KRI là gì? Để nắm được chính xác hiệu quả và kết quả hoạt động của từng cá nhân, bộ phận và toàn doanh nghiệp, cần xây dựng và đánh giá thông qua các chỉ số đo lường cụ thể. Bài viết dưới đây tập trung phân tích về chỉ số đo lường kết quả trọng yếu KRI (Key Result Indicators), giúp người đọc hiểu rõ KRI là gì, đồng thời phân biệt và hiểu được mối liên hệ giữa KRI và KPI – hai thuật ngữ quản trị rất nhiều người nhầm lẫn.
>> Bài viết liên quan:
- KPI là gì? Lợi ích và chiến lược xây dựng KPI từ A-Z
-
So sánh OKR và KPI – Đâu là lựa chọn sáng suốt cho doanh nghiệp?
I. KRI là gì? Đặc điểm của KRI?
KRI (Key Result Indicators) được hiểu là các chỉ số kết quả trọng yếu. Thông thường, các doanh nghiệp sử dụng KRI để đánh giá kết quả hoạt động của 5 chỉ số con sau:
- Lợi nhuận trước thuế
- Lợi nhuận của các dây chuyền sản xuất chính
- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn
- Mức độ thỏa mãn khách hàng
- Mức độ thỏa mãn của nhân viên
Ưu điểm nổi bật của KRI là đo lường được kết quả tổng quát của nhiều hoạt động khác nhau được thực hiện đồng thời trong doanh nghiệp, giúp nhà quản trị có thể đánh giá tổng thể tiến trình thực hiện, mức độ hoàn thành, kết quả tổng quan của các nhiệm vụ đang ở mức nào so với kế hoạch định hướng được đề ra, cũng như phần nào năng lực, hiệu suất của nhân viên ở một số khía cạnh nhất định.
Tuy nhiên, nhược điểm tương đối lớn của chỉ số KRI là chỉ cung cấp cho nhà quản trị thông tin kết quả cuối cùng đạt hay không đạt, doanh nghiệp kinh doanh lỗ hay lãi. Chỉ số kết quả trọng yếu có tác dụng không nhiều trong hoạt động quản trị chiến lược, đặc biệt ở xu hướng quản trị Performance and Feedback (Phản hồi chi tiết về công việc), bởi nó khó xác định chi tiết đâu là khu vực cần tập trung cải thiện để khắc phục tồn tại, giúp kết quả chung của doanh nghiệp tốt lên.
II. Sự khác biệt và mối liên hệ giữa KRI và KPI trong quản trị doanh nghiệp
Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang hoạt động với các chỉ tiêu đo lường không thực sự chính xác, họ hiểu sai bản chất và có xu hướng xem các kết quả đo lường đều như chỉ số KPI. Trong đó, KRI là chỉ số các doanh nghiệp dễ nhầm với KPI nhất, dù chúng là hai công cụ đo lường hoàn toàn khác nhau với các mục đích khác nhau.
1. Sự khác nhau giữa KRI và KPI
Dưới đây, bài viết sẽ chỉ ra một vài so sánh cụ thể về hai chỉ số KRI & KPI:
Tiêu chí | KRI | KPI |
Khái niệm | Key Result Indicators: chỉ số kết quả trọng yếu | Key Performance Indicators: chỉ số hoạt động trọng yếu |
Phạm vi | Là kết quả của nhiều hoạt động được quản lý thông qua nhiều thước đo mục tiêu khác nhau | Tập trung vào từng hoạt động cụ thể |
Chu kỳ | Thường được tiến hành theo tháng, quý | Thường được tiến hành theo ngày, tuần |
Tính chất | Có thể mang tính tài chính hoặc phi tài chính | Mang tính phi tài chính |
Đối tượng |
|
|
Báo cáo, tổng kết | Thường được báo cáo theo hình thức đồ thị xu hướng, bảng biểu tổng quan bao hàm tình hình và kết quả hoạt động trong chu kỳ lớn | Thường được báo cáo theo hình thức mạng lưới nội bộ, cho biết chi tiết hoạt động, người chịu trách nhiệm, chỉ tiêu… để có thể truy cứu và nhắc nhở tới từng cá nhân |
2. Mối liên hệ giữa KRI và KPI trong quản trị doanh nghiệp toàn diện
a. Về tính chiến lược
Các chỉ số KPI thường được phân bổ từ trên xuống theo hình tháp ngược: KPI toàn công ty -> bộ phận -> đội nhóm -> cá nhân. Mỗi cá nhân hoàn thành chỉ tiêu KPI của mình thì toàn doanh nghiệp đạt mục tiêu. KPI giúp cả doanh nghiệp cùng tiến về phía trước theo một mục đích chung và định hướng chung.
Tuy nhiên, ngoài những mục tiêu chiến lược, doanh nghiệp luôn tồn tại những hoạt động, nhiệm vụ mang tính phát sinh thường xuyên theo chức năng cố định của mỗi cá nhân, bộ phận. Như vậy để quản trị doanh nghiệp toàn diện không lỗ hổng, KRI ra đời với mục đích này, và KRI không mang tính chiến lược.
>> Xem Thêm: Văn phòng điện tử – Giải pháp văn phòng số thông minh cho doanh nghiệp
b. Về các hoạt động đo lường
Các chỉ tiêu được cho là phục vụ chiến lược sẽ khác nhau, phụ thuộc mục tiêu, hướng phát triển, đặc thù lĩnh vực,… của từng doanh nghiệp. KPI với mục đích đo lường hoạt động mang tính chiến lược, hầu như bao gồm những hoạt động tạo ra lợi nhuận chính trong chuỗi giá trị của tổ chức.
Còn KRI đo lường những hoạt động mang tính duy trì thường xuyên. Không thể nói là các hoạt động của KRI hay KPI quan trọng nhiều hay ít, mà ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của tổ chức, những hoạt động chiến lược hay hoạt động thường xuyên sẽ đóng góp nhiều hay ít giá trị hơn.
c. Về tính thay đổi
Do mang hai tính chất và mục tiêu hoàn toàn khác biệt, KPI thường thay đổi theo từng tháng, quý, năm, phụ thuộc vào chiến lược hoạt động của tổ chức ở các mốc thời gian. Ngược lại, KRI mang tính ổn định hơn, hầu như ít có thay đổi.
Như vậy, để quản trị doanh nghiệp toàn diện, hai chỉ số KPI và KRI đều là xương sống của tổ chức, cần thiết được xây dựng và áp dụng hiệu quả. Các doanh nghiệp cần ban hành quy chế đánh giá và thực hiện dựa trên các yếu tố thực tiễn của mỗi doanh nghiệp: nguyên tắc theo dõi, đánh giá chỉ số, quy đổi kết quả thực hiện thành một hệ điểm chung để có thể so sánh giữa các kỳ, giữa các thành viên.
Quy chế đánh giá của KRI và KPI có thể triển khai kết hợp vào quy chế lương thưởng, đặc biệt là chỉ số KPI đánh giá hiệu quả làm việc của từng nhân viên trong tổ chức.
Tạm kết:
Nhìn chung, để có thể sử dụng hai chỉ số này chính xác, hiệu quả, trước tiên doanh nghiệp cần hiểu đúng KPI và KRI là gì, tính chất và đối tượng áp dụng của chúng ra sao. KPI có thể theo dõi chi tiết các bước đã thực hiện và cần thực hiện, để đảm bảo mức độ thành công cao nhất cho các chiến lược đã vạch ra. KRI dễ triển khai hơn và cho doanh nghiệp cái nhìn tổng thể, tuy nhiên không thể hiện rõ doanh nghiệp đang có những tồn tại cần khắc phục ở khâu cụ thể nào.
Qua bài viết trên, hi vọng các doanh nghiệp đã có cái nhìn chính xác hơn về chỉ số đo lường kết quả trọng yếu KRI cũng như sự khác biệt và mối liên hệ giữa KRI – KPI trong hoạt động quản trị. Chúc các doanh nghiệp xây dựng thành công hệ thống đánh giá KRI và KPI hoàn chỉnh, phù hợp, nhờ đó đạt được những bước phát triển thịnh vượng và bền vững!