Nắm vững nguyên tắc trả lương giúp người lao động đảm bảo lợi ích kinh tế chính đáng. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp duy trì tính minh bạch trong nghiệp vụ tiền lương. Được chi trả lương đầy đủ, đúng hạn và tương xứng với năng lực giúp người lao động có động lực đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Trong Bài viết này, MISA AMIS HRM sẽ giới thiệu tới các nhà quản trị nguyên tắc trả lương mới nhất theo pháp luật hiện hành.
1. Nguyên tắc trả lương cho người lao động
Căn cứ vào Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, nguyên tắc trả lương được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
2. Tiền lương là gì?
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Ngoài ra người sử dụng lao động phải đảm bảo trả lương cho người lao động một cách bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với những người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Việc này được quy định tại Điều 90 Bộ Luật Lao Động 2019.
3. Trả lương cho người lao động căn cứ vào đâu?
Căn cứ trả lương được quy định tại Điều 95 Bộ Luật Lao Động 2019:
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
4. Kỳ hạn trả lương cho người lao động hiện nay
Việc thực hiện trả lương đúng kì hạn cho người lao động là vô cùng quan trọng. Bởi tiền lương gắn với kế hoạch tài chính của cá nhân và gia đình người lao động, cũng như các kế hoạch tài chính, nghĩa vụ thuế của người sử dụng lao động. Để trả lời cho câu hỏi: “Công ty chậm trả lương thì người lao động có được đền bù không?”. Căn cứ Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 có quy định rõ ràng về kỳ hạn trả lương như sau:
1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Thời hạn trả lương được hai bên thỏa thuận tùy theo tính chất công việc và hình thức trả lương. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ tôn trọng và trả lương đúng thời hạn đã thỏa thuận, hoặc đúng theo thời hạn mà người sử dụng lao động quy định phù hợp với quy định của pháp luật.
5. Các hình thức trả lương cho người lao động
1. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
6. Người lao động có thể ủy quyền cho cá nhân khác nhận lương hộ không?
Dựa vào Khoản 1, Điều 94 Bộ Luật Lao Động 2019, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương hộ bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản đều được. Tuy nhiên để xem người được ủy quyền có được nhận lương hộ không, cần xem xét hai yếu tố sau:
- Đầu tiên, việc ủy quyền nhân lương phải đảm bảo hợp pháp, có xác nhận rõ ràng giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền.
- Thứ hai, việc nhận lương hộ phải được người sử dụng lao động đồng ý. Do Luật quy định người sử dụng “có thể trả” cho người được ủy quyền, không bắt buộc.
7. Kết luận
Hy vọng bài viết trên giúp nhà quản trị doanh nghiệp hiểu rõ nguyên tắc trả lương. Trả lương đúng theo quy định pháp luật là cơ sở để doanh nghiệp quản lý chi phí lương, chính sách phúc lợi hiệu quả, duy trì mối quan hệ chuẩn mực giữa người lao động và người sử dụng lao động.