Dòng tiền âm, doanh nghiệp dễ bị phá sản

14/09/2018
3048

Yếu tố dòng tiền – một tiêu chí quan trọng nhưng ít được doanh nghiệp đề cập. Việc để dòng tiền âm có thể dẫn đến khả năng phá sản của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm:

Lập kế hoạch dòng tiền giúp doanh nghiệp chủ động đạt mục tiêu kinh doanh năm 2021

Quản trị dòng tiền hiệu quả để tránh nguy cơ phá sản

Báo cáo tài chính: Cách đọc, phân tích và thủ thuật

Hướng dẫn hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng & bài tập ví dụ

Dòng tiền âm ở doanh nghiệp có bình thường không?

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền – một tiêu chí ít được doanh nghiệp đề cập ngay cả khi lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh.

Lật lại quá khứ, ở báo cáo tài chính 2016 của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA): công ty đạt doanh thu 296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 53,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm của ITA âm tới 897,6 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là tăng tại khoản mục hàng tồn kho (169 tỷ đồng) và giảm các khoản phải trả (830 tỷ đồng).

Biến động hàng tồn kho và các khoản phải trả cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của ITA âm gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2015, âm 857 tỷ đồng trong năm 2014 và âm 267 tỷ đồng trong năm 2013 dù trong những năm này, doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng.

Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Với những doanh nghiệp mới thành lập, đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả…, thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Nhưng về dài hạn và ở những công ty quy mô vừa và lớn hay đa chi nhánh thì dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.

Lợi nhuận – dòng tiền, con số nào quan trọng hơn?

Doanh nghiệp cũng như một cá nhân, một gia đình, bất cứ hoạt động nào như mua sắm tài sản, hàng hóa, máy móc, trả lương cho cán bộ, nhân viên… đều liên quan đến “tiền”. Dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất – kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Không có tiền trả nợ khi đến hạn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể bị chủ nợ yêu cầu làm thủ tục phá sản.

Doanh nghiệp có thể báo cáo lợi nhuận hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nếu nguồn tiền thu về từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đủ để tài trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh thì sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư, hoặc dòng tiền hoạt động tài chính (vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, bán bớt tài sản). Trong trường hợp này, một mặt công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn.

Theo quy định, định kỳ các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố báo cáo tài chính với 4 báo cáo chi tiết bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Trong đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp cho nhà đầu tư, cổ đông biết doanh nghiệp đã tạo ra tiền từ những nguồn nào và chi tiêu tiền cho những mục đích gì.

dòng tiền âm do báo cáo tài chính không chính xác

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Bởi lẽ, báo cáo này chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đi đâu về đâu, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể báo cáo lỗ do phát sinh các chi phí như khấu hao tài sản cố định, dự phòng. Trên thực tế, đây không phải là các chi phí bằng tiền mặt và có thể chỉ mang tính ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn có dòng tiền đáp ứng các nghĩa vụ chủ nợ, khách hàng, người lao động, hay mở rộng sản xuất.

Ngược lại, có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông.

Bài viết có sự tham khảo từ tinnhanhchungkhoan.vn

Có thể bạn quan tâm:

Lập kế hoạch dòng tiền giúp doanh nghiệp chủ động đạt mục tiêu kinh doanh năm 2021

Quản trị dòng tiền hiệu quả để tránh nguy cơ phá sản

Báo cáo tài chính: Cách đọc, phân tích và thủ thuật

Hướng dẫn hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng & bài tập ví dụ

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả