Khi tăng ca người lao động sẽ được hưởng thêm lương. Cách tính lương theo ca như thế nào là đúng quy định? Bậc lương tăng ca, hệ số lương theo giờ cơ bản là bao nhiêu? Cần lưu ý những yếu tố nào khi tính lương tăng ca? Đây là những thắc mắc thường gặp đối với nhiều người lao động và cả những người làm công tác nhân sự. Hãy cùng MISA AMIS HRM tìm hiểu thêm về cách tính tiền lương tăng ca trong bài viết dưới đây.
1. Lương tăng ca là gì?
Lương tăng ca là khoản mà doanh nghiệp trả thêm cho người lao động, nếu người này làm việc ngoài khung giờ mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Tại các doanh nghiệp, lương tăng ca và lương làm thêm giờ thường được gọi là lương OT (Overtime pay).
Lương của người lao động được tính dựa vào quy định của pháp luật lao động và dựa vào chính sách lương thưởng mà doanh nghiệp, tổ chức đề ra. Tăng ca là quyền lợi, lựa chọn của người lao động, bởi vậy người sử dụng lao động không được bắt ép nhân viên làm thêm giờ mà không có sự đồng ý của họ.
2. Khi nào người lao động được tính lương tăng ca?
2.1 Xác định thời gian làm việc bình thường
Dựa vào Điều 105 Luật Lao Động 2019, nếu trả lương nhân viên theo ngày thì thời gian làm việc không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần
Nếu trả lương nhân viên theo tuần, giờ làm việc không quá 10 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Các cơ quan, đơn vị nhà nước thường áp dụng 40 giờ làm việc/tuần.
Trong trường hợp người lao động phải làm công việc đặc biệt độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc được quy định trong danh mục của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội: số giờ làm việc không quá 6 giờ/ngày.
Nếu không thể hoàn thành công việc trong giờ hành chính hoặc không thể làm ngoài giờ ngay, người lao động có thể thỏa thuận với quản lý để sắp xếp để làm bù vào các thời điểm khác.
2.2 Các điều kiện được công nhận làm thêm giờ
Để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi và phát sinh xung đột, việc làm thêm giờ, tăng ca cần tuân thủ pháp luật lao động và chính sách làm việc của doanh nghiệp. Dưới đây là một số điều kiện quan trọng về tăng ca mà người sử dụng lao động và người lao động cần chú ý:
- Làm việc tăng ca, làm thêm ngoài khung giờ thông thường phải có sự đồng ý của người lao động.
- Số giờ làm thêm không vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày.
- Nếu áp dụng hình thức làm việc theo tuần: tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ tăng ca không quá 12 giờ/ngày, tăng ca không quá 40 giờ/tháng
- Nếu làm thêm vào ngày lễ Tết hoặc ngày nghỉ hàng tuần: số giờ làm thêm không vượt quá 12 giờ/ngày
- Sau mỗi khoảng thời gian làm thêm giờ, doanh nghiệp phải sắp xếp thời gian để người lao động được nghỉ bù
- Số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm, trừ một số ngành nghề đặc thù khác không quá 300 giờ/năm (theo Khoản 3 Điều 107 Luật Lao Động)
- Nếu làm thêm giờ ban đêm: khi làm việc trong khoảng thời gian từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, người lao động được coi là đủ điều kiện để nhận lương làm thêm giờ, tăng ca.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách chia 3 ca làm việc cho nhân viên đơn giản – chuẩn xác
3. Cách tính lương tăng ca vào ban ngày
3.1 Cách tính lương tăng ca ban ngày đối với người lao động hưởng lương theo thời gian
Căn cứ vào Điều 105 Bộ Luật Lao Động 2019, người lao động hưởng lương theo thời gian được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ bình thường do người sử dụng lao động quy định.
Công thức tính lương trong trường hợp này:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Các khoản trong công thức trên được hiểu như sau:
Tiền lương thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường là tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng, tuần, ngày mà người lao động làm thêm giờ chia cho tổng số giờ thực tế làm việc.
Số giờ không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng, không quá số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật và không tính số giờ làm thêm.
Lưu ý tiền lương thực trả không bao gồm:
- Tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc ban đêm, tiền lương ngày nghỉ lễ tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định.
- Tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật Lao Động, tiền thưởng sáng kiến.
- Tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ cho người lao động như đi lại, xăng xe, điện thoại nhà ở, giữ trẻ, nuôi con nhỏ…
- Tiền hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, khi có người thân kết hôn, sinh nhật, bệnh nghề nghiệp và các khoản trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Mức ít nhất 150% so với tiền lương thực trả được áp dụng khi người lao động làm thêm vào ngày thường.
Mức ít nhất 200% so với tiền lương thực trả được áp dụng khi người lao động làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần.
Mức ít nhất 300% so với tiền lương thực trả được áp dụng khi người lao động làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương với người lao động hưởng lương ngày.
3.2 Cách tính tiền lương tăng ca ban ngày đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm
Trong trường hợp này, người lao động được nhận lương tăng ca khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để tăng sản lượng ngoài định mức lao động. Công thức tính tiền tăng ca cho người hưởng lương theo sản phẩm như sau:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Mức ít nhất 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường được áp dụng với sản phẩm làm thêm vào ngày thường.
Mức ít nhất 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường được áp dụng với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần.
Mức ít nhất 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường được áp dụng với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương
Ngoài áp dụng cách tính lương tăng ca theo các mức trên, bạn cần lưu ý thêm một số điều sau:
- Nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì lương tăng ca được tính theo ngày nghỉ lễ, tết.
- Nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi lễ, tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì lương tăng ca được tính theo ngày nghỉ hằng tuần.
>>> Đọc thêm: 4 Cách tính lương theo sản phẩm chi tiết và chính xác nhất
4. Cách tính tiền tăng ca vào ban đêm
4.1 Cách tính lương tăng ca ban đêm đối với người lao động hưởng lương theo thời gian
Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, khi tăng ca vào ban đêm sẽ được hưởng lương tính theo công thức sau:
Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường được tính theo quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương có cách tính cụ thể như sau:
- Ít nhất bằng 100% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường với người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngay đó (trước khi làm thêm ban đêm).
- Ỉt nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường với người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngay đó (trước khi làm thêm ban đêm).
Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ hàng tuần bằng ít nhất 200% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày bình thường.
Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương bằng ít nhất 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường.
4.2 Cách tính lương tăng ca ban đêm đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm
Công thức tính lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm làm thêm vào ban đêm:
Cách xác định đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường:
- Ít nhất bằng 100% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, trong trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm ban đêm)
- Ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, trong trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm ban đêm)
Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ hằng tuần ít nhất bằng 200% so với giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.
Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% so với giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.
5. Mẫu bảng tính lương tăng ca, làm làm thêm giờ
Bảng tính lương tăng ca là biểu mẫu để xác định tiền lương làm thêm giờ, tăng ca mà người lao động được hưởng. Bảng này được soạn thảo theo các quy định của Bộ Lao Động cũng như các văn bản hướng dẫn khác.
Các thông tin cần có trong bản là số thứ tự, họ tên, hệ số lương, hệ số phục cấp nếu có, số giờ làm thêm, tăng ca, mức lương ngày hoặc giờ, thành tiền, thời gian nghỉ bù, ký xác nhận. Bảng thanh toán lương phải có đầy đủ chữ ký của các vị trí sau: người lập bảng, kế toán trưởng, giám đốc hoặc người được ủy quyền duyệt bảng.
Theo quy định hiện hành có hai mẫu bảng tính lương đi kèm với thông tư 133/22016 và thông tư 200/2014. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm mẫu bảng tính lương do MISA AMIS HRM tổng hợp.
5.1 Mẫu bảng tính lương tăng ca theo thông tư 133
5.2 Mẫu bảng tính lương tăng ca theo thông tư 200
Để nhận các mẫu bảng tính lương theo thông tư 133 hoặc thông tư 200. Mời quý bạn đọc đăng ký vào phần Tải Mẫu
6. Câu hỏi thường gặp về lương làm thêm giờ
Khi tính lương tăng ca có bao gồm phụ cấp không?
Căn cứ theo Luật Lao Động, tiền lương người lao động trong mọi lĩnh vực sẽ bao gồm mức lương theo chức danh hay công việc, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác. Vì vậy, khi tính lương tăng ca cần bao gồm thêm phụ cấp lương.
>>> Xem thêm: Lương OT là gì? Vì sao nhiều người chọn làm OT?
Làm việc vào khung thời gian nào thì được tính là tăng ca đêm?
Ca đêm được tính từ 22 giờ đêm hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Ngoài giờ làm việc hành chính ban ngày, nếu nhân viên phải làm khung giờ trên thì được hưởng lương tăng ca đêm.
Làm thế nào để tính lương tăng ca dễ dàng hơn?
Có thể thấy rằng, tính lương tăng ca đòi hỏi theo dõi nhiều hạng mục và phải tính toán phức tạp ứng với từng trường hợp nhân viên cụ thể. Bởi vậy nếu doanh nghiệp có quy mô lớn, việc thu thập số liệu từng người để tổng hợp Excel tốn rất nhiều thời gian cho bộ phận HR. Chính vì vậy, xu thế hiện tại của các doanh nghiệp là sử dụng phần mềm quản trị nhân sự bao gồm chức năng tự động tính lương.
AMIS Tiền Lương là giải pháp tính lương chuyên nghiệp được phát triển bởi MISA – đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Phần mềm này cung cấp tính năng tính lương tự động từ bảng công, tính lương tăng ca theo công thức có sẵn, theo quy định của pháp luật. Đồng thời phần mềm cũng có tính năng báo cáo quỹ lương, tình hình lương, kết nối với phần mềm kế toán để thuận tiện chi trả lương cho người lao động.
7. Kết luận
Với hướng dẫn như trên, hy vọng bạn đọc đã biết cách tính lương tăng ca theo đúng quy định hiện hành. Người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là bộ phận HR, kế toán cần nắm rõ cách tính lương làm thêm giờ để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Ngoài cách tính lương bằng Excel, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng phần mềm HRM để nâng cao tính chính xác, minh bạch trong công tác tính lương.