Tamara Mellon không những đẹp, mà còn là người phụ nữ có đầu óc gây dựng chiến lược kinh doanh phi thường. Nhờ cá tính mạnh mẽ, sự tự tin và tính quyết đoán của mình, Tamara Mellon đã hai lần gây dựng thành công đế chế thời trang theo cách đến nam giới cũng phải kiêng nể.
Tamara Mellon là ai?
Tamara Mellon sinh năm 1967, là một nhà thiết kế thời trang, và đồng thời cũng là doanh nhân đến từ London, Anh. Đến năm 1976, gia đình cô chuyển đến Berverly Hills. Cô theo học tại hai ngôi trường dành riêng cho nữ giới ở Berkshire – Brigidine Covent và trường Heathfield St Mary’s trước khi hoàn tất việc học ở Thụy sĩ tại học viện Alpin Videmanette.
Mellon bắt đầu sự nghiệp của mình tại Phyllis Walters Public Relation, Mirabella và sau đó là biên tập viên mảng phụ kiện cho tạp chí Vouge Anh năm 1990. Sau này, Tamara Mellon hợp tác cùng Jimmy Choo sáng lập nên thương hiệu giày dép thiết kế cao cấp Jimmy Choo.
Sau khi rời bỏ chiếc ghế chủ tịch ở Jimmy Choo, Tamara Mellon phát triển thương hiệu thời trang cao cấp mang tên mình, chính thức thử thách bản thân từ một nhà thiết kế phụ kiện, trang sức thành thiết kế thời trang đẳng cấp. Lần thứ hai, làng thời trang lại bị xáo trộn vì những chiến lược kinh doanh của cô hoàn toàn đập tan những quy tắc kinh doanh lâu đời trong ngành công nghiệp xa hoa này.
Với khối tài sản 99 triệu bảng Anh, Tamara Mellon xuất hiện trong danh sách những người giàu có nhất ở vương quốc Anh với vị trí 751 của tờ Sunday Times (năm 2007). Cô cũng được xếp hạng là phụ nữ giàu thứ 64 vương quốc Anh. Năm 2010, Mellon vinh dự trở thành Offer of the British Empire (OBE – Cán bộ xuất sắc do Hoàng gia Anh trao tặng) cho những đóng góp trong ngành thời trang.
6 chiến lược kinh doanh làm nên thành công của Tamara Mellon
Ngay khi nhận được sự hậu thuẫn từ cha đẻ của mình, Tamara Mellon đã mở nhà máy của Jimmy Choo đầu tiên ở Ý cũng như 1 văn phòng để xử lý, kiểm soát chất lượng cùng quá trình vận chuyển.
Ngay cả sau này khi rời ghế Chủ tịch của Jimmy Choo mà xây dựng nên thương hiệu riêng mang tên mình, Tamara Mellon vẫn khiến giới mộ điệu thời trang điên đảo với các sản phẩm vừa hợp thời trang vừa hợp túi tiền, còn giới kinh doanh phải nghiêng mình kính nể các chiến lược kinh doanh của cô.
Chiến lược kinh doanh thứ 1: Bán sản phẩm đúng mùa
Trong khi đa phần các thương hiệu đều phát hành một bộ sưu tập lớn mỗi mùa (BST Xuân Hè 2015, sẽ được trình diễn trên sàn catwalk vào tháng 10/2014; còn BST Thu Đông 2014-2015 thì được trình diễn vào tháng 3/2014) thì Tamara Mellon tìm ra lối đi riêng cho mình bằng cách phát hành sản phẩm hàng tháng. Là phụ nữ, cô nhận ra, không một phụ nữ nào muốn nhìn thấy quần áo mùa thu trên sàn catwalk vào tháng 2 nhưng phải đợi đến tháng 8 để mua, và phải đợi tiếp đến khi trời lạnh để được diện chúng.
Tamara Mellon cho biết slogan của thương hiệu Tamara Mellon rất đơn giản là “Buy now, wear now”. Khách hàng đến với Tamara Mellon sẽ luôn được phục vụ các sản phẩm thời thượng nhất theo mùa. Cô đã hình dung ra một thương hiệu có thể phát triển nhanh như internet, cắt giảm lịch trình sản xuất và cung cấp sản phẩm phù hợp theo mùa cho người tiêu dùng mỗi tháng. Cô sẽ mua chúng vào thứ tư và mặc nó vào thứ bảy.
Chiến lược kinh doanh thứ 2: Chấp nhận mức lợi nhuận thấp để giảm giá bán
Để làm được điều này, Tamara Mellon sẵn sàng nhận mức lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng nhưng đổi lại, thương hiệu của cô sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn và phục vụ được nhiều “thượng đế” hơn. Bởi suy cho cùng, cho dù những tín đồ thời trang có yêu thích sản phẩm cao cấp đến nhường nào thì họ vẫn e dè khi bỏ ra vài ngàn đô cho một cái váy hay một cái quần.
Đi ngược lại tôn chỉ của các hãng thời trang cao cấp khác, Tamara quyết định vẫn sẽ sản xuất những sản phẩm cao cấp và chất lượng nhất nhưng với mức giá của một nhà thiết kế mới vào nghề. Thay vì một chiếc áo blazer $2.000 thì ở cửa hàng của cô, khách hàng chỉ phải trả tầm $800.
Chiến lược kinh doanh thứ 3: Cá nhân hóa sản phẩm
Cá nhân hóa sản phẩm, cá nhân hóa thông điệp marketing là xu hướng trong vài năm trở lại đây, nhưng từ những ngày đầu mới thành lập thương hiệu Tamara Mellon, cô đã áp dụng nhuần nhuyễn chiến lược này vào kinh doanh và gia tăng doanh thu cho công ty. Bởi theo tờ Harvard Business Review, khi dùng đúng nội dung được cá nhân hoá, doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả marketing lên 15% và tiết kiệm được 30% ngân sách.
Ví dụ điển hình có thể kể đến là bộ sư tập giày mang tên “Sự trả thù ngọt ngào” (đôi boot da cá tính được thiết kế như quần legging) được ra đời dựa trên “chủ nghĩa cá nhân” đã mang lại thành công rực rỡ cho thương hiệu mới của cô. Và mỗi bộ sưu tập của cô đều mang một cái tên riêng và rất khơi gợi ví dụ như “Addiction” (“Mê đắm”) chẳng hạn. Cái tên này làm hình ảnh đôi giày cứ mãi lẩn quẩn trong đầu bạn. Điều đó khiến bạn phải sở hữu nó cho bằng được.
Chiến lược kinh doanh thứ 4: Phát triển thương mại điện tử (E-commerce)
Nếu các nhãn hàng khác thường không chú trọng lắm vào doanh thu từ việc bán hàng qua mạng thì Tamara lại rất xem trọng các kênh bán hàng qua mạng. Cô cho rằng với tốc độ phát triển của công nghệ thì khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới sẽ thấy dễ dàng với việc ngồi nhà shopping.
Chính Tamara đã chia sẻ rằng cô muốn tìm kiếm một người đồng hành với mình có kinh nghiệm về công nghệ và thương mại điện tư. Lúc này, các nhà đầu tư đã đề xuất cái tên Jill Layfield – người có 12 năm kinh nghiệm làm việc tại hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ Backcountry Corporation. Layfield đã ký hợp đồng làm việc cho Tamara Mellon với tư cách là người đồng sáng lập và giữ chức vụ Giám đốc điều hành của công ty.
Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, thương hiệu Tamara Mellon dần dần cán mốc doanh thu từ việc bán hàng qua mạng chiếm 50% như đúng kỳ vọng của người sáng lập cùng tên.
>> Xem Thêm: Văn phòng điện tử – Giải pháp văn phòng số thông minh cho doanh nghiệp
Chiến lược kinh doanh thứ 5: Quan tâm đến khách hàng
Không giống các thương hiệu khác chỉ hô hào khẩu hiệu quan tâm khách hàng mà Tamara Mellon thực sự biến lời nói thành hành động thông qua các chiến lược nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng của mình.
Đầu tiên, Tamara Mellon tạo ra một không gian mang tên “Crazy” cho phép nhân viên được thỏa sức đưa ra các ý tưởng của mình, cho dù đó là ý tưởng điên rồ nhất để phục vụ khách hàng tốt hơn. Một nhân viên nào đó đã đề nghị cho phép khách hàng trả lại giày bất cứ khi nào họ muốn, không giới hạn thời gian và khi chúng tôi triển khai nó, các khách hàng đều rất hài lòng.
Các thí nghiệm cho đến nay đã thu được kết quả tích cực từ chính các khách hàng và các phương tiện truyền thông. Khách hàng của Tamara Mellon có thói quen lướt trang xã hội của hãng mỗi buổi sáng để tìm đọc những lời khích lệ hay đơn giản là ngắm những mẫu giày yêu thích của mình để bắt đầu ngày mới tràn đầy năng lượng.
Chiến lược kinh doanh thứ 6: Thực sự làm chủ công ty
Trong quyển sách “In My Shoes” của Tamara Mellon, cô đã kể lại những kinh nghiệm và câu chuyện đời mình khi hoại động trong lĩnh vực kinh doanh thời trang. Và cô đã chia sẻ rằng“51% là con số thần kỳ để sự kiểm soát không bao giờ tuột khỏi tầm tay của bạn”.
Cô nhận định rằng: “Khi bạn không còn nắm giữ từng đó cổ phần, cảm giác làm khách trong chính công ty của mình là không tránh khỏi. Mọi người có thể tỏ ra thiếu tôn trọng với những gì bạn đang cống hiến chỉ để tăng thêm lợi nhuận. Và lúc đó bạn chỉ biết đứng nhìn mà không làm gì được. Đây là bài học sống còn mà tôi đã học được”.
Ngành công nghiệp thời trang rất tàn khốc nhưng Tamara Mellon đã làm nên những điều kỳ diệu từ chính môi trường khắc nghiệt nhất.
Anh/ chị vui lòng để lại email nếu muốn nhận thêm các thông tin về kiến thức quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trên Thế giới và tại Việt Nam!