Chi phí cơ hội là gì? Đặc điểm, công thức tính chi tiết

07/09/2023
7719

Trong kinh doanh, khi phải lựa chọn giữa các phương án, các nhà kinh tế luôn xem xét chi phí cơ hội để làm cơ sở để đưa ra các quyết định phù hợp. Cũng tương tự, trong cuộc sống mỗi người luôn phải đối mặt với các lựa chọn và đưa ra quyết định. Vậy chi phí cơ hội là gì? Chi phí cơ hội được xác định bằng cách nào? Việc vận dụng chi phí cơ hội trong đầu tư, kinh doanh cũng như trong cuộc sống ra sao? Mời bạn đọc theo dõi các nội dung này trong bài viết dưới đây. 

1. Chi phí cơ hội là gì?

Chi phí cơ hội (Opportunity cost) là những lợi ích mà một cá nhân hay doanh nghiệp bỏ qua khi lựa chọn phương án này thay vì các phương án khác. Vì các nguồn lực đều có giới hạn, cho nên mỗi khi cá nhân, doanh nghiệp đưa ra một sự lựa chọn nghĩa là cũng đang đồng thời từ bỏ các cơ hội khác. Đây là yếu tố quan trọng trong quản lý tài chính và kinh doanh, giúp đánh giá lợi ích và tổn thất khi lựa chọn giữa các phương án khác nhau

Ví dụ: Nếu doanh nghiệp sử dụng 1 tỷ để mua cổ phiếu cho mục đích bán ra kiếm lời khi giá tăng, khi đó doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư 1 tỷ vào mở thêm cửa hàng tại khu vực mới tiềm năng. Giả sử mức độ rủi ro của hai phương án là như nhau, nếu tỷ suất sinh lời cho khoản tiền đầu tư vào phương án mở thêm cửa hàng mới là 10% thì đó chính là chi phí cơ hội của việc đầu tư 1 tỷ vào cổ phiếu. 

Ưu nhược điểm của chi phí cơ hội:

Chi phí cơ hội cho biết lợi ích bị mất đi nếu từ bỏ một lựa chọn. Do đó, đây là một công cụ làm cơ sở cho việc ra quyết định. Tuy nhiên, việc sử dụng chi phí cơ hội trong việc lựa chọn các phương án cũng có những ưu điểm và nhược điểm mà người ra quyết định cần nắm được để ra quyết định hợp lý.

  • Ưu điểm của chi phí cơ hội:
    • Giúp so sánh lợi ích của các phương án để lựa chọn giải pháp tối ưu.
    • Là cơ sở để đưa ra các quyết định kinh doanh và tài chính hiệu quả, tối đa hóa giá trị và sử dụng nguồn lực hợp lý.
  • Nhược điểm của chi phí cơ hội:
    • Về mặt thời gian: Để đánh giá chi phí cơ hội cần thời gian thu thập và phân tích thông tin. Trong các tình huống cần quyết định nhanh, công cụ này có thể không phù hợp.
    • Khó xác định chi phí: Một số chi phí cơ hội không thể định lượng chính xác hoặc dễ dàng bằng tiền, vì chúng có tính chất ước lượng và dự đoán trong tương lai. Điều này có thể khiến chi phí cơ hội không được ghi nhận chính thức trên bảng tính toán, giảm độ chính xác.

2. Cách tính chi phí cơ hội

Hình 2: Công thức xác định chi phí cơ hội – Nguồn: Internet

Chi phí cơ hội cũng có thể được xác định bằng công thức sau:

Chi phí cơ hội (OC) = FO – CO

Trong đó:

  • FO: Return on best-forgone option – Lợi ích từ phương án tốt nhất bị bỏ qua hay chính là chi phí ẩn (đã đề cập ở mục 3)
  • CO: Return on chosen option – Lợi ích từ phương án được chọn hay chính chi phí hiện (đã đề cập ở mục 3).

Công thức tính chi phí cơ hội chỉ đơn giản là sự khác biệt giữa lợi nhuận kỳ vọng của mỗi lựa chọn. Như đã nói ở trên, ngoài lợi ích hiện bằng tiền, thì có những lợi ích khác không bằng tiền như thời gian, sự nỗ lực hay tiện ích. Nếu các yếu tố này có thể đo lường được bằng tiền thì cần đưa vào công thức trên để tính toán. 

Áp dụng với ví dụ doanh nghiệp xem xét giữa tự xây nhà kho và đi thuê nhà kho ở trên, giả định các chi phí khác là không thay đổi giữa 2 phương án, chi phí cơ hội của việc xây dựng nhà kho sẽ gồm:

  • FO: Lợi ích từ việc cho thuê quyền sử dụng đất – lựa chọn đang dự định bỏ qua: 

600 triệu x 8 = 4.8 tỷ VND

  • CO: Lợi ích từ lựa chọn được chọn – xây dựng nhà kho là: (-5 tỷ) (do chỉ có chi phí mất đi, mà không có thu nhập được tạo ra)

Chi phí cơ hội = FO – CO = 4.8 tỷ – (-5 tỷ) = 9.8 tỷ VND

Doanh nghiệp của bạn cần chuyển đổi số cho bộ phận Tài chính - Kế toán?Tham khảo ngay giải pháp MISA AMIS Kế toán!

3. Ý nghĩa của chi phí cơ hội

Chi phí cơ hội là một khái niệm quan trọng trong kinh tế học, giúp cá nhân và doanh nghiệp đưa ra quyết định hiệu quả hơn. Dưới đây là những ý nghĩa chính của chi phí cơ hội:

  • Hỗ trợ ra quyết định tối ưu: Chi phí cơ hội giúp xác định lợi ích tiềm năng của các lựa chọn khác nhau. Khi so sánh lợi ích giữa các phương án, người ra quyết định có thể chọn phương án mang lại giá trị cao nhất, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực.
  • Tăng cường quản lý nguồn lực: Hiểu rõ chi phí cơ hội giúp doanh nghiệp và cá nhân phân bổ nguồn lực (thời gian, tiền bạc, công sức) một cách hiệu quả hơn, tránh lãng phí vào các lựa chọn kém sinh lợi.
  • Đánh giá hiệu quả tài chính: Trong đầu tư, chi phí cơ hội giúp đánh giá lợi ích giữa các kênh đầu tư khác nhau, từ đó hỗ trợ nhà đầu tư tìm ra kênh tối ưu nhất, đồng thời giảm thiểu các khoản đầu tư không hiệu quả.
  • Cải thiện tư duy dài hạn: Chi phí cơ hội nhấn mạnh việc cân nhắc cả lợi ích hiện tại và tiềm năng trong tương lai, giúp cá nhân và doanh nghiệp đưa ra các quyết định bền vững thay vì chỉ theo đuổi lợi ích ngắn hạn.
  • Thúc đẩy tư duy kinh tế và chiến lược: Chi phí cơ hội yêu cầu người ra quyết định đánh giá toàn diện, cân nhắc cả những lựa chọn không trực tiếp hiển thị, từ đó xây dựng tư duy chiến lược để đạt lợi ích tối đa.

Tóm lại, chi phí cơ hội là công cụ giúp tối ưu hóa quyết định và nâng cao hiệu quả trong quản lý tài chính và nguồn lực, giúp cá nhân và doanh nghiệp đạt được các mục tiêu tài chính và phát triển bền vững hơn.

4. Đặc điểm của chi phí cơ hội

Chi phí cơ hội là lợi ích có thể có được từ một phương án nhưng lại bị bỏ qua do phương án đó không được chọn.  Chính vì thế, chi phí cơ hội có một số đặc điểm sau:

Hình 3: Đặc điểm nổi bật của chi phí cơ hội
  • Không phải chi phí đã phát sinh: Chi phí cơ hội chỉ liên quan đến các quyết định trong tương lai và phản ánh các chi phí chưa xảy ra. Nó dựa trên sự ước tính đáng tin cậy từ thông tin hiện có nhưng không phải là chi phí đã ghi nhận.
  • Không thể xác định chính xác: Chi phí cơ hội thường không thể định lượng chính xác, đặc biệt là những lợi ích phi tiền tệ như thời gian, công sức hay tiện ích:
    • Giá cả: Chi phí cơ hội thường xem xét giá cả, đặc biệt là khi thu nhập và chi tiêu đóng vai trò quan trọng trong quyết định.
    • Thời gian: Với doanh nghiệp và cá nhân, thời gian là nguồn tài nguyên hữu hạn, do đó chi phí cơ hội cũng bao gồm yếu tố này, ví dụ như việc dành thời gian nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài.
    • Nỗ lực: Các quyết định cũng đòi hỏi cân nhắc đến nỗ lực bỏ ra, như đi xa để có dịch vụ tốt hơn hoặc tốn thời gian tìm kiếm sản phẩm giá rẻ trên internet.
    • Tiện ích: Đây là lợi ích hay cảm giác hài lòng mà lựa chọn mang lại, tùy thuộc vào sở thích và khả năng tài chính của mỗi người.
  • Không hiển thị trên báo cáo tài chính: Do chỉ liên quan đến các quyết định trong tương lai và không phải chi phí phát sinh thực tế, chi phí cơ hội không được ghi nhận trên báo cáo tài chính.
  • Là cơ sở cho việc ra quyết định: Chi phí cơ hội đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định chiến lược của doanh nghiệp, giúp cân nhắc các phương án nhằm tối đa hóa giá trị lợi ích có thể đạt được.

Như vậy, chi phí cơ hội không chỉ giúp doanh nghiệp đánh giá lợi ích bị bỏ qua mà còn là công cụ hỗ trợ để đưa ra các quyết định tối ưu, cân bằng giữa chi phí và lợi ích dài hạn.

CTA

5. Phân loại chi phí cơ hội 

Chi phí cơ hội bao gồm toàn bộ các lợi ích bị bỏ qua bởi việc lựa chọn phương án này thay vì phương án khác. Chi phí này bao gồm chi phí cơ hội hiện hữu (Explicit Opportunity Cost) và chi phí cơ hội ẩn (Implicit Opportunity Cost). 

Chỉ tiêu Chi phí cơ hội hiện hữu Chi phí cơ hội ẩn
Khái niệm Là chi phí trực tiếp của một quyết định, được thể hiện dưới dạng thanh toán trực tiếp bằng tiền Là chi phí gián tiếp của một quyết định, bao gồm chi phí bỏ qua lựa chọn tốt nhất
Ý nghĩa Chi phí hiện hữu là khoản tiền doanh nghiệp trả để sử dụng các nguồn lực đầu vào (như lao động, tư bản) không thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Chi phí này có thể bao gồm tiền lương, tiền thuê nhà, nguyên vật liệu thô…

Vì vậy, khi xem xét chi phí cơ hội hiện, ta xem xét các chi phí biểu hiện dưới hình thức tiền tệ và kế toán cần ghi nhận nó như những khoản chi phí khác

Chi phí ẩn là chi phí biểu thị các khoản chi trả để có thể sử dụng các nguồn lực đầu vào thuộc sở hữu của chính doanh nghiệp. Chi phí ẩn biểu thị khi sử dụng nguồn lực của mình tức là doanh nghiệp đã hy sinh đi khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể kiếm được bằng cách cho thuê hay bán nguồn lực đó cho người khác. 
Ví dụ Ví dụ: Giả sử một doanh nghiệp thuê một nhân viên mới với mức lương 200 triệu VND mỗi năm. Khi sử dụng nhân viên đó, mỗi năm doanh nghiệp mất 200 triệu chi phí cơ hội hiện hữu. Ví dụ: Khi một doanh nghiệp sử dụng một lô đất thuộc sở hữu của mình làm nhà xưởng, doanh nghiệp mất cơ hội cho thuê lô đất đó. Vậy thu nhập từ cho thuê lô đất đó chính là chi phí cơ hội ẩn của việc xây nhà xưởng.

(*) Theo Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân – Nguyễn Văn Ngọc (2012)

Một ví dụ để thấy rõ sự khác biệt của hai chi phí trên như sau: 

Trong trường hợp doanh nghiệp sở hữu một lô đất như trên đề cập, giả sử, nếu xây dựng nhà kho, chi phí để xây dựng sẽ khoảng 5 tỷ, nhà kho sử dụng trong 8 năm. Tuy nhiên, nếu công ty cho thuê quyền sử dụng lô đất, thu từ cho thuê mỗi năm 600 triệu, đồng thời, chi phí để đi thuê một nhà kho khác để sử dụng sẽ vào khoảng 480 triệu/1 năm. Vậy trong trường hợp này, chi phí cơ hội của việc giữ đất để đầu tư xây dựng nhà kho gồm:

  • Chi phí cơ hội hiện chính là chi phí xây dựng nhà kho: 5 tỷ VND
  • Chi phí cơ hội ẩn chính là khoản thu nhập của việc cho thuê đất bị bỏ qua: 600 triệu x 8 = 4.8 tỷ VND

Tổng chi phí cơ hội của lựa chọn xây dựng nhà kho:

= Chi phí cơ hội hiện + Chi phí cơ hội ẩn

= 5 tỷ + 4.8 tỷ = 9.8 tỷ VND

Xem thêm: Các cách phân loại chi phí phục vụ quản trị, ra quyết định

6. So sánh chi phí cơ hội và các chi phí khác

6.1. Chi phí cơ hội và chi phí chìm

Chi phí cơ hội là một khái niệm giúp cho các nhà kinh tế và quản trị ra quyết định. Cơ sở cho khái niệm chi phí cơ hội là nguồn lực khan hiếm và có nhiều phương án sử dụng nguồn lực cạnh tranh. Chi phí cơ hội của nguồn lực là giá trị cao nhất được tạo ra bởi nguồn lực trong một phương án thay thế cạnh tranh.

Chi phí chìm là chi phí trong quá khứ nhưng không thể thu hồi được nên nó không ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Chi phí chìm là chi phí cho việc sử dụng nguồn lực mà người sử dụng nguồn lực đồng thời là người chủ. Vì người chủ và người sử dụng nguồn lực là một nên việc sử dụng nguồn lực này không làm phát sinh giao dịch bằng tiền và nó không được ghi chép trong sổ sách kế tóan.

Sự khác biệt giữa chi phí cơ hội và chi phí chìm được thể hiện ở bảng sau:

Tiêu chí Chi phí cơ hội Chi phí chìm
Khái niệm Là giá trị lợi ích bị bỏ qua khi lựa chọn một phương án này thay vì một phương án khác. Đây là chi phí liên quan đến tương lai, phản ánh lợi ích tiềm năng mà quyết định hiện tại có thể không đạt được. Là chi phí đã phát sinh và không thể thu hồi, bất kể quyết định hiện tại hay tương lai. Nó thường bao gồm các khoản chi tiêu đã được thực hiện trước đó, không ảnh hưởng đến các quyết định hiện tại
Thời điểm phát sinh Phát sinh trong tương lai, dựa trên các lựa chọn đang được xem xét và chưa xảy ra. Đã phát sinh trong quá khứ và không thể thay đổi hoặc thu hồi.
Ảnh hưởng đến quyết định Là công cụ quan trọng trong việc ra quyết định, giúp đánh giá lợi ích tiềm năng của các lựa chọn khác nhau và từ đó tối ưu hóa lựa chọn Khoản chi phí này được loại bỏ khi xem xét ra quyết định do đây là khoản chi phí trong quá khứ nhưng không thể thu hồi được
Phân loại Không phải là chi phí kế toán Là chi phí kế toán có thể được ghi nhận trên sổ sách ví dụ chi phí khấu hao máy móc thiết bị, chi phí thuê thiết bị sản xuất…
Ứng dụng Được vận dụng rất thường xuyên và rộng rãi trong đời sống kinh tế.Chi phí cơ hội được sử dụng như là căn cứ để so sánh với lợi ích thu được khi thực hiện các sự lựa chọn Chi phí chìm là khoản chi phí đã mất thì không lấy lại được. Các chi phí chìm mặc dù có thật, nhưng chúng không được đề cập đến mà cần phải loại ra khi tính toán hiệu quả kinh tế của những dự án trong tương lai

Có thể bạn quan tâm: Chi phí chìm là gì? Các góc nhìn về chi phí chìm trong kinh doanh

6.2. Chi phí cơ hội và rủi ro

Chi phí cơ hội và rủi ro đều đóng vai trò trong quá trình ra quyết định, nhưng mỗi loại có chức năng khác nhau: chi phí cơ hội hướng đến tối ưu hóa lợi ích, trong khi rủi ro nhấn mạnh việc phòng ngừa các sự cố không mong muốn. Cụ thể: 

  • Chi phí cơ hội: Giúp cá nhân hoặc doanh nghiệp so sánh các lợi ích của các phương án để chọn ra lựa chọn tối ưu nhất. Chi phí này thường mang tính xác định cao hơn, vì có thể dựa vào các lợi ích đã biết để ước tính.
  • Rủi ro: Là khả năng mất mát hoặc thiệt hại do các yếu tố không lường trước, làm tăng tính bất định trong các quyết định. Rủi ro cần được quản lý để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, trong khi chi phí cơ hội là cơ sở để đánh giá lợi ích tiềm năng.

7. Ứng dụng của chi phí cơ hội

7.1. Chi phí cơ hội trong kinh doanh đầu tư chứng khoán

Chi phí cơ hội đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư chứng khoán, giúp nhà đầu tư so sánh và tối ưu hóa lợi nhuận từ các lựa chọn khác nhau. Dưới đây là các ứng dụng chính:

  • So sánh lợi nhuận giữa các cổ phiếu: Giúp đánh giá xem lợi ích từ cổ phiếu A có đáng để bỏ qua lợi nhuận tiềm năng từ cổ phiếu B hay không.
  • Xác định thời điểm giao dịch: Giúp quyết định khi nào nên giữ hay bán cổ phiếu để tận dụng tối đa các cơ hội sinh lời khác.
  • Tối ưu hóa danh mục đầu tư: Chi phí cơ hội giúp phân bổ vốn vào các cổ phiếu tiềm năng nhất, tránh bỏ lỡ lợi nhuận từ các cổ phiếu có sức tăng trưởng cao.
  • Quyết định đầu tư dài hạn hay ngắn hạn: Giúp so sánh lợi ích từ việc nắm giữ dài hạn với các cơ hội sinh lời ngắn hạn.
  • So sánh với các hình thức đầu tư khác: Giúp nhà đầu tư đánh giá xem lợi nhuận từ chứng khoán có tốt hơn so với bất động sản, trái phiếu, hay gửi tiết kiệm.

7.2. Chi phí cơ hội trong cuộc sống

Chi phí cơ hội không chỉ quan trọng trong đầu tư mà còn giúp chúng ta đưa ra quyết định thông minh trong cuộc sống hàng ngày, cụ thể:

  • Quản lý thời gian: Mỗi quyết định về thời gian, như làm việc, học tập hay nghỉ ngơi, đều mang chi phí cơ hội. Lựa chọn dành thời gian học một kỹ năng mới có thể giúp gia tăng giá trị bản thân, nhưng có thể làm mất đi thời gian giải trí hoặc thư giãn.
  • Chi tiêu cá nhân: Khi mua sắm, chúng ta phải cân nhắc giữa các lựa chọn để tối ưu hóa ngân sách. Ví dụ, mua một món đồ cao cấp đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội mua nhiều món đồ khác với cùng số tiền.
  • Quyết định nghề nghiệp: Chi phí cơ hội cũng giúp chúng ta đánh giá lợi ích giữa các lựa chọn công việc khác nhau, cân nhắc giữa một công việc lương cao và một công việc có nhiều thời gian rảnh hoặc phát triển bản thân tốt hơn.

8. Một số câu hỏi thường gặp

Quy luật chi phí cơ hội tăng dần là gì?

Quy luật chi phí cơ hội tăng dần là nguyên tắc kinh tế cho thấy rằng, khi một nền kinh tế hoặc một cá nhân gia tăng sản xuất hoặc tập trung vào một loại hàng hóa, dịch vụ nào đó, thì chi phí cơ hội của việc sản xuất thêm đơn vị tiếp theo của hàng hóa này cũng tăng lên. Điều này xảy ra vì các nguồn lực có tính chất giới hạn và thường không hoàn toàn thích hợp để sản xuất tất cả các loại hàng hóa một cách hiệu quả như nhau.

Ví dụ: Giả sử một nông trại trồng cả lúa và rau. Khi tăng diện tích trồng lúa, nông trại cần lấy đất từ khu vực trồng rau, đất này không phải lúc nào cũng tốt cho lúa. Kết quả là chi phí cơ hội (sản lượng rau mất đi) tăng lên khi tăng diện tích trồng lúa.

Quy luật chi phí cơ hội tăng dần nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi nguồn lực không bao giờ hoàn hảo và sẽ dẫn đến sự gia tăng chi phí cơ hội khi các nguồn lực trở nên ít thích hợp hơn cho việc sản xuất hàng hóa bổ sung

Chi phí cơ hội của việc giữ tiền là gì?

Chi phí cơ hội của việc giữ tiền là lợi ích tài chính tiềm năng mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp bỏ lỡ khi quyết định giữ tiền mặt thay vì đầu tư số tiền đó vào các kênh sinh lời khác. Việc giữ tiền có thể tạo cảm giác an toàn, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là từ bỏ các cơ hội gia tăng giá trị tài sản.

Chi phí cơ hội là một công cụ hữu ích cho việc ra quyết định, tuy nhiên, công cụ này cũng có những nhược điểm dẫn đến không phải lúc nào cũng có thể sử dụng trong việc ra quyết định, nhất là khi việc ra quyết định không chỉ căn cứ vào chi phí. Vì vậy, muốn nắm bắt mọi cơ hội trong kinh doanh, trước hết doanh nghiệp cần hiểu rõ mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới là gì. Mục tiêu giống như la bàn giúp doanh nghiệp không lạc lối giữa quá nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, để sử dụng nó tốt cần biết được mức độ ưu tiên trong mục tiêu, kế hoạch kinh doanh để các lựa chọn được đưa ra đúng lúc và phù hợp nhất. Bên cạnh việc có mục tiêu rõ ràng, khi đứng trước các lựa chọn, chủ doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ mọi vấn đề từ mọi khía cạnh để có cái nhìn đầy đủ nhất về các lựa chọn, từ đó đưa ra đánh giá sáng suốt để có một lựa chọn đúng đắn.

Trên đây là những hiểu biết thông tin cơ bản về chi phí cơ hội. Qua bài viết này, MISA AMIS hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về cách tính, ý nghĩa của chi phí cơ hội cũng như vận dụng được những kiến thức này để ra những quyết định đúng đắn.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày  để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn. 


Tổng hợp: Đinh Thị Thảo

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 3.5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả