Nợ ngắn hạn là gì? Cách tính, phân loại và ý nghĩa chi tiết

16/08/2022
4149

Nợ ngắn hạn là một trong những chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán được mọi đối tượng người đọc báo cáo tài chính quan tâm. Chỉ số này phản ánh gánh nặng nợ và một phần bức tranh kinh tế của doanh nghiệp. MISA AMIS sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về nợ ngắn hạn trong bài viết này.

Tài liệu tham khảo:

  • Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 21 – Trình bày báo cáo tài chính
  • Thông tư 200/2014/TT-BTC

1. Nợ ngắn hạn là gì?

1.1 Khoản nợ phải trả 

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18 (VAS 18) có đưa ra định nghĩa về nợ phải trả như sau:

Một khoản nợ phải trả: Là nghĩa vụ nợ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các sự kiện đã qua và việc thanh toán khoản phải trả này dẫn đến sự giảm sút về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp.

Các khoản nợ phải trả người bán, phải trả người lao động, phải trả tiền vay… là các khoản nợ phải trả được xác định gần như chắc chắn về giá trị và thời gian. Các khoản dự phòng cũng là khoản nợ phải trả, tuy nhiên, có thể phân biệt được với các khoản nợ phải trả khác do chưa chắc chắn về giá trị hoặc thời gian.

Doanh nghiệp cần lưu ý phân biệt khoản nợ phải trả và nợ tiềm tàng:

Nợ phải trả

Nợ tiềm tàng

Nghĩa vụ nợ nghĩa vụ nợ hiện tại, phát sinh từ các sự kiện đã phát sinh – nghĩa vụ nợ có khả năng sẽ phát sinh

– sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng xảy ra hay không hay xảy ra của (nhiều) sự kiện không chắc chắn trong tương lai, khả năng xảy ra này doanh nghiệp không kiểm soát được

=> chưa chắc chắn xảy ra

Hoặc

– nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra 

Giảm sút lợi ích kinh tế việc thanh toán khoản phải trả này dẫn đến sự giảm sút về lợi ích kinh tế không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế
Giá trị của nghĩa vụ nợ – đã được xác định chắc chắn hoặc đã được ước tính một cách đáng tin cậy không được xác định một cách đáng tin cậy
Nợ tiềm tàng không được ghi nhận là các khoản nợ phải trả

Bảng 1: Phân biệt nợ phải trả với nợ tiềm tàng

1.2 Nợ ngắn hạn là gì?

Nợ ngắn hạn là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường. 

Chu kỳ sản xuất có thể hiểu là khoảng thời gian từ khi mua nguyên vật liệu đưa vào quy trình sản xuất cho đến khi hoàn thiện thành phẩm, kiểm tra chất lượng và nhập kho thành phẩm.

Chu kỳ kinh doanh của một doanh nghiệp còn được gọi là chu kỳ chuyển đổi tiền mặt là khoảng thời gian từ thời điểm mua hàng tồn kho (đối với doanh nghiệp thương mại) hoặc xuất kho thành phẩm (đối với doanh nghiệp sản xuất) đến khi chuyển đổi thành tiền hoặc tài sản dễ chuyển đổi thành tiền hay chính là tới khi hoàn thành việc bán hàng thu tiền. 

Chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp có thể ngắn hoặc dài hơn 1 năm tài chính. 

Để xác định đúng chu kỳ kinh doanh thông thường, có thể căn cứ vào thời gian bình quân của chu kỳ kinh doanh thông thường và các bằng chứng về chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp của ngành, lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động. 

Về phân loại khoản nợ ngắn hạn hay dài hạn, doanh nghiệp cần lưu ý:

nợ ngắn hạn
Hình 1: Phân loại khoản nợ là ngắn hay dài hạn

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 21 – Trình bày Báo cáo tài chính cũng quy định: khi lập và trình bày Bảng cân đối kế toán, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn với quy định tương tự như Thông tư 200/2014/TT-BTC phân tích ở trên. 

2. Nợ ngắn hạn có ý nghĩa gì?

Doanh nghiệp để tồn tại cần đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán đến hạn, trước tiên, là các khoản nợ ngắn hạn. Vì thế, giá trị nợ ngắn hạn và các chỉ tiêu đánh giá khả năng thanh toán luôn là các chỉ tiêu nhận được sự quan tâm hàng đầu của nhà quản trị, nhà đầu tư, ngân hàng, đối tác và các bên khác sử dụng thông tin báo cáo tài chính. 

Khả năng thanh toán cao, chứng tỏ doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng chi trả tốt các khoản nợ. Ngược lại, khả năng thanh toán thấp báo hiệu các vấn đề về tài chính đáng lưu tâm, nhiều rủi ro có thể phát sinh dẫn đến mất khả năng thanh toán trong tương lai, lâu dài, nếu không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, doanh nghiệp có thể đối diện với rủi ro phá sản.

nợ ngắn hạn
Hình 2: Các đối tượng quan tâm tới nợ ngắn hạn và khả năng thanh toán

Nhà quản trị cần thường xuyên theo dõi các khoản nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn, đánh giá khả năng thanh toán từ đó tối ưu hóa dòng tiền, lên kế hoạch chủ động, xử lý kịp thời các vấn đề khi khả năng thanh toán thấp.

Khả năng thanh toán tốt cho thấy tín hiệu tích cực về tình hình tài chính của doanh nghiệp, là một trong những điểm cộng nổi bật để hồ sơ doanh nghiệp được nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn. 

Đặc biệt trong trường hợp cần vay vốn ngân hàng, khả năng thanh toán là chỉ tiêu hàng đầu để ngân hàng đánh giá, xếp hạng tín nhiệm tín dụng, từ đó đưa ra quyết định cung cấp vốn vay hay không, hạn mức vay bao nhiêu.

Bên cạnh đó, khi tính toán dưới góc độ kế toán quản trị, nhiều nhà quản trị cũng đưa khoản nợ dài hạn sắp đến hạn trả vào để tính tổng số nợ ngắn hạn để phản ánh chính xác hơn gánh nặng nợ hơn tại thời điểm tính toán. 

Tương tự, các bên đối tác khi lựa chọn cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng ưu tiên khách hàng có lịch sự tín dụng tốt, khả năng thanh toán đảm bảo. 

3. Các khoản nợ phải trả ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là tài khoản nào ?

Các khoản nợ phải trả ngắn hạn và tài khoản theo dõi tương ứng được tổng hợp như bảng dưới. Các khoản nợ phải trả ngắn hạn trong bảng được sắp xếp theo thứ tự phổ biến nhất tới ít phổ biến nhất. 

Các khoản nợ phải trả ngắn hạn

Tài khoản theo dõi

Nội dung phản ánh của tài khoản

Lưu ý (nếu có)

Phải trả người bán ngắn hạn 331 Phản ánh tình hình ghi nhận và thanh toán:

– các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp cho người bán vật tư, hàng hóa, người cung cấp dịch vụ, người bán tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính theo hợp đồng kinh tế đã ký kết

– các khoản nợ phải trả cho người nhận thầu xây lắp chính, phụ

Lưu ý: 

– Không phản ánh vào tài khoản này các nghiệp vụ mua trả tiền ngay

– Trường hợp trả trước cho nhà cung cấp thì ghi bên Nợ tài khoản 331. Số dư bên Nợ tài khoản 331 khi lên Bảng cân đối kế toán thuộc chỉ tiêu Các khoản phải thu ngắn hạn (Mã số 130)

Người mua trả tiền trước ngắn hạn 131

(dư có)

Phản ánh tiền nhận ứng trước của khách hàng theo hợp đồng bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ
Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 333 Phản ánh khoản phải trả Nhà nước về các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước 
Phải trả người lao động 334 Phản ánh tình hình ghi nhận và thanh toán các khoản phải trả cho người lao động của doanh nghiệp về:

– tiền lương, tiền công

– tiền thưởng

– bảo hiểm xã hội 

– các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của người lao động

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn  341 Phản ánh tình hình ghi nhận và thanh toán các khoản tiền vay, nợ thuê tài chính
Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 3387 Phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm doanh thu chưa thực hiện (doanh thu nhận trước)
Các khoản nhận ký cược, ký quỹ ngắn hạn 344 Phản ánh các khoản tiền doanh nghiệp nhận ký quỹ, ký cược của đối tác để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng kinh tế đã ký
Phải trả ngắn hạn khác 338 Phản ánh:

– tình hình ghi nhận và thanh toán các khoản phải trả, phải nộp ngoài nội dung đã phản ánh ở các tài khoản 33x khác 

– các khoản chênh lệch giá phát sinh trong giao dịch bán thuê lại tài sản thuê tài chính hoặc thuê hoạt động

Chi phí phải trả ngắn hạn 335 Phản ánh 

– các khoản phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được từ nhà cung cấp nhưng chưa có hóa đơn hoặc chưa đủ chứng từ, được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ

– các khoản phải trả cho người lao động như phải trả về tiền lương nghỉ phép 

– các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh phải trích trước

Dự phòng phải trả ngắn hạn  352 Phản ánh tình hình trích lập, sử dụng các khoản dự phòng phải trả
Phải trả nội bộ ngắn hạn 336 Phản ánh tình hình ghi nhận và thanh toán các khoản phải trả giữa:

– doanh nghiệp với các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc có tổ chức công tác kế toán 

– giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc của cùng một doanh nghiệp

Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng 337 Phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch và số tiền phải thu theo doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định của hợp đồng xây dựng dở dang

(áp dụng đối với trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch)

Quỹ khen thưởng phúc lợi

Quỹ bình ổn giá

353

357

Phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty

Phản ánh tình hình biến động và giá trị quỹ bình ổn giá

Giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ 171

(dư có)

Phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại

Bảng 2: Tài khoản ghi nhận các khoản nợ ngắn hạn

>>> Đọc thêm: Cách hạch toán tiền lương và bảo hiểm xã hội, KPCĐ

Các tài khoản theo dõi nợ ngắn hạn thường dư Có. 

Cần lưu ý, khoản tiền ứng trước nhận từ khách hàng và giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại được theo dõi lần lượt tại tài khoản 131 và tài khoản 171. Hai tài khoản này là tài khoản lưỡng tính với số dư bên Có phản ánh các khoản nợ ngắn hạn. 

4. Cách tính nợ ngắn hạn trong báo cáo tài chính

Cách tính nợ ngắn hạn trên báo cáo tài chính được hướng dẫn chi tiết tại Điều 112, Thông tư 200/2014/TT-BTC. Cụ thể như sau: 

Chỉ tiêu Mã số trên BCDKT Nội dung phản ánh Cách lấy số liệu
Nợ ngắn hạn 310 Tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường, như: Các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động, chi phí phải trả, phải trả nội bộ, doanh thu chưa thực hiện, dự phòng phải trả… tại thời điểm báo cáo.  Là tổng giá trị các chỉ tiêu bên dưới
Phải trả người bán ngắn hạn  311 Phản ánh số tiền còn phải trả cho người bán có thời hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo.  Căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 331 “Phải trả cho người bán” mở chi tiết cho từng người bán.
Người mua trả tiền trước ngắn hạn 312 Phản ánh số tiền người mua ứng trước để mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định, bất động sản đầu tư và doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (không bao gồm các khoản doanh thu nhận trước).  Căn cứ vào số phát sinh Có chi tiết của tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng” mở chi tiết cho từng khách hàng.
Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước  313 Phản ánh tổng số các khoản doanh nghiệp còn phải nộp cho Nhà nước tại thời điểm báo cáo, bao gồm cả các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.  Căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 333 “Thuế và các khoản phải nộp nhà nước”.
Phải trả người lao động 314 Phản ánh các khoản doanh nghiệp còn phải trả cho người lao động tại thời điểm báo cáo.  Căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 334 “Phải trả người lao động”.
Chi phí phải trả ngắn hạn  315 Phản ánh giá trị các khoản nợ còn phải trả do đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn hoặc các khoản chi phí của kỳ báo cáo chưa có đủ hồ sơ, tài liệu nhưng chắc chắn sẽ phát sinh cần phải được tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh và sẽ phải thanh toán trong vòng 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như trích trước tiền lương nghỉ phép, lãi vay phải trả…  Căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 335 “Chi phí phải trả”.
Phải trả nội bộ ngắn hạn  316 Phản ánh các khoản phải trả nội bộ có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (ngoài phải trả về vốn kinh doanh) giữa đơn vị cấp trên và đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong một doanh nghiệp. 

Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải thu nội bộ ngắn hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản 3362, 3363, 3368. 
Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng  317 Phản ánh số chênh lệch giữa tổng số tiền luỹ kế khách hàng phải thanh toán theo tiến độ kế hoạch lớn hơn tổng số doanh thu đã ghi nhận luỹ kế tương ứng với phần công việc đã hoàn thành đến cuối kỳ báo cáo của các hợp đồng xây dựng dở dang.  Căn cứ vào số dư Có của tài khoản 337 “Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”.
Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn  318 Phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ mà doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trong vòng 12 tháng tiếp theo hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo.  Căn cứ vào số dư Có chi tiết theo từng hợp đồng của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện”.
Phải trả ngắn hạn khác  319 Phản ánh các khoản phải trả khác có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu khác, như: Giá trị tài sản phát hiện thừa chưa rõ nguyên nhân, phải nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, các khoản nhận ký cược, ký quỹ ngắn hạn…  Căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản: tài khoản 338, 138, 344.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn  320 Phản ánh tổng giá trị các khoản doanh nghiệp đi vay, còn nợ các ngân hàng, tổ chức, công ty tài chính và các đối tượng khác có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo.  Căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 341 và 34311 (chi tiết phần đến hạn thanh toán trong 12 tháng tiếp theo).
Dự phòng phải trả ngắn hạn  321 Phản ánh khoản dự phòng cho các khoản dự kiến phải trả không quá 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng, dự phòng tái cơ cấu, các khoản chi phí trích trước để sửa chữa tài sản cố định định kỳ, chi phí hoàn nguyên môi trường trích trước…  Căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 352 “Dự phòng phải trả”.
Quỹ khen thưởng, phúc lợi  322 Phản ánh Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ thưởng ban quản lý điều hành chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo.  Là số dư Có của tài khoản 353 “Quỹ khen thưởng, phúc lợi”.
Quỹ bình ổn giá  323 Phản ánh giá trị Quỹ bình ổn giá hiện có tại thời điểm báo cáo.  Là số dư Có của tài khoản 357 – Quỹ bình ổn giá.
Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ  324 Phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo.  Là số dư Có của tài khoản 171 “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ”.

Bảng 3: Chỉ tiêu Nợ ngắn hạn trên Bảng cân đối kế toán

Việc theo dõi, phân tích chỉ tiêu Nợ ngắn hạn có ý nghĩa rất lớn trong các quyết định kinh doanh, hợp tác, đầu tư của đa dạng đối tượng người đọc báo cáo tài chính. MISA AMIS hi vọng bài viết sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích tới độc giả.

Hiện nay, nhiều phần mềm kế toán thông minh với các tính năng tiên tiến như phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể giúp ích nhiều cho kế toán trong quá trình thực hiện hạch toán các bút toán. Phần mềm AMIS Kế toán có tính năng tự động hạch toán từ hoá đơn, bảng excel giúp kế toán không cần nhập liệu thủ công, vừa giảm thiểu sai sót vừa nâng cao năng suất kế toán.

Phần mềm online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày  để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn.

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Người tổng hợp: Người yêu kế toán

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả