Ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp mới thành lập

26/05/2023
2270

Ngày 31/03/2023, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế: Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các cá nhân, tổ chức thành lập công ty/doanh nghiệp, đặc biệt là ưu đãi về thuế TNDN cho những doanh nghiệp mới thành lập. 

Vậy doanh nghiệp mới thành lập sẽ có những ưu đãi thuế TNDN nào?

Hình 1: Ưu đãi về thuế TNDN đối với doanh nghiệp mới thành lập

1. Căn cứ pháp lý:

– Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12; Luật sửa đổi, bổ sung số 32/2013/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13.

– Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-TTg về xã hội hóa.

– Nghị định số 218/2013/NĐ-CP; Nghị định số 91/2014/NĐ-CP; Nghị định số 12/2015/NĐ-CP.

– Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

– Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin.

– Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

– Thông tư số 78/2014/TT-BTC; Thông tư số 151/2014/TT-BTC.

– Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

– Thông tư số 83/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

– Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT.

2. Điều kiện, nguyên tắc xác định ưu đãi thuế TNDN

Không phải doanh nghiệp vừa mới thành lập nào cũng được hỗ trợ chính sách ưu đãi thuế TNDN. Tùy vào lĩnh vực và địa bàn hoạt động, loại hình doanh nghiệp mới thành lập sẽ được hưởng mức thuế suất và thời gian áp dụng tương ứng.

– Ưu đãi do đáp ứng điều kiện địa bàn: toàn bộ thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn được ưu đãi.

– Ưu đãi do đáp ứng lĩnh vực ưu đãi: Thu nhập từ phế phẩm, phế liệu, lãi tiền gửi không kỳ hạn, các khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác cũng được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

– DN thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, nộp thuế theo kê khai.

– DN hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động được ưu đãi và không được ưu đãi để kê khai nộp thuế riêng.

Trong thời gian được ưu đãi thuế, nếu trong năm tính thuế DN không đáp ứng đủ một trong các điều kiện ưu đãi thuế theo quy định thì DN không được hưởng ưu đãi trong năm tính thuế đó mà phải nộp thuế TNDN theo mức thuế suất phổ thông và năm đó sẽ tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế của DN.

Năm miễn thuế, giảm thuế xác định phù hợp với kỳ tính thuế. Thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế tính liên tục kể từ kỳ tính thuế đầu tiên doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập chịu thuế. 

Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư phát sinh doanh thu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC (sửa đổi khoản 4 Điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC).

Doanh nghiệp tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ (-) vào thu nhập tính thuế để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế.

3. Tổng hợp ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp mới thành lập

Ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp mới thành lập bao gồm 2 hình thức: Ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế. Mức ưu đãi tùy theo địa bàn, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Hình 2: DN mới thành lập cần kiểm tra điều kiện về địa bàn, lĩnh vực hoạt động… để xác định DN mình có được hưởng ưu đãi thuế TNDN không và hình thức ưu đãi được hưởng

3.1. Ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn của doanh nghiệp mới thành lập

Hiện nay, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, miền, các dự án đầu tư vào 05 địa bàn (địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao) được hưởng ưu đãi thuế cao hơn các khu, địa bàn khác. 

Hình 3: Các địa bàn được hưởng ưu đãi thuế trong chính sách phát triển kinh tế của nhà nước

Danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP.

Lưu ý: Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh vận tải được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn (bao gồm cả khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao) thì doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ vận tải căn cứ theo địa bàn thành lập dự án đầu tư và có điểm đi hoặc điểm đến thuộc địa bàn thành lập dự án đầu tư thuộc địa bàn được hưởng ưu đãi thuế:

Ví dụ: Năm 2022, doanh nghiệp thành lập mới tại địa bàn tỉnh Hà Giang (thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải. Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện về địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc xác định ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ vận tải của doanh nghiệp căn cứ theo địa bàn thành lập dự án đầu tư (địa bàn tỉnh Hà Giang – thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) và có điểm đi hoặc điểm đến thuộc địa bàn thành lập dự án đầu tư (tỉnh Hà Giang) như sau:

+ Thu nhập từ hoạt động dịch vụ vận tải đối với các tuyến xe được hưởng ưu đãi thuế TNDN do có điểm đi hoặc điểm đến tại Hà Giang: tuyến xe đi từ Hà Giang đến thành phố Hải Dương và ngược lại, tuyến xe đi từ Hà Giang đến thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

+ Thu nhập từ hoạt động dịch vụ vận tải đối với tuyến xe không được hưởng ưu đãi thuế TNDN do điểm đi hoặc điểm đến không thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang: tuyến xe từ Thành phố Hạ Long đến Thành phố Bắc Ninh…

3.2. Ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực

Ưu đãi thuế TNDN theo lĩnh vực là chính sách ưu đãi của nhà nước đối với một nhóm các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ trong một số ngành nghề, lĩnh vực,… được nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích phát triển với những điều kiện thuận lợi hơn về thuế suất. Đây là những ngành, lĩnh vực mà nhà nước khuyến khích phát triển, mang lại lợi ích lâu dài, những ngành, lĩnh vực mới, thúc đẩy sự hiện đại hoá của đất nước nhằm mục đích phát triển kinh tế theo đúng định hướng. Một số ngành, lĩnh vực có thể kể đến như:

– Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm phần mềm…

– Đầu tư phát triển nhà máy nước, điện; công trình cơ sở hạ tầng; 

– Bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; phát triển công nghệ sinh học. ….

– Lĩnh vực sản xuất đáp ứng các tiêu chí theo quy định (quy mô vốn, công nghệ…); sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản xuất vật liệu nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất thép cao cấp

– Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống (sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, các sản phẩm văn hóa).

– Lĩnh vực xã hội hóa trong giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường.

– Lĩnh vực xuất bản của nhà xuất bản; hoạt động báo in của cơ quan báo chí.

– Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định.

– Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô.

– …

>>> Có thể bạn quan tâm: Các công việc về pháp lý cần hoàn thiện khi doanh nghiệp mới thành lập

3.3 Các trường hợp ưu đãi thuế khác

3.3.1 Doanh nghiệp sử dụng lao động nữ

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm trên 50% tổng 150 lao động có mặt thường xuyên hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm trên 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp được giảm thuế TNDN phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ (tiết a điểm 2.9 khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).

3.3.2 Doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số

Doanh nghiệp sẽ được giảm thuế TNDN phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động là người dân tộc thiểu số (tiết b Điểm 2.9 Khoản 2 Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).

– Doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

Chính sách ưu đãi thuế TNDN có nhiều sự thay đổi về quy định, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực được ưu đãi, bên cạnh đó còn có các văn bản hướng dẫn đặc thù của Bộ chủ quản, chuyên ngành khiến kế toán gặp không ít khó khăn, vướng mắc và có nhiều cách hiểu khác nhau, do đó, gặp không ít lúng túng trong quá trình áp dụng, đôi khi bỏ sót thông tin dẫn đến việc không nhận được hoặc không nhận được đầy đủ các ưu đãi của nhà nước. Do đó, các bạn kế toán cần liên tục cập nhật và có thể trao đổi, gửi công văn hỏi trực tiếp cơ quan thuế quản lý để áp dụng chính xác trong trường hợp riêng ở từng doanh nghiệp của mình. 

Để giúp các bạn thuận tiện trong tra cứu, dễ dàng đối chiếu, áp dụng trong thực tế, MISA tóm tắt chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với 5 lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế thường gặp: sản xuất phần mềm, thủy điện, Khu công nghệ cao, sản xuất, xã hội hóa.

Bảng Tổng hợp ưu đãi thuế TNDN theo một số lĩnh vực thường gặp:

STT Điều kiện Ưu đãi về thuế suất Miễn, giảm thuế
Thuế suất Thời gian Miễn thuế Giảm thuế
A Phần mềm
Thu nhập của doanh nghiệp từ sản xuất phần mềm (thuộc  danh mục SP phần mềm và đáp ứng quy trình về sản xuất SP phần mềm theo quy định của pháp luật (Nghị định số 71/2007/NĐ-CP) 10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
B Thủy điện
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực: đầu tư phát triển nhà máy điện 10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
C Khu công nghệ cao
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghệ cao 10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có quy mô vốn đầu tư từ 4.000 tỷ đồng trở lên 10% 30 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
D Sản xuất
1 KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐIỆN TỬ, CƠ KHÍ, SẢN XUẤT VẬT LIỆU, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN
1.1 Doanh nghiệp công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư phát triển công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển công nghệ sinh học. 10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
1.2 Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng các tiêu chí theo quy định. 10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
1.3 Sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng. 17% 10 năm 2 năm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo
2 NÔNG NGHIỆP
2.1 Sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống. 17% 10 năm 2 năm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo
2.2 Hợp tác xã 10% Suốt thời gian hoạt động
2.3 Sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông thủy sản và thực phẩm 10% Suốt thời gian hoạt động
2.4 Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn 15% Suốt

thời gian hoạt động

3 BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG
3.1 – Sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm;

– Sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải;

– Phát triển công nghệ sinh học; 

Dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm:

+ Sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường;

+ Xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường

Thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn;

+ Tái chế, tái sử dụng chất thải.

10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo
3.2 Dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật Nhà ở; 10% Suốt 

thời gian hoạt động

không không
4 VĂN HÓA, XÃ HỘI, THỂ THAO, Y TẾ
4.1 Dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp. 10% Suốt thời gian hoạt động 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo
5 NGÀNH, NGHỀ KHÁC
5.1 Dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu theo quy định của pháp luật về đầu tư và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

– tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.

– sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.

10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
5.2 Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 (mười hai nghìn) tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Dự án quy định tại điểm này được kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi nhưng không quá 15 năm nếu đáp ứng một trong các tiêu chí:

– Sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau năm năm kể từ khi có doanh thu từ dự án đầu tư;

– Sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động;

– Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế kỹ thuật, bao gồm: Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước, cầu, đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, sân bay, nhà ga, năng lượng mới, năng lượng sạch, công nghiệp tiết kiệm năng lượng, dự án lọc hóa dầu.

10% 15 năm 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
E Xã hội hóa
1 Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn 10% Trong suốt thời gian hoạt động 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo
2 Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa không thuộc địa bàn KTXH có điều kiện khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn 10% Trong suốt thời gian hoạt động 4 năm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo
3 Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa. 10% Trong suốt thời gian hoạt động Không Không

Mời bạn tải về Phụ lục Danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN (Ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ) tại đây

4. Các trường hợp không được hưởng ưu đãi thuế TNDN 

Tổng hợp các trường hợp không được hưởng ưu đãi thuế TNDN phổ biến:

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn;

– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC);

– Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.

– Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản.

– Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

MISA AMIS hy vọng qua bài viết, quý doanh nghiệp, các bạn kế toán có thêm thông tin tham khảo để xác định hình thức được hưởng và mức hưởng ưu đãi với doanh nghiệp của mình. Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:

  • Hệ sinh thái kết nối:
    • Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
    • Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
    • Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
    • Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….

Ngoài ra, phần mềm kế toán online MISA AMIS cũng có nhiều tình năng, tiện ích để giúp kế toán thuế của doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực hiện nghiệp vụ:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị Kế toán doanh nghiệp đăng ký trải nghiệm miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS:

Dùng ngay miễn phí

Tác giả: Nguyễn Thảo

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả