Chiến lược cấp công ty: 4 loại chiến lược & 7 bước để hoạch định thành công

03/01/2025
67

Một trong những chìa khóa mang tính đột phá giúp doanh nghiệp “vượt mặt” đối thủ chính là chiến lược cấp công ty. Có thể, cái khách hàng, đối thủ hay bất cứ ai khi nhìn vào một doanh nghiệp là sản phẩm, dịch vụ, con người,… Nhưng đứng sau đó là một đội ngũ quản trị có tầm nhìn sáng suốt vạch ra những chiến lược bứt phá lại là điều ít ai thấy được.

Bill Gates cũng từng khẳng định “Một chiến lược tồi sẽ thất bại bất kể dữ liệu của bạn có xuất sắc đến đâu”. Nhưng làm thế nào để các nhà quản lý xây dựng được một chiến lược bài bản, bám sát với mục tiêu và có tính thực thi cao? Cùng MISA AMIS tìm hiểu ngay!

MISA TẶNG BẠN TRỌN BỘ TÀI LIỆU – CHUẨN QUỐC TẾ: 8 MẪU CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP 2025

1. Chiến lược cấp công ty là gì?

Bất cứ nhà quản trị nào khi đứng ở cương vị đầu tàu của tổ chức cũng cần phải tìm hiểu về chiến lược cấp công ty. Đây là điều cần thiết hơn hết để định hình toàn bộ định hướng và mục tiêu dài hạn của tổ chức. Tuy nhiên, trước khi đi vào khái niệm chiến lược cấp công ty là gì, hãy cùng tìm hiểu chiến lược là gì.

1.1. Chiến lược là gì?

Cuốn sách Strategy and Structure: Chapters in the History of the Industrial Enterprise (1962) của Alfred Chandler được xem là một những nghiên cứu đầu tiên về chiến lược của doanh nghiệp. Tại đây, Chandler đã nhấn mạnh:

Chiến lược được định nghĩa là việc xác định các mục tiêu và mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp. Đồng thời áp dụng các đường lối hành động và phân bổ nguồn lực cần thiết để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu này”. 

quan-ly-chien-luoc
Mô hình các yếu tố trong quản lý chiến lược

Ví dụ: Chiến lược phát triển của Elon Musk là tăng tốc chuyển đổi toàn cầu sang sử dụng năng lượng bền vững, đưa Tesla trở thành thương hiệu xe điện hàng đầu và dẫn đầu thế giới. Với mục tiêu này, ông đã đề ra đường lối hành động như sau:

  • Sản xuất xe điện chất lượng cao nhưng chú trọng vào mức giá cạnh tranh.
  • Phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
  • Đầu tư vào công nghệ tự lái để tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Để đạt được mục tiêu trên, Tesla đã phân bổ nguồn lực chủ yếu vào:

  • Đầu tư vào các nhà máy sản xuất pin và xe điện (Gigafactories).
  • Hợp tác với các chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng sạc xe điện.
  • Tuyển dụng nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.

Có thể thấy, để làm nên tuổi của Tesla như hiện tại, không chỉ mỗi tư duy bứt phá của Elon Musk mà còn cả đội ngũ ban lãnh đạo tài năng trong việc xây dựng chiến lược cấp công ty.

1.2. Chiến lược cấp công ty là gì?

Chiến lược cấp công ty (Corporate Level Strategy) là một phần không thể thiếu trong quá trình hoạch định chiến lược toàn diện của doanh nghiệp. Nó bao gồm việc phân tích hoạt động, xây dựng mục tiêu, vạch ra lộ trình,… nhằm tăng trưởng doanh thu hoặc tạo giá trị đột phá cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, chiến lược cấp công ty liên quan chặt chẽ tới các quyết định mang tính ảnh hưởng đến toàn bộ tổ chức. Chẳng hạn như doanh nghiệp nên cạnh tranh ở thị trường nào? Phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh ra sao?…

Ví dụ: Amazon từ một nền tảng thương mại điện tử chuyển mình qua phát triển điện toán đám mây (Amazon Web Services), thiết bị thông minh (Amazon Echo),… Quá trình này bắt nguồn từ mục tiêu đa dạng hóa trong chiến lược tăng trưởng/mở rộng của Amazon trước xu hướng công nghệ cao (High-Tech).

2. Chiến lược cấp công ty nằm đâu trong các cấp chiến lược của doanh nghiệp

Thông thường, một doanh nghiệp sẽ có 3 cấp chiến lược bao gồm: 

  1. Chiến lược cấp công ty (Corporate-level strategy)
  2. Chiến lược cấp đơn vị kinh doanh (Business-Level Strategy)
  3. Chiến lược cấp chức năng (Functional-level strategy)
cac-cap-chien-luoc
Các cấp chiến lược trong doanh nghiệp

Trong đó:

  • Thứ nhất, chiến lược cấp công ty là cấp cao nhất và mang tính quyết định sống còn nhất của doanh nghiệp, do đội ngũ Ban lãnh đạo, Hội đồng quản trị,… trực tiếp xây dựng. Họ chịu trách nhiệm vạch ra đường hướng và mục tiêu dài hạn nhằm mang lại giá trị tối đa cho tổ chức và các bên liên quan. 
  • Thứ hai, chiến lược cấp đơn vị kinh doanh có mối quan hệ chặt chẽ như một mắt xích không thể tháo rời với cấp công ty. Cấp chiến lược này do quản lý cấp trung hoặc lãnh đạo các đơn vị kinh doanh thực thi. Họ là những thành viên cốt cán phụ trách đưa ra sáng kiến bứt phá cho lĩnh vực kinh doanh của mình.

Chẳng hạn, ban lãnh đạo Amazon là cấp đề ra chiến lược mở rộng kinh doanh theo xu hướng High-Tech thì cấp quản lý của mỗi hạng mục kinh doanh như công nghệ điện toán đám mây, dịch vụ phát trực tuyến,… sẽ phải vạch ra chiến lược thực cụ thể.

  • Cuối cùng là chiến lược cấp chức năng, thuộc cấp độ thực thi và triển khai. Hình dung mỗi hạng mục kinh doanh sẽ có từng bộ phận như phát triển sản phẩm, sản xuất, marketing, tài chính,… Họ được chuyên môn hóa để triển khai theo đúng chức năng, nhằm đảm bảo mục tiêu mà cấp đơn vị kinh doanh đề ra.

Tặng bạn: Trọn bộ tài liệu 14+ kỹ năng thiết yếu cho manager

3. Các loại chiến lược cấp công ty

William F. Glueck – Tác giả cuốn sách Business Policy and Strategic Management xuất bản vào những năm 1970 là nhà tiên phong trong lý thuyết phân loại chiến lược cấp công ty. Từ đó, khái niệm về 4 loại chiến lược cấp công ty ra đời:

chien-luoc-cap-cong-ty
Các loại chiến lược cấp công ty

3.1. Chiến lược tăng trưởng/mở rộng

Những khái niệm quen thuộc như thâm nhập, phát triển thị trường hay đa dạng hóa sản phẩm,… Tất cả đều thuộc chiến lược tăng trưởng/mở rộng của doanh nghiệp. Với mục tiêu cuối cùng là tăng sự hiện diện của thương hiệu, thúc đẩy doanh số, lợi nhuận và cạnh tranh bền vững trước đối thủ.

Một chiến lược tăng trưởng thành công thường phụ thuộc nhiều vào các yếu tố sau:

  • Sản phẩm: Nhà quản trị cần cân nhắc xem sản phẩm dự tính triển khai có giá trị gì vượt trội, độc đáo và cạnh tranh được với đối thủ trên thị trường.
  • Thị trường: Nhà quản trị cần trả lời được một trong hai câu hỏi sau:

+ Nếu mở rộng thị trường: “Thị trường mình muốn mở rộng có khả năng tiếp nhận sản phẩm này hay không?”

+ Nếu phát triển sản phẩm mới: “Sản phẩm này có khả năng được tiếp nhận tại thị trường hiện tại hay không?”

  • Chi phí: Một chiến lược cấp công ty tốt không chỉ sáng tạo hay dẫn đầu xu hướng mà cần đảm bảo bài toán chi phí vì mục tiêu cuối cùng vẫn là lợi nhuận.
  • Giá cả: Để đáp ứng được bài toán chi phí trên, nhà quản trị cần cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược giá phù hợp. Chẳng hạn như chiến lược giá hớt váng, chiến lược giá cạnh tranh hay định giá theo đối thủ,…

Ví dụ: Năm 1994, MISA khởi đầu bằng việc việc phát triển phần mềm Kế toán. Với chiến lược mở rộng và tăng trưởng bứt phá của đội ngũ Ban lãnh đạo, MISA đã tạo nên một hệ sinh thái giải pháp công nghệ Make in Vietnam trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Trong đó, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS với 40+ phần mềm hỗ trợ quản lý toàn diện mọi hoạt động từ Tài chính – Kế toán, Marketing – Bán hàng, Nhân sự, Văn phòng số,… đang được 350.000+ doanh nghiệp tin dùng.

so-do-ket-noi-misa-amis-2025
Trải nghiệm dùng thử miễn phí Phần mềm MISA AMIS

Dùng thử miễn phí

3.2. Chiến lược ổn định

Trái ngược với chiến lược tăng trưởng, đây là chiến lược hướng đến duy trì sự ổn định và bền vững.

Giả định rằng, công ty ABC đang kinh doanh mặt hàng nội thất rất tốt và họ chọn chiến lược ổn định với mong muốn duy trì mức tăng trưởng ổn định và giảm thiểu rủi ro nếu thay đổi chiến lược kinh doanh.

Với chiến lược này, các nhà quản trị thường tập trung vào việc cải thiện lợi nhuận thông qua việc cắt giảm chi phí và đẩy mạnh bán hàng. Thậm chí, với một số doanh nghiệp họ chỉ cần duy trì và không có nhu cầu tăng trưởng thêm.

Ví dụ: Tabasco – thương hiệu nước sốt nổi tiếng của công ty McIlhenny Company (Mỹ), là ví dụ điển hình về chiến lược ổn định. Xuyên suốt hơn 150 năm, họ luôn trung thành vào sản phẩm cốt lõi là nước sốt Tabasco. Nhờ vậy, họ làm nên tên tuổi tại 195 quốc gia với sản lượng khoảng 700.000 chai mỗi ngày.

3.3. Chiến lược cắt giảm

Giống như chính tên gọi của nó, chiến lược cắt giảm thường được doanh nghiệp áp dụng khi muốn thoái vốn với các hoạt động kém hiệu quả, giảm quy mô/phạm vi hoạt động hay ngưng sản xuất những sản phẩm không đạt được mục tiêu kinh doanh.

Ví dụ: Sự kiện năm 2017, General Motors (GM) ngừng bán xe tại Ấn Độ – nơi họ chỉ chiếm 1% thị phần và gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ như Maruti Suzuki và Hyundai. 

Hay trước đó là năm 2015, GM cũng ngừng sản xuất và bán xe tại Nga do khủng hoảng kinh tế và chi phí vận hành cao. Đây là những ví dụ điển hình cho chiến lược cắt giảm mà GM ứng dụng trong hoạt động kinh doanh.

3.4. Chiến lược kết hợp

Giới quản trị vẫn thường đặt tên cho chiến lược kết hợp là chiến lược tổng thể, bao quát nhất. Đó là khi doanh nghiệp kết hợp hài hòa cả chiến lược tăng trưởng, ổn  định và cắt giảm. 

Ở mỗi giai đoạn, nhà quản trị có thể dự đoán và linh hoạt tích hợp hai hoặc cả ba chiến lược. Và mục đích cuối cùng cũng là nâng cao hiệu quả hoạt động và doanh thu, lợi nhuận cho tổ chức.

Ví dụ: Quay trở lại với ví dụ của Amazon, bên cạnh việc phát triển thêm các lĩnh vực mới như Dịch vụ đám mây (AWS), Dịch vụ dược phẩm trực tuyến,… Thì trong mảng thương mại điện tử B2C, doanh nghiệp cũng thoái vốn ở Trung Quốc do sự vươn mình của các đối thủ nội địa như Alibaba và JD.com.

4. Vai trò của chiến lược cấp công ty

vai-tro-cua-chien-luoc-cap-cong-ty
Vai trò của chiến lược cấp công ty
  • Định hướng tầm nhìn chiến lược dài hạn

Nhờ việc xác định mục tiêu chung, ngành nghề/lĩnh vực phát triển, phân bổ nguồn lực,… chiến lược cấp công ty giúp xác lập đường đi cho doanh nghiệp. Từ đó, góp phần định hướng tầm nhìn và củng cố sứ mệnh cho toàn bộ doanh nghiệp.

  • Quản lý danh mục đầu tư kinh doanh 

Từ những dự đoán và đánh giá phân tích để đưa ra quyết định ngành nghề/lĩnh vực nào nên đẩy mạnh? Ngành nào nên cần thoái vốn?… chiến lược cấp công ty góp phần tối ưu hóa danh mục đầu tư cho doanh nghiệp để phù hợp với từng giai đoạn.

  • Tối ưu hóa và phân bổ nguồn lực

Sau khi có định hướng và mục tiêu, nhà quản trị sẽ tìm cách phân bổ nguồn lực cho từng mục tiêu theo chiều dọc hay chiều ngang hay kết hợp? Nhờ vậy, doanh nghiệp đảm bảo các nguồn lực như tài chính, nhân sự và công nghệ,… được tối ưu nhất.

  • Quản lý rủi ro tổng thể 

Thị trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến từ đối thủ, khách hàng, xu hướng nền kinh tế, pháp lý,… Vì vậy chiến lược cấp công ty luôn phải đảm bảo việc xác định và quản lý rủi ro để xây dựng các phương án phòng tránh hoặc giảm thiểu chúng.

  • Tạo lợi thế cạnh tranh bền vững

Tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, tận dụng thế mạnh riêng hay dự đoán và dẫn đầu xu hướng,… Đây đều là những cách mà chiến lược cấp công ty góp phần giúp doanh nghiệp vừa đạt được mục tiêu kinh doanh vừa tăng lợi thế cạnh tranh.

  • Hỗ trợ ra quyết định chính xác hơn

Một chiến lược cấp công ty càng rõ ràng, càng bám sát thị trường và tình hình chung của doanh nghiệp,… càng hỗ trợ quá trình ra quyết định của nhà quản trị được hiệu quả hơn. Nhờ vậy mà kết quả của quá trình thực thi ở các cấp kinh doanh và chức năng cũng cải thiện hơn rất nhiều.

  • Tạo giá trị cho cổ đông và các bên liên quan

Cuối cùng, chiến lược cấp công ty giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông và các bên liên quan như khách hàng, nhà đầu tư, nhân sự,… Một chiến lược cấp công ty tốt sẽ điều phối được bao quát các hoạt động của doanh nghiệp nhằm cải thiện hiệu suất, gia tăng lợi nhuận và định vị thương hiệu.

>>> Xem thêm Quản trị chiến lược là gì? Các mô hình phổ biến và quy trình quản trị hiệu quả

5. 3 thách thức đối với nhà quản trị khi xây dựng chiến lược cấp công ty

Thomas Hardy từng nói:

Những nhà lãnh đạo kinh doanh tốt tạo ra tầm nhìn, xác định rõ tầm nhìn, mạnh mẽ nắm lấy tầm nhìn và không ngừng thúc đẩy nó tới khi hoàn thiện”. 

Nhưng quá trình đi từ tầm nhìn đến thành công với mục tiêu đặt ra chưa bao giờ là dễ dàng. Theo thống kê cuối năm 2023 đầu năm 2024, gần 90% doanh nghiệp Start-up thất bại với lý do chính xuất phát từ tài chính và chiến lược. 

Điều này cho thấy rằng có rất nhiều thách thức và rào cản cho các nhà quản trị khi xây dựng chiến lược cấp công ty:

  • Sự thống nhất giữa các đơn vị kinh doanh: Đảm bảo chiến lược cấp công ty phải giải quyết được sứ mệnh chung và riêng cho từng đơn vị kinh doanh. Nhất là tổ chức có danh mục đầu tư đa dạng.
  • Áp lực từ sự biến động và thay đổi: Suy thoái kinh tế, sự bùng nổ của công nghệ hay cạnh tranh khốc liệt từ các tập đoàn lớn, đa quốc gia,… Những biến động này đòi hỏi sự nhanh nhẹn và linh hoạt trong việc dự đoán và hoạch định chiến lược cấp công ty của nhà lãnh đạo.
  • Cân bằng giữa mục tiêu dài hạn và ngắn hạn: Việc một chiến lược cấp công ty có thể cân bằng giữa các mục tiêu dài hạn với nhu cầu đạt được kết quả ngắn hạn đòi hỏi nhà quản trị cần phải có kế hoạch và định hướng triển khai rõ ràng.
  • Họ cần đảm bảo chiến lược của mình không xung đột hay ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả ngắn hạn mà cấp kinh doanh và chức năng vạch ra.

6. 7 bước hoạch định chiến lược cấp công ty

hoach-dinh-chien-luoc-cap-cong-ty
7 bước hoạch định chiến lược cấp công ty

6.1. Xác định tầm nhìn dài hạn và giá trị cốt lõi

Việc xác định tầm nhìn chiến lược và những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp mong muốn đạt được được xem như là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho mọi chiến lược cấp công ty.

Chẳng hạn như cách MISA xác định tầm nhìn “Trở thành công ty có nền tảng, phần mềm và dịch vụ được sử dụng phổ biến nhất trong nước và quốc tế” thì đòi hỏi một sự nỗ lực to lớn trong việc sáng tạo khoa học, công nghệ và cả đổi mới quản trị.

Cùng với đó là việc MISA xây dựng một đội ngũ nhân sự cốt cán để có thể bám đuổi mục tiêu, sứ mệnh mà Ban lãnh đạo công ty đã đặt ra “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”.

6.2. Phân tích môi trường kinh doanh

Thông qua phân tích các mô hình kinh doanh như SWOT hoặc VRIO framework, các nhà quản trị sẽ có cái nhìn tổng quan về ưu điểm, nhược điểm của doanh nghiệp.

Đồng thời, họ cũng cần đánh giá và có cái nhìn sâu sắc về cơ hội, thách thức trong môi trường vi mô và vĩ mô,… Để từ đó, chiến lược được vạch ra dựa trên những đánh giá sát nhất về nguồn lực, năng lực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh.

6.3. Đặt mục tiêu chiến lược

Tại bước này, nhà quản trị cần làm rõ định hướng tổng thể dài hạn là gì. Ví dụ như tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị phần hay đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Từ những định hướng đó để vạch ra mục tiêu cụ thể, đảm bảo tính đo lường được (SMART) và tính thực thi được. 

Ví dụ, chúng ta có thể đặt mục tiêu tăng doanh thu 30% trong 1 năm tới hay mở rộng sang 2 thị trường mới tại khu vực Đông Nam Á,… Nhưng những con số này cũng cần có căn cứ xác đáng và thuyết phục để cấp dưới có niềm tin vào mục tiêu chiến lược.

6.4. Xây dựng danh mục đầu tư kinh doanh

Bước này sẽ quyết định lĩnh vực được đầu tư trọng yếu trong một chiến lược cấp công ty. Nhà quản trị sẽ xác định doanh nghiệp nên tham gia vào ngành nghề nào (tăng trưởng), ngành nào cần duy trì (ổn định) và thoái vốn (cắt giảm). Từ đó, họ có thể phân bổ nguồn sao cho phù hợp với mục tiêu.

Nhà quản trị có thể cân nhắc ứng dụng một số mô hình hỗ trợ sau:

1. Ma trận BCG (Boston Consulting Group) là một công cụ phân tích danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp dựa trên hai yếu tố chính:

  • Tốc độ tăng trưởng của thị trường.
  • Thị phần tương đối của sản phẩm. 

Ma trận đánh giá thông qua 4 thành phần Ngôi sao (Stars), Bò sữa (Cash Cows), Dấu hỏi (Question Marks) và Chó (Dogs). Mỗi thành phần tương ứng với những cấp mức độ đánh giá từ thấp đến cao về thị phần và tốc độ tăng trưởng của sản phẩm,…

2. GE-McKinsey Matrix: Đây cũng là một công cụ hỗ trợ nhà quản trị đánh giá tính hấp dẫn của ngành và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua hai yếu tố chính là:

  • Sức hấp dẫn của ngành.
  • Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ma trận có dạng lưới 3×3 với trục tung biểu thị “Sức hấp dẫn của ngành (cao, trung bình, thấp)” và trục hoành biểu thị “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (mạnh, trung bình, yếu)”. Tương ứng mỗi ô là các hành động đi kèm để nhà quản trị cân nhắc và dễ dàng hơn trong việc ra quyết định.

6.5. Lựa chọn loại hình chiến lược cấp công ty

Như đã trình bày, có bốn mô hình trong chiến lược cấp công ty mà nhà quản trị cần cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn:

  • Chiến lược tăng trưởng/mở rộng
  • Chiến lược ổn định
  • Chiến lược cắt giảm
  • Chiến lược kết hợp

Mỗi một chiến lược đều có những vai trò và lợi ích khác nhau. Vì vậy nhà quản trị cần xem xét thận trọng để chọn ra những phương án phù hợp với mục tiêu, khả năng về nguồn lực cũng như nhu cầu thị trường hiện tại.

6.6. Kế hoạch thực thi và triển khai chiến lược

Tại bước này, nhà quản trị cần cụ thể hóa chiến lược cấp công ty của mình thành một bản kế hoạch chi tiết. Kế hoạch sẽ nêu rõ định hướng thực thi ra sao, trong giai đoạn nào và nguồn lực nào nên được tập trung để triển khai chiến lược.

  • Phân bổ nguồn lực: Đảm bảo các đơn vị kinh doanh nhận được nguồn lực phù hợp để thực hiện chiến lược mà cấp công ty đặt ra.
  • Tổ chức và điều phối: Thiết kế cấu trúc tổ chức và hệ thống quản lý để hỗ trợ điều phối chiến lược đi đúng định hướng.

6.7. Giám sát hiệu suất và chỉ tiêu KPI

KPI (Key Performance Indicator) là một phần không thể thiếu trong mọi kế hoạch. Đây sẽ là những chỉ số định lượng và cả định tính để nhà quản trị có thể bám sát vào đó để đo lường hiệu quả của toàn bộ mục tiêu mà chiến lược đặt ra ban đầu.

  • Giám sát hiệu suất: Theo dõi quá trình thực thi của các cấp đơn vị kinh doanh cũng như cấp chức năng để đảm bảo đúng tiến độ
  • Thiết lập hệ thống đo lường hiệu suất: Sử dụng KPIs hoặc Balanced Scorecard để theo dõi tiến độ thực hiện có đúng với mục tiêu đề ra hay không.
  • Phản hồi và điều chỉnh: Đánh giá chiến lược định kỳ, theo dõi phản hồi từ thị trường và điều chỉnh khi cần thiết.

Để tối ưu quy trình thiết lập, theo dõi và đo lường hiệu suất một cách thủ công kém hiệu quả, nhà quản trị có thể tích hợp Phần mềm AMIS Công việc vào quy trình làm việc nội bộ của doanh nghiệp. Với AMIS Công việc, nhà quản trị có thể dễ dàng:

  • Giao việc, cập nhật tiến độ công việc và dự án tức thời.
  • Tự động nhắc nhở Deadline và Báo cáo công việc từng nhân sự
  • Giao tiếp nội bộ tập trung và đồng nhất trên 1 nền tảng

Nhờ vậy mà ban lãnh đạo có thể tiết kiệm tới 90% thời gian để tập trung vào nghiên cứu chiến lược cấp công ty và ra quyết định.


7. 04 bài Test cần thiết khi xây dựng chiến lược cấp công ty

bai-test-khi-xay-dung-chien-luoc
04 Test cần thiết khi xây dựng chiến lược cấp công ty

Dù ở cấp độ nào thì việc kiểm tra tính khả thi của một kế hoạch là không thể thiếu. Chiến lược cấp công ty cũng không ngoại lệ. Dưới đây là bốn bài kiểm tra cần thiết khi xây dựng chiến lược cấp công ty:

  1. Test về tính phù hợp (The Fit Test): Đánh giá chiến lược có phù hợp với môi trường bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp hay không? Có ứng dụng được vào bối cảnh thực tế hay không? Và có được mục tiêu dài hạn hay không?

Ví dụ: Tập đoàn Vingroup chuyển mình đẩy mạnh phát triển thương hiệu xe điện VinFast là bởi vì phù hợp với bối cảnh thị trường:

  • Xu hướng thị trường đang chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
  • Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho mảng xe điện.
  • Công ty có nền tảng kỹ thuật và tài chính phù hợp để phát triển EV.
  1. Test về tính khác biệt (The Competitive Advantage Test): Đánh giá tính khác biệt, độc đáo và mức độ cạnh tranh của chiến lược so với đối thủ trên thị trường.

Ví dụ: Chiến lược phát triển dòng xe điện VinFast gần như được xem là đi đầu trong xu hướng sống xanh tại Việt Nam. Theo giới chuyên môn thì VinFast cũng đang là thương hiệu chiếm lĩnh thị trường ô tô điện tại nước ta.

  1. Test về tính khả thi (The Feasibility Test): Kiểm tra khả năng thực hiện chiến lược trong thực tế. Bao gồm các nguồn lực cần thiết (tài chính, nhân sự, công nghệ) và các rào cản tiềm tàng.

Ví dụ: Vingroup hội tụ đủ các nguồn lực từ con người đến nguồn vốn và công nghệ để biến mục tiêu đưa VinFast vươn mình bứt phá. Và thực tế cũng đang chứng minh tính khả thi khi VinFast đang nắm giữ phần lớn thị phần tại Việt Nam và xếp hạng thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau BYD.

  1. Test về tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (The CSR Test): Đánh giá mức độ mà chiến lược cấp công ty có đóng góp gì tích cực cho xã hội và môi trường.

Hiện nay tại Việt Nam vẫn số ít doanh nghiệp quan tâm đến CSR trong việc hoạch định chiến lược dài hạn. Trong khi đó theo giới chuyên môn, CSR có thể chiếm tới hơn 20% tỷ lệ thành công trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Kết luận

Có thể thấy, để phát triển chiến lược cấp công ty hiệu quả làm kim chỉ nam cho toàn doanh nghiệp đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn và khả năng dự đoán tốt. Nó không chỉ xuất phát từ năng lực lãnh đạo mà còn là quá trình mài giũa vô cùng khó khăn và thách thức. Nhờ vậy, những chiến lược cấp công ty mới được xây dựng đúng trọng tâm và thế mạnh.

Với những thông tin phân tích trên, MISA AMIS hy vọng đã cung cấp phần nào kiến thức và kinh nghiệm hữu ích để hỗ trợ phần nào trong việc hoạch định chiến lược của bạn. Đừng quên follow website MISA AMIS để cập nhật thêm nhiều bài viết giá trị.


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả