xử kín, giữ bí mật kinh doanh và hạn chế ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên;
Nhược điểm:
- Chi phí cao;
- Trọng tài không đại diện cho quyền lực tư pháp của Nhà nước nên tính cưỡng chế thi hành không cao, việc thực thi quyết định trọng tài phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên;
- Khi có khiếu nại của một trong các bên, phán quyết của Trọng tài có thể bị hủy bỏ hoặc yêu cầu Tòa án xem xét lại;
- Khó khăn trong việc lấy thông tin, xác minh, thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng nếu các bên không hợp tác do Trọng tài không có cơ quan thi hành;
Cách 4: Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua Tòa án
Giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử thông qua Tòa án với quy trình, thủ tục do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét xử và đảm bảo cưỡng chế thi hành với quyền lực của Nhà nước nên được các bên ưu tiên lựa chọn và là phương thức giải quyết có giá trị cao nhất. Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải được thực hiện hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đặc điểm:
- Có sự can thiệp của bên thứ ba;
- Quy trình làm việc rõ ràng;
- Đảm bảo cưỡng chế các bên thi hành với quyền lực Nhà nước;
- Thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Ưu điểm:
- Tiết kiệm chi phí;
- Đảm bảo các bên thực hiện quyết định bằng cưỡng chế nhà nước với cơ quan thi hành án chuyên trách có đầy đủ phương tiện để thi hành;
- Đảm bảo được bản án, quyết định khách quan, công bằng, đúng luật nhờ nhiều cấp xét xử;
Nhược điểm:
- Thiếu tính linh hoạt do các bên phải tuân thủ thủ tục tố tụng chung được pháp luật quy định;
- Thời gian kéo dài, khó dự đoán kết quả;
- Không đảm bảo bí mật thông tin các bên do xét xử công khai;
- Có thể phải qua nhiều cấp xét xử khác vì phán quyết của Tòa án thường bị kháng cáo;
4. Lưu ý cần biết trước khi khởi kiện tranh chấp về hợp đồng điện tử
Việc phát sinh tranh chấp về hợp đồng điện tử là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp mà các bên không thể tự thương lượng hòa giải, quý khách hàng cần lưu ý những vấn đề sau trước khi khởi kiện tranh chấp về hợp đồng điện tử:
Thứ nhất, các bên phải thực hiện hòa giải trước khi khởi kiện.
Ngay khi phát sinh tranh chấp, các bên cần bình tĩnh xem xét lại các giấy tờ liên quan và điều khoản hợp đồng để đánh giá mức tranh chấp hợp đồng. Từ đó có thể thương lượng, thỏa thuận cùng nhau đưa ra phương án giải quyết trước khi khởi kiện ra Toà án.
Thứ hai, xem xét khả năng thắng kiện của doanh nghiệp.
Để đánh giá khả năng thắng kiện, các bên cần làm việc với luật sư uy tín để được nhận tư vấn về vấn đề tranh chấp của doanh nghiệp. Có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp tự từ bỏ quyền lợi vì giá trị tranh chấp không đáng kể hoặc không có khả năng thắng kiện.
Thứ ba, chủ động thu thập đầy đủ chứng cứ điện tử liên quan đến tranh chấp.
Các chứng cứ điện tử phải có giá trị pháp lý chỉ khi dữ liệu điện tử được thu thập theo trình tự, thủ tục do luật pháp quy định. Do vậy bạn nên sử dụng dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử ở đơn vị uy tín.
Chứng cứ điện tử được chia thành các loại:
- Dựa vào cấu tạo chứng cứ điện tử: chữ ký điện tử, mật mã điện tử, ký hiệu điện tử, thông điệp dữ liệu điện tử, tài liệu lưu trữ điện tử;
- Dựa vào nguồn chứng cứ điện tử: chứng cứ điện tử do con người tạo ra, chứng cứ điện tử do máy tính tự động tạo ra;
- Dựa vào khả năng lưu trữ: dữ liệu điện tử truyền thông, dữ liệu điện tử trong hệ thống Thông tin và Truyền thông;
Thứ tư, các bên cần nắm rõ chi phí giải quyết tranh chấp.
Khi khởi kiện tranh chấp hợp đồng điện tử, quý khách hàng cần nắm rõ mức phạt và án phí gửi Nhà nước mà doanh nghiệp phải chi trả cho vụ kiện. Mức phạt được thực hiện với hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm theo thỏa thuận của các bên trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Doanh nghiệp phải nộp tiền tạm ứng án phí trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của nhà nước.
Trên đây là những vấn đề cần lưu ý về tranh chấp hợp đồng điện tử mà quý khách hàng cần đặc biệt lưu ý. MISA hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích được doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết. Nếu cần hỗ trợ, quý khách hàng hãy để lại thông tin dưới đây để được đội ngũ MISA hỗ trợ sớm nhất.