Đăng ký kinh doanh là thủ tục mà bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng cần thực hiện để đảm bảo hoạt động kinh doanh minh bạch, hợp pháp theo quy định. Trong bài viết dưới đây, MISA AMIS sẽ gửi đến bạn các hướng dẫn chi tiết và lưu ý khi đăng ký kinh doanh vào năm 2023.
I. Giới thiệu chung về thủ tục đăng ký kinh doanh
Đăng ký kinh doanh là văn bản công nhận sự ra đời của một chủ thể kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Theo đó, chủ thể kinh doanh có thể là các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty tư nhân,… hoặc hộ kinh doanh cá thể.
Căn cứ Điều 6 Luật Thương mại 2005, đăng ký kinh doanh là hoạt động bắt buộc mà các tổ chức kinh tế và cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên phải tiến hành khi kinh doanh.
Một số trường hợp không phải đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo): Hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định.
- Buôn bán vặt: Hoạt động mua, bán vật dụng nhỏ lẻ, có hoặc không có địa điểm cố định.
- Bán quà vặt: Hoạt động mua, bán đồ ăn, nước uống, bánh kẹo, có hoặc không có địa điểm cố định.
- Buôn chuyến: Hoạt động mua hàng từ nơi khác về khu vực mình theo từng chuyến với mục đích bán lại cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.
- Cung cấp dịch vụ: đánh giày, bán vé số, sửa khóa, sửa xe, trông xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh hay các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
- Hình thức kinh doanh online nhỏ lẻ tự phát: Hoạt động trao đổi, mua bán sản phẩm thương mại trên Internet thông qua Website bán hàng, mạng xã hội hay kênh thương mại điện tử.
MỜI BẠN ĐĂNG KÝ NHẬN NGAY EBOOK MIỄN PHÍ: NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT KHI LẬP KẾ HOẠCH NĂM 2023 CHO DOANH NGHIỆP |
II. Hướng dẫn đăng ký 6 mô hình kinh doanh phổ biến nhất
Hiện nay, pháp luật quy định các cá nhân, tổ chức được phép đăng ký kinh doanh thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Khác với kinh doanh hộ cá thể, chủ sở hữu doanh nghiệp được lựa chọn một trong những loại hình sau:
- Thành lập doanh nghiệp tư nhân.
- Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Thành lập công ty cổ phần.
- Thành lập công ty hợp danh.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn bản chất, ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình, MISA AMIS đã tiến hành tổng hợp, phân tích tổng quan các phương án đăng ký kinh doanh tại đây:
1. Đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể
Căn cứ Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên trong hộ gia đình đăng ký thành lập. Người đại diện chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình trước những hoạt động kinh doanh của hộ cá thể.
Trong trường hợp hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì cần ủy quyền cho một thành viên duy nhất làm đại diện. Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký một hộ duy nhất trong phạm vi toàn quốc. Họ có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
1.1. Ưu điểm khi thành lập hộ kinh doanh cá thể
- Hộ kinh doanh không phải kê khai thuế hàng tháng mà áp dụng chế độ thuế khoán và hóa đơn trực tiếp. Vì vậy, công tác quản lý sổ sách, hồ sơ kế toán đơn giản hơn cho chủ hộ.
- Quy mô nhỏ phù hợp với hộ gia đình kinh doanh hoặc cá nhân bắt đầu khởi nghiệp ở lĩnh vực cung cấp hàng hóa tiêu dùng trực tiếp đến các cá nhân khác như buôn bán quần áo, dịch vụ ăn uống, thiết kế thời trang, buôn bán tạp hóa.
- Đăng ký hình thức hộ kinh doanh cá thể được phép chuyển đổi sang đăng ký thành lập doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần nếu chủ sở hữu mong muốn chuyển đổi loại hình.
- Chủ sở hữu quản lý, quản trị hoạt động kinh doanh đơn giản.
1.2. Nhược điểm khi thành lập hộ kinh doanh cá thể
- Hộ kinh doanh đóng thuế trực tiếp nên những đối tác sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Điều này khiến hộ kinh doanh bị hạn chế trong quá trình tìm kiếm đối tác, bạn hàng.
- Hộ kinh doanh cá thể là hình thức kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Chủ hộ phải chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh. Đây là hạn chế lớn của hộ cá thể so với công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần.
2. Đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm chính bằng toàn bộ tài sản của mình trước mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là một cá nhân duy nhất có toàn quyền quyết định đối với mọi hoạt động và việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế cùng các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Pháp luật.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2.1. Ưu điểm khi đăng ký doanh nghiệp tư nhân
- Chủ sở hữu công ty tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định, giải quyết các vấn đề kinh doanh của tổ chức.
- Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo ra sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng. Từ đó giúp cho doanh nghiệp không phải chịu sự ràng buộc pháp luật chặt chẽ như các loại hình doanh nghiệp khác.
2.2. Nhược điểm khi thành lập doanh nghiệp tư nhân
- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của bản thân.
>> Bài viết mới nhất không thể bỏ qua: [Cập nhật] Những điều công ty mới thành lập cần làm năm 2023
3. Đăng ký kinh doanh công ty hợp danh
Đặc điểm của công ty hợp danh:
- Công ty hợp danh phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh, bên cạnh đó là các thành viên góp vốn.
- Thành viên hợp danh phải là các cá nhân có trình độ chuyên môn cùng uy tín trong nghề. Họ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi quyền hạn, nghĩa vụ của công ty.
- Các thành viên góp vốn khác chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong giới hạn phạm vi số vốn đã góp ban đầu.
- Công ty hợp danh là đơn vị có tư cách pháp nhân, tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, thành viên hợp danh nắm quyền quản lý, thực thi những hoạt động kinh doanh nhân danh công ty, cùng liên đới chịu trách nhiệm chung. Thành viên góp vốn được chia lợi nhuận theo tỷ lệ quy định tại Điều lệ công ty nhưng không có quyền tham gia quản lý hay vận hành công ty.
3.1. Ưu điểm khi đăng ký kinh doanh công ty hợp danh
- Công ty hợp danh sở hữu ưu điểm nổi bật khi kết hợp được mức độ uy tín của nhiều người. Nhờ chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty nhận được sự tin cậy, tín nhiệm của khách hàng và đối tác.
- Công tác điều hành tổ chức không quá phức tạp vì số lượng các thành viên ít, các thành viên hợp danh không chỉ có uy tín, kinh nghiệm mà còn tuyệt đối tin tưởng lẫn nhau.
3.2. Nhược điểm khi đăng ký kinh doanh công ty hợp danh
- Chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn tạo nên tỷ lệ rủi ro cao cho các thành viên hợp danh.
- Loại hình doanh nghiệp này thường chỉ áp dụng với một số lĩnh vực như luật, kiểm toán, thuế,…
4. Đăng ký kinh doanh công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có một tổ chức/cá nhân giữ vai trò chủ sở hữu và chịu trách nhiệm trước các khoản nợ hay nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ.
4.1. Ưu điểm khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân nên các thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp, nên không gặp nhiều rủi ro.
- Chủ sở hữu giữ toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty.
4.2. Nhược điểm khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn những loại hình doanh nghiệp khác.
- Việc huy động vốn bị hạn chế do công ty chỉ có một thành viên và không có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
- Thời gian góp vốn của công ty là 90 ngày, tính từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài bắt buộc phải xây dựng được một kế hoạch hoạt động bài bản. Thấu hiểu điều đó, MISA AMIS đã tổng hợp Ebook chuyên sâu nhằm hỗ trợ người lãnh đạo, quản lý lập kế hoạch tối ưu. Mời bạn tìm hiểu ngay:
EBOOK MIỄN PHÍ: NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT KHI LẬP KẾ HOẠCH NĂM 2023 CHO DOANH NGHIỆP |
5. Đăng ký kinh doanh công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm các thành viên chịu trách nhiệm về khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức trong phạm vi số vốn đã cam kết đóng góp.
Thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân với số lượng từ hai đến tối đa năm mươi. Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày nhận giấy chứng nhận kinh doanh.
5.1. Ưu điểm khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân, các thành viên chỉ cần trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào. Vì vậy hình thức kinh doanh này ít gây rủi ro cho người góp vốn.
- Số lượng thành viên giới hạn và thường là người quen biết, tin cậy lẫn nhau nên việc quản lý, điều hành công ty dễ dàng hơn.
- Chế độ chuyển nhượng vốn được quy định chỉnh chặt chẽ, nhà đầu tư kiểm soát sát sao việc thay đổi thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào tổ chức.
5.2. Nhược điểm khi thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn những loại hình doanh nghiệp khác.
- Hoạt động huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế vì không có quyền phát hành cổ phiếu.
- Thời gian góp vốn của công ty là 90 ngày, tính từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
6. Đăng ký kinh doanh công ty cổ phần
Đặc điểm của công ty cổ phần:
- Vốn điều lệ công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau là cổ phần.
- Cổ đông chịu trách nhiệm về nợ, nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp.
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo mong muốn, trừ trường hợp cổ đông này sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân với số lượng tối thiểu từ ba và không hạn chế số lượng tối đa.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân tính từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty cổ phần cũng có quyền phát hành chứng khoán căn cứ vào quy định của pháp luật về chứng khoán.
6.1. Ưu điểm khi công ty cổ phần
- Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là hữu hạn nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao.
- Cơ cấu vốn của công ty tương đối linh hoạt, tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty.
- Công ty cổ phần có khả năng huy động vốn thuận lợi thông qua việc phát hành cổ phần hoặc cổ phiếu. Đây là đặc điểm riêng chỉ có ở loại hình công ty cổ phần.
- Thủ tục chuyển nhượng vốn dễ dàng, bởi vậy không giới hạn phạm vi đối tượng tham gia. Ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
6.2. Nhược điểm khi đăng ký kinh doanh công ty cổ phần
- Công tác quản lý và điều hành công ty phức tạp do số lượng các cổ đông lớn, có nhiều người không quen biết nhau. Thậm chí, ban lãnh đạo có thể gặp khó khăn vì sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng, tranh giành lợi ích.
- Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần phức tạp hơn các loại hình doanh nghiệp khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi quy định pháp luật, đặc biệt là chế độ tài chính, kế toán.
- Chỉ những cổ đông sáng lập mới có tên hiển thị trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia ( không bị mất đi dù chuyển nhượng hết vốn). Các cổ đông góp vốn chuyển nhượng cho nhau chỉ thực hiện tại nội bộ doanh nghiệp.
>> Chỉ có tại MISA AMIS: Top 6 loại phần mềm cho doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay
V. Các vấn đề cần lưu ý khi đăng ký kinh doanh
1. Chủ thể đăng ký kinh doanh
Theo quy định, không phải ai cũng có quyền hoạt động kinh doanh và đăng ký kinh doanh. Với trường hợp đăng ký kinh doanh hộ cá thể thì những cá nhân sau không được đăng ký:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, người không làm chủ được nhận thức, hành vi của bản thân.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chịu phạt tù hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện, giáo dục bắt buộc hoặc, người bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Với trường hợp đăng ký thành lập doanh nghiệp, tổ chức/cá nhân tham gia vào doanh nghiệp cần có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, tổ chức/cá nhân không thuộc đối tượng bị nhà nước cấm dựa vào Điều 17 Luật, Doanh nghiệp 2020:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng.
- Cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Luật Cán bộ, công chức và viên chức.
- Sĩ quan, quân nhân, công nhân, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam. Trừ trường hợp người này được cử làm đại diện để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý một nghiệp vụ chuyên môn trong doanh nghiệp nhà nước. Trừ trường hợp người này được đề cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác theo ủy quyền.
- Người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị mất năng lực hành vi dân sự, người không làm chủ nhận thức, hành vi, tổ chức không có tư cách pháp nhân.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chịu phạt tù hoặc đang bị xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện, giáo dục bắt buộc hoặc người bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
- Một số trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Tổ chức là pháp nhân thương mại đã bị cấm hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thông thường, khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh người đại diện không phải chứng minh rằng mình không thuộc các trường hợp bị cấm nêu trên. Tuy nhiên, Cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn có quyền yêu cầu người đại diện phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp để chứng minh nhân thân.
2. Tên doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh
Các cá nhân/tổ chức khi đăng ký kinh doanh phải lưu ý về việc đặt tên như sau:
- Hộ kinh doanh cá thể không được đăng ký trên trùng tên của hộ kinh doanh cá thể khác đã có giấy phép kinh doanh trong phạm vi cùng một huyện.
- Doanh nghiệp không được đăng ký trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của một doanh nghiệp khác đã lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Trừ trường hợp doanh nghiệp đó đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.
- Doanh nghiệp không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội,… cho toàn bộ hoặc chỉ một phần tên doanh nghiệp. Trừ trường hợp doanh nghiệp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó.
- Doanh nghiệp không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục.
3. Khai báo ngành nghề đăng ký kinh doanh
Khi đăng ký kinh doanh, người đại diện bắt buộc phải đăng ký ngành nghề kinh doanh mà mình hoạt động và chỉ được hoạt động ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Các ngành nghề kinh doanh trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/07/2018 và ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thêm vào đó, căn cứ Điều 6 Luật Đầu tư 2020, những ngành nghề dưới đây không được đăng ký kinh doanh:
- Kinh doanh các chất ma túy (Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020).
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật (Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020).
- Kinh doanh các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên (Phụ lục I Công ước buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên thuộc Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020).
- Kinh doanh mại dâm.
- Mua, bán mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai…
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến việc nghiên cứu sinh sản vô tính trên con người.
- Kinh doanh buôn bán pháo nổ.
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
4. Chuẩn bị nguồn vốn khi đăng ký kinh doanh
Pháp luật hiện nay không giới hạn mức vốn tối thiểu và tối đa, trừ trường hợp ngành nghề đăng ký của công ty yêu cầu vốn pháp định. Mức vốn khi đăng ký kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của chủ thể song các doanh nghiệp nên cân nhắc mức vốn đăng ký kinh doanh dựa trên tiêu chí:
- Khả năng tài chính hiện tại.
- Phạm vi, quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
- Chi phí thực tế của công ty sau khi thành lập vì vốn điều lệ sẽ được sử dụng cho các hoạt động của công ty sau khi thành lập.
Đặc biệt, người đại diện cần lưu ý không khai khống số vốn điều lệ. Nếu không góp đủ và đúng hạn số vốn đăng ký thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính. Mức vốn điều lệ đăng ký cũng quyết định mức lệ phí môn bài hộ kinh doanh/doanh nghiệp phải đóng hằng năm.
5. Thời gian và địa điểm thực hiện đăng ký kinh doanh
Người đại diện đăng ký kinh doanh cần đến Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp sẽ thực hiện qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: dangkykinhdoanh.gov.vn
Về thời gian, Luật doanh nghiệp nêu rõ thời gian xử lý cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ kéo dài 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
MISA AMIS CÔNG VIỆC – PHẦN MỀM QUẢN LÝ CÔNG VIỆC, DỰ ÁN TỐT NHẤT CHO CÁC DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP
Phần mềm MISA AMIS Công việc là công cụ hỗ trợ nhà quản lý trong công tác phân công giao việc, theo dõi tiến độ và đo lường năng suất nhân viên. Nhờ ứng dụng một nền tảng hợp nhất, chủ doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm thời gian theo dõi báo cáo, cắt giảm chi phí nhân sự mà còn xây dựng được quy trình làm việc cơ bản để tăng hiệu quả kinh doanh dù mới đi vào hoạt động.
VI. Kết luận
Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ những thông tin cơ bản về thủ tục đăng ký kinh doanh mới nhất năm 2023. Để biết thêm nhiều hướng dẫn chi tiết cùng các kiến thức quản lý, điều hành doanh nghiệp hữu ích khác, đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất của MISA AMIS. Chúc bạn thành công!