Top 5 vấn đề cần chú ý để quản trị dòng tiền hiệu quả

08/01/2024
2539

Quản trị dòng tiền hiệu quả là chìa khóa quan trọng đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý cấp C việc này không chỉ cần thiết mà còn cấp bách. 

Bài viết “Top 5 vấn đề cần chú ý để quản trị dòng tiền hiệu quả” cung cấp các chiến lược tài chính và giải pháp thực tế, giúp tối ưu hóa quản lý tài chính và tận dụng hiệu quả nguồn lực tài chính trong doanh nghiệp.

1. Phân biệt lợi nhuận và dòng tiền

Lợi nhuận Dòng tiền
  • Lợi nhuận phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ nhất định.
  • Được tính dựa trên nguyên tắc dồn tích, tức là ghi nhận doanh thu và chi phí tại thời điểm phát sinh, bất kể tiền đã được thu hay chưa.
  • Lợi nhuận cho thấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng không phản ánh tình hình thanh khoản hay khả năng sinh lời thực tế từ hoạt động kinh doanh.
  • Dòng tiền được ghi nhận dựa trên thực tế tiền thu vào và chi ra từ tài khoản của doanh nghiệp.
  • Ghi nhận dòng tiền thu về khi doanh nghiệp thực sự nhận được thanh toán từ khách hàng và dòng tiền chi ra khi thanh toán cho nhà cung cấp.
  • Dòng tiền cung cấp thông tin về tình hình thanh khoản và khả năng quản lý tiền mặt của doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá khả năng duy trì hoạt động và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Sự khác biệt này cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý dòng tiền, bên cạnh việc theo dõi lợi nhuận trong quản trị doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể có lợi nhuận cao nhưng lại gặp vấn đề về thanh khoản nếu không quản lý tốt dòng tiền của mình.

Trong điều kiện thị trường không ổn định hoặc kinh tế suy thoái, việc duy trì dòng tiền có thể quan trọng và cần ưu tiên hơn mục tiêu lợi nhuận để vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào duy trì dòng tiền “khỏe mạnh” thường là ưu tiên hàng đầu. Điều này đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp.

2. Hiểu rõ về dòng tiền

Dòng tiền được ví như dòng máu của doanh nghiệp. Nó là yếu tố sống còn cho hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp. 

Dòng tiền của doanh nghiệp phát sinh từ 3 hoạt động: kinh doanh, đầu tư, tài chính
  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: là dòng tiền tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp;
  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: là dòng tiền vào và ra từ hoạt động đầu tư mua sắm, hình thành nên tài sản dài hạn và các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp;
  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính: là dòng tiền phát sinh từ các hoạt động tài chính như huy động, giải ngân vốn cho doanh nghiệp…
Dòng tiền Nguồn phát sinh chủ yếu
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh Dòng tiền vào: tiền thu từ bán hàng & cung cấp dịch vụ…
Dòng tiền ra:

+ Các khoản tiền trả cho người cung cấp nguyên vật liệu

+ Tiền trả cho người lao động

+ Tiền nộp thuế, phí

+ Tiền chi trả lãi vay…

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư Dòng tiền vào: gồm tiền thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và tài sản dài hạn khác; tiền thu hồi vốn đầu tư vào các đơn vị khác; tiền thu hồi cho vay…
Dòng tiền ra: khoản chi mua sắm tài sản cố định, chi góp vốn đầu tư…
Dòng tiền hoạt động tài chính Dòng tiền vào: quyết định vay vốn, phát hành cổ phiếu, gọi vốn góp…
Dòng tiền ra: trả nợ, mua lại cổ phần…

Trong công tác quản lý dòng tiền, thông thường doanh nghiệp nên chú trọng vào dòng tiền từ hoạt động kinh. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cho biết khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh chính. Trong những giai đoạn theo chiến lược, doanh nghiệp có thể có dòng tiền đầu tư, dòng tiền tài chính chiếm tỷ trọng lớn, lúc này nhà quản trị cần lưu ý tới cả 3 dòng tiền ra vào doanh nghiệp để lên  kế hoạch, kiểm soát và cân đối phù hợp.

3. Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, công tác kiểm tra và đánh giá dòng tiền

Doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng kế hoạch dòng tiền và coi đây là việc làm bắt buộc, một phần của kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Kế hoạch dòng tiền được lập dựa trên sự kết hợp từ thông tin từ báo cáo tài chính quá khứ và dự báo tương lai đồng thời cập nhật thông tin kinh tế – xã hội liên quan. 

Biểu mẫu kế hoạch dòng tiền

Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch dòng tiền để chủ động trong việc theo dõi, thu hồi nợ và đầu tư… doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác theo dõi kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch dòng tiền.

Các công việc cụ thể như theo dõi thường xuyên, kiểm tra định kỳ (tuần/tháng), kiểm tra đột xuất… để đánh giá khách quan tình hình quản trị dòng tiền. Ngay khi có những dấu hiệu không bám kế hoạch dòng tiền hoặc dòng tiền âm, doanh nghiệp cần ngay lập tức có những biện pháp cải thiện khắc phục tình hình, tránh trường hợp rơi vào khó khăn thậm chí khủng hoảng tài chính ngắn hạn.

Nổi bật hiện nay là phần mềm kế toán online MISA AMIS, có thể cung cấp báo cáo dự báo dòng tiền tự động, giúp doanh nghiệp luôn kiểm soát được an toàn tài chính của doanh nghiệp mình.

Dùng ngay miễn phí

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao công tác quản trị rủi ro tài chính nói chung tại doanh nghiệp, xác định các nhân tố chính có khả năng ảnh hưởng và dẫn tới các rủi ro tài chính cũng như một vài giải pháp khi tình huống xấu xảy ra. Ví dụ xây dựng hệ thống quản trị chi phí hợp lý, xây dựng hệ thống khung định mức…

4. Theo dõi khoản phải thu để rút ngắn kỳ thu tiền bình quân

Quản lý công nợ phải thu là một khía cạnh quan trọng trong quản lý dòng tiền của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tăng cường quản trị khoản phải thu để thu hồi nhanh chóng các khoản thanh toán của khách hàng. Hiệu quả quản lý công nợ phải thu đòi hỏi sự tập trung và chi tiết để đảm bảo rằng tiền được thu về đúng thời hạn. 

Quyết định cấp tín dụng phù hợp với từng khách hàng: Doanh nghiệp cần quyết định cấp tín dụng phù hợp với từng khách hàng, xác định rõ điều kiện thanh toán với khách hàng từ trước, bao gồm thời hạn thanh toán và các điều khoản về việc trả tiền và theo dõi sát sao để giảm rủi ro và cải thiện dòng tiền.

Theo dõi công nợ: cần thiết lập hệ thống theo dõi công nợ định kỳ để biết được tình trạng thanh toán của từng khách hàng, có thể tập trung phân tích ở nhóm khách hàng nợ nhiều, nợ lâu… Điều này giúp xác định các khoản nợ quá hạn và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Tối ưu hóa quy trình thu tiền: cần thiết lập quy trình thu tiền mạch lạc và hiệu quả để đảm bảo rằng tiền được thu về nhanh chóng và hiệu quả.

Gửi công văn đề nghị thanh toán nợ đến hạn/quá hạn: Đôi khi, việc gửi công văn cảnh báo cho khách hàng nợ quá hạn có thể tạo áp lực để họ thanh toán nhanh hơn.

Việc quản lý công nợ phải thu đòi hỏi sự tỉ mỉ và quyết tâm từ phía doanh nghiệp. Hiệu quả trong việc này có thể giúp cải thiện dòng tiền, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự ổn định trong hoạt động kinh doanh.

5. Cải thiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Cải thiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp (DN) là một trong các yếu tố quan trọng để quản lý dòng tiền một cách hiệu quả. Dưới đây là một số cách DN có thể thực hiện để nâng cao khả năng thanh toán:

Tìm kiếm nhà cung cấp mới: bên cạnh các nhà cung cấp hiện tại, DN nên tìm kiếm thêm nhà cung cấp khác để tăng cường sự đa dạng trong chuỗi cung ứng. Điều này giúp DN có sự linh hoạt hơn trong việc đàm phán điều khoản thanh toán và tận dụng các ưu đãi.

Lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài: nếu nguồn cung cấp trong nước gặp hạn chế về số lượng hoặc chất lượng, DN cần tìm kiếm các nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cấp đa dạng và đủ lượng.

Nâng cao năng lực đàm phán: nhà quản trị DN cần nâng cao khả năng đàm phán để có thể thương lượng ưu đãi trong giá cả, thời gian thanh toán, và các điều khoản khác với nhà cung cấp. Điều này có thể giúp giảm chi phí mua hàng và cân đối dòng tiền.

Xác định ưu tiên thanh toán: xác định các khoản thanh toán ưu tiên để đảm bảo rằng các khoản thanh toán quan trọng nhất được ưu tiên xử lý trước. Điều này giúp đảm bảo rằng DN không gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ quan trọng.

Duy trì quan hệ tốt với nhà cung cấp: quan hệ tốt với nhà cung cấp có thể giúp DN đàm phán và thương lượng một cách dễ dàng hơn. DN nên duy trì một mối quan hệ cởi mở và xem xét việc chia sẻ thông tin tài chính để tạo lòng tin.

Việc cải thiện khả năng thanh toán của DN không chỉ giúp quản lý dòng tiền hiệu quả mà còn giúp DN tối ưu hóa các ưu đãi và chi phí trong quá trình kinh doanh.

Ngoài những nội dung cần lưu ý như trên, DN có thể triển khai các công việc cụ thể khác như quản lý hàng tồn kho, cân nhắc về việc thuê hay mua, thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ định phí sang biến phí… để đạt hiệu quả quản trị tài chính. 

Tác giả tổng hợp: Ánh Đoàn


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả