THỜI ĐIỂM PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

25/08/2023
176

Những năm gần đây, bảo hiểm đã gắn liền với đời sống mỗi người với mục tiêu tích lũy và nhận trợ cấp dựa vào một khoản đóng góp trong trường hợp xảy ra rủi ro. Nhưng, khi thực sự phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, không phải ai cũng đủ bình tĩnh và nắm rõ những thông tin cần thiết. Do vậy, MISA mang đến cho quý khách hàng những thông tin hữu ích về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm và các điều cần lưu ý dưới đây:

1. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là gì?

Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm chính là thời điểm hợp đồng bảo hiểm được giao kết hoặc khi có đầy đủ các bằng chứng chứng minh daonh nghiệp đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua đã đóng phí bảo hiểm, trừ những trường hợp khác được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

Cụ thể thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm được quy định rõ tại Khoản 6 Điều 1 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010:

  • TH1: Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm;
  • TH2: Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong hợp đồng có cam kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về thời hạn bên mua bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm;
  • TH3: Có chứng cứ chứng minh hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm.

3. Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm

Mặc dù sự kiện bảo hiểm là điều mà cả bên mua và doanh nghiệp bảo hiểm đều không mong muốn xảy đến với chính khách hàng của mình, tuy nhiên mỗi một sự kiện diễn ra trong thực tế cuộc sống là điều không thể nào lường trước được. Do vậy, khi phát sinh sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm cần bình tĩnh, chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

3.1. Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về sự kiện bảo hiểm

Điểm đ, khoản 2, điều 21, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về sự kiện bảo hiểm của bên mua bảo hiểm như sau:

“Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong giám định tổn thất”.

Thông báo sự kiện bảo hiểm

Như vậy, khi phát sinh sự kiện bảo hiểm, quý khách hàng hãy thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm mình đang tham gia biết về sự kiện bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm bằng một trong các cách sau:

  • Gọi điện cho Hotline của doanh nghiệp bảo hiểm.
  • Thông báo cho đại lý/người phụ trách hợp đồng bảo hiểm của mình.
  • Liên lạc với doanh nghiệp bảo hiểm qua các kênh trực tuyến như Cổng thông tin khách hàng, ứng dụng của doanh nghiệp bảo hiểm, hay các kênh mạng xã hội chính chủ như Zalo, Fanpage,…

3.2. Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết

Việc quý khách hàng cần làm sau khi thông báo với phía doanh nghiệp bảo hiểm về sự kiện bảo hiểm xảy ra là chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết để làm yêu cầu nhận tiền bồi thường. Với mỗi yêu cầu quyền lợi, quý khách hàng sẽ phải chuẩn bị giấy tờ khác nhau, MISA xin chỉ ra 03 yêu cầu thường xuyên nhất về yêu cầu quyền lợi bảo hiểm và các giấy tờ không thể thiếu:

  • Yêu cầu quyền lợi khi nằm viện: Giấy nhập/xuất viện, hồ sơ bệnh án, các kết quả xét nghiệm (nếu có).
  • Yêu cầu quyền lợi tai nạn: Kết quả giám định của cơ quan công an, kết quả chẩn đoán thương tật,…
  • Yêu cầu quyền lợi bệnh lý nghiêm trọng: Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán tình trạng bệnh,…

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm

4.1. Xác định hiện trạng đối tượng bảo hiểm khi phát sinh sự kiện 

Khoản 11, điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chỉ rõ:

“Giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất và tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm”.

Khi nhận được thông tin về việc phát sinh sự kiện bảo hiểm với khách hàng của mình, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ nhanh chóng xác định tình trạng, hiện trạng của đối tượng bảo hiểm, thu thập các thông tin liên quan một cách cẩn thận, chính xác theo quy định của pháp luật để xác minh rằng có hay không việc bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm cố tình sửa đổi tình trạng, làm giả kết quả giám định tổn thất để trốn tránh trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho bên mua bảo hiểm, tức là doanh nghiệp bảo hiểm đã vi phạm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và phải chịu mọi trách nhiệm trước cơ quan chức năng có thẩm quyền về hành vi sai phạm.

4.2. Thu thập tài liệu liên quan đến sự kiện bảo hiểm

Như đã nói ở trên, khi phát sinh sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm hợp tác với bên mua bảo hiểm và các bên có liên quan để thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết giúp hoàn thiện hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính minh bạch, đảm bảo sự chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Doanh nghiệp thu thập tài liệu

Doanh nghiệp bảo hiểm cần liên hệ với các bên liên quan đến sự kiện bảo hiểm, cơ quan chức năng để thu thập những tài liệu sau:

  • Tài liệu minh chứng thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của đối tượng bảo hiểm (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản gốc).
  • Tài liệu liên quan đến sự thiệt hại đối với tài sản.
  • Tài liệu liên quan khác của Cơ quan Công an trong các vụ tai nạn gây thương vong với bên thứ ba và hành khách, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông (Bản sao).
  • Biên bản giám định xác định nguyên nhân và tình trạng tổn thất do sự kiện bảo hiểm. Biên bản này do doanh nghiệp bảo hiểm lập và phải có sự thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm.

4.3. Công tác giám định

Điều 53, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định công tác giám định tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm như sau:

– Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, tình trạng và mức độ tổn thất. Mọi chi phí giám định tổn thất phải do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

– Nếu xảy ra tình trạng các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm giám định thì các bên có thể thương lượng việc thuê giám định viên độc lập (trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm). Nếu vẫn không thống nhất được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền khởi kiện và yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hoặc Trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Lúc này, kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên tham gia bảo hiểm.

4.4. Xác định trách nhiệm bồi thường hay không bồi thường 

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường hay không bồi thường cho bên mua bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

– Trách nhiệm bồi thường:

+ Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; (Điểm g, khoản 2, điều 20, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

+ Trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba. (Khoản 2, điều 59, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

– Trách nhiệm không bồi thường:

+ Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; (Điểm d, khoản 1, điều 20, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

+ Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản được bảo hiểm bị tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. (Điều 50, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Doanh nghiệp có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

Do vậy, quý khách hàng cũng cần lưu ý rằng: Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có nghĩa vụ bồi thường khi sự kiện bảo hiểm thuộc nguyên nhân khách quan và nằm trong phạm vi thỏa thuận của hợp đồng, pháp luật quy định. Với những sự kiện bảo hiểm mang tính chất chủ quan như vi phạm pháp luật, cam kết,… rơi vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo luật định thì doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.

4.5. Thông báo và nghĩa vụ thông báo 

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thông báo và nghĩa vụ thông báo cho bên mua bảo hiểm về mọi thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh việc giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua, doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần thông báo cho bên mua bảo hiểm biết về việc rủi ro xảy ra với bên mua bảo hiểm có thuộc sự kiện bảo hiểm hay không và kết luận bồi thường hay không bồi thường với rủi ro đó. Thông báo này thường được thể hiện dưới hình thức văn bản và phải dựa vào kết quả thu thập tài liệu, giám định tổn thất hợp lệ trước đó.

Trên đây là những thông tin thực sự hữu ích về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Dù không mong muốn quý khách hàng xảy ra sự kiện bảo hiểm không vui trong cuộc sống, nhưng hy vọng những thông tin mà MISA mang lại về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm sẽ giúp ích cho quý khách hàng khi cần thiết.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả