Cách để vượt qua 6 thách thức marketing phổ biến nhất

14/08/2019
1967

Những khó khăn, thách thức thường gặp nhất trong quá trình marketing nên được giải quyết như thế nào cho hiệu quả?

Mỗi doanh nghiệp đều sẽ phải trải qua một khoảng thời gian đối mặt với những thách thức khác nhau, đặc biệt là với sự phát triển và các chiến thuật marketing đang thay đổi từng ngày. Trở lại những năm 80 và 90, khi thế giới marketing bắt đầu thay đổi, sự tập trung cho ý tưởng đã dần được chuyển sang những phương pháp marketing định lượng được bằng con số nhiều hơn. Kể từ đó, marketing trong thế kỷ 21 đã thay đổi ngoài sức tưởng tượng, thay đổi để trở nên linh hoạt, kết nối và có tính xã hội hơn.

Thông thường, tất cả các nhà marketing đều có chung một mục tiêu, nhưng một vài người có thể gặp khó khăn khi chuyển đổi khách hàng tiềm năng (lead) thành khách hàng thật sự (customer), một số khác thì lại có thể đang chật vật để tăng lượng truy cập vào trang web của họ. Dù có vấn đề gì đi chăng nữa thì vẫn luôn có những marketer có khả năng giải quyết được những khó khăn ấy.

Dưới đây là 6 giải pháp cho những thách thức marketing phổ biến nhất hiện nay mà doanh nghiệp nào cũng có thể gặp phải:

1. Áp lực phải nổi bật trong cuộc chơi

Việc cố gắng làm cho doanh nghiệp của mình nổi bật trong một thị trường đông đúc có thể sẽ khá khó khăn với nhiều chủ doanh nghiệp. Theo như báo cáo về digital marketing của Experian gần đây, thách thức hàng đầu với các nhà kinh doanh chính là xây dựng được độ nhận biết thương hiệu trong mắt khách hàng. Nếu bạn muốn bán một sản phẩm có công dụng tuyệt vời nhưng lại không ai biết đến thương hiệu của sản phẩm ấy, thì chắc chắn nó sẽ không bao giờ được ngó tới, và theo một lẽ tất nhiên, sẽ dần dần chìm vào quên lãng. Vì vậy, việc làm cho thương hiệu của mình nổi bật sẽ giúp doanh nghiệp khẳng định được vị trí của mình trong lòng mỗi khách hàng.

Giải pháp: Hãy cố gắng tìm hiểu những điều làm cho doanh nghiệp của bạn trở nên đặc biệt và nổi bật hơn so với đối thủ, và sử dụng điều đó để làm lợi thế cạnh tranh cho mình. Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện các cuộc khảo sát với các khách hàng hiện tại để tìm hiểu lý do tại sao họ chọn thương hiệu của bạn, từ đó có thể hiểu rõ hơn lý do mà doanh nghiệp nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh.

2. Tăng mức độ nhận diện thương hiệu và điều chỉnh lượng truy cập kênh

Là một nhà marketing sắc sảo, bạn có thể muốn lao ngay vào xây dựng độ nhận thức và lưu lượng truy cập website. Tuy nhiên trước khi bắt đầu chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thật thì bạn cần phải khiến cho mọi người biết rằng bạn đang có một sản phẩm hoặc dịch vụ muốn cung cấp. Một thách thức chính mà các marketer thường gặp phải là tạo ra độ nhận biết nhưng lại không có triển vọng để marketing hoặc không biết nên nỗ lực tập trung marketing trên kênh nào.

Giải pháp: Hãy nhìn vào cách bạn đang “marketing” cho chính bản thân mình: Bạn có viết blog cho trang web riêng? Hay có xây dựng hình ảnh bản thân trên một mạng xã hội phù hợp? Marketing cho thương hiệu cũng tương tự như vậy. Bằng cách tận dụng các kênh truyền thông phù hợp, bạn có thể xây dựng được nhận thức về doanh nghiệp, từ đó sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được nhiều hơn. Ngoài ra, sử dụng các công cụ phân tích sẽ giúp bạn có thể quản lý từng kênh và xác định kênh nào hoạt động tốt nhất, sau đó tập trung quảng cáo hoàn toàn trên các kênh đó để đạt được hiểu quả tối đa.

3. Nhắm đúng mục tiêu một cách hiệu quả

Một trong những điều đầu tiên mà bất kỳ marketer nào cũng cần làm là xác định được tập khách hàng mục tiêu để xem ai là người mà doanh nghiệp nên tập trung quan tâm. Để thu hút sự chú ý của những đối tượng này, bạn cần phải cho họ cảm thấy mình đang nhận được những giá trị nhất định từ doanh nghiệp. Vậy phải làm như thế nào?

Giải pháp: Trước tiên, bạn cần xác định mục tiêu của mình. Hãy chú ý đến nhân khẩu học (demographics) để xác định nhu cầu của khách hàng, và từ dữ liệu đó, bạn có thể phát triển chiến lược marketing dựa trên những hành vi tiêu dùng của họ.

Bước tiếp theo, hãy chia nhỏ nhóm đối tượng ấy thành nhiều phân khúc khác nhau. Khi đó, bạn sẽ có thể xác định nội dung truyền tải chặt chẽ hơn, khiến cho mỗi thông điệp chạm đến từng nhóm khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả nhất.

Cuối cùng, bằng cách xác định những gì mà từng nhóm khách hàng tiềm năng đang tìm kiếm, bạn có thể bắt đầu cung cấp cho họ những giá trị mà họ mong muốn. Hãy đặt ra nhưng câu hỏi như “Nội dung mà bạn đăng tải cung cấp được thông tin hữu ích gì cho khách hàng?” hay “Sản phẩm của bạn có giải quyết được những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải?” Hãy ghi nhớ những câu hỏi này khi nhắm đến đối tượng mục tiêu và đảm bảo rằng thông điệp và giá trị mà bạn trao đi có liên quan đến họ.

4. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để kéo khách hàng và doanh thu

Trước đây, đối với một số doanh nghiệp, social media (kênh truyền thông xã hội) vẫn là một khái niệm tương đối mới. Khi social media dần bùng nổ, nhiều doanh nghiệp không biết phải làm gì với tài khoản mạng xã hội của họ; họ chỉ biết rằng họ nên sử dụng chúng mà thôi. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, nếu thương hiệu của bạn chỉ hiện diện trên mạng xã hội thôi thì nó sẽ bị lu mờ và lãng quên mãi mãi. Điều bây giờ bạn cần làm là nhắm đúng khách hàng mục tiêu, thu hút họ và đồng thời phát triển các kênh social media, xây dựng trang web/fanpage chất lượng để biến nó thành một nguồn khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp của mình.

Giải pháp: Cách tốt nhất để tăng doanh số là cung cấp cho team sale của bạn những thông tin về hành vi và tương tác của khách hàng tiềm năng với công ty trên mạng xã hội. Điều này sẽ giúp cho những nhân viên kinh doanh dễ dàng tiếp cận khách hàng với thông tin cụ thể về hoạt động của người đó.

5. Đo lường hiệu quả hoạt động

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các công cụ phân tích tiên tiến, các marketer đang dần được tiếp cận một tiêu chuẩn cao hơn. Không còn đơn giản chỉ là làm marketing, giờ đây bạn phải có khả năng đo lường hiệu quả của chiến dịch đối với mỗi nhóm khách hàng tiềm năng, khách hàng hiện tại và doanh thu.

Giải pháp: Hãy bắt đầu đo lường các chiến dịch marketing của mình bằng những công cụ phân tích có sẵn. Đối với các sáng kiến ​​để mang về khách hàng tiềm năng, bạn có thể xem xét sử dụng phần mềm theo dõi cuộc gọi và các ứng dụng thu hút khách hàng tiềm năng khác có liên quan để theo dõi kết quả. Bằng cách đó, bạn cũng sẽ theo dõi được mức độ ảnh hưởng của chiến dịch bên cạnh việc thu được khách hàng tiềm năng.

6. Bắt kịp xu hướng marketing

Trong vài năm qua, marketing đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, chẳng hạn như phương tiện truyền thông in ấn đã được chuyển sang những ấn phẩm online, hay như những năm gần đây, chúng ta đã được chứng kiến ​​sự suy tàn của thư gửi trực tiếp và chào hàng qua điện thoại. Chính vì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã mở ra các công cụ mới giúp giao tiếp với khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn, nên việc bắt kịp những xu thế mới trong thời đại hiện nay là vô cùng cần thiết.

Giải pháp: Để đảm bảo theo kịp xu hướng marketing, bạn hãy đầu tư một chút thời gian tìm hiểu về những xu thế phát triển mới nhất trong ngành từ các blog marketing trong nước lẫn nước ngoài để học tập những cách làm marketing thành công của những thương hiệu lớn trên thế giới. Đồng thời cập nhật thường xuyên những tin tức mới trong ngày, từ tin thời sự cho đến những câu chuyện nhỏ nhưng được lan truyền phổ biến trên mạng, hay thậm chí là những câu nói hài hước nhưng lại đang đang trở nên thịnh hành. Tất cả những thông tin bạn thu được đều có thể chuyển thành ý tưởng sáng tạo hoặc cũng có thể là chất liệu chính để làm marketing một cách hiệu quả nhất.

Trên đây là một số giải pháp dành cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình marketing. Dù ít hay nhiều thì chắc chắn doanh nghiệp nào cũng sẽ có lúc gặp phải, tuy nhiên hãy nhớ rằng, mọi vấn đề dẫu có nan giải đến đâu thì cũng đều có cách giải quyết nếu có sự quyết tâm đến cùng.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả