Các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh, đầu tư tạo ra doanh thu, lợi nhuận sẽ phải nộp vào Ngân sách Nhà nước khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Vậy cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào? và doanh nghiệp sẽ đóng thuế TNDN ra sao?
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm cụ thể về thuế TNDN song dựa trên các quy định về thuế TNDN trong các luật thuế, nghị định, thông tư và hướng dẫn thi hành có thể hiểu thuế TNDN là thuế trực thu, đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ tất cả các hoạt động như sản xuất kinh doanh, đầu tư… và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
1. Các khái niệm cần biết về thuế TNDN
1.1 Đối tượng nộp thuế TNDN
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế TNDN), người nộp thuế TNDN bao gồm các đối tượng sau:
- Doanh nghiệp được thành lập dựa theo quy định của Pháp luật Việt Nam.
- Đơn vị sự nghiệp công, ngoài công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa/dịch vụ phát sinh thu nhập chịu thuế trong tất cả các lĩnh vực.
- Tổ chức thành lập và hoạt động tuân theo Luật Hợp tác xã.
- Doanh nghiệp được thành lập tuân theo quy định của luật nước ngoài nhưng có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa/dịch vụ phát sinh thu nhập chịu thuế.
>> Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết hạch toán tiền chậm nộp thuế theo đúng quy định mới nhất
1.2 Thu nhập chịu thuế
Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP đưa ra khái niệm và phân loại thu nhập chịu thuế. Theo đó, thu nhập chịu thuế là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thu nhập khác của doanh nghiệp theo quy định Khoản 2 điều này. Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký kinh doanh song phát sinh thu nhập theo quy định tại Khoản 2 điều này thì thu nhập này vẫn được coi là thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, thu nhập khác bao gồm:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán.
- Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, chuyển nhượng bất động sản.
- Thu nhập từ quyền sử dụng, sở hữu tài sản (bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ), chuyển giao công nghệ.
- Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ tài sản là bất động sản) (bao gồm cả tài sản là các loại giấy tờ có giá).
- Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ.
- Thu nhập từ khoản trích trước mà doanh nghiệp đã tính vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc không sử dụng hết và chưa được điều chỉnh giảm chi phí.
- Thu nhập từ đòi được khoản nợ khó đòi đã xóa nhưng nay đòi được.
- Thu nhập từ khoản nợ phải trả nhưng không xác định được chủ nợ.
- Thu nhập từ khoản doanh thu của những năm trước nhưng bị bỏ sót mới được phát hiện.
- Thu nhập từ chênh lệch giữa thu về tiền phạt, bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng trừ đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng.
- Thu nhập từ khoản tài trợ bằng tiền/bằng hiện vật nhận được từ cá nhân, tổ chức khác.
- Thu nhập từ khoảng chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ. (nghị định 91/2014/TT-BTC)
- Các khoản thu nhập khác bao gồm cả các khoản thu nhập được miễn thuế quy định tại khoản 6,7 điều 4 thông tư 218/2013/TT-BTC.
Lưu ý: các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam không còn thuộc nhóm chịu thuế TNDN theo nghị định 12/2015/NĐ-CP.
2. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định mới nhất
Kế toán doanh nghiệp lưu ý: Theo hướng dẫn cách tính thuế TNDN mới nhất, doanh nghiệp khi tạm tính thuế TNDN và nộp thì không cần phải làm tờ khai tạm tính thuế TNDN theo quý nữa mà chỉ tính ra số tiền tạm tính và nộp theo số đó, sau đó sẽ thực hiện lập tờ khai quyết toán thuế TNDN vào cuối năm. Hãy cùng xem cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào trong hướng dẫn sau đây!
Theo Điều 1 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, thuế TNDN được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – phần trích lập quỹ KHCN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN |
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế xác định theo công thức:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định |
với
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác |
- Thuế suất thuế TNDN: theo quy định tại Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC, tính từ thời điểm 01/01/2014:
+ Tất cả các doanh nghiệp thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam (không phân biệt mức doanh thu): áp dụng mức thuế suất 20%.
+ Tất cả các doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam: áp dụng mức thuế suất dao động trong khoảng 32 đến 50% – căn cứ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với từ dự án, doanh nghiệp cụ thể.
-
- Doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác mỏ tài nguyên quý hiếm: áp dụng thuế suất 50%.
- Trường hợp mỏ tài nguyên quý hiếm có 70% diện tích nằm ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế: áp dụng thuế suất 40%.
Xem Thêm: Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp – Quy định, lưu ý và mẫu tờ khai quyết toán thế TNDN
3. Các bước tính thuế TNDN
3.1. Bước 1: Kế toán doanh nghiệp xác định thu nhập chịu thuế trong quý.
Để xác định được thu nhập chịu thuế trong quý, kế toán doanh nghiệp phải tập hợp toàn bộ các khoản doanh thu, chi phí của doanh nghiệp trong kỳ. Nguồn số liệu để tổng hợp các thông tin này là từ sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Các tài khoản lấy số liệu bao gồm:
- Các tài khoản doanh thu (đầu 5 và đầu 7)
+ Kết chuyển doanh thu:
Nợ TK 511
Có TK 911
+ Kết chuyển doanh thu tài chính:
Nợ TK 515
Có TK 911
+ Kết chuyển các khoản thu nhập khác:
Nợ TK 711
Có TK 911
- Các tài khoản chi phí (đầu 6 và đầu 8)
+ Kết chuyển chi phí giá vốn hàng bán:
Nợ TK 911
Có TK 632
+ Kết chuyển chi phí tài chính:
Nợ TK 911
Có TK 635
+ Kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng và chi phí khác:
Nợ TK 911
Có TK 642
Có TK 641
Có TK 811
Xem chi tiết: Các bút toán kết chuyển khi lập BCTC
Lưu ý: Pháp luật quy định rõ các khoản chi phí hợp lý – chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và các khoản chi phí không được tính là chi phí hợp lý – chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN nên khi xác định chi phí kế toán doanh nghiệp cần chú ý loại bỏ các khoản chi phí không được trừ.
Sau khi tổng hợp xong các thông tin, kế toán doanh nghiệp xác định thu nhập chịu thuế:
Thu nhập chịu thuế = (TK đầu 5 + TK đầu 7) – (TK đầu 6 + TK đầu 8) |
Lúc này xuất hiện hai trường hợp:
Thu nhập chịu thuế <0 ⇒ doanh nghiệp trong kỳ bị lỗ ⇒ quý này sẽ không phải nộp thuế.
Thu nhập chịu thuế >0 ⇒ doanh nghiệp trong kỳ có lãi ⇒ quý này phải nộp thuế, tiếp tục thực hiện bước 2.
3.2. Bước 2: Kế toán doanh nghiệp xác định thu nhập tính thuế trong quý.
Để tính được số thuế TNDN mà doanh nghiệp phải nộp vào Ngân sách Nhà nước thì sau bước tính thu nhập chịu thuế doanh nghiệp tiếp tục xác định thu nhập tính thuế.
Trước đó, doanh nghiệp đã xác định được số thu nhập chịu thuế trong bước 1, ở bước 2 doanh nghiệp bắt đầu bằng việc tổng hợp các khoản thu nhập được miễn thuế của doanh nghiệp đã phát sinh trong kỳ, các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định.
Bút toán kết chuyển lỗ:
Nợ TK 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước
Có TK 4212 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay
⇒ Sau khi có đầy đủ các thông tin, kế toán doanh nghiệp xác định thu nhập tính thuế:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định |
Lúc này tiếp tục xuất hiện hai trường hợp:
- Thu nhập tính thuế <0 ⇒ quý này sẽ không phải nộp thuế.
- Thu nhập tính thuế >0 ⇒ quý này phải nộp thuế, tiếp tục thực hiện bước 3.
3.3 Bước 3: Kế toán doanh nghiệp xác định phần trích lập quỹ KHCN (nếu có) trong quý.
Thông thường các doanh nghiệp hiếm khi có quỹ KHCN nên có thể chuyển luôn sang bước 4. Trường hợp doanh nghiệp có lập quỹ KHCN thì xác định số tiền đã trích ra từ thu nhập tính thuế trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lưu ý về phần trích lập quỹ KHCN: theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC, nguồn hình thành quỹ KHCN với các doanh nghiệp không thuộc nhóm doanh nghiệp nhà nước là “tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế TNDN”.
3.4 Bước 4: Kế toán doanh nghiệp xác định số thuế TNDN tạm tính phải nộp trong quý.
- Doanh nghiệp có phần trích lập quỹ KHCN:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – phần trích lập quỹ KHCN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN |
- Doanh nghiệp không có phần trích KHCN:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN |
⇒ Doanh nghiệp nộp thuế TNDN vào Ngân sách Nhà nước theo số đã tính ra ở bước 4, hạn nộp tiền: Chậm nhất là ngày thứ 30 tháng đầu quý sau quý tạm tính.
4. Bài tập tính thuế TNDN
Quý I năm 2021 công ty A có phát sinh các nghiệp vụ: (đvt: VND)
Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: 200.000.000
Doanh thu từ hoạt động Tài chính (Lãi tiền gửi): 60.000.000
Chi phí giá vốn hàng bán: 90.000.000
Chi phí bán hàng: 30.000.000
Chi phí quản lý DN: 40.000.000
Thu nhập khác (Thanh lý TSCĐ): 100.000.000
Chi phí khác: 30.000.000
⇒ Tính thuế TNDN phải nộp quý I năm 2021 với thuế suất thuế TNDN là 20%
Hướng dẫn:
- Thu nhập chịu thuế của công ty A kỳ tính thuế quý I/2021:
Tổng doanh thu trong kỳ (bao gồm cả thu nhập khác):
Doanh thu trong kỳ = 200.000.000 + 60.000.000 + 100.000.000 = 360.000.000 |
Tổng chi phí được trừ trong kỳ (bao gồm cả chi phí khác):
Chi phí trong kỳ = 90.000.000 + 30.000.000 + 40.000.000 + 30.000.000 = 190.000.000 |
Như vậy, Thu nhập chịu thuế của công ty A kỳ tính thuế quý I/2021 là:
Thu nhập chịu thuế = 360.000.000 – 190.000.000 = 170.000.000 |
Thu nhập tính thuế của công ty A kỳ tính thuế quý I/2021 là: Vì doanh nghiệp không có thu nhập được miễn thuế và chưa có các khoản lỗ được kết chuyển nên thu nhập tính thuế của công ty A kỳ tính thuế quý I/2021 bằng thu nhập chịu thuế là 170.000.000 VNĐ
⇒ Thuế TNDN phải nộp quý I/2021 là:
Thuế TNDN phải nộp = 170.000.000 * 20% = 34.000.000 |
Bút toán hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý I:
- Ghi nhận thuế TNDN vào chi phí:
Nợ TK 8211 : 34.000.000
Có TK 3334 : 34.000.000
- Ghi nhận nộp thuế vào NSNN
Nợ TK 3334 : 34.000.000
Có các TK 111,112 : 34.000.000
Sau khi hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp, kế toán cần quan tâm đến thủ tục kê khai thuế và quyết toán thuế. Cùng tham khảo thêm bài viết: 5 lưu ý về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, kế toán cần nắm rõ
Tạm kết
Tính thuế TNDN là một trong những nghiệp vụ kế toán phức tạp song lại rất quan trọng. Để giúp quá trình tính thuế diễn ra suôn sẻ và đảm bảo tính chính xác, kế toán doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của phần mềm kế toán. Đặc biệt, một phần mềm có nhiều tính năng và tiện ích như phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ giúp ích nhiều cho kế toán trong nghiệp vụ kế toán nói chung và nghiệp vụ tính thuế TNDN như:
- Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
- Đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ: Thuế GTGT, Thuế TTĐB, Thuế TNDN, Thuế Nhập khẩu, Thuế Xuất khẩu, Thuế Tài nguyên, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế TNCN
- Hỗ trợ kế toán viên nộp tờ khai, nộp thuế điện tử cho cơ quan thuế
- Các tiện ích khác: kiểm tra tình trạng hoạt động của nhà cung cấp, khách hàng, tự động khấu trừ thuế, hạch toán điều chỉnh thuế GTGT khi lập tờ khai
- …
Anh/chị kế toán doanh nghiệp quan tâm và muốn trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký dùng thử 15 ngày miễn phí.