Nghiệp vụ Hạch toán Nguyên tắc kế toán và hạch toán kế toán trái phiếu chuyển...

Trái phiếu chuyển đổi được phát hành lần đầu tiên vào thế kỷ 19 tại Mỹ để huy động vốn xây dựng hệ thống đường sắt. Ngày nay, trái phiếu chuyển đổi có sẵn trên toàn thế giới với hơn 400 tỷ đô la đang lưu hành, là một tập con không thể thiếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung.  Bài viết sẽ giới thiệu tới bạn đọc tổng quan về trái phiếu chuyển đổi, nguyên tắc kế toán và hạch toán trái phiếu chuyển đổi tại doanh nghiệp, cùng ví dụ minh họa chi tiết. 

Mục lục Hiện

1. Những công cụ nợ chuyển đổi hiện có tại Việt Nam

Trong khi các công cụ nợ chuyển đổi trên thị trường quốc tế có thể được đa dạng hóa, trái phiếu chuyển đổi (CB – Convertible Bond)) và cho vay chuyển đổi (CL –  Convertible Loan) được sử dụng phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam. Các khoản vay/trái phiếu có thể trao đổi (có thể được trao đổi thành vốn chủ sở hữu của một công ty không phải là người vay/nhà phát hành trái phiếu) có thể được tìm thấy trong một số giao dịch mặc dù không quá phổ biến.

Trái phiếu chuyển đổi

Hiện tại, chỉ có CB được pháp luật quy định rõ ràng và do đó, có quy trình chuyển đổi theo luật định trực tiếp. CB có thể được tính bằng VND hoặc ngoại tệ. Tuy nhiên, trên thực tế, CB bằng ngoại tệ không thường được sử dụng, ngoại trừ các tổ chức hoặc ngân hàng thương mại lớn, vì nó được yêu cầu phải được phát hành tại thị trường nước ngoài và do đó, liên quan đến các điều kiện phức tạp và sự chấp thuận theo quy định từ cả cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.

Cho vay chuyển đổi

Không giống như CB, không có khung pháp lý cụ thể cho các CL tại Việt Nam. Trên thực tế, CL thường được cấu trúc như một khoản vay nước ngoài tuân theo các quy định chung về khoản vay nước ngoài vào Việt Nam hoặc là khoản vay chuyển đổi thường gặp khi các quỹ đầu tư đầu tư vào các startup với các thỏa thuận hợp đồng bổ sung về khả năng chuyển đổi và quyền quản lý. Do đó, quá trình chuyển đổi CL có thể phức tạp, như đã thảo luận ở trên.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của giao dịch và các mục tiêu chính của nhà đầu tư, mỗi loại công cụ chuyển đổi có thể phù hợp hơn loại kia. 

Bài viết cung cấp các khái niệm cơ bản, trình tự hạch toán và các vấn đề khác được quy định trong các văn bản pháp luật Việt Nam theo cách tiếp cận phù hợp nhất với các đối tượng là người làm tài chính kế toán doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các đối tượng khác có liên quan.

2. Trái phiếu chuyển đổi là gì?

Theo giải thích từ ngữ tại điểm 3 điều 4 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Theo wikipedia, có thể hiểu, trái phiếu là một loại chứng khoán chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể là mệnh giá của trái phiếu, trong một thời gian xác định và với một khoản lợi tức được quy định cụ thể. 

Người phát hành và người mua trái phiếu có thể là một trong các đối tượng được tổng hợp trong hình sau:

Hình 1: Người phát hành trái phiếu, người mua trái phiếu

Căn cứ theo thông tư 200, trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng một tổ chức phát hành theo các điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Cổ phiếu quỹ là gì? Những quy định pháp luật quan trọng liên quan đến giao dịch cổ phiếu quỹ cần nắm

3. Ý nghĩa của trái phiếu chuyển đổi và khung pháp lý tại Việt Nam

Từ phía công ty, cơ bản nhất, doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi thường được hưởng chi phí vay trái phiếu chuyển đổi với tỷ lệ lãi suất thấp hơn so với trái phiếu không chuyển đổi. 

Bên cạnh đó, việc phát hành thêm cổ phiếu hoặc vốn chủ sở hữu thêm vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm loãng quyền sở hữu của các nhà đầu tư hiện tại, từ đó, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu tư. Để tránh tình trạng này, doanh nghiệp lựa chọn phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi. Sau khi đáo hạn, người nắm giữ trái phiếu có thể lựa chọn chuyển đổi thành cổ phiếu vốn chủ sở hữu nếu tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của công ty hoạt động.

Về phía nhà đầu tư, trái phiếu chuyển đổi cũng có thể giúp các nhà đầu tư bảo vệ tiền gốc trong trường hợp doanh nghiệp vỡ nợ, đây là một sự đảm bảo phù hợp với nhà đầu tư không ưa thích mức độ rủi ro cao. Ngoài ra, các nhà đầu tư thường đặc biệt quan tâm tới phần giá trị gia tăng của trái phiếu chuyển đổi, chính là quyền chọn chuyển đổi trái phiếu. Các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nhận được cổ phiếu phổ thông với một mức chi phí hợp lý hơn so với phương án mua cổ phiếu thông thường thông qua thực hiện quyền chọn mua (không phải nghĩa vụ bắt buộc). 

Khi thị trường Việt Nam tiếp tục phát triển, các nhà đầu tư sẽ tìm cách áp dụng các cấu trúc đầu tư phức tạp hơn để đạt được các mục tiêu đầu tư và đảm bảo sự bảo vệ trong tình huống tình hình kinh tế đi xuống, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các vấn đề xung đột quốc tế trong thời gian qua vẫn còn tiếp diễn phức tạp.

Tại tháng 9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định chi tiết phương thức, quy trình chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nghị định mới giữ nguyên quy định cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi với kỳ hạn ngắn để cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cơ cấu lại nợ của đợt phát hành, đảm bảo có thể huy động vốn cho các dự án thường có thời hạn dài, phù hợp với thị trường vốn quy mô còn hạn chế tại Việt Nam. Ngoài ra, các quy định trong Nghị định 65 cũng nhằm loại bỏ các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, góp phần thanh lọc, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường.

Để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định về hồ sơ, phương án phát hành và chế độ công bố thông tin, báo cáo để tăng cường tính minh bạch của trái phiếu phát hành. Các quy định này giúp thanh lọc dần thị trường, loại bỏ các doanh nghiệp không đảm bảo tính tuân thủ, công bố thông tin chưa minh bạch hay có tình hình sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. 

Nghị định 65/2022/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp có tính tuân thủ cao, công bố thông tin minh bạch, đầy đủ và đặc biệt là các doanh nghiệp có tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh tốt, có phương án phát hành trái phiếu hiệu quả và các nhà đầu tư chuyên nghiệp đẩy mạnh hợp tác với tinh thần win-win và đem lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế. 

4. Nguyên tắc kế toán trái phiếu chuyển đổi

Doanh nghiệp phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi từng loại trái phiếu chuyển đổi, chi tiết theo từng loại kỳ hạn, lãi suất và mệnh giá.

4.1 Về chi phí phát hành

Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi được ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu. Chi phí phát hành này không được ghi nhận một lần vào Báo cáo kết quả kinh doanh của kỳ phát hành. Định kỳ, kế toán cần phân bổ chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi và ghi tăng giá trị nợ gốc và ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc vốn hóa phù hợp với việc ghi nhận lãi vay phải trả của trái phiếu. Chi phí phát hành được phân bổ theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp lãi suất thực tế với thời gian phân bổ phù hợp với kỳ hạn trái phiếu. 

Nếu chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ, ghi nhận theo đúng nguyên tắc kế toán nêu trên, đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. 

Trong công văn số: 64232/CT-TTHT ngày 19/09/2018, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng hướng dẫn cách hạch toán chi phí phát hành trái phiếu vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ tương tự như trên. 

4.2 Xác định giá trị cấu phần nợ, giá trị cấu phần vốn tại thời điểm ghi nhận ban đầu 

Tại thời điểm phát hành, doanh nghiệp phải tính toán và xác định riêng biệt giá trị cấu phần nợ (nợ gốc) và giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi. Phần nợ gốc được ghi nhận là nợ phải trả, cấu phần vốn (quyền chọn cổ phiếu) được ghi nhận là vốn chủ sở hữu.

Hình 2: 2 cấu phần của trái phiếu chuyển đổi

Việc xác định giá trị hai cấu phần của trái phiếu chuyển đổi được hướng dẫn tại Thông tư 200 như sau:

  • Xác định giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi bằng công thức sau:
Hình 3: Xác định giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi

Trong đó: để xác định giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai, doanh nghiệp thực hiện chiết khấu giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai theo lãi suất của trái phiếu tương tự trên thị trường nhưng không có quyền chuyển đổi:

Hình 4: Chiết khấu khoản thanh toán trong tương lai về giá trị hiện tại

Trường hợp không xác định được lãi suất của trái phiếu tương tự, để xác định giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai, doanh nghiệp sử dụng lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường (lãi suất đi vay được sử dụng trong phần lớn các giao dịch trên thị trường) tại thời điểm phát hành trái phiếu, đảm bảo phù hợp nhất với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước. 

  • Xác định giá trị cấu phần vốn (quyền chọn chuyển đổi trái phiếu) của trái phiếu chuyển đổi:
Hình 5: Xác định giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi

Bài viết cung cấp ví dụ minh họa về việc xác định giá trị hai cấu phần của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm ghi nhận ban đầu tại mục 5.

>> Xem thêm: Các công cụ huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán 

4.3 Điều chỉnh giá trị phần nợ gốc sau khi nhận ban đầu 

Định kỳ cuối mỗi kỳ kế toán, doanh nghiệp cần điều chỉnh ghi tăng giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi đối với:

– Khoản chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ định kỳ

– Phần chênh lệch giữa số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất của trái phiếu tương tự không có quyền chuyển đổi (hoặc lãi suất thực tế) cao hơn số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất danh nghĩa.

4.4 Ghi nhận kế toán khi trái phiếu chuyển đổi đáo hạn:

Khi trái phiếu chuyển đổi đáo hạn, giá trị quyền chọn cổ phiếu đang phản ánh trong phần vốn chủ sở hữu luôn được ghi nhận là thặng dư vốn cổ phần. 

Hình 6: Ghi nhận kế toán đối với giá trị quyền chọn cổ phiếu

Khi trái phiếu chuyển đổi đáo hạn, tùy thuộc vào việc người nắm giữ trái phiếu có thực hiện quyền chọn chuyển đổi hay không, kế toán ghi nhận cho phù hợp theo 2 trường hợp như dưới đây: 

Hình 7: Ghi nhận kế toán đối với phần nợ gốc

4.5 Gia hạn trái phiếu chuyển đổi:

Trường hợp tại thời điểm đáo hạn trái phiếu, doanh nghiệp và trái chủ thỏa thuận lại cùng thống nhất tiếp tục gia hạn trái phiếu chuyển đổi thêm N năm, thì trong N năm gia hạn đó, doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc:

  • Không ghi nhận thêm bất kỳ giá trị điều chỉnh tăng phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi do giá trị phần nợ gốc sau 3 năm đã bằng với mệnh giá trái phiếu chuyển đổi.
  • Thuyết minh về việc gia hạn trái phiếu chuyển đổi trong phần Thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của Thông tư 200 cho tới kỳ báo cáo mà trái phiếu chuyển đổi đáo hạn.

Nếu doanh nghiệp vẫn phải trả lãi trái phiếu cho N năm gia hạn thì cần hạch toán giao dịch phản ánh chi phí lãi trái phiếu phải trả trong từng kỳ như trái phiếu thường. 

Tại thời điểm trái phiếu chuyển đổi đáo hạn, doanh nghiệp hạch toán theo quy định tại Thông tư 200 như trình bày tại mục 4 nêu trên. 

Đây là nội dung được hướng dẫn bởi Bộ Tài chính trong mục Hỏi đáp trên website chính thức của Bộ Tài chính. 

5. Tài khoản phản ánh

Theo nguyên tắc kế toán quy định tại điểm 1.4.c điều 59 Thông tư 200, loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một lượng cổ phiếu không xác định tại ngày đáo hạn (số lượng cổ phiếu chuyển đối được phụ thuộc vào giá trị thị trường của cổ phiếu tại ngày đáo hạn) thì được kế toán như trái phiếu thường.

Đối với loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu xác định (được quy định rõ số lượng cổ phiếu được chuyển đổi trong phương án phát hành trái phiếu ban đầu) thì giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi được phản ánh trên tài khoản 3432 – Trái phiếu chuyển đổi. 

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 3432 như sau:

Bên Nợ

Bên Có

– Thanh toán nợ gốc trái phiếu tại thời điểm đáo hạn (trường hợp người nắm giữ trái phiếu không thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu)

– Kết chuyển nợ gốc trái phiếu để ghi tăng vốn chủ sở hữu (trường hợp người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu)

– Trị giá phần nợ gốc trái phiếu ghi nhận tại thời điểm phát hành

– Giá trị được điều chỉnh tăng phần nợ gốc trái phiếu trong kỳ

Số dư bên Có: Giá trị phần nợ gốc trái phiếu tại thời điểm báo cáo

Nghiệp vụ phản ánh cấu phần vốn (quyền chọn cổ phiếu) của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo tại bên phát hành trái phiếu chuyển đổi được phản ánh trên tài khoản 4113 – Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu. 

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 3432 như sau:

Bên Nợ

Bên Có

Kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu để ghi tăng thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm đáo hạn trái phiếu. Giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi ghi nhận tại thời điểm phát hành.
Số dư bên Có: Giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo.

6. Phương pháp ghi nhận các nghiệp vụ chủ yếu

Các nghiệp vụ chủ yếu liên quan tới trái phiếu chuyển đổi bao gồm:

Hình 8: Các nghiệp vụ kế toán phát sinh liên quan tới trái phiếu chuyển đổi

a) Khi phát hành trái phiếu, hạch toán:

Nợ các TK 111, 112 (tổng số thu từ phát hành trái phiếu chuyển đổi)

Có TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi (phần nợ gốc)

Có TK 4113 – Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu* 

* chênh lệch giữa số tiền thu được và nợ gốc trái phiếu chuyển đổi).

(Việc xác định giá trị phần nợ gốc được thực hiện theo nguyên tắc trình bày tại mục 2b)

b) Khi phát sinh chi phí phát hành trái phiếu, ghi:

Nợ TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi

Có các TK 111, 112, 338…

c) Định kỳ phân bổ chi phí phát hành trái phiếu vào chi phí, ghi:

Nợ các TK 635, 241, 627

Có TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi.

d) Định kỳ, điều chỉnh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi sau ghi nhận ban đầu như sau:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

Nợ các TK 241, 627 (nếu vốn hoá)

TK 335 – Chi phí phải trả

Có TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi**

* số lãi trái phiếu phải trả trong kỳ tính theo lãi suất danh nghĩa

** phần chênh lệch giữa số lãi trái phiếu tính theo lãi suất thực tế hoặc lãi suất trái phiếu tương đương không có quyền chuyển đổi cao hơn số lãi trái phiếu phải trả trong kỳ tính theo lãi suất danh nghĩa

d) Khi đáo hạn trái phiếu, trường hợp người nắm giữ trái phiếu không thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp hoàn trả gốc trái phiếu, ghi:

Nợ TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi

Có các TK 111, 112.

Đồng thời kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi vào thặng dư vốn cổ phần, ghi:

Nợ TK 4113 – Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu

Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần.

e) Khi đáo hạn trái phiếu, trường hợp người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi và ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu:

Nợ TK 3432 – Trái phiếu chuyển đổi

Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần*

* phần chênh lệch giữa giá trị cổ phiếu phát hành thêm tính theo mệnh giá và giá trị nợ gốc trái phiếu chuyển đổi

Đồng thời kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi vào thặng dư vốn cổ phần, ghi:

Nợ TK 4113 – Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu

Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần.

>> Xem thêm: Thặng dư vốn cổ phần là gì? Cách tính và quy định về surplus equity

7. Bài tập hạch toán trái phiếu chuyển đổi

Ngày 01/01/2022, Công ty cổ phần AZ phát hành 500.000 trái phiếu với thông tin về trái phiếu và thông tin liên quan như sau:

  • Trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá 10.000, kỳ hạn 3 năm, lãi suất danh nghĩa 10%/năm, trả lãi mỗi năm một lần vào thời điểm cuối năm. 
  • Lãi suất của trái phiếu tương tự không được chuyển đổi trên thị trường tại thời điểm phát hành trái phiếu: 15%/năm. 
  • Tại thời điểm đáo hạn, mỗi trái phiếu được chuyển đổi thành một cổ phiếu. 

Biết rằng trái phiếu được phát hành để huy động vốn cho hoạt động SXKD thông thường và bỏ qua chi phí phát hành trái phiếu.

Kế toán trái phiếu chuyển đổi và hạch toán các giao dịch liên quan như sau:

Chiết khấu dòng tiền thanh toán trong tương lai về hiện tại:

Kỳ hạn i

(i= 1, 2, 3)

Diễn giải Giá trị danh nghĩa khoản phải trả trong tương lai Tỷ lệ chiết khấu tính theo lãi suất 15%

(làm tròn tới 4 chữ số sau 

dấu phẩy)

Giá trị hiện tại 

khoản phải trả 

trong tương lai

FVi 1/(1+15%)i

PVi = FVi x 1/(1+15%)i

Năm 1 Lãi vay 

phải trả

500.000.000 0,8696  434.782.609
Năm 2 Lãi vay 

phải trả

500.000.000 0,7561  378.071.834
Năm 3 Lãi vay 

phải trả

500.000.000 0,6575  328.758.116
Năm 3 Gốc vay 

phải trả

5.000.000.000 0,6575  3.287.581.162
Tổng cộng 4.429.193.721

Trong ví dụ này:

  • Tổng số tiền thu từ phát hành trái phiếu là 5.000.000.000đ
  • Giá trị hiện tại của các khoản thanh toán trong tương lai bao gồm cả gốc và lãi trái phiếu là 4.429.193.721 đồng. Hay, giá trị của phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm ghi nhận ban đầu được ghi nhận là nợ phải trả từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi là 4.429.193.721 đồng.
  • Phần chênh lệch giữa tổng số tiền thu được và tổng giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai là 5.000.000.000 – 4.429.193.721 = 570.806.279 đồng là giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi và được ghi nhận là quyền chọn cổ phiếu thuộc phần vốn chủ sở hữu. 

Bút toán hạch toán:

Nợ TK 112: 5.000.000.000

Có TK 3432: 4.429.193.721 

Có TK 4113: 570.806.279

Lập bảng thanh toán lãi vay theo cam kết

Xác định số cần điều chỉnh chi phí lãi vay và phần nợ gốc sau ghi nhận ban đầu:

Kỳ hạn Giá trị phần nợ gốc đầu kỳ Chi phí tài chính ghi nhận trong kỳ Lãi vay phải trả theo lãi suất danh nghĩa Giá trị cần điều chỉnh tăng phần nợ gốc trong kỳ Giá trị phần nợ gốc cuối kỳ
(1) (2) = (1) x 15% (3) (4) = (2) – (3) (5)
Năm 1 4.429.193.721 664.379.058 500.000.000 164.379.058 4.593.572.779
Năm 2 4.593.572.779 689.035.917 500.000.000 189.035.917 4.782.608.696
Năm 3 4.782.608.696 717.391.304 500.000.000 217.391.304 5.000.000.000

Như vậy, giá trị phần nợ gốc tiếp tục tăng lên hàng năm do ghi nhận thêm phần chênh lệch giữa số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất của trái phiếu tương không có quyền chuyển đổi hoặc lãi suất thực tế cao hơn số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất danh nghĩa. Tại thời điểm trái phiếu đáo hạn (cuối năm thứ 3), giá trị phần nợ gốc cuối kỳ bằng mệnh giá của trái phiếu. 

Trong khi đó phần vốn chủ sở hữu của trái phiếu có thể chuyển đổi sẽ không thay đổi trong suốt vòng đời của trái phiếu.

Bút toán hạch toán 

Ghi nhận chi phí lãi vay trả định kỳ năm thứ i (i =1, 2, 3):

Nợ TK 635: 500.000.000

Có TK 335/112: 500.000.000

Định kỳ điều chỉnh chi phí lãi vay theo lãi suất 15% và điều chỉnh phần nợ gốc:

Năm 1:

Nợ TK 635: 164.379.058

Có TK 3432: 164.379.058

Năm 2:

Nợ TK 635: 189.035.917

Có TK 3432: 189.035.917

Năm 3:

Nợ TK 635: 217.391.304

Có TK 3432: 217.391.304

Khi đáo hạn:

Nếu trái chủ không thực hiện quyền chuyển đổi, doanh nghiệp hoàn trả gốc trái phiếu và chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu vào thặng dư vốn cổ phần:

Nợ TK 3432: 5.000.000.000

Có TK 112: 5.000.000.000

Nợ TK 4113: 570.806.279

Có TK 4112: 570.806.279

Nếu trái chủ thực hiện quyền chuyển đổi, doanh nghiệp ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tương ứng với số cổ phiếu phát hành thêm, đồng thời kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu vào thặng dư vốn cổ phần:

Nợ TK 3432: 5.000.000.000

Có TK 4111: 5.000.000.000 (= 500.000 cổ phiếu x 10.000)

Nợ TK 4113: 570.806.279

Có TK 4112: 570.806.279

Ở đây số lượng 500.000 cổ phiếu mà chủ sở hữu trái phiếu nhận được từ việc chuyển đổi trái phiếu được quy đổi giá trị tương ứng với mệnh giá quy định hiện tại là 10.000 đồng/cổ phần. Trong trường hợp khác, giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi lớn hơn giá trị cổ phiếu phát hành thêm thì phần chênh lệch được ghi nhận là khoản thặng dư vốn cổ phần.

Bài viết đã đem tới bạn đọc bức tranh toàn diện về bản chất, ý nghĩa của trái phiếu chuyển đổi, trình tự hạch toán và các vấn đề được quy định trong các văn bản pháp luật Việt Nam. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp người làm tài chính kế toán doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thêm nhiều thông tin bổ ích. 

Để giúp kế toán đơn giản và chính xác hơn trong các nghiệp vụ hạch toán các tài khoản, việc sử dụng các công cụ quản lý tự động được xem là giải pháp hiệu quả hiện nay. Hiện nay, nhiều phần mềm kế toán thông minh với các tính năng tiên tiến như phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể giúp ích nhiều cho kế toán trong quá trình thực hiện hạch toán các bút toán. Phần mềm AMIS Kế toán có tính năng tự động hạch toán từ hoá đơn, bảng excel giúp kế toán không cần nhập liệu thủ công, vừa giảm thiểu sai sót vừa nâng cao năng suất kế toán.

Phần mềm online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán doanh nghiệp:

  • Hệ sinh thái kết nối: ngân hàng điện tử; Cơ quan Thuế; hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: giúp doanh nghiệp dễ dàng trong các nghĩa vụ thuế, hoạt động trơn tru, vận hành nhanh chóng
  • Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
  • Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • ….

Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn.

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tổng hợp: Nguyễn Chí Kiên

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]