Thời hạn khai thuế, nộp thuế của từng sắc thuế mọi doanh nghiệp cần tuân thủ

18/10/2022
1769

Thực hiện nghĩa vụ thuế là quyền lợi và trách nhiệm của người nộp thuế đối với nhà nước. Trong mỗi doanh nghiệp, kế toán thuế là bộ phận có trách nhiệm theo dõi, tính toán và thực hiện kê khai, nộp thuế. Nói cách khác, kế toán thuế chính là cầu nối giữa đơn vị và cơ quan quản lý thuế. Người làm kế toán thuế cần hiểu rõ chính sách, quy định về thuế để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp luôn kịp thời và chính xác. Sau đây, bài viết sẽ giới thiệu những đầu mục công việc khai thuế, nộp thuế đối với từng sắc thuế mà mọi doanh nghiệp cần tuân thủ.

1. Kế toán thuế đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Thuế gia trị gia tăng là sắc thuế mà kế toán phải tiếp cận thường xuyên nhất. Định kỳ, hàng tháng (quý), doanh nghiệp phải kê khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế (nếu có). 

Hình 1: Thời hạn kê khai, nộp thuế theo định kỳ tháng/quý

– Đối với doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo tháng, thời hạn để kê khai và nộp thuế là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

– Đối với doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo quý, thời hạn để kê khai và nộp thuế là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Ví dụ: 

Hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế GTGT tháng 8/2022 là ngày 20/9/2022. 

Hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế GTGT quý III/2022 là ngày 31/10/2022.

Hồ sơ khai thuế là Tờ khai thuế GTGT tháng/quý theo mẫu 01/GTGT(*).

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách kê khai điều chỉnh, bổ sung tờ khai thuế GTGT theo TT 80/2021/TT-BTC

2. Kế toán thuế đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Thuế thu nhập cá nhân trong doanh nghiệp chủ yếu là từ nguồn tiền lương, tiền công của nhân viên. Thời hạn kê khai, nộp thuế TNCN tương tự như thời hạn kê khai, nộp thuế GTGT. 

Hồ sơ khai thuế là tờ khai thuế TNCN theo mẫu 05/KK-TNCN(*).

Cuối năm, kế toán thuế phải thực hiện quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công cho các cá nhân có ủy quyền quyết toán thuế. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN và nộp thuế TNCN (nếu có) là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. 

Hồ sơ khai quyết toán thuế là tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu 05/QTT-TNCN và các phụ lục đính kèm(*).

>> Xem thêm: Chính thức sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử thay cho chứng từ tự in hoặc chứng từ giấy theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC và cách đáp ứng trên phần mềm MISA

3. Kế toán thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Thuế TNDN là sắc thuế quan trọng, thể hiện được tính hiệu quả thực tế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Để có thể quyết toán thuế TNDN, kế toán thuế phải nắm rõ tình hình, hiểu bản chất từng nghiệp vụ, từ đó kê khai chính xác các chỉ tiêu trên tờ khai.

Hiện nay, doanh nghiệp không cần phải nộp tờ khai tạm tính thuế TNDN, tuy nhiên cần tạm tính số thuế TNDN hàng quý và phải nộp số thuế tạm tính chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu quý sau

Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm (điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

Hình 2: Quy định về thời hạn và giá trị kê khai, tính nộp thuế TNDN

Ví dụ

Doanh nghiệp A ước số thuế TNDN phải nộp của năm là 1 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/10 của năm, doanh nghiệp cần tạm nộp tối thiểu 750 triệu đồng tiền thuế TNDN.

Cuối năm, kế toán thuế tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính và xác định số thuế TNDN phải nộp sau quyết toán, sau đó lập tờ khai quyết toán thuế TNDN, nộp tờ khai quyết toán chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN là tờ khai quyết toán mẫu 03/TNDN, các phụ lục đi kèm, báo cáo tài chính và các tài liệu liên quan (nếu có)(*).

>> Xem thêm: [Mới Nhất] Nghị định 34/2022/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế TNDN, TNCN, GTGT năm 2022

4. Kế toán thuế đối với một số loại thuế, phí và lệ phí khác

4.1. Lệ phí môn bài

Doanh nghiệp mới thành lập hoặc đơn vị có thay đổi về vốn điều lệ thì nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc thay đổi vốn điều lệ. 

Hồ sơ là tờ khai lệ phí môn bài mẫu 01-LPMB.

Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.

4.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường (BVMT)

Đây là các sắc thuế đánh trên một số mặt hàng riêng biệt được quy định theo từng luật thuế (Ví dụ: rượu bia, xe ô tô, điều hòa, xăng dầu, tài nguyên khoáng sản, nước…). Việc kê khai đối với từng loại thuế này cũng được thực hiện định kỳ vào ngày 20 hàng tháng.

Hồ sơ khai thuế đối với thuế TTĐB, thuế tài nguyên, thuế BVMT lần lượt là tờ khai mẫu 01-TTĐB, mẫu 01-TAIN, mẫu 01-TBVMT.

Đối với thuế tài nguyên, kế toán thuế phải thực hiện quyết toán thuế năm, hạn nộp tờ khai quyết toán thuế tài nguyên là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Hồ sơ khai quyết toán thuế tài nguyên là tờ khai mẫu mẫu 02-TAIN

4.3. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất

Doanh nghiệp có thuê đất của Nhà nước để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm phải nộp tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định.

Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: 

– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu, khai khi có phát sinh thay đổi tăng, giảm diện tích chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp: Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày phát sinh hoặc thay đổi nghĩa vụ thuế. Hàng năm, người nộp thuế không phải kê khai lại hồ sơ khai thuế nếu không phát sinh thay đổi tăng, giảm diện tích chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp (khoản 4 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

– Hồ sơ khai thuế là tờ khai mẫu mẫu 02TK-SDDPNN.

Thời hạn nộp thuế lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cơ quan thuế. Từ năm thứ hai trở đi, nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 10 (khoản 1 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

>> Xem thêm: Lưu ý về thời hạn nộp các loại thuế năm 2022 để tránh bị phạt

Đối với tiền thuê đất:

– Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định cho thuê đất/hợp đồng thuê đất hoặc trường hợp trong năm có sự thay đổi các yếu tố để xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất. Người nộp thuế trong năm không có sự thay đổi các yếu tố dẫn đến thay đổi số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp thì không phải kê khai năm tiếp theo (khoản 5 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

– Hồ sơ khai thuế là Hồ sơ khai để xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại cơ chế một cửa liên thông hoặc mẫu 01-TĐMN.

Thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước. 

Từ năm thứ hai trở đi, đơn vị được chọn nộp tiền một lần hoặc hai lần trong năm. 

Trường hợp Nội dung
Chọn nộp thuế một lần trong năm Thời hạn nộp thuế là 31 tháng 5
Chọn hình thức nộp tiền 2 lần trong năm Thời hạn nộp thuế cho từng kỳ như sau: kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31 tháng 5; kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31 tháng 10
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP

5. Tổng hợp các công việc cơ bản của kế toán thuế trong năm

Nội dung Loại thuế/ phí/lệ phí Thời hạn Căn cứ quy định
Kê khai và nộp  thuế theo tháng GTGT, TNCN, TTĐB, BVMT, Tài nguyên Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế Điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 55  Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14
Kê khai và nộp  thuế theo quý GTGT, TNCN (**) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế Điểm b khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 55  Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14
Nộp thuế tạm tính theo quý Thuế TNDN Chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau Khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14
Khai Quyết toán thuế theo năm và nộp thuế còn chênh lệch sau quyết toán TNDN, TNCN, Tài nguyên Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính Điểm a khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 55  Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14
Nộp thuế theo năm Lệ phí môn bài Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm Khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Thuế sử dụng đất PNN Chậm nhất là ngày 31 tháng 10 Khoản 1 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Tiền thuê đất Ngày 31 tháng 5 và ngày 31 tháng 10 Khoản 3 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP

(*) Mẫu biểu các tờ khai, phụ lục của hồ sơ khai thuế được quy định tại Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

(**) Tiêu chí kê khai theo quý đối với thuế GTGT và thuế TNCN được quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Lưu ý: 

  1. Theo quy định tại khoản 7 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: “Trường hợp người nộp thuế khai thuế thông qua giao dịch điện tử trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế mà cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong ngày tiếp theo sau khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế tiếp tục hoạt động.”
  2. Theo quy định tại Điều 86 Thông tư số 80/2021/TT-BTC: “…Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó theo quy định tại Bộ Luật dân sự.”

Ví dụ: 

Hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế GTGT kỳ tháng 7 năm 2022 là ngày 20/8/2022. Tuy nhiên ngày 20/8/2022 là ngày nghỉ (Thứ bảy), nên thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế GTGT kỳ tháng 7 năm 2022 là ngày 22/8/2022. 

Hạn nộp thuế TNDN tạm tính quý III năm 2022 là ngày 30/10/2022 (Chủ nhật), do đó doanh nghiệp được phép nộp thuế TNDN tạm tính vào ngày 31/10/2022 mà không phải tính tiền chậm nộp.

Trên đây là tổng hợp những công việc định kỳ liên quan tới khai thuế, nộp thuế của kế toán thuế trong doanh nghiệp. Người làm kế toán thuế cần xây dựng một kế hoạch làm việc chi tiết theo tháng và bám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để công tác kê khai và nộp thuế được đúng hạn. Bên cạnh đó, kế toán thuế phải luôn nghiên cứu, cập nhật chính sách thuế mới để đảm bảo kê khai chính xác thông tin trên tờ khai thuế, hạn chế điều chỉnh tờ khai nhiều lần dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi số liệu của chính doanh nghiệp cũng như công tác quản lý của cơ quan thuế.

Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký tại đây:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tác giả: Đào Thị Diệu Anh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả