Nghiệp vụ Chi phí Chuyển giá là gì? Các hình thức và quy định pháp luật...

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập toàn cầu thì hoạt động chuyển giá luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như các DN.

1. Chuyển giá là gì? 

Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế của các tập đoàn hay của nhóm liên kết. 

Chuyển giá có tính tất yếu trong nền kinh tế mở cửa, là xu hướng kinh doanh của thế kỷ 21. Đây cũng là hoạt động diễn ra thường ngày giữa các công ty trong nước hoặc giữa công ty trong nước với quốc tế.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chuyển giá

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chuyển giá, trong đó chủ yếu là:

  • Lợi nhuận là mục tiêu của các chủ thể kinh doanh. Do đó, khi thực hiện hành vi chuyển giá sẽ giúp các DN giảm hoặc tránh được mức thuế phải nộp nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất.
  • Xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể tham gia có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó, họ có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá mong muốn.
  • Xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích kinh tế giữa các thành viên trong nhóm liên kết (giữa công ty mẹ với công ty con, giữa các công ty trong cùng tập đoàn, giữa các thành viên liên doanh…). Việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên có quan hệ liên kết này sẽ không làm thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Qua việc chuyển giá, nghĩa vụ thuế có thể sẽ được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn.

Các hình thức chuyển giá phổ biến phổ biến hiện nay

Một số hình thức chuyển giá phổ biến sau:

Hình 2: Sơ đồ khái quát các hình thức chuyển giá phổ biến
Sơ đồ khái quát các hình thức chuyển giá phổ biến

Chuyển giá thông qua hình thức tăng giá trị tài sản góp vốn:

Chuyển giá thông qua hình thức tăng trị giá tài sản góp vốn (TSGV) sẽ làm cho phần vốn góp của doanh nghiệp được tăng cao, tăng tỷ suất lợi nhuận được chia, giảm bớt thuế TNDN phải nộp… nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp. Cụ thể:

  • Đối với các dự án đầu tư dưới dạng doanh nghiệp liên doanh thì việc nâng trị giá TSGV sẽ làm cho phần vốn góp của doanh nghiệp có vốn FDI được tăng cao, làm tăng sự chi phối trong các quyết định liên quan đến hoạt động của dự án liên doanh, tăng lợi nhuận được chia theo tỷ lệ vốn góp. 
  • Đối với các DN có 100% vốn nước ngoài, việc nâng cao giá trị TSGV sẽ giúp nâng cao tỷ lệ khấu hao hằng năm, làm tăng chi phí đầu vào; giúp nhà đầu tư nhanh hoàn vốn đầu tư cố định, giảm thiểu rủi ro đầu tư, giảm bớt nghĩa vụ thuế TNDN phải nộp ở nước tiếp nhận đầu tư.
  • Đối với các công ty đa quốc gia, khi thực hiện chuyển giá TSCĐ hữu hình qua việc định giá thật cao tài sản chuyển giao cho các công ty thành viên sẽ giúp tiết kiệm được chi phí thanh lý TSCĐ lỗi thời và chuyển được thu nhập về quốc gia có thuế suất thấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận của công ty.

Hình thức chuyển giá này thường được sử dụng trong trường hợp các DN đầu tư góp vốn bằng tài sản như máy móc, thiết bị, ở đây, điểm lưu ý là công nghệ của máy móc thiết bị. Nếu các TSGV này đã lạc hậu hoặc đã khấu hao hết tại quốc gia của chủ đầu tư; nhưng do hạn chế về năng lực, trình độ thẩm định giá cũng như thiếu cơ sở dữ liệu để so sánh nên trong quá trình các DN nội địa định giá, các tài sản này thường được định giá cao hơn nhiều so với giá thực tế của nó, gây thiệt hại cho DN nội địa và gây thất thu thuế cho nước sở tại.

Hơn nữa, việc xác định thuế của cơ quan nhà nước dựa trên cơ sở giá trị theo hóa đơn chứng từ mà đối tác cung cấp (theo nguyên tắc giá gốc của kế toán), nhưng giá trị các tài sản góp vốn này thường được các đối tác liên kết thỏa thuận với các quốc gia tiếp nhận đầu tư và luôn được định giá cao hơn giá thị trường. Điều này làm cho chi phí khấu hao tài sản cố định cũng cao hơn so với thông thường.

 Chuyển giá thông qua hình thức nâng khống giá trị tài sản vô hình:

Tương tự, chuyển giá qua hình thức nâng khống giá tài sản vô hình cũng có mục đích làm gia tăng tỷ lệ góp vốn, tăng tầm ảnh hưởng của nhà đầu tư, tiết kiệm được lợi nhuận ròng.

Hình thức chuyển giá này được thực hiện qua việc các DN đầu tư góp vốn bằng các tài sản vô hình như bằng phát minh sáng chế, thương hiệu, phần mềm…

Trên thực tế, việc xác định đúng giá của các loại tài sản vô hình này thường rất khó, dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài nâng khống giá tài sản, làm gia tăng tỷ lệ vốn góp,  tăng tiếng nói cũng như tầm ảnh hưởng của nhà đầu tư. 

Ngoài việc góp vốn bằng tài sản vô hình, nhà đầu tư nước ngoài còn thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất kinh doanh cho bên liên kết tại nước đầu tư và tiến hành thu tiền bản quyền. Hành động này sẽ giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm được khá nhiều lợi nhuận ròng khi chuyển đổi hình thức từ việc trả tiền bản quyền thay vì trả cổ tức. 

Chuyển giá thông qua việc mua bán nguyên vật liệu sản xuất, bán thành phẩm hay thành phẩm:

Chuyển giá thông qua hình thức này nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp, thậm chí gây ra tình trạng “lỗ giả, lãi thật”, không phải thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hình thức chuyển giá này được thực hiện qua việc điều tiết giá mua, bán nguyên vật liệu sản xuất, bán thành phẩm, thành phẩm giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết với nhau theo cách sản phẩm “đầu ra” của doanh nghiệp này là “đầu vào” của doanh nghiệp kia. Hay nói cách khác, thành phẩm của doanh nghiệp này là nguyên liệu hay bán thành phẩm của doanh nghiệp khác.

Trường hợp thuế suất thuế TNDN của doanh nghiệp có sản phẩm “đầu ra” cao hơn doanh nghiệp tiếp nhận nó để làm nguyên liệu “đầu vào” thì doanh nghiệp “đầu ra” sẽ bán cho DN “đầu vào” với giá thấp; làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp “đầu ra” thấp, thuế TNDN phải nộp thấp.

Ngược lại, nếu thuế suất thuế thu nhập của DN “đầu ra” thấp hơn doanh nghiệp “đầu vào” thì doanh nghiệp “đầu ra” sẽ bán với giá cao hơn; dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp “đầu vào” giảm, thuế TNDN phải nộp thấp.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp DN không trực tiếp giao dịch với công ty mẹ nhưng giao dịch với các bên liên kết của công ty mẹ. Hay các doanh nghiệp là đối tác trong quan hệ liên kết đặc biệt cũng tự thỏa thuận giá nguyên vật liệu cung ứng cho nhau theo hướng cao hơn so với mức giá thị trường..

Chuyển giá thông qua việc thay đổi giá bán giữa công ty liên kết:

Chuyển giá qua việc thay đổi giá bán giữa công ty liên kết làm cho doanh thu giảm, chi phí tăng lên, làm giảm lợi nhuận, dẫn đến thuế TNDN phải nộp giảm xuống.

Hình thức chuyển giá này thực hiện bằng việc thay đổi giá bán giữa các công ty có quan hệ liên kết qua việc xác định giá bán có sự sai lệch rất nhiều so với giá thị trường của các sản phẩm giống nhau hay cùng loại. Việc thay đổi giá bán giữa các công ty liên kết thường xảy ra trong trường hợp công ty bán sản phẩm giá thấp cho công ty nước ngoài và mua vào với giá cao hơn. 

Chuyển giá thông qua hình thức nâng chi phí quản lý và hành chính:

Hình thức chuyển giá này sẽ làm gia tăng chi phí của DN, bóp méo giá thành, dẫn đến giảm lợi nhuận, thậm chí đến mức có thể báo lỗ trên sổ sách nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Hình thức nâng cao chi phí quản lý và hành chính thường thông qua việc thuê người quản lý với mức lương cao, thuê chuyên gia tư vấn từ công ty mẹ và phải trả chi phí hay cử nhân viên ra nước ngoài để đào tạo, học tập với chi phí rất cao…

Chuyển giá thông qua hình thức tăng các chi phí quảng cáo:

Hình thức chuyển giá này sẽ giúp các DN đạt được nhiều mục tiêu. Trong ngắn hạn, việc tăng mạnh chi phí quảng cáo sẽ gây ra hiện tượng thua lỗ cho DN nhưng xét về dài hạn, quảng cáo mạnh sẽ làm hình ảnh, thương hiệu của DN chiếm lĩnh thị trường, có thể khiến các công ty nội địa nhỏ không cạnh tranh nổi, dẫn đến thu hẹp thị phần, phá sản, tạo ra lợi ích lâu dài cho DN.

Nâng cao chi phí quảng cáo là hình thức chuyển giá được nhiều công ty áp dụng, nhất là các doanh nghiệp FDI, công ty đa quốc gia. Phương thức này đặc biệt hay được sử dụng nếu doanh nghiệp FDI tồn tại dưới dạng liên doanh do phía đối tác nước ngoài nắm phần vốn chi phối.

Chuyển giá thông qua hoạt động vay và cho vay:

Chuyển giá qua việc các DN trong mối quan hệ liên kết phát sinh các khoản vay, cho vay lẫn nhau là hình thức khá phổ biến để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.

Với các công ty đa quốc gia, khi chi nhánh kinh doanh có lãi ở quốc gia có thuế suất thuế TNDN cao sẽ tiến hành cho công ty mẹ hay chi nhánh khác ở các nước có thuế suất thuế TNDN thấp vay với lãi suất thấp (thậm chí không lãi). Điều này vừa giúp công ty đa quốc gia có vốn mở rộng thị trường, đồng thời tránh được thuế ở nơi có mức thuế suất cao. Ngoài ra, khi các chi nhánh đặt ở quốc gia có thuế suất thuế TNDN cao, họ cũng có thể đi vay công ty mẹ hoặc chi nhánh khác với lãi suất rất cao, làm cho lợi nhuận trước thuế âm, dẫn đến tránh việc nộp thuế TNDN…

2. Các quy định pháp luật về hoạt động chuyển giá ở Việt Nam

Chuyển giá và kiểm soát hành vi chuyển giá là vấn đề luôn được các nhà hoạch định chính sách tài chính Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Thực tế cho thấy, hàng loạt các văn bản pháp lý về vấn đề chuyển giá đã được ban hành.

Thông tư 74/1997/TT-BTC ngày 20/10/1997 hướng dẫn về thuế với nhà đầu tư nước ngoài là văn bản pháp lý đầu tiên của Bộ Tài chính (BTC) đề cập đến vấn đề chuyển giá.

Thông tư 89/1999/TT-BTC ngày 16/07/1999, Thông tư 13/2001/TT-BTC ngày 08/03/2001 hướng dẫn thực hiện các quyết sách về thuế với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam;

Thông tư 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 thay thế Thông tư 13/2001/TT-BTC. Đến Thông tư 05/2005/TT-BTC hướng dẫn về thuế nhà thầu thì vấn đề chuyển giá được bỏ ra khỏi nội dung điều chỉnh. 

Ngày 19/12/2005 khi BTC ban hành Thông tư 117/2005/TT-BTC hướng dẫn việc thực hiện xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết thì vấn đề chuyển giá đã được nhắc lại. Kế thừa Thông tư 117/2005/TT-BTC, Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/04/2010 của BTC được xem là văn bản pháp lý điều chỉnh khá chi tiết về biện pháp chống chuyển giá bằng phương pháp định giá chuyển giao. 

Ngày 21/05/2012, BTC ban hành Quyết định số 1250/QĐ-BTC phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 – 2015. Tiếp đến, BTC ban hành Thông tư 201/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 hướng dẫn việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế. 

Để theo sát những khuyến nghị của OECD và tham gia vào chương trình hành động chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận”, ngày 24/02/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết.

Tiếp sau đó, ngày 28/04/2017 BTC ban hành Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn đối tượng áp dụng Nghị định 20/2017/NĐ-CP thực hiện một số quy định về phân tích, so sánh, lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, xác lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết…

Ngày 24/06/2020 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Trên cơ sở kế thừa những nội dung được ghi rõ tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP có sửa đổi bổ sung một số điều, ngày 05/11/2020, Chính phủ ký ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuếvới DN có giao dịch liên kết.

Đây được coi cơ sở pháp lý vững chắc hơn nữa cho công tác đấu tranh chống chuyển giá, khắc phục kịp thời những bất cập thực tế; góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách.

Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Mời anh/chị đăng ký đăng ký dùng thử miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trải nghiệm công cụ tài chính tối ưu nhất!

Dùng ngay miễn phí

Tác giả: Hoài Thương

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]