[TK 133] Hạch toán tài khoản 133 theo thông tư 200

25/08/2024
2801

Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ là một trong những tài khoản kế toán được sử dụng phổ biến, phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ. Vậy cách hạch toán loại tài khoản 133 chính xác, đầy đủ theo quy định của pháp luật như thế nào? Bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết cách hạch toán tài khoản 133 theo thông tư 200/2014/TT-BTC.

1. Nguyên tắc kế toán tài khoản 133

Theo quy định tại khoản 1, điều 19 thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc kế toán của tài khoản 133 như sau:

a) Tài khoản này dùng để phản ánh số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp.

b) Kế toán phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.

Trường hợp không thể hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào được hạch toán vào tài khoản 133. Cuối kỳ, kế toán phải xác định số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.

c) Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

d) Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán, nộp thuế phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thuế GTGT.

nguyên tắc kế toán tài khoản 133

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn tính thuế giá trị gia tăng phải nộp theo pp trực tiếp và khấu trừ

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Theo quy định tại khoản 2, điều 19 thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 như sau:

Bên Nợ:

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Bên Có:

  •  Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;
  •  Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;
  •  Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;
  •  Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Số dư bên Nợ:

Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng NSNN chưa hoàn trả.

Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:

  • Tài khoản 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
  • Tài khoản 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp từ A – Z quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu của tài khoản 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

Theo quy định tại khoản 3, điều 19 thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về các phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu của tài khoản 133 như sau:

Tên giao dịch kinh tế Hướng dẫn cách ghi
1. Khi mua hàng tồn kho, TSCĐ, BĐSĐT, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213, 217, 611 (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

2. Khi mua vật tư, hàng hoá, công cụ, dịch vụ dùng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241, 242,… (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

3. Khi mua hàng hoá giao bán ngay cho khách hàng (không qua nhập kho), nếu thuế GTGT được khấu trừ Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 331,… (tổng giá thanh toán).

4. Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ + Kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán (theo tỷ giá giao dịch thực tế), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có), chi phí vận chuyển, ghi:

Nợ TK 152, 153, 156, 211

Có TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)

Có TK 33381 – Thuế Bảo vệ môi trường

Có các TK 111, 112, …

+ Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).

5. Trường hợp hàng đã mua và đã trả lại hoặc hàng đã mua được giảm giá do kém, mất phẩm chất: Căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại cho bên bán và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh giá trị hàng đã mua và đã trả lại người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ Nợ các TK 111, 112, 331 (tổng giá thanh toán)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá)

Có các TK 152, 153, 156, 211,… (giá mua chưa có thuế GTGT).

6. Trường hợp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ a) Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ, ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào)

Có các TK 111, 112, 331,…

b) Cuối kỳ, kế toán tính và xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT. Đối với số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

7. Vật tư, hàng hóa, TSCĐ mua vào bị tổn thất do thiên tai, hoả hoạn, bị mất, xác định do trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường, nếu thuế GTGT đầu vào của số hàng hóa này không được khấu trừ + Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).

+ Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về số thu bồi thường của các tổ chức, cá nhân, ghi:

Nợ các TK 111, 334,… (số thu bồi thường)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu được tính vào chi phí)

Có TK 138 – Phải thu khác (1381)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu xác định được nguyên nhân và có quyết định xử lý ngay).

8. Cuối tháng, kế toán xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra khi xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

9. Khi được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ, ghi Nợ các TK 111, 112,….

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

Xem thêm: Các bút toán kết chuyển lên báo cáo tài chính kế toán cần ghi nhớ

Ví dụ: Công ty TNHH XINKEI, ngày 2/4/2021 mua hàng của công ty X, số lượng 10 cái với đơn giá 8.000.000 VND/cái, thuế GTGT 10%, chưa thanh toán cho người bán. Sau khi hàng về, kiểm tra phát hiện 1 cái bị lỗi và trả lại người bán, số hàng trả lại trừ vào số tiền chưa thanh toán.

Công ty TNHH XINKEI áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 200.

Căn cứ vào thông tư 200, kế toán viên công ty TNHH XINKEI hạch toán các nghiệp vụ như sau:

  •  Phản ánh giá trị hàng mua về:

Nợ TK 156: 80.000.000

Nợ TK 133: 8.000.000

Có TK 331: 88.000.000

  •  Phản ánh hàng mua về trả lại:

Nợ TK 331: 8.800.000

Có TK 156: 8.000.000

Có TK 133: 800.000

Trong xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý tài chính – kế toán, việc sử dụng các công cụ quản lý tự động được xem là giải pháp hiệu quả hiện nay. Các phần mềm như phần mềm kế toán online MISA AMIS giúp kế toán hạn chế tối đa các sai sót trong công tác hạch toán kế toán, đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức của kế toán viên một cách hiệu quả so với việc thực hiện các thao tác thủ công như trước đây.

Tham khảo ngay phần mềm kế toán MISA AMIS để công tác quản lý tài chính – kế toán hiệu quả hơn.

Nhận tư vấn ngay

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả