Xử lý kế toán, thuế khi chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp

14/10/2022
698

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Do đó, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp có thể là một giải pháp giúp tăng khả năng thu hút vốn để cải tổ lại doanh nghiệp, đồng thời cũng là cách thức giải quyết tình trạng thành viên góp vốn đã đăng ký nhưng không thể góp vốn vào doanh nghiệp. 

Theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp còn được gọi là chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Đây là một trong 5 hình thức nhằm mục đích tổ chức lại doanh nghiệp, bên cạnh các hình thức khác như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Do mỗi loại hình doanh nghiệp đều có đặc điểm, cũng như có ưu nhược điểm khác nhau,  nên việc chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp dựa trên quy mô doanh nghiệp và mục tiêu, chiến lược phát triển của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. 

Một trong những ví dụ điển hình cho chuyển đổi hình thức sở hữu của doanh nghiệp phải kể đến các đế chế công ty gia đình khủng ở Việt Nam. Tập đoàn Thành Thành Công tiền thân là cơ sở sản xuất cồn Thành Thành Công thành lập năm 1979, nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cơ sở sản xuất này đã chuyển thành Công ty TNHH SX – TM Thành Thành Công vào năm 1998. Đến năm 2007 với mục đích phát triển và trong xu hướng chung của nền kinh tế, Công ty TNHH SX- TM Thành Thành Công chuyển đổi thành Công ty Cổ phần SX-TM Thành Thành Công. 

1. Các loại hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Pháp luật hiện hành (Luật Doanh nghiệp 2020) có quy định các loại hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gồm: 

  • Chuyển đổi từ Công ty TNHH sang Công ty Cổ phần
  • Chuyển đổi từ Công ty Cổ phần sang Công ty TNHH một thành viên
  • Chuyển đổi từ Công ty Cổ phần sang Công ty TNHH hai thành viên trở lên
  • Chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang Công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh. 

Các điều kiện, quy trình và thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 202, 203, 204 và 205/ Chương IX – Luật Doanh nghiệp 2020. 

2. Xử lý kế toán liên quan tới chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp

Bộ phận kế toán trong một doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức doanh nghiệp cần thực hiện khá nhiều việc từ khi có chủ trương từ Ban lãnh đạo, đến giai đoạn trước chuyển đổi và thời điểm sau chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. 

Về các thủ tục thực hiện và hạch toán:

Điều 47 của Luật kế toán năm 2015, có quy định về “Công việc kế toán trong trường hợp chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu” như sau: 

”1. Đơn vị kế toán được chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu phải thực hiện các công việc sau đây:

a) Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

b) Bàn giao toàn bộ tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

c) Bàn giao toàn bộ tài liệu kế toán cho đơn vị kế toán sau chuyển đổi.

Đơn vị kế toán sau chuyển đổi căn cứ vào biên bản bàn giao mở sổ kế toán và ghi sổ kế toán theo quy định của Luật này”

Lưu ý: 

  • Mục a khoản 1 là công việc của đơn vị kế toán trước chuyển đổi. 
  • Sau quá trình kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán có thể phát sinh những khoản chênh lệch giữa thực tế và sổ sách. Kế toán cần lập bảng kê danh mục các khoản chênh lệch giữa số lượng thực tế có được do kiểm kê tài sản với số liệu trên sổ sách kế toán và chênh lệch công nợ phát sinh khi đối chiếu với khách hàng và nhà cung cấp. Từ đó, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các khoản chênh lệch này. Việc xử lý chênh lệch được thực hiện và ghi nhận điều chỉnh dựa trên các nguyên nhân phát sinh chênh lệch. Nếu nguyên nhân chênh lệch không thể xác định, kế toán điều chỉnh trực tiếp trên tài khoản 711 – Thu nhập khác và tài khoản 811 – Chi phí khác

Ví dụ, sau thủ tục kiểm kê nguyên vật liệu phát hiện có sự chênh lệch giữa kiểm kê thực tế và sổ sách kế toán. Căn cứ vào Biên bản kiểm kê, Biên bản xử lý chênh lệch phát sinh do kiểm kê hoặc Quyết định xử lý khoản chênh lệch không rõ nguyên nhân từ bộ phận có thẩm quyền, kế toán ghi: 

Nợ TK 152,153…

Có TK 711: Chênh lệch kiểm kê lớn hơn sổ sách.

Nợ TK 811

Có TK 152, 153…: Chênh lệch kiểm kê nhỏ hơn sổ sách.

Trường hợp kế toán sử dụng tài khoản 138(1) và 338(1) để tạm thời ghi nhận các khoản chênh lệch phát sinh do kiểm kê chưa rõ nguyên nhân thì việc hạch toán bút toán điều chỉnh được thực hiện trên 2 tài khoản này. 

>> Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch vĩnh viễn trên quyết toán thuế TNDN

  • Hoặc trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) nếu được phép tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi,  dựa trên số liệu đánh giá lại kế toán ghi: 

Nợ các tài khoản liên quan

Có TK 711 – Thu nhập khác: Giá trị tài sản được đánh giá tăng

Nợ TK 811 – Chi phí khác

Có các tài khoản liên quan: Giá trị tài sản được đánh giá giảm

Hình 1: Xử lý kế toán liên quan tới chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp – nguồn: Internet

Về lập và trình bày Báo cáo tài chính:

Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp được quy định tại Điều 104 của Thông tư 200/2014/TT-BTC (thông tư về việc hướng dẫn chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp), cũng như quy định tại Điều 76 Thông tư 133/2016/TT-BTC (hướng dẫn chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ), như sau: 

Khi chuyển đổi hình thức sở hữu, doanh nghiệp phải tiến hành khoá sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Trong kỳ kế toán đầu tiên sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải ghi sổ kế toán và trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:

  1. Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: 

Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp cũ được ghi nhận là số dư đầu kỳ trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới. 

  1. Đối với Bảng Cân đối kế toán

Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp cũ trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của doanh nghiệp mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.

  1. Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”. Cột “Kỳ trước” trình bày số liệu luỹ kế kể từ đầu năm báo cáo đến thời điểm chuyển đổi hình thức sở hữu.

Ngoài ra, đối với bản thuyết minh báo cáo tài chính, doanh nghiệp cũng lưu ý khi trình bày báo cáo tài chính kỳ đầu tiên sau chuyển đổi tại một số nội dung, như: 

  • Hình thức sở hữu vốn: 

Do đã có sự thay đổi trong hình thức sở hữu vốn sau thời điểm chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, khi thuyết minh nội dung này kế toán cần thuyết minh chi tiết sự thay đổi hình thức sở hữu vốn của doanh nghiệp tại mục này trong “Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp”

  • Tuyên bố về khả năng so sánh thông tin trên Báo cáo tài chính: 

Điều 104 hướng dẫn đối với Cột “kỳ trước” trên Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần trình bày số liệu lũy kế từ đầu năm báo cáo đến thời điểm chuyển đổi hình thức sở hữu. 

Ví dụ thời điểm Công ty thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp là ngày 30/6/N, thì cột số liệu năm đầu tiên sau chuyển đổi sẽ là kết quả kinh doanh hoặc dòng lưu chuyển tiền tệ từ ngày 01/7/N đến thời điểm kết thúc năm tài chính. Cột “kỳ trước” sẽ là kết quả kinh doanh hoặc dòng lưu chuyển tiền tệ từ ngày đầu năm tài chính đến ngày 30/6/N. 

Với ví dụ này, có thể thấy 2 cột số liệu trên không có khả năng so sánh với nhau do không tương đồng về khung thời gian. Vì vậy kế toán cần trình bày thông tin này sẽ không có khả năng so sánh và nguyên nhân dẫn đến không có khả năng so sánh  do việc chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp tại ngày 30/6/N. 

  • Kỳ kế toán năm: 

Đối với kỳ kế toán năm trên Báo cáo năm đầu tiên sau thời điểm chuyển đổi doanh nghiệp có thể sẽ không tương đồng với một kỳ kế toán năm thông thường của doanh nghiệp. Do đó cần thuyết minh rõ kỳ kế toán của Báo cáo đang trình bày và kỳ kế toán thông thường sau kỳ báo cáo đầu tiên. 

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách lập thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư 200/2014/TT-BTC

  • Nguyên tắc ghi nhận vốn chủ sở hữu: 

Kế toán lưu ý do mỗi hình thức sở hữu có nguyên tắc theo dõi vốn chủ sở hữu, phân phối và sử dụng lợi nhuận khác nhau. Vì vậy cần trình bày nội dung này đúng với loại hình sau chuyển đổi và nguyên tắc ghi nhận được quy định trong điều lệ hoặc quy chế tài chính của Công ty sau chuyển đổi hình thức sở hữu.

  • Vốn chủ sở hữu: 

Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau sẽ có hình thức sở hữu vốn khác nhau. Do vậy, khi trình bày thuyết minh về nội dung này cũng cần lưu ý thay đổi và bổ sung các thông tin tương ứng liên quan đến hình thức sở hữu doanh nghiệp sau chuyển đổi. Đặc biệt kế toán viên lưu ý khi doanh nghiệp mình chuyển đổi sang hình thức Công ty cổ phần, báo cáo tài chính cần thuyết minh nhiều nội dung vốn liên quan đến hình thức sở hữu này.

3. Một số lưu ý trong xử lý thuế khi thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

  • Mã số thuế của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi loại hình được giữ nguyên
  • Hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao gồm:

+ Tờ khai quyết toán thuế.

+ Báo cáo tài chính đến thời điểm chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm.

  • Doanh nghiệp được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành nộp thuế trước khi chuyển đổi, trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. 
  • Thuế thu nhập cá nhân: 

+ Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn giữa các cá nhân thì kế toán thực hiện kê khai thuế TNCN và nộp thuế (nếu có) từ hoạt động chuyển nhượng vốn này.

+ Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có).

Trên đây là một số nguyên tắc và lưu ý dành cho kế toán khi doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sở hữu. Kế toán nên dựa trên giấy chứng nhận kinh doanh chuyển đổi, điều lệ hoạt động, và các chính sách tài chính mới sau khi doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sở hữu để thuyết minh chính xác nội dung phù hợp với loại hình doanh nghiệp sau chuyển đổi.  

Hiện nay, kế toán doanh nghiệp đã có sự hỗ trợ của các phần mềm trong việc thực hiện các nghiệp vụ kế toán bao gồm cả tổng hợp và lên báo cáo tài chính. Một trong số các phần mềm được nhiều kế toán tin tưởng sử dụng phải kể đến – phần mềm kế toán online MISA AMIS – giải pháp tài chính thông minh hỗ trợ nhiều cho kế toán doanh nghiệp nói riêng và chủ doanh nghiệp nói chung. Phần mềm AMIS Kế Toán hỗ trợ tự động hóa việc lập báo cáo: 

  • Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác. 
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Giám đốc có thể xem báo cáo trên mọi thiết bị, bao gồm điện thoại, máy tính, máy tính bảng.
  • Cảnh báo thông minh: Tự động cảnh báo khi phát hiện có sai sót.
  • …..
>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Tác giả: Phạm Thị Thu Hường

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả