Kinh nghiệm lập kế hoạch thuế tại Úc và Malaysia và việc vận dụng ở Việt Nam

14/06/2022
991

“Lập kế hoạch thuế” là khái niệm dễ được chấp nhận nhất – đề cập đến các hành vi mà người nộp thuế thực hiện để làm giảm nghĩa vụ thuế của mình ở mức tối đa mà vẫn tuân thủ theo những mục tiêu của chính sách thuế và không vi phạm pháp luật thuế. Người nộp thuế có thể sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau để thực hiện việc lập kế hoạch thuế của mình trong mục tiêu phát triển chung của cá nhân/doanh nghiệp. Bài viết này sẽ phân tích kinh nghiệm thực hiện các kỹ năng lập kế hoạch thuế tại Úc và Malaysia và việc vận dụng ở Việt Nam. 

>>> Tham khảo thêm bài viết: Sử dụng kỹ năng xây dựng kế hoạch thuế nhằm tối ưu hóa nghĩa vụ thuế của người nộp thuế tại đây

Hình 1: Kinh nghiệm thực hiện các kỹ năng lập kế hoạch thuế tại Úc và Malaysia và việc vận dụng ở Việt Nam

1. Kinh nghiệm thực hiện các kỹ năng lập kế hoạch thuế tại Úc và Malaysia

Tại Úc, các kỹ năng lập kế hoạch thuế được cơ quan thuế giới thiệu trên trang thông tin chính thức của cơ quan thuế (http://www.ato.gov.au/General/Tax-planning/) và được giới thiệu trong chương trình học của các ngành liên quan ở bậc Cao đẳng và Đại học. Quan điểm của các nhà quản lý thuế Úc khi đưa ra các kỹ năng lập kế hoạch thuế là muốn hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế biết để xác định đúng nghĩa vụ thuế của mình ở mức có lợi nhất mà không vi phạm pháp luật. 

Đồng thời với việc đưa ra các kỹ năng lập kế hoạch thuế, trang web của Cơ quan thuế cũng đưa ra cảnh báo nổi bật về các quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế và các hành vi được coi là tránh thuế. Việc minh bạch các vấn đề này là một cách rất hiệu quả để người nộp thuế thấy được thiện chí của Chính Phủ trong việc huy động nguồn lực và thấy rõ – cơ quan thuế là bạn đồng hành của người nộp thuế thay vì quan niệm- cơ quan thuế là người thu thuế. 

Tại Malaysia, mặc dù không có nội dung trên website chính thức của cơ quan thuế (http://www.hasil.gov.my) nhưng việc giới thiệu các kỹ năng lập kế hoạch thuế trong chương trình học bậc  Đại học của một số ngành như kế toán, kiểm toán và cho phép xuất bản hàng loạt các ấn phẩm để hướng dẫn cách thức tận dụng tối đa các quy định về miễn giảm thuế, ưu đãi thuế…cũng được coi là biện pháp hỗ trợ cho người nộp thuế có cách hiểu đúng và tính chính xác được nghĩa vụ thuế của mình.  

Với 4 nhóm kỹ năng bao gồm: tạo lập cơ sở kinh doanh, chuyển đổi hoạt động, tính toán về mặt thời gian, phân chia cơ sở thuế; một số kỹ năng thường được các đối tượng nộp thuế tại Úc và Malaysia áp dụng để lập kế hoạch thuế cụ thể như sau: 

Hình 2: Một số kỹ năng thường được các đối tượng nộp thuế tại Úc và Malaysia áp dụng để lập kế hoạch thuế

Chuyển thu nhập: (Income Splitting): Đây là hình thức phổ biến nhất trong xây dựng kế hoạch thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, thu nhập của người nộp thuế có mức thuế suất cao sẽ được chuyển sang cho người khác với mức thuế suất thấp hơn.

Kỹ năng này xuất phát từ việc thuế thu nhập cá nhân thường quy định thuế suất lũy tiến từng phần đối với thu nhập của cá nhân – tức là cá nhân có thu nhập càng cao thì mức thuế suất áp dụng càng cao. Vì vậy, một số khoản thu nhập của các cá nhân có thu nhập cao – đang chịu mức thuế suất biên cao sẽ được chuyển sang đứng tên của cá nhân có thu nhập thấp để chịu mức thuế suất biên thấp hơn.

Tại Úc, kỹ năng này thường được áp dụng trong trường hợp phân chia thu nhập của các hợp danh (Partnership) hay các quỹ tín thác (Trust). Vì theo quy định – mức thuế suất thuế TNCN năm 2013 tại Úc thấp nhất là 19% (cho thu nhập trong khoảng $18.201 – $37.000)  và cao nhất là 45% (cho phần thu nhập vượt $180.000).

Bên cạnh đó, các hợp danh và quỹ tín thác không được coi là một pháp nhân nộp thuế mà thu nhập của các đối tượng này sẽ được phân chia cho các cá nhân tham gia căn cứ vào tỷ lệ vốn góp và các cá nhân này sẽ tự kê khai thuế cho phần thu nhập nhận được. 

Trong trường hợp các hợp danh và quỹ tín thác là sự tham gia góp vốn của các thành viên trong một gia đình thì họ hoàn toàn có thể có kế hoạch góp vốn và phân chia lợi nhuận theo hướng chuyển thu nhập cho người có thu nhập thấp để tránh mức thuế suất cao.

Đồng thời, khoản thu nhập từ lãi tiền gửi cũng có thể được đứng tên của các cá nhân có mức thu nhập thấp để tránh mức thuế suất lũy tiến cao trong trường hợp khoản thu nhập này không được miễn thuế và được coi là một khoản trong cơ chế đánh thuế trên thu nhập tổng thể. 

Sử dụng cơ chế vay nợ âm – (Negative Gearing): Tại Úc, thuật ngữ này dùng để chỉ hoạt động vay tiền để mua tài sản tạo ra thu nhập nhưng chi phí đi vay cao hơn thu nhập có được từ đầu tư và do đó, sẽ tạo ra lỗ khi tính thuế. Khoản lỗ này sẽ làm giảm thu nhập tính thuế của người nộp thuế và vì vậy, họ sẽ phải nộp thuế thấp hơn. 

Tuy nhiên, nếu chỉ nhằm mục đích giảm thuế mà cố tình vay lãi cao để gây lỗ không phải là mục đích của người nộp thuế. Mục đích chính ở đây là nhằm giảm thuế đánh vào lãi vốn khi thực hiện bán tài sản và nhằm trì hoãn việc nộp thuế. Hình thức này thường được áp dụng đối với những cá nhân mua tài sản cho thuê và chịu mức thuế suất biên cao.

Tối đa hóa các khoản chi phí được trừ (đối với doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh) và các khoản giảm trừ gia cảnh (đối với cá nhân): Các khoản chi phí được trừ luôn phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định và được quy định cụ thể trong Luật thuế. Nhìn chung, kỹ năng tối đa hóa các khoản chi phí được trừ được mọi người nộp thuế áp dụng. Tuy nhiên, khi thực hiện tối đa hóa các khoản chi phí được trừ, nên cân nhắc các vấn đề sau: 

  • Tính toán kỹ các nguyên tắc phân bổ chi phí cho các khoản chi phí phát sinh: nên khấu trừ một lần khi phát sinh hoặc phân bổ cho nhiều năm. Ví dụ: tiền thuê nhà trả trước cho nhiều năm
  • Tránh phát sinh các thu nhập miễn thuế trong giai đoạn đang bị lỗ
  • Thanh toán tiền trả cho đại lý thuế, các khoản tiền nghỉ phép năm trước khi kết thúc năm.
  • Các khoản chi đóng góp từ thiện phải là các khoản chi được chấp nhận khấu trừ. Các khoản chi này nên được thực hiện vào cuối năm và nên tránh những năm bị lỗ. 
  • Tận dụng tối đa quy định khấu trừ chi phí cho các chi phí nghiên cứu và phát triển. Muốn vậy, cần đảm bảo có đủ các điều kiện về khấu trừ thuế.
  • Lựa chọn để đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc đối với cá nhân có mức thuế suất biên cao hơn – trong trường hợp có sự lựa chọn.

Tại Malaysia, cá nhân kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân có thể được lựa chọn một trong hai hinh thức – kê khai riêng biệt (Separate assessement) – sử dụng tờ khai riêng cho vợ hoặc chồng hoặc kê khai chung (Joint assessement)- hai vợ chồng cùng chung một tờ khai thuế. 

Khi kê khai chung, khoản giảm trừ cá nhân chỉ được giảm trừ cho bản thân người kê khai thuế (RM 9.000/năm) và các khoản chi phí y tế cũng chỉ được giảm trừ cho bố mẹ của bản thân người kê khai thuế (RM 5.000/năm) mà không được giảm trừ cho bố mẹ vợ/chồng đã kê khai chung. Bên cạnh đó, việc giảm trừ cho con cái cũng phải phân chia theo nguyên tắc – mỗi con chỉ được giảm trừ một lần cho bố hoặc mẹ. Vì vậy, khi kê khai thuế, các cá nhân có thể tính toán cân nhắc để quyết định nên kê khai chung hay kê khai riêng biệt để tận dụng tối đa các khoản giảm trừ.

Lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực có mức thuế suất thấp hoặc đang được miễn giảm thuế nhằm khuyến khích đầu tư: Bất kỳ quốc gia nào cũng áp dụng những ưu đãi nhất định cho một số lĩnh vực, ngành nghề hoặc địa điểm kinh doanh nhất định. Người đầu tư có thể tận dụng những ưu đãi này bằng cách đầu tư vào những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư – đang được hưởng thuế suất thấp hoặc được hỗ trợ từ Chính phủ; hoặc chuyển địa điểm đầu tư vào địa bàn có mức ưu đãi hơn so với mức thông thường. 

Ví dụ: Tại Úc, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán như một sản phẩm đầu tư (cổ phiếu). Phần thu nhập nhận được trong 8 năm đầu sẽ bị đánh thuế toàn bộ, nhưng nếu nhà đầu tư để lại tái đầu tư và có thu nhập từ năm thứ 9 chỉ bị đánh thuế 2/3, năm thứ 10 chỉ bị đánh 1/3, sau năm thứ 10 sẽ không bị đánh thuế vào thu nhập nhận được. 

Nhà đầu tư có thể lựa chọn cách tái đầu tư để hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, có 2 lĩnh vực khác cũng được hưởng ưu đãi về chi phí và thuế suất là đầu tư vào hãng phim – được trừ 100% chi phí nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định và đầu tư vào các quỹ hưu trí (superannuation fund)- quỹ này chỉ chịu mức thuế suất 15%.

Hy sinh khoản tiền lương: thay vì nhận lương bằng tiền, cá nhân có thể nhận các lợi ích khác từ công ty để giảm tổng thu nhập chịu thuế và giảm mức thuế suất biên. Ví dụ: Tại Úc, các cá nhân sẽ được miễn thuế đối với một máy tính xách tay nhận được từ công ty; hoặc tại Malaysia, các cá nhân được miễn thuế đối với ba (3) chuyến nghỉ phép trong nội địa Malaysia và chuyến nghỉ phép tại nước ngoài không vượt quá 3,000 ringit (RM). Vì vậy, thay vì trả bằng tiền, người nộp thuế có thể nhận các lợi ích miễn thuế để giảm số thuế phải nộp. Khi áp dụng kỹ năng này, cần phải xem xét kỹ những khoản lợi ích nào không bị đánh thuế theo quy định của Luật thuế để có sự lựa chọn thích hợp. 

Trì hoãn chi phí hoặc thu nhập: với nguyên tắc: “một đồng hôm nay tốt hơn một đồng ngày mai”, các nhà quản lý có thể thực hiện các kỹ thuật trì hoãn các khoản chi phí hoặc thu nhập nếu biết chắc rằng thuế suất của năm sau sẽ tăng/hoặc giảm so với năm nay hoặc thay đổi kế hoạch mua sắm để khoản chi phí được trừ ngay mà không phải đợi đến năm tính thuế sau (trì hoãn 12 tháng) với những khoản chi phí phát sinh trong các tháng giáp ranh giữa 2 năm tính thuế. 

Nếu thuế suất năm sau sẽ tăng hơn so với năm nay, các kế hoạch mua sắm cuối năm nên để đến đầu năm sau và ngược lại: việc bán hàng và thu tiền bán hàng sẽ phải được thực hiện vào cuối năm thay vì đầu năm sau. Tại Úc, năm tính thuế được tính từ ngày 1 tháng 7 năm trước và kết thúc vào ngày 30 tháng 6 của năm sau, hoặc Malaysia, năm tính thuế sẽ bắt đầu từ ngày 1 tháng 4.

Vì vậy, các khoản chi phí phát sinh trong tháng 7 (với các trường hợp ở Úc) hay tháng 4 (với các trường hợp ở Malaysia) hoàn toàn có thể sắp xếp để chuyển sang tháng 6 – đối với với các trường hợp Úc hoặc tháng 3 – đối với các trường hợp ở Malaysia để được giảm trừ ngay trong năm tính thuế nhằm tận dụng tối đa giá trị hiện tại của đồng tiền, làm tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.

Ngoài các kỹ năng cơ bản trên, hàng loạt kỹ năng khác mà người nộp thuế cũng cần phải biết ngay từ khi bắt đầu kinh doanh để tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế của mình như: lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh (tự kinh doanh hay hợp tác kinh doanh; thành lập hợp tác xã, công ty hay quỹ tín thác…); lựa chọn hình thức kế toán; xác định ngày bắt đầu kinh doanh; thiết kế một cấu trúc vốn hợp lý…

2. Việc vận dụng ở Việt Nam

Tất cả các kỹ năng trên đều có thể được áp dụng khi người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế ở Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định và sự lựa chọn phải phù hợp với quy định của Luật thuế Việt Nam. Dưới đây là một vài gợi ý cho việc vận dụng các kỹ năng trên: 

Đối với cá nhân

Hình 3: Một vài gợi ý vận dụng kỹ năng lập kế hoạch thuế đối với cá nhân ở Việt Nam

Thứ nhất: lựa chọn kỹ năng phân chia cơ sở thuế trong các trường hợp nhóm cá nhân kinh doanh: thu nhập của hoạt động SXKD được chuyển cho cá nhân có mức thuế suất biên thấp thay vì chia đều theo tỷ lệ vốn góp sẽ giảm được số thuế phải nộp cho cá nhân đang chịu mức thuế suất biên cao khi tính thuế TNCN; 

Thứ hai: Tối đa hóa các khoản chi phí/giảm trừ được trừ: Theo quy định của Luật thuế TNCN tại Việt Nam không có sự lựa chọn kê khai riêng biệt hay kê khai chung nhưng vợ/chồng trong cùng một gia đình có thể lựa chọn đăng ký con thuộc đối tượng giảm trừ người phụ thuộc  cho chồng nếu chồng có mức thuế suất biên cao hơn vợ và ngược lại ; 

Thứ ba: Hy sinh khoản tiền lương: Theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành – các khoản chi phí về xe đưa đón đến nơi làm việc không xác định rõ tên người được hưởng, khoản bảo hiểm nhân thọ, tiền nhà, điện, nước không vượt 15% tổng thu nhập chịu thuế (không bao gồm tiền thuê nhà) của người nộp thuế không tính thuế … Vì vậy, người nộp thuế có thể thỏa thuận với chủ lao động để nhận một số khoản lợi ích không chịu thuế này thay cho các khoản tiền lương.

Đối với doanh nghiệp

Hình 4: Một vài gợi ý vận dụng kỹ năng lập kế hoạch thuế đối với cá nhân ở Việt Nam

Thứ nhất: Tối đa hóa các khoản chi  phí được trừ: Sử dụng các kỹ năng tính toán thời gian như: tính khấu hao nhanh để tăng chi phí được trừ nhằm tối đa hóa giá trị của dòng tiền; lựa chọn hình thức phân bổ chi phí một lần cho các khoản trả trước như tiền thuê nhà trả trước để tối đa hóa giá trị hiện tại của dòng tiền; chi các khoản tài trợ cho các lĩnh vực được khuyến khích như giáo dục, y tế, làm nhà tình nghĩa cho người nghèo và ủng hộ đồng bào bão lụt thông qua các tổ chức theo quy định và nên thực hiện vào cuối năm để giảm chi phí và thu nhập tính thuế của đơn vị…

Thứ hai: trì hoãn các khoản thu nhập. Khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, người nộp thuế nên lựa chọn phương án bắt đầu vào cuối năm N để có thể thực hiện quyết toán vào đầu năm (N+2) để thỏa mãn điều kiện kỳ tính thuế đầu tiên không vượt quá 15 tháng theo quy định của Luật thuế TNDN; trì hoãn các khoản thu nhập từ bán hàng thông qua việc sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để điều chuyển hàng đến các cơ sở phụ thuộc thay vì việc xuất hóa đơn bán hàng; thực hiện các kế hoạch mua tài sản vào năm trước thay vì năm sau nếu biết chắc thuế suất thuế TNDN sẽ được giảm vào năm sau thiết kế cấu trúc vốn hợp lý vì lãi vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu không được tính trừ khi xác định thuế TNDN…

Tuy nhiên, những nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ khi xây dựng các kế hoạch thuế đó là kế hoạch thuế cần phải nâng cao được chiến lược chung của người nộp thuế chứ không đi ngược lại với chiến lược chung; và không thực hiện việc tối thiểu hóa thuế đối với các giao dịch mà sai lệch với chiến lược của mình. Ví dụ: một công ty có thể cố gắng đưa thu nhập chịu thuế bằng không để không phải trả thuế thu nhập nhưng điều này lại có thể mâu thuẫn với chiến lược của công ty khi tham gia trên thị trường chứng khoán. (Vì thu nhập bằng không thì công ty bị đánh giá giá trị thấp trên thị trường chứng khoán).

Ngoài ra, doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh luôn hoạt động trong một môi trường biến động với những thay đổi về chính sách thuế, giá cả… vì vậy, phải cố gắng dự tính những hoạt động của các đối thủ cạnh tranh, thị trường và hành động của chính phủ để xây dựng được một kế hoạch thuế phù hợp. 

Qua bài viết, MISA AMIS hy vọng các bạn đã nắm được chi tiết các kỹ năng lập kế hoạch thuế từ bài học kinh nghiệm với quốc gia Úc và Malaysia cũng như khả năng áp dụng tại Việt Nam để vận dụng vào thực tiễn doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân mình. Chúc các bạn thành công. Nhằm hỗ trợ cho kế toán trong công tác thuế, phần mềm kế toán MISA cung cấp tính năng nhắc hạn nộp hồ sơ kê khai thuế. Phần mềm kế toán online MISA AMIS với phân hệ thuế đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của kế toán viên nói chung và kế toán thuế nói riêng:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động tổng hợp số liệu lên tờ khai, các phụ lục kèm theo và báo cáo thuế theo mẫu biểu mới nhất và theo phương pháp tính thuế mà doanh nghiệp đang sử dụng
  • Nộp tờ khai, nộp thuế điện tử trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Kiểm tra tình trạng hoạt động của khách hàng, nhà cung cấp
  • Các tiện ích khác: tự động khấu trừ thuế, tự động hạch toán điều chỉnh thuế GTGT khi lập tờ khai…

Anh chị kế toán Doanh nghiệp quan tâm tới giải pháp ứng dụng công nghệ vào hoạt động kế toán của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công việc có thể đăng ký nhận demo và tư vấn chi tiết ngay tại đây:

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tác giả: PGS TS. Lý Phương Duyên – Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả