Giao dịch thương mại quốc tế là gì? Các phương thức giao dịch thương mại quốc tế doanh nghiệp cần biết

06/09/2024
117

Giao dịch thương mại quốc tế đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Không chỉ mang lại cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh, giao dịch thương mại quốc tế còn tạo điều kiện cho sự trao đổi văn hóa, công nghệ và phát triển bền vững. 

Để tối ưu hóa lợi ích từ các hoạt động giao dịch này, doanh nghiệp cần hiểu rõ về bản chất, các đặc điểm, nguyên tắc và phương thức giao dịch thương mại quốc tế. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng hiệu quả lĩnh vực này.

Giao dịch thương mại quốc tế

1. Giao dịch thương mại quốc tế là gì?

Giao dịch thương mại quốc tế là quá trình hay một chuỗi hoạt động giữa bên mua và bên bán từ khâu đầu tiên (xây dựng các mối quan hệ, đàm phán, ký kết hợp đồng…) đến khâu cuối cùng (thực hiện xong hợp đồng) của chu kỳ kinh doanh thương mại quốc tế nhằm đạt được mục tiêu của mỗi bên đề ra.

 Giao dịch thương mại quốc tế là gì?

Hoạt động này là quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ, quyền sở hữu và các loại tài sản khác giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ khác nhau. Giao dịch thương mại quốc tế tạo điều kiện cho các quốc gia khai thác lợi thế so sánh, chuyên môn hóa sản xuất và tăng cường sự trao đổi, hợp tác kinh tế giữa các nước. Các giao dịch được tiến hành phù hợp với quy định và tập quán quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau như mua bán trực tiếp, giao dịch qua trung gian, giao dịch tái xuất, mua bán đối lưu, đấu giá, đấu thầu, nhượng quyền thương mại…

TẢI MIỄN PHÍ: 20 BIỂU MẪU BÁO CÁO DÀNH CHO DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI

2. Đặc điểm của giao dịch thương mại quốc tế

Đặc điểm của giao dịch thương mại quốc tế

– Phức tạp và đa dạng về luật pháp

Mỗi quốc gia có hệ thống pháp luật, quy định thương mại và thuế quan riêng, điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định khác nhau khi tham gia vào thương mại quốc tế. Ví dụ, quy định về hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia…

– Tính rủi ro cao

Do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, đồng tiền thanh toán, quy định pháp luật, thuế quan giữa mỗi quốc gia, các giao dịch quốc tế thường gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn so với giao dịch trong nước. Các rủi ro trong thương mại quốc tế có thể kể đến như rủi ro về tỷ giá, rủi ro về chính trị, rủi ro về khả năng thanh toán của đối tác… 

– Phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là một yếu tố quan trọng trong giao dịch thương mại quốc tế vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của giao dịch. Biến động tỷ giá có thể làm thay đổi lợi nhuận của các doanh nghiệp.

– Đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ

Giao dịch thương mại quốc tế thường liên quan đến các quốc gia có nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Điều này có thể gây ra các vấn đề trong giao tiếp, đàm phán, và thực hiện hợp đồng. Hiểu biết về văn hóa và tập quán địa phương là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ bền vững với đối tác.

– Cạnh tranh cao

Thương mại quốc tế mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, nhưng cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và cải tiến quy trình sản xuất.

– Chuyển giao công nghệ và tri thức

Thông qua thương mại quốc tế, các quốc gia có thể tiếp cận với công nghệ và tri thức tiên tiến từ các quốc gia khác, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế.

– Sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại song phương và đa phương

Giao dịch thương mại quốc tế thường chịu sự điều chỉnh của các tổ chức quốc tế như WTO, IMF, và các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Những quy định và thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến cách thức giao dịch giữa các quốc gia.

Ví dụ: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã giảm thuế nhập khẩu cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU), tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu.

– Ảnh hưởng đến cán cân thương mại và kinh tế quốc gia

Thương mại quốc tế có ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại của một quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp…

Ví dụ: Nếu Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, thặng dư thương mại sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.

– Yêu cầu phức tạp về logistics và vận tải quốc tế

Các giao dịch thương mại quốc tế thường yêu cầu các giải pháp logistics phức tạp hơn so với thương mại nội địa, bao gồm vận tải biển, vận tải hàng không… và bảo hiểm hàng hóa. Hệ thống logistics hiệu quả là yếu tố quyết định đến sự thành công của giao dịch quốc tế.

– Tính liên kết với các thị trường tài chính quốc tế

Giao dịch thương mại quốc tế gắn liền với các hoạt động trên thị trường tài chính quốc tế, bao gồm giao dịch ngoại hối, bảo hiểm tín dụng, và tài trợ thương mại. Điều này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn vốn và quản lý rủi ro tài chính.

TẢI NGAY: EBOOK KHUNG HƯỚNG DẪN CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI

3. Các nguyên tắc cơ bản của giao dịch thương mại quốc tế

Các nguyên tắc của giao dịch thương mại quốc tế

Hoạt động thương mại quốc tế phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:

– Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại.

– Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại.

– Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên.

– Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại.

– Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

– Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại. 

4. Các phương thức giao dịch thương mại quốc tế

Các phương thức giao dịch thương mại quốc tế

4.1. Phương thức giao dịch thông thường

Phương thức giao dịch thương mại quốc tế thông thường bao gồm những phương thức sau:

4.1.a. Phương thức giao dịch trực tiếp

Giao dịch trực tiếp trong thương mại quốc tế là phương thức giao dịch trong đó người bán và người mua trực tiếp quan hệ với nhau bằng cách gặp mặt hoặc thông qua các phương tiện thông tin như thư từ, điện tín, thư điện tử… để bàn bạc và thỏa thuận về hàng hóa, giá cả, phương thức thanh toán… và các điều kiện giao dịch khác. Đây là phương thức buôn bán phổ biến nhất hiện nay.

4.1.b. Phương thức giao dịch qua trung gian

Phương thức giao dịch buôn bán qua trung gian là phương thức giao dịch trong đó hai bên mua và bán phải thông qua người thứ ba để ký kết và thực hiện hợp đồng.

Các trung gian mua bán phổ biến trên thị trường bao gồm: Đại lý (Agent), Môi giới (Broker), và ủy thác mua bán hàng hóa.

– Đại lý thương mại (Agent)

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên đại lý hoặc cung cứng dịch vụ cho bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. 

– Môi giới thương mại (Broker)

Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.

Môi giới không đứng tên chính mình trong hợp đồng mua bán mà đứng tên của người ủy thác. Người môi giới không chịu trách nhiệm về kết quả của việc giao dịch và được nhận thù lao từ người ủy thác. Hợp đồng môi giới dựa trên sự ủy thác từng lần.

– Ủy thác mua bán hàng hóa

Điều 155, Luật Thương mại đưa ra định nghĩa: Ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác. 

Việc sử dụng những người trung gian thương mại có những lợi ích như: Người trung gian thường hiểu biết rõ tình hình thị trường, pháp luật và tập quán địa phương, do đó họ có khả năng đẩy mạnh việc buôn bán và tránh bớt rủi ro cho người ủy thác. 

Khi sử dụng những người trung gian, nhất là các loại đại lý có cơ sở vật chất nhất định, người ủy thác giảm bớt chi phí đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Nhờ dịch vụ của trung gian trong việc lựa chọn, phân loại, đóng gói, người ủy thác có thể giảm bớt chi phí vận tải. Hình thành được mạng lưới buôn bán, tiêu thụ rộng khắc, tạo điều kiện cho việc chiếm lĩnh và mở rộng thị trường. Trong thương mại quốc tế, nhiều người trung gian buôn bán có tiềm năng tài chính lớn, nhiều khi họ còn là những người cung cấp tín dụng cho người ủy thác.

Tuy nhiên, việc sử dụng trung gian thương mại có những hạn chế như: Nhà kinh doanh mất sự liên hệ trực tiếp với thị trường; việc kinh doanh buôn bán phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất của người trung gian nên nhiều khi phải gánh trị hậu quả và rủi ro; nhà kinh doanh cũng thường phải đáp ứng yêu sách nhiều khi không có lợi cho mình do đại lý, môi giới đưa ra; lợi nhuận bị chia sẻ ….

4.2. Mua bán đối lưu

Mua bán đối lưu là phương thức giao dịch trao đổi hàng hóa, trong đó xuất khẩu kết hợp với nhập khẩu, người bán đồng thời là người mua, lượng hàng giao đi có giá trị tương xứng với lượng hàng nhận về. 

Mua bán đối lưu có các đặc điểm sau:

– Giá trị sử dụng của hàng hóa được quan tâm chính vì việc đổi hàng giữa các đối tác với nhau chỉ là để thỏa mãn một nhu cầu nào đó, các đối tác ít quan tâm đến giá trị của hàng hóa.

– Tiền trong phương thức này chỉ là phương tiện để tính toán, có nghĩa là các bên đối tác chỉ định giá hàng hóa để qua đó trao đổi cho nhau.

– Yêu cầu về cân bằng quyền lợi giữa các bên. Sự cân bằng này được thể hiện ở những khía cạnh sau:

+ Cân bằng về mặt hàng: Mặt hàng quý đổi lấy mặt hàng quý, mặt hàng tồn kho, khó bán đổi lấy mặt hàng tồn kho, khó bán.

+ Cân bằng về điều kiện giao hàng: Xuất CIF thì phải nhập CIF, xuất FOB thì phải nhập FOB.

+ Cân bằng về tổng giá trị: Tổng giá trị hàng hóa trao đổi phải tương đối cân bằng nhau.

Mua bán đối lưu có các hình thức sau: 

4.2.a. Hình thức hàng đổi hàng (Barter)

Căn cứ vào nhu cầu của mình, hai bên giao dịch trao đổi trực tiếp với nhau những hàng hóa có giá trị tương đương hoặc gần bằng nhau, việc giao hàng giữa các bên diễn ra gần như đồng thời nhau. Nếu trị giá hàng hóa giao dịch của hai bên tương đương nhau thì không có trao tiền; nếu cho phép trị giá hàng hai bên giao chênh lệch, phần chênh lệch có thể dùng tiền thanh toán. 

Trong nghiệp vụ hàng đổi hàng cổ điển chỉ có hai bên tham gia trao đổi. Còn trong nghiệp vụ hàng đổi hàng hiện đại có thể thu hút 3 – 4 bên tham gia.

4.2.b. Hình thức mua của nhau (Counter purchase) hoặc mậu dịch song song (Parallel trade)

Hình thức này là hai bên giao dịch mua sản phẩm của nhau. Đây không phải là lấy hàng đổi hàng đơn thuần như hình thức hàng đổi hàng mà là giao dịch thanh toán tiền mặt. Điểm khác nhau giữa nó và giao dịch thông thường ở chỗ bên xuất khẩu cam kết mua ngược lại hàng của đối tác trong hợp đồng thứ nhất và không đòi hỏi trao đổi ngang giá trị.

4.2.c. Hình thức mua lại sản phẩm (Buyback)

Thực tế thương mại ở một số nước diễn ra tình trạng mua thiết bị của nước ngoài nhưng không có đủ ngoại tệ để thanh toán hoặc sản phẩm sản xuất ra không tìm được thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy đã xuất hiện hình thức mua lại sản phẩm. Đây là hình thức trong đó một bên cung cấp thiết bị toàn bộ và/hoặc sáng chế, hoặc bí quyết kỹ thuật cho bên khác, đồng thời cam kết mua lại những sản phẩm do thiết bị hoặc sáng chế hoặc bí quyết kỹ thuật đó tạo ra. Cách làm này thường sử dụng trong giao dịch chuyển giao công nghệ. 

4.2.d. Hình thức bù trừ (Compensation)

Đây là hình thức mua bán đối lưu mở rộng từ trao đổi hàng đơn lẻ sang tập hợp hàng hóa. Trong hình thức buôn bán bù trừ, hai bên trao đổi hàng hóa với nhau trên cơ sở ghi trị giá hàng giao và hàng nhận. Đến cuối kỳ hạn, hai bên mới đối chiếu sổ sách, so sánh giữa trị giá hàng giao với trị giá hàng nhận. Nếu sau khi bù trừ tiền hàng như thế mà còn số dư thì số tiền đó được giữ lại để chi trả theo yêu cầu của bên chủ nợ về những khoản chi tiêu của bên chủ nợ tại nước bị nợ.

Hợp đồng bù trừ thường được ký kết cho thời gian dài, có khi tới 10 hoặc 20 năm.

4.2.e. Hình thức chuyển nợ (hay còn gọi là hình thức buôn bán trao tay, buôn bán tam giác – Switch)

Hình thức này là bên nhận hàng chuyển nghĩa vụ thanh toán cho một bên thứ ba, bên thứ ba có nghĩa vụ trả tiền hàng. Hình thức này đảm bảo cho các công ty khi nhận hàng đối lưu không phù hợp có thể bán hàng hóa đó đi.

4.2.f. Hình thức giao dịch bồi hoàn (hay còn gọi là giao dịch đền bù – Offset)

Đây là nghiệp vụ đổi hàng hóa hoặc dịch vụ để lấy những dịch vụ và ưu huệ (ưu huệ trong đầu tư hoặc giúp đỡ bán sản phẩm). Giao dịch này thường xảy ra trong lĩnh vực buôn bán những kỹ thuật quân sự đắt tiền, trong việc giao những chi tiết và cụm chi tiết trong khuôn khổ hợp tác công nghiệp.

4.3. Gia công quốc tế

Gia công quốc tế là một hoạt động gia công thương mại, trong đó bên đặt gia công giao nguyên liệu và/hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật cho bên nhận gia công. Bên nhận tổ chức sản xuất, giao lại sản phẩm và được nhận một số tiền công. Hai bên có quốc tịch hoặc trụ sở thương mại ở các nước khác nhau. 

Gia công quốc tế ngày nay khá phổ biến trong buôn bán ngoại thương của nhiều nước. Loại hình này bao gồm một số hình thức sau:

Xét về mặt quyền sở hữu nguyên liệu: Gia công quốc tế có thể tiến hành theo những hình thức sau đây:

+ Bên đặt gia công giao nguyên liệu, thu sản phẩm và trả tiền gia công. Trong thời gian chế tạo, sản xuất quyền sở hữu về nguyên liệu vẫn thuộc về bên đặt gia công.

+ Mua đứt bán đoạn: Bên đặt gia công bán đứt nguyên liệu cho bên nhận gia công và sau thời gian sản xuất, chế tạo sẽ mua lại sản phẩm. Trong trường hợp này, quyền sở hữu về nguyên liệu chuyển từ bên đặt gia công sang bên nhận gia công.

Xét về giá gia công: Người ta chia việc gia công thành hai hình thức:

+ Hợp đồng thực chi, thực thanh: Bên nhận gia công thanh toán cho bên đặt gia công toàn bộ chi phí thực tế của mình cộng với tiền thù lao gia công.

+ Hợp đồng khoán gọn: Người ta xác định một giá định mức (Target price) cho mỗi sản phẩm, bao gồm chi phí định mức và thù lao định mức. Dù chi phí thực tế của bên nhận gia công là bao nhiêu đi nữa, hai bên vẫn thanh toán với nhau theo giá định mức đó.

Xét về số bên tham gia: Gia công được chia thành:

+ Gia công hai bên: Trong đó chỉ có một bên đặt gia công và một bên nhận gia công.

+ Gia công nhiều bên, còn gọi là gia công chuyển tiếp: Trong đó bên nhận gia công là một số doanh nghiệp mà sản phẩm gia công của đơn vị trước là đối tượng gia công của đơn vị sau, và bên đặt gia công có thể chỉ có một và cũng có thể nhiều hơn một.

4.4. Giao dịch tái xuất

Tái xuất là hình thức xuất khẩu những hàng hóa trước đây đã nhập khẩu và chưa qua chế biến ở nước tái xuất. Tái xuất là một phương thức giao dịch buôn bán mà người làm tái xuất không nhằm mục đích phục vụ tiêu dùng trong nước mà chỉ tạm nhập khẩu sau đó tái xuất khẩu để kiếm lời.

Phương thức này khác với phương thức đối lưu ở chỗ là không quan tâm đến nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tham gia vào phương thức giao dịch tái xuất luôn có 3 nước: Nước xuất khẩu, nước nhập khẩu, và nước tái xuất. Vì vậy, phương thức này còn được gọi là phương thức giao dịch ba bên hay giao dịch tam giác.

Giao dịch tái xuất bao gồm các hình thức sau: 

4.4.a. Kinh doanh tạm nhập – tái xuất 

Theo Điều 29, Luật Thương mại, tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.

4.4.b. Chuyển khẩu hàng hóa

Chuyển khẩu là hình thức kinh doanh trong đó hàng hóa của nước xuất khẩu trực tiếp sang nước nhập khẩu. Nước tái xuất trả tiền cho nước xuất khẩu và thu tiền của nước nhập khẩu.

4.5. Thương mại điện tử

Thương mại điện tử (E-commerce) là phương thức thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự. 

Nói một cách khác, thương mại điện tử là phương thức thương mại mà việc trao đổi thông tin thương mại được thực hiện thông qua các phương tiện công nghệ điện tử mà không cần phải in ra giấy trong bất cứ công đoạn nào của quá trình giao dịch. Theo cách hiểu chung hiện nay, thương mại điện tử là việc sử dụng các phương tiện điện tử và mạng Internet để tiến hành các hoạt động thương mại.

4.6. Đấu giá quốc tế

Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất. Đấu giá hàng hóa quốc tế là cuộc đấu giá có nhiều người tham gia với quốc tịch hay trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.

Việc đấu giá hàng hoá trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đấu giá hàng hoá được thực hiện theo một trong hai phương thức, phương thức trả giá lên hoặc phương thức đặt giá xuống. 

Có thể tiến hành đấu giá qua mạng Internet. Bản chất của đấu giá trên mạng và đấu giá truyền thống giống nhau đều là tạo ra một môi trường cạnh tranh để cuối cùng chọn được một mức giá tối ưu.

4.7. Đấu thầu quốc tế

Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó bên mua thông qua mời thầu nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu xem thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mua đặt ra để ký kết và thực hiện hợp đồng. Đấu thầu quốc tế là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu với sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài và nhà thầu trong nước.

Đấu thầu có thể thực hiện dưới hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế. Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu. Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu. Bên mời thầu có trách nhiệm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với trường hợp đấu thầu rộng rãi hoặc gửi thông báo mời đăng ký dự thầu đến các nhà thầu đủ điều kiện trong trường hợp đấu thầu hạn chế.

4.8. Giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa

Sở giao dịch hàng hóa (Commodity markets) là những thị trường giao dịch đặc biệt, diễn ra thường xuyên tại một địa điểm cố định, tại đó bằng hợp đồng mẫu của Sở, thông qua người môi giới của Sở, các thương nhân sẽ mua bán những lượng hàng hoá có giá trị lớn và thường là mua khống bán khống để thu chênh lệch giá.

Giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa là một trong những phương thức giao dịch thương mại quốc tế phổ biến
Sở Giao dịch kim loại London – một trong những sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới hiện nay.

Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hoá nhất định qua Sở giao dịch hàng hóa theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hóa với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.

Những trung tâm giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới:

London, New York: Kim loại màu.

London, New York, Rotterdam, Amsterdam: Cà phê.

Bombay, Chicago, New York: Bông.

Rotterdam, Milan, New York: Lúa mì. 

Sở Giao dịch kim loại London – một trong những sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới hiện nay. 

Tại Việt Nam, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) được cấp phép thành lập năm 2010, là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia. Hiện nay, MXV đã kết nối liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch Hàng hóa lâu đời và lớn nhất trên thế giới như: Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago – CME Group (bao gồm các Sàn Giao dịch CBOT, CME, COMEX, NYMEX); Sở Giao dịch Liên lục địa – ICE (bao gồm các Sàn Giao dịch ICE US, ICE EU, ICE Singapore); Sở Giao dịch Kim loại London – LME; Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka – OSE; Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore – SGX; Sở Giao dịch Hàng hóa Bursa Malaysia Derivatives – BMD.

4.9. Giao dịch tại hội chợ và triển lãm quốc tế

Hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế là hoạt động xúc tiến thương mại và bán hàng được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân các quốc gia khác nhau trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá/dịch vụ quốc tế.

4.10. Nhượng quyền thương mại

Điều 284, Luật Thương mại Việt Nam định nghĩa: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận nhượng quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

– Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiện kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.

– Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận nhượng quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Các doanh nghiệp có thể tận dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại, như nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS, để quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và thành công trong giao thương trên thị trường thế giới.

Dùng thử miễn phí

MISA AMIS là một nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện, tích hợp đầy đủ các chức năng quản lý từ tài chính, kế toán, nhân sự đến bán hàng và chăm sóc khách hàng. Đối với các doanh nghiệp tham gia vào giao dịch thương mại quốc tế, việc ứng dụng MISA AMIS mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đặc biệt là trong việc quản lý, điều hành và theo dõi các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

MISA AMIS cung cấp cho doanh nghiệp khả năng quản lý tài chính và kế toán một cách chính xác và minh bạch, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi và kiểm soát các giao dịch quốc tế. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác trong báo cáo tài chính mà còn giảm thiểu rủi ro liên quan đến thanh toán quốc tế, tăng cường sự tin cậy với đối tác và khách hàng toàn cầu.

Nền tảng này cũng tự động hóa quy trình làm việc liên thông giữa các nghiệp vụ cốt lõi trong doanh nghiệp: Tài chính – kế toán; quản trị sản xuất; quản trị bán hàng; marketing – truyền thông; quản trị nguồn nhân lực; hành chính tổng hợp… giúp doanh nghiệp dễ dàng giám sát, quản lý và tối ưu hóa các quy trình kinh doanh liên quan đến thương mại quốc tế. Tự động liên thông thông tin đơn hàng, hợp đồng về bộ phận Kế toán khi Kinh doanh lên đơn hàng, đồng thời đồng bộ thông tin về tình trạng xử lý đơn hàng, hợp đồng từ Kế toán sang Kinh doanh. 

MISA AMIS còn giúp doanh nghiệp chuẩn hóa các quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tăng cường khả năng tương tác và hợp tác với các đối tác toàn cầu. Nhờ vậy, doanh nghiệp không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn mở rộng thị trường, tận dụng các cơ hội từ sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

5. Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, giao dịch thương mại quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Bằng cách hiểu rõ bản chất, các đặc điểm, nguyên tắc và sự khác biệt trong từng phương thức giao dịch thương mại quốc tế, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ trong quản trị, các doanh nghiệp có thể lựa chọn những phương thức phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng của từng thị trường, mở rộng thị phần, gia tăng doanh số và lợi nhuận, phát triển bền vững.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Ánh
Tác giả
Trưởng nhóm nội dung Quản trị vận hành
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả