Kế toán cho giám đốc Chỉ số tài chính doanh nghiệp Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là gì? Ý nghĩa và...

Một trong các công cụ để đánh giá khả năng sinh lời của một doanh nghiệp là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS). Trong bài viết này, MISA AMIS tổng hợp các nội dung về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu bao gồm khái niệm, vì sao chỉ số này lại được quan tâm, mối quan hệ của chỉ tiêu này với các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời khác của doanh nghiệp, đặc biệt là với chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA).

1. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là gì?

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là một trong những chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời của một doanh nghiệp.

Trong đó, khả năng sinh lời của doanh nghiệp là chỉ tiêu phản ánh mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được trên một đơn vị chi phí hay yếu tố đầu vào, hay một đơn vị đầu ra phản ánh kết quả sản xuất.

Mức lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được tính trên một đơn vị yếu tố đầu vào hoặc một đơn vị đầu ra phản ảnh kết quả sản xuất càng cao thì khả năng sinh lợi càng cao. Điều này chứng tỏ hiệu quả kinh doanh càng cao. Ngược lại, mức lợi nhuận thu được trên một đơn vị càng nhỏ, khả năng sinh lợi càng thấp, kéo theo hiệu quả kinh doanh thấp.

Vì thế, có thể khẳng định, khả năng sinh lợi của doanh nghiệp là biểu hiện cao nhất và tập trung nhất của hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Có một số tên gọi khác mà người sử dụng cũng thường dùng để phản ánh ý nghĩa tương tự với chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu như:

  • tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu
  • hệ số lãi ròng, biên lợi nhuận hoạt động
  • sức sinh lời của doanh thu
  • doanh lợi doanh thu

2. Cách tính tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu

Chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu được tính theo công thức dưới đây:

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu = Lợi nhuận sau thuế TNDN x 100%
Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ

Trong đó:

Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ = Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ Các khoản giảm trừ doanh thu

Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cho biết doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế trên một đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh. Trị số của chỉ tiêu này càng lớn, sức sinh lợi của doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh càng cao, hiệu quả kinh doanh càng cao và ngược lại; trị số này càng nhỏ, khả năng sinh lời của doanh thu thuần kinh doanh càng thấp, hiệu quả kinh doanh càng thấp.

Không có tiêu chuẩn về trị số tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức bao nhiêu được coi là tốt hay đáng báo động để áp dụng chung cho các doanh nghiệp, do các ngành nghề khác nhau thì điều kiện kinh doanh cũng là khác nhau. Chủ doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư có thể dùng chỉ tiêu này so sánh qua các kỳ để phân tích xu hướng và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh qua các kỳ. Đồng thời chỉ tiêu này cũng hữu ích trong việc so sánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành, các công ty đối thủ, bất kể sự khác biệt về quy mô. Kết hợp cùng các đánh giá định tính, định lượng khác, phân tích chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là một công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp đưa ra phương án nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động kinh doanh.

 Xem thêm: ROE là gì? Công thức tính và ý nghĩa của chỉ số ROE

Doanh nghiệp của bạn cần chuyển đổi số cho bộ phận Tài chính - Kế toán?Tham khảo ngay giải pháp MISA AMIS Kế Toán!

3. Ví dụ tính tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, ứng dụng vào phân tích tài chính doanh nghiệp

Có thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của công ty qua các năm của công ty ABC – công ty kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ và trung bình ngành như sau:

Chỉ tiêu Năm
N-3 N-2 N-1 N
Doanh thu (đvt: tỷ đồng) 15,889 16,988 14,799 22,619
LNST (đvt: tỷ đồng) 480 608 546 896
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của ngành (%) 3.33% 3.75% 3.61% 3.98%

Dựa trên số liệu trên, ta có bảng phân tích tỷ suất lợi nhuận (TSLN) trên doanh thu cơ bản như sau:

Chỉ tiêu Năm Năm N so với năm ….
N-3 N-2 N-1
N-3 N-2 N-1 N +/- % +/- % +/- %
-1 -2 -3 -4 -5 -6 -7 -8 -9 -10 -11
Doanh thu (đvt: tỷ đồng) 15,889 16,988 14,799 22,619 6,73 42% 5,631 25% 7,82 53%
LNST (đvt: tỷ đồng) 480 608 546 896 416 87% 288 32% 350 64%
TSLN trên doanh thu của công ty (%) 03.02 3.58 3.69 3.96 0.94 31 0.38 10 0.27 7
TSLN trên doanh thu của ngành (%) 3.33 3.75 3.61 3.98 0.65 20 0.23 6 0.37 10
So sánh TSLN trên doanh thu của công ty với trung bình ngành (%) -0.31 -0.17 +0.08 -0.02 +0.29 -94 +0.15 -750 -0.01 -125

Từ bảng số liệu, ta có biểu đồ thể hiện tình hình kinh doanh của công ty qua các năm như sau:

Biểu đồ kết quả kinh doanh của công ty ABC từ năm N-3 đến năm N

Theo bảng số liệu và biểu đồ có thể thấy được, doanh thu và lợi nhuận của công ty qua các năm từ năm N-3 đến năm N có xu hướng tăng, trừ năm N-1 doanh thu sụt giảm đáng kể, tuy nhiên, đến năm N doanh thu, lợi nhuận đã tăng và tăng vượt cả năm N-2 là năm có kết quả kinh doanh tốt nhất trong 4 năm.

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của công ty qua các năm đều duy trì ở định ở mức trên 3%, điều này thể hiện công ty thu được hơn 3 đồng lợi nhuận ròng trên 100 đồng doanh thu. Đặc biệt năm N, số lợi nhuận ròng thu được trên 100 đồng doanh thu là xấp xỉ 4 đồng. Như vậy, chỉ tiêu này có xu hướng tăng qua các năm, năm N là năm có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt nhất. Điều này cho thấy song song với tăng quy mô kinh doanh, công ty vẫn đảm bảo kiểm soát tốt chi phí, chính việc kiểm soát sử dụng chi phí có hiệu quả đã tạo ra lợi nhuận nhiều hơn.

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của công ty xấp xỉ mức trung bình ngành. Ngoại trừ năm N-1 tỷ lệ này cao hơn trung bình ngành, các năm còn lại tỷ lệ này đều thấp hơn. Đây là dấu hiệu cảnh báo việc kiểm soát chi phí chưa hiệu quả so với mặt bằng ngành nói chung, công ty cần nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục thông qua việc xem xét lại cơ cấu chi phí, xác định khoản mục chi phí có thể cắt giảm; từ đó, đưa ra các giải pháp tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

banner amis kế toán

4. Mối quan hệ giữa tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu – ROS và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản – ROA

Bên cạnh tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thì tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (còn gọi là tỷ suất sinh lời hay sức sinh lời của tài sản) cũng là một trong các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Tỷ suất này cho biết sau một kỳ hoạt động, cứ bỏ ra 1 đồng đầu tư vào tài sản thì doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản càng tốt, doanh nghiệp có khả năng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cách tính tỷ suất sinh lời của tài sản như sau:

Tỷ suất sinh lời của tài sản = Lợi nhuận sau thuế TNDN x 100%
Tài sản bình quân

Trong đó: Tài sản bình quân bằng trung bình của tổng tài sản đầu kỳ và cuối kỳ

Từ công thức trên, nhân tử số và mẫu số với cùng chỉ tiêu Doanh thu thuần, được công thức như sau:

Tỷ suất sinh lời của tài sản = Lợi nhuận sau thuế TNDN x Doanh thu thuần x 100%
Doanh thu thuần Tài sản bình quân

Như vậy,

Tỷ suất sinh lời của tài sản = Sức sinh lời của doanh thu x Số vòng quay tài sản x 100%

Như vậy, qua khai triển chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản có thể thấy chỉ tiêu này được cấu thành bởi hai yếu tố chính:

Hai yếu tố cấu thành của tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản

Thứ nhất, là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Đây là chỉ tiêu quan trọng với các nhà quản trị dưới góc độ quản lý bởi nó phản ánh chiến lược kinh doanh và nó cũng cho biết hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong việc kiểm soát chi phí hoạt động với mục tiêu tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Muốn tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, doanh nghiệp cần có những biện pháp giảm chi phí, tăng doanh thu và giảm các khoản giảm trừ doanh thu (ngoại trừ thuế gián thu).

Thứ hai, là số vòng quay tài sản: Chỉ tiêu này cho biết năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp, với số vòng quay của tài sản thấp chứng tỏ doanh nghiệp chưa tối ưu được nguồn lực tài sản trong sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra doanh thu. Số vòng quay của tài sản càng cao chứng tỏ sự vận động trong các khâu của quá trình sản xuất là trôi chảy, không ngừng trệ hay ứ đọng, sức sản xuất của các tài sản càng nhanh, do đó, đây là nhân tố làm tăng sức sinh lợi của tài sản.

Qua phân tích cho thấy, để tăng tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản, doanh nghiệp cần quan tâm đến ảnh hưởng của cả hai nhân tố tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và số vòng quay tài sản. Nhà quản trị cần có những kế hoạch kinh doanh, chiến lược quản trị đúng đắn để đồng thời kiểm soát tốt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao và số vòng quay tài sản, như vậy, có thể tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài sản, tối ưu hóa khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

5. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu được sử dụng như thế nào trong phân tích tài chính doanh nghiệp

5.1. Phân tích tình hình kinh doanh của công ty qua các kỳ

Như đã đề cập ở trên, tỷ suất lợi nhuận doanh thu là một trong các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tỷ suất lợi nhuận doanh thu được sử dụng để so sánh tình hình kinh doanh qua các kỳ hoạt động, từ đó đưa ra các phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh (nếu cần).

Để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh qua các kỳ phân tích dựa trên chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, trước hết, nhà phân tích cần tính toán giá trị chỉ tiêu của từng kỳ, sau đó tiến hành so sánh giữa kỳ phân tích và kỳ gốc. Trên cơ sở đó, căn cứ vào trị số chỉ tiêu, mức độ biến động tuyệt đối và tương đối giữa các kỳ để đưa ra những nhận xét, đánh giá về tình hình, xu hướng biến động của khả năng sinh lời trong giai đoạn đang xem xét.

Để tiện cho việc tính toán và rút ra nhận xét, đồng thời có thể kết hợp phân tích các chỉ tiêu khác thuộc nhóm các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời, nhà phân tích có thể lập bảng phân tích theo mẫu sau:

Chỉ tiêu Năm Năm N so với năm ….
N-3 N-2 N-1
N-3 N-2 N-1 N +/- % +/- % +/- %
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11)
1. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (%)
2. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (%)
3. Tỷ suất lợi nhuận VCSH (%)

Trong đó:

– Các cột (2), (3), (4), (5)phản ánh mức khả năng sinh lời của chỉ tiêu trong từng kỳ

– Các cột (6), (8), (10) thể hiện mức độ biến động theo số tuyệt đối của từng chỉ tiêu, phản ánh mức độ tăng hoặc giảm về khả năng sinh lời từng mặt của doanh nghiệp ở kỳ phân tích so với một kỳ trước đó.

– Các cột (7), (9), (11) phản ánh mức độ biến động về tỷ lệ % (số tương đối) của từng chỉ tiêu, phản ánh tỷ lệ  biến động (tăng hoặc giảm) về khả năng sinh lời từng mặt của doanh nghiệp ở kỳ phân tích so với một kỳ trước đó.

Từ các thông tin trên, nhà phân tích của thể có cái nhìn khái quát về hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp qua các kỳ.

Lưu ý: Tùy theo yêu cầu của việc so sánh, đánh giá, nhà phân tích có thể cân nhắc tính mức và tỷ lệ biến động của chỉ tiêu tỷ suất sinh lợi của các thời gian liền kề nhau. Ví dụ, năm N và năm N-1; năm N-1 và năm N-2…

5.2. Phân tích tình hình kinh doanh của công ty với các doanh nghiệp khác

Bên cạnh việc sử dụng chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận doanh thu để đánh giá hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp qua các kỳ, trong điều kiện dữ liệu cho phép, các nhà phân tích có thể so sánh chỉ tiêu này với các doanh nghiệp khác cùng ngành, hoặc so sánh với chỉ tiêu trung bình ngành để thấy được tình trạng hiệu quả kinh doanh của công ty đang ở mức nào. Qua đó, nhà đầu tư có thể đưa ra lựa chọn đầu tư đúng đắn; doanh nghiệp có thể tìm ra các biện pháp để cải thiện khả năng sinh lợi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù, thoạt nhìn, chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận chỉ phù hợp để so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành, tuy nhiên, các nhà phân tích cũng có thể sử dụng chỉ tiêu này để so sánh hiệu quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp thuộc các ngành, khác khu vực khác nhau bằng cách kết hợp với các chỉ tiêu lợi nhuận khác đã loại trừ ảnh hưởng của các chính sách liên quan đến tài chính, kế toán, và thuế như lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Ví dụ, sau khi cộng ngược lại chi phí khấu hao vào Lợi nhuận sau thuế (phản ánh dòng tiền thu được từ khấu hao và lợi nhuận) thì tỷ suất lợi nhuận giữa một công ty sản xuất lớn và một công ty công nghiệp nặng đã trở nên phù hợp hơn cho việc so sánh, phân tích.

Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là một trong những chỉ số quan trọng giúp đánh giá khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua phân tích xu hướng cũng như so sánh với các đối thủ cùng ngành bất kể quy mô. Với những thông tin trên đây, MISA AMIS hy vọng sẽ giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc đưa ra những quyết định kinh doanh, quyết định đầu tư đúng đắn.

Nếu chỉ đợi kế toán tổng hợp thủ công thì khó có thể có được những thông tin về chỉ số tài chính theo thời gian thực. Bởi vậy, các doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn sử dụng các phần mềm hỗ trợ. Trong số các phần mềm kế toán hiện nay, phần mềm kế toán online MISA AMIS là một trong số những phần mềm có tính năng hỗ trợ quản lý chỉ số tài chính. Phần mềm kế toán online MISA AMIS còn là trợ thủ đắc lực, đem đến cho nhà quản trị góc nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các tính năng ưu việt:

  • Xem báo cáo điều hành mọi lúc mọi nơi: Giám đốc, kế toán trưởng có thể theo dõi tình hình tài chính ngay trên di động, kịp thời ra quyết định điều hành doanh nghiệp.
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.

Dùng ngay miễn phí

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]